tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 27-06-2018

  • Cập nhật : 27/06/2018

Mỹ muốn siết đầu tư từ Trung Quốc để bảo vệ an ninh quốc gia

Nhà Trắng sẽ sử dụng một trong số công cụ luật pháp quan trọng nhất để tuyên bố rằng đầu tư của Trung Quốc vào doanh nghiệp Mỹ trong những lĩnh vực nhạy cảm và tiềm ẩn rủi ro về an ninh kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ.

anh: boston globe

Ảnh: Boston Globe

Bộ Tài chính Mỹ có kế hoạch sẽ tăng cường kiểm soát đầu tư từ Trung Quốc trong nhiều ngành nhạy cảm của Mỹ theo một điều luật khẩn cấp. Như vậy có thể thấy cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày một căng thẳng hơn và trở thành xu thế không thể đảo ngược.

Theo kế hoạch mới nhất, Nhà Trắng sẽ sử dụng một trong số công cụ luật pháp quan trọng nhất để tuyên bố rằng đầu tư của Trung Quốc vào doanh nghiệp Mỹ trong những lĩnh vực như phương tiện công nghệ mới, robot và hàng không tiềm ẩn rủi ro về an ninh kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ, theo nguồn tin từ 8 người thân cận với vụ việc. 

Trong báo cáo dự kiến công bố ngày 29/6/2018, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sẽ đề xuất về một ủy ban chính phủ có tên Ủy ban đầu tư nước ngoài vào Mỹ (CIFUS). Phát ngôn viên Bộ Tài chính Mỹ đến hiện tại từ chối bình luận về thông tin này.

Theo một đề xuất, CIFUS sẽ xem xét đầu tư nước ngoài vào Mỹ, đặc biệt đầu tư từ Trung Quốc. 

“Rõ ràng rằng chính sách của Tổng thống Trump không chỉ đơn thuần để giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại. Rủi ro an ninh có thể được áp dụng với tất cả các mặt trong mối quan hệ song phương, đặc biệt để hạn chế đầu tư”, theo khẳng định của ông Raymong Yeung, trưởng bộ phận nghiên cứu về châu Á của ngân hàng ANZ tại Hồng Kông.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã chuẩn bị cho kế hoạch hạn chế đầu tư Trung Quốc từ tháng 12/2017 dù ông ủng hộ cách làm bớt quyết liệt hơn. Cuối cùng, ông đã bị thuyết phục bởi nhiều thành viên khác trong Nội các và Tổng thống Mỹ để chấp nhận việc sử dụng những công cụ cứng rắn nhằm giải quyết vấn đề rủi ro an ninh quốc gia tăng dần từ hoạt động đầu tư của Trung Quốc.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ giữ im lặng trong những tuần gần đây. Những người quen của Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết ông đã thua trong cuộc chiến nội bộ về hướng giải quyết tranh chấp thương mại với Bắc Kinh, ông thể hiện quan điểm không tán thành với Tổng thống Mỹ bằng sự im lặng. 

Nhiều quan chức chính quyền Mỹ lo ngại rằng việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp về an ninh kinh tế quốc gia sẽ khiến cho thị trường chứng khoán đi xuống hoặc gây hại đến những công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc.

Ngày Chủ Nhật, báo Bưu điện Hoa Nam buổi Sáng đưa tin rằng Trung Quốc không hề có kế hoạch tấn công đến các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại tăng cao, thế nhưng nếu Nhà Trắng tiếp tục đưa ra các biện pháp mới, quan điểm chính sách trên có thể thay đổi. (Bizlive)
---------------------

Chính phủ, ngành ô tô Nhật “điên đầu” với cú sốc 21 tỷ USD từ Tổng thống Trump

 Hoạt động sản xuất của các hãng xe đều đã tính toán đến nhiều điều kiện như thuế, tỷ giá và môi trường việc làm, chính vì vậy sẽ rất khó để các hãng thay đổi hoạt động này quá nhiều. 

