tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 25-06-2018

  • Cập nhật : 25/06/2018

Gỡ “thẻ vàng” thuỷ sản có thể được xem xét vào tháng 1/2019

3.000 tàu có gắn thiết bị định vị trong tổng số khoảng 33.000 tàu đánh bắt xã bờ cho thấy những khó khăn trong việc khắc phục thẻ vàng từ EC đối với hoạt động khai thác thủy sản tự nhiên của Việt Nam.

Từ ngày 15/5 - 25/5/2018, EC đã cử đoàn kỹ thuật sang Việt Nam để đánh giá thực tiễn, kiểm tra những báo cáo của Việt Nam trong việc giải quyết những khuyến nghị mà EU đưa ra giúp Việt Nam gỡ thẻ vàng.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn, đoàn công tác của EC đã ghi nhận những kết quả đạt được của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại 3 thách thức rất lớn.

Thứ nhất là việc kiểm soát thủy sản đánh bắt, truy xuất nguồn gốc còn nhiều lỗ hổng cần khắc phục.

Thứ hai là kiểm soát đánh bắt trên biển, Việt Nam có khoảng 109.000 tàu đánh bắt trên biển, trong đó có 33.000 tàu đánh bắt xa bờ, nhưng mới chỉ có 3.000 tàu đánh bắt xa bờ được trang bị các thiết bị định vị. Do vậy, số lượng tàu chưa được trang bị thiết bị định vị là rất lớn.

Việt Nam đã công khai và không giấu diếm số lượng tàu được định vị, tuy chưa đủ kinh phí để trang bị thiết bị định vị cho tất cả các tàu đánh bắt xa bờ, nhưng ngành chức năng và các địa phương đã thực hiện tuyên truyền bằng nhiều cách và chia sẻ thông tin minh bạch.

Cũng theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, có một vấn đề đoàn công tác của EC phản hồi, đó là việc họ đã tiến hành điều tra và thấy rằng, ở Trung ương hành động rất quyết liệt, Luật đã sửa, các Nghị định đã ban hành… nhưng có tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.

Được biết, ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo bằng thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường của Liên minh châu Âu (EU). Đồng thời, EC đưa ra 9 khuyến nghị Việt Nam cần phải thực hiện ngay trong 6 tháng (từ 23/10/2017 đến 23/4/2018).

9 khuyến nghị này gồm: Sửa đổi khung pháp lý để đảm bảo tuân thủ các quy tắc quốc tế và khu vực áp dụng cho việc bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản. Đảm bảo thực hiện và thực thi có hiệu quả của pháp luật quốc gia sửa đổi; tăng cường việc thực hiện có hiệu quả các quy tắc quốc tế và các biện pháp quản lý thông qua một chế độ xử phạt đầy đủ được thực thi và theo dõi.

Khắc phục những thiếu sót đã được xác định trong thanh tra, kiểm soát và giám sát (MCS) liên quan đến các yêu cầu đặt ra của các quy định quốc tế và khu vực cũng như trong khuôn khổ hệ thống chứng nhận khai thác; tăng cường quản lý và cải tiến hệ thống đăng ký và cấp phép khai thác.

Cân bằng năng lực khai thác và chính sách đội tàu cá; tăng cường truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản và thực hiện tất cả các bước cần thiết, phù hợp với luật pháp quốc tế, để ngăn chặn các sản phẩm thủy sản đánh bắt bất hợp pháp được buôn bán và NK vào lãnh thổ.

Tăng cường và đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia khác (đặc biệt là các quốc gia ven biển trong vùng biển mà tàu thuyền treo cờ Việt Nam có thể hoạt động) phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế; đảm bảo tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo và lưu giữ trong RFMOs (các tổ chức quản lý nghề cá khu vực).

