tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 26-06-2018

  • Cập nhật : 26/06/2018

Gặp khó với Mỹ và EU, Trung Quốc đưa thép sang ASEAN

Các công ty Trung Quốc đã và đang xem Đông Nam Á là thị trường hấp dẫn cho việc tiêu thụ thép, sản phẩm bị cho là đang sản xuất dư thừa.

cong nhan do cac cuon thep xuong tai mot khu cho o trung quoc - anh: reuters

Công nhân đỡ các cuộn thép xuống tại một khu chợ ở Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Đây cũng là hướng giải quyết cho các công ty Trung Quốc, vốn dĩ đã đầu tư hàng tỉ USD vào các dự án thép và than đá, nay có thêm chọn lựa đầu ra.

Theo Financial Times ngày 24-6, trong bốn năm gần đây, các công ty thép Trung Quốc đã cung ứng 32 triệu tấn mỗi năm trong các dự án thép mới ở Indonesia và Malaysia. Sản lượng này tương đương hơn 40% tiêu thụ thép trong năm 2016 của các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Thép là mặt hàng gây tranh cãi dai dẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh căng thẳng thương mại hai nước leo thang.

Mỹ đã áp thuế nhập khẩu thép lên Trung Quốc, cho rằng thép