Việc Tổng thống Trump đề cập kế hoạch đánh thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu khiến cho chính phủ và các hãng xe Nhật phải cố gắng tìm kiếm cách né được cú sốc 21 tỷ USD, không hề dễ dàng để chuyển được mạng lưới sản xuất vốn đã được toàn cầu hóa ở mức độ cao sang Mỹ.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ, ông Wilbur Ross, có kế hoạch sẽ hoàn tất khảo sát nghiên cứu về các chính sách thuế trước thời điểm tháng 8/2018, theo truyền thông Mỹ đưa tin. Việc đơn phương tăng thuế sẽ vi phạm các quy định thương mại toàn cầu và gây hại đến kinh tế Mỹ. Hiện còn chưa rõ biện pháp đe dọa của Tổng thống Trump có có đem lại lợi ích gì hay không. 

Năm 2017, doanh số bán xe ô tô tại Mỹ đạt tổng 17,3 triệu chiếc. Trong đó, các hãng xe Nhật chiếm được khoảng 40% thị phần. Các hãng xe bao gồm Toyota, Nissan, Honda, Mazda, Subaru và Mitsubishi bán được tất cả khoảng 6,7 triệu chiếc xe. Tính trong tổng số trên, khoảng một nửa, tức là 3,45 triệu chiếc, được sản xuất tại Mỹ.

Khoảng 30%, tức khoảng 1,77 triệu chiếc xe, được xuất khẩu từ Nhật, còn 1,55 triệu chiếc còn lại được bán tại Mỹ sau khi được nhập khẩu từ một số nước khác ví như Mexico, Canada, châu Âu và châu Á. Việc chuyển hoạt động sản xuất số lượng xe không hề nhỏ được nói đến ở trên sang Mỹ chắc chắn không hề rẻ và dễ dàng.

Tính trong tổng số khoảng 1,59 triệu chiếc xe Nissan được bán tại Mỹ trong năm tài khóa 2017, khoảng 780 nghìn chiếc được xuất khẩu từ Nhật, Mexico, Hàn Quốc và một số nơi khác. Nếu xét trên phương diện địa lý, người ta có thể tính đến chuyển sản xuất xe từ Mexico sang Mỹ. Thế nhưng làm như vậy sẽ khó nếu suy nghĩ một cách tổng thể về thời gian, chi phí và chất lượng, theo một quản lý của Nissan.

Nissan bắt đầu vào Mexico từ thập niên 1960, từ đó đến nay, hãng đã cố gắng không ngừng để nâng cao tay nghề của người lao động ở đây. Chi phí lao động tại Mexico cũng thấp hơn nhiều so với Mỹ. Nissan và đối tác Renault đều cho rằng các nhà máy ở Mexico mang đến lựa chọn tốt nhất về năng suất và chất lượng - những lợi thế này sẽ mất đi nếu chuyển hoạt động sản xuất vượt qua biên giới phía Bắc của Mexico.  

Về phía Toyota, hãng đã bán 2,47 triệu chiếc xe tại Mỹ trong năm tài khóa 2017, 700 nghìn chiếc được xuất từ Nhật, 600 nghìn chiếc khác được bán từ nhiều nước khác như Canada và Mexico. Hãng sản xuất 3,2 triệu chiếc xe tại Nhật, trong đó có bao gồm cả xe được bán sang Mỹ.

Toyota khẳng định sẽ không thay đổi quan điểm duy trì sản xuất ô tô tại Nhật trong ngưỡng khoảng 3 triệu chiếc với mục tiêu bảo vệ việc làm cho người Nhật chứ không phải vì lợi nhuận hay năng suất. 

Đã nhiều thập kỷ qua, ngành ô tô Nhật đã phản ứng với các cuộc khủng hoảng, ví như căng thẳng với Mỹ về vấn đề xuất khẩu ô tô vào thập niên 1970 hay thỏa thuận Plaza năm 1985, bằng cách mở rộng hệ thống sản xuất ô tô ra nhiều nước hơn nữa. Những hoạt động sản xuất của các hãng xe đều đã tính toán đến nhiều điều kiện như thuế, tỷ giá và môi trường việc làm, chính vì vậy sẽ rất khó để các hãng thay đổi hoạt động này quá nhiều. (Bizlive)
--------------------------

Tại sao số liệu kinh tế Trung Quốc đang ít bị thổi phồng hơn?