Ông Tuấn cho biết, Việt Nam đã ghi nhận những ý kiến của phái đoàn EC. Hai bên thống nhất tới tháng 1/2019, đoàn công tác của EC sẽ quay lại để xem xét đánh giá một lần nữa về thẻ vàng thủy sản của Việt Nam.(DanhViet)
-------------------------------

Hơn 200.000 xe quá hạn đăng kiểm, bị cấm lưu thông

Theo báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến ngày 1.6, cả nước có 205.058 ô tô quá hạn kiểm định từ 30 ngày trở lên.

Có hơn 200.000 xe quá hạn đăng kiểm trên cả nước /// Ngọc Dương

Có hơn 200.000 xe quá hạn đăng kiểm trên cả nước - NGỌC DƯƠNG

Đây mới chỉ là thống kê số xe đã quá hạn kiểm định trên 30 ngày. Nếu tính số xe quá hạn đăng kiểm (từ mức bắt đầu bị phạt) thì số lượng còn cao hơn nhiều. Theo Cục Đăng kiểm, những phương tiện này nếu vẫn tiếp tục sử dụng tham gia giao thông sẽ tiềm ẩn nguyên nhân gây tai nạn rất cao.

Bên cạnh đó, đến nay cả nước có 186.883 ô tô hết niên hạn sử dụng, trong đó có 138.510 xe chở hàng và 48.373 xe chở người. Số xe "quá tuổi" thống kê được trong năm 2017 là 24.264 xe, trong đó có 21.651 xe chở hàng và 2.613 xe chở người.

Vì thế đơn vị này đã công khai danh sách xe hết niên hạn sử dụng và xe quá hạn kiểm định trên trang thông tin điện tử của Cục để cơ quan chức năng, người dân có thể tra cứu, thống kê 24/24 giờ hằng ngày. Đồng thời, Cục đã gửi danh sách cho Cục Cảnh sát giao thông (C67), báo cáo định kỳ lên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các tỉnh để chỉ đạo, kiểm soát.

Cục Đăng kiểm cũng đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những chủ xe, lái xe đưa các xe hết niên hạn sử dụng, xe quá hạn kiểm định tham gia giao thông.(Thanhnien)
--------------------

Triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2018 khá thuận lợi

Chất lượng tăng trưởng đã được cải thiện nếu nhìn vào chỉ số về tốc độ tăng trưởng. Từ năm 2011 đến nay, bình quân tăng trưởng của Việt Nam đạt trên 6%/năm.

Dựa vào tình hình kinh tế quý 1/2018 và diễn biến tình hình kinh tế thế giới, kết quả trong cải thiện môi trường kinh doanh, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân, người phát ngôn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2018 khá thuận lợi.

Tuy nhiên, trước ý kiến cho rằng tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm cao, nhưng thiếu bền vững do phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Điều này được thể hiện thông qua xuất khẩu của khu vực FDI trong năm tháng đầu năm chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Ông Trần Quốc Phương cho rằng không nên chỉ dựa vào một số chỉ số để đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam bởi trước khi đầu tư tại Việt Nam, các doanh nghiệp FDI đã có sẵn các đối tác và thị trường của mình. Họ đầu tư vào Việt Nam để sản xuất và hướng đến xuất khẩu ra nước ngoài, còn các doanh nghiệp trong nước không xuất khẩu mà hướng đến thị trường nội địa là chính nên việc xuất khẩu của khu vực FDI chiếm tỷ lệ lớn là điều dễ hiểu.

Ông Phương cho biết thêm, sau 30 năm thu hút FDI, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của doanh nghiệp FDI do họ có sẵn chuỗi giá trị và tận dụng lợi thế của Việt Nam để xuất khẩu. Vấn đề là liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI như thế nào để Việt Nam có những doanh nghiệp tầm cỡ.

Trước lo ngại về chất lượng tăng trưởng của Việt Nam, ông Phương cho rằng chất lượng tăng trưởng đã được cải thiện nếu nhìn vào chỉ số về tốc độ tăng trưởng. Từ năm 2011 đến nay, bình quân tăng trưởng của Việt Nam đạt trên 6%/năm, đây là tốc độ khá so với một quốc gia đang phát triển. Chỉ số TFP (năng suất các nhân tố tổng hợp) đang tiến bộ; năng suất lao động và thu nhập bình quân đầu người đã cải thiện, hiện ở mức 2.385 USD/người/năm, gần gấp đôi so với năm 2010 và gấp 3 lần so với năm 2007.

Mặc dù đánh giá cao triển vọng kinh tế năm 2018, song ông Trần Quốc Phương cũng thừa nhận nền kinh tế còn nhiều thách thức. Trong đó, thách thức đầu tiên là tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 1/2018 đạt 7,38%, cao hơn nhiều dự báo nên ít nhiều sẽ có tâm lý “chùng” xuống và ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng những tháng tiếp theo; đồng thời chu kỳ kinh tế 10 năm có thể sẽ tác động đến tăng trưởng trong năm 2018.

Ngoài ra, ông Phương cũng chia sẻ sự quan ngại về ẩn số lạm phát. Lạm phát năm 2018 dự báo chịu nhiều sức ép do diễn biến phức tạp của giá dầu thế giới và thách thức từ các chính sách điều chỉnh giá sắp thực thi như tăng lương, điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục... Lạm phát cao sẽ tác động tới nền tảng đang rất cần, đó là kinh tế vĩ mô ổn định.

Với nền tảng vĩ mô tương đối ổn định, những cải thiện mạnh mẽ về cơ chế chính sách liên quan đến cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, giảm chi phí kinh doanh,... được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt thực hiện sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động của doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

Tuy nhiên, ông Phương cũng cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp trong nước phát triển, tiếp cận thị trường, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước (TTXVN)
-----------------------

Bán vốn nhà nước: Cần chọn NĐT chiến lược, không chỉ chọn mức giá cao

Dù Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, nhưng liên tục mấy năm nay tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (CPH DNNN) không hoàn thành mục tiêu, việc thoái vốn thì chậm chạp khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) nản lòng, mất niềm tin vào lộ trình phát triển bền vững.

Quy định bất cập, khó bán vốn nhà nước

Ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, qua hơn 10 năm hoạt động, SCIC đã tiếp nhận 1.040 doanh nghiệp (DN) và đã bán vốn của 986 DN, thu về gần 37.000 tỷ đồng, gấp 4,4 lần giá vốn. Đáng kể đến là những thương vụ thành công như: bán 8,73% vốn điều lệ tại CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), thu về 20.276 tỷ đồng với giá bán cao hơn 10% thị giá tại thời điểm bán vốn; thoái vốn tại CTCP Nhựa Bình Minh với mức giá 90.000/cổ phiếu… Như vậy, SCIC đã tối đa hóa lợi ích thu về cho nhà nước, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Điều quan trọng nhất của DN sau cổ phần hóa là phải nâng cao được năng lực quản trị , điều hành của DN (Ảnh minh họa: KT)

Tuy nhiên, dù đạt được kết quả tốt ở những thương vụ đã bán được, SCIC còn gặp nhiều vướng mắc. Nguyên nhân là do những quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động thoái vốn của SCIC đã bộc lộ nhiều hạn chế, quy định chồng chéo tại nhiều văn bản pháp luật, song chủ yếu chỉ là quy định khung, mang tính nguyên tắc, thiếu cụ thể; hơn nữa quy định hiện hành về bán vốn khác với thông lệ quốc tế khiến khó có thể thu hút được nhà đầu tư tầm cỡ thế giới.

Theo ông Lê Song Lai, thực tế, quá trình bán vốn đang gặp nhiều vướng mắc phát sinh. Vốn nhà nước phải được bán công khai và phải đạt được 2 mục tiêu: tối đa hóa số tiền thu về cho cổ đông nhà nước và tìm kiếm NĐT chiến lược.

“Về lý thuyết 2 mục tiêu này là đúng nhưng thực tế khó đạt được cả 2 mục tiêu và tạo áp lực lớn cho ban lãnh đạo DN và người ký quyết định bán vốn. Với cơ chế này chỉ đạt được mục tiêu bán vốn với giá cao nhất mà khó đạt được mục tiêu tìm được NĐT chiến lược có năng lực, có kinh nghiệm sẽ đưa DN hoạt động hiệu quả hơn”, ông Lê Song Lai cho biết.

Ngoài ra, vẫn còn thiếu quy định cụ thể về xác định giá cổ phần. Nghị định 32/NĐ-CP quy định giá cổ phần phải tính đúng tính đủ cả giá trị vốn nhà nước đầu tư ra ngoài DN, giá trị số tiền trả thuê đất, giá trị các quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa, lịch sử, giá nhãn hiệu, tên thương mại (nếu có). Nhưng giá trị văn hóa, lịch sử thì định giá như thế nào… lại chưa được quy định cụ thể.

Trong khi đó, xác định giá khởi điểm cũng là một vướng mắc. Theo quy định hiện hành, có nhiều phương pháp xác định giá khởi điểm, song mỗi phương pháp mang lại một kết quả khác nhau. Pháp luật chưa quy định rõ trong trường hợp có nhiều phương pháp và kết quả như vậy thì chọn phương pháp nào.

“Chính sự thiếu vắng quy định cụ thể về xác định giá trị DN dẫn đến rủi ro rất lớn cho người ra quyết định thoái vốn. Vì vậy, để bảo đảm an toàn pháp lý DN đang chọn phương án có giá cao nhất, cho dù với tình hình tài chính, thực trạng của DN, giá này đưa ra rất khó bán. Thực tế đã có trường hợp cổ phần được mang bán tới 8 lần không xong”, ông Lai cho biết thêm.

Ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng giám đốc phụ trách SCIC cho rằng, những bất cập trên đã lý giải cho câu hỏi vì sao nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà mua cổ phần nhà nước.

“SCIC mong sớm ban hành Quy chế bán cổ phần tại DN, tạo khuôn khổ rõ ràng cho hoạt động thoái vốn tại DN của SCIC trong thời gian tới, đặc biệt là hoạt động thoái vốn tại nhóm các DN lớn”, ông Nguyễn Chí Thành nói.

Cần thay đổi tư duy, cách nhìn

Theo ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, trong quá trình CPH, thoái vốn, nhà nước không chỉ đặt mục tiêu vì tiền, mà còn chú ý đến các tiêu chí khác như vấn đề an sinh xã hội, giữ gìn thương hiệu quốc gia, an ninh, quốc phòng…Nói cách khác, cổ đông chiến lược cần phải gắn kết lâu dài với DN chứ không chỉ có tiền không.

“Cần chọn NĐT chiến lược có chung mục tiêu gắn kết với DN. Nếu mục tiêu chỉ để thu được tiền (giá càng cao càng tốt) thì dễ, nhưng ta phải hướng đến mục tiêu dài hạn hơn, trong đó có cả vấn đề nhà nước có thể phải giữ lại một tỷ lệ nhất định không phải là 31% mà là 36% để có tiếng nói phủ quyết cuối cùng”, ông Dũng nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, muốn cải thiện tình hình cổ đông chiến lược cho DNNN cần phải thay đổi trước hết là tư duy, cách nhìn. Cụ thể như vấn đề định giá DN.

“Dĩ nhiên tài sản là giá trị và có thể rất lớn, nhưng với nhà đầu tư thì không lớn vì chỉ một nửa số tài sản đó có khả năng sinh lời, phần còn lại sẽ hao mòn dần đi. Phải nhìn dưới góc độ của nhà đầu tư chứ không phải của người giữ của. Ở góc độ thị trường, nhà đầu tư mua cổ phần là mua khả năng sinh lời trong tương lai chứ không phải mua tài sản”, TS. Nguyễn Đình Cung khẳng định.(VOV)

Trở về

Bài cùng chuyên mục