Chính quyền địa phương sẽ bị trừng phạt nặng nếu bị phát hiện có sai phạm khi báo cáo các số liệu kinh tế.

Số liệu kinh tế Trung Quốc bộc lộ nhiều điểm bất thường. Ở cấp độ chính quyền địa phương, có những dấu hiệu cho thấy sự cố ý thổi phồng con số, còn ở cấp độ quốc gia, các số liệu cũng cho thấy sự không thống nhất. Vậy thực tế này có cho thấy kinh tế đang tăng trưởng chậm lại không? Hoặc ít nhất, có lẽ cũng cần phải xem xét kỹ hơn về nền kinh tế. 

Trong tháng 1/2018, chính quyền thành phố Thiên Tân thông báo rằng số liệu GRP, chỉ số địa phương của GDP, đã bị công bố cao hơn so với thực tế.

Tăng trưởng thực trong khoảng thời gian từ tháng 1/2018 đến hết tháng 3/2018 đạt 1,9%, tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 31 vùng của Trung Quốc trong đó bao gồm tỉnh, khu vực tự trị và những khu vực do trung ương quản lý trực tiếp. Một quan thức Thiên Tân phàn nàn rằng có nhiều cuộc họp được triệu tập khi các quan chức cấp cao lo lắng. 

Từ năm 2019, chính quyền trung ương Trung Quốc sẽ đảm nhiệm công việc thu thập số liệu GDP tổng. Dường như chính quyền thành phố Thiên Tân quyết định công bố một con số trung thực bởi lo sợ sẽ bị trừng phạt nặng nề nếu bị phát hiện có sai phạm.

Thế nhưng trong 31 vùng của Trung Quốc, có 5 tỉnh bao gồm Cát Lâm, Vân Nam, Thanh Hải, Hà Bắc và Nội Mông công bố số liệu tăng trưởng GDP thực, sau khi loại bỏ tác động của lạm phát giá cả, cao hơn so với con số danh nghĩa. Tăng trưởng danh nghĩa của Cát Lâm và Nội Mông thậm chí còn âm, điều này hoàn toàn bất thường nếu xét đến việc chỉ số giá bán buôn tăng mạnh. 

Những gì đang diễn ra cho thấy thực tế câu chuyện: Từ năm nay, chính quyền địa phương Trung Quốc bắt đầu công bố số liệu GRP sát với tình hình thực tế, thế nhưng trước đó, các số liệu bị thổi phồng vẫn được giữ nguyên. 

Họ không sửa số liệu quá khứ bởi làm như vậy chẳng khác nào để lộ ra cái sai của những người từng làm trước đây. Kết quả, tăng trưởng danh nghĩa thấp hơn tăng trưởng thực. Khi mà thời điểm năm 2019 đến gần, họ đang cố gắng điều chỉnh các số liệu bị thổi phồng. 

Trong số 31 vùng của Trung Quốc, có 18 địa phương công bố số liệu tăng trưởng GDP vùng (GRP) cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP quốc gia (đạt 6,8% ), con số thấp nhất trong thập kỷ qua. Ngược lại, có đến 12 địa phương,  con số cao nhất trong 1 thập kỷ, công bố số liệu tăng trưởng địa phương thấp hơn so với số liệu tăng trưởng quốc gia. 

Trước đây, từng có thời kỳ bất thường khi mà đến 90% các vùng công bố con số tăng trưởng cao hơn so với tỷ lệ chung của cả nước. Rõ ràng, hoạt động công bố số liệu tại Trung Quốc đang bình thường hóa trở lại.

Số liệu kinh tế Trung Quốc được cho là có sự điều chỉnh khi nó đi xuống. Khi tăng trưởng nói chung ở mức cao, số liệu sẽ phản ánh đúng thực tế, thế nhưng khi kinh tế khó khăn, số liệu sẽ không còn chính xác. Có thể kể đến một ví dụ gần đây, tăng trưởng thực tế của năm 2015 vẫn ổn định trong khi số liệu về thương mại và sản xuất sụt giảm. 

Sự bất thường về số liệu của kinh tế Trung Quốc có thể phản ánh áp lực suy giảm tăng dần lên tăng trưởng. Thế nhưng nó cũng cho thấy một thách thức không hề mới đối với những ai muốn theo dõi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc: bằng cách nào để hiểu được thực trạng của kinh tế Trung Quốc dựa trên những số liệu kinh tế không đáng tin. (Bizlive)
-----------------------

Những cách Trung Quốc có thể đáp trả Mỹ trong căng thẳng thương mại

Trung Quốc có thể nhắm mục tiêu vào những bộ phim Hollywood hay tác động đến Triều Tiên để đáp trả Mỹ trong căng thẳng thương mại.

Lo ngại về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Trump cảnh báo 450 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, tức gần như toàn bộ hàng nước này xuất khẩu sang Mỹ, có thể sẽ bị áp thuế cao hơn. Bắc Kinh gọi đe dọa của Trump là "tống tiền" và cảnh báo họ có thể đáp trả mạnh mẽ bằng các biện pháp tương xứng.

"Đáp trả là điều cần phải thực hiện. Nếu bạn không trả đũa, bạn sẽ thua nhiều hơn. Đó là lý do tại sao chiến thương mại xảy ra", Yukon Huang, chuyên gia tại trung tâm nghiên cứu Carnegie vì hòa bình quốc tế cho biết, theo AFP.

Nhưng Trung Quốc năm ngoái chỉ nhập 130 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ. Họ sẽ đáp trả Mỹ như thế nào? Các chuyên gia cho rằng ngoài việc áp thuế với hàng Mỹ, Trung Quốc có thể sử dụng các phương án khác.

Điện thoại, xe, thức uống của chuỗi cửa hàng cà phê Mỹ hay vé xem phim hành động mùa hè của Tom Cruise đều là những mặt hàng đắt khách ở Trung Quốc. Chúng có thể bị nhắm mục tiêu khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung biến thành cuộc chiến thương mại toàn diện, các nhà phân tích nhận định.

Bắc Kinh đã cho các quốc gia khác thấy rằng họ có thể sử dụng nhiều chiến thuật để trừng phạt kinh tế. Năm ngoái, khi Trung Quốc tức giận vì Hàn Quốc đồng ý cho Mỹ triển khai hệ thống tên lửa THAAD tại nước này, 120 cửa hàng thuộc tập đoàn Lotte của Hàn Quốc đã phải đóng cửa ở Trung Quốc vì "vấn đề an toàn", trong khi nhiều người Trung Quốc đến biểu tình tại các cửa hàng khác.

Du khách Trung Quốc, những người ưa chuộng mỹ phẩm Hàn Quốc, đã thôi đến Seoul sau khi Bắc Kinh cấm các tour du lịch nhóm.

Thực tế, một số ngành của Mỹ đã bị nhắm mục tiêu: Trung Quốc hồi tháng trước cho biết họ đã siết chặt kiểm tra các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ như thịt lợn và ôtô và còn giữ hàng lại trong cảng "vì có vấn đề".

"Trung Quốc vẫn còn nhiều vũ khí để sử dụng", nhà kinh tế Andrew Polk đánh giá.

Vấn đề Triều Tiên

Giới phân tích cho rằng việc Trung Quốc thực hiện lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên là yếu tố đã khiến Bình Nhưỡng phải ngồi vào đàm phán và dẫn đến hội nghị giữa Trump và Kim Jong-un vào đầu tháng này.

Để Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn, Trump nhiều khả năng cần Bắc Kinh giữ nguyên các biện pháp trừng phạt, nhưng một cuộc chiến thương mại có thể thay đổi tư duy của Trung Quốc, Cheng Xiaohe, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân, nhận xét.

Dường như muốn tận dụng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Kim Jong-un tuần này đã thăm Trung Quốc và gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. "Hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ về Triều Tiên "sẽ trở nên rất phức tạp và rất khó khăn", Cheng nói.

Chuyên gia Huang cảnh báo rằng một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài sẽ "ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ tăng trưởng" và dẫn đến sự sụp đổ của thương mại toàn cầu. "Căng thẳng sẽ không tự biến mất. Có thể nó sẽ tồi tệ hơn trước khi tình hình được cải thiện", ông nói.(Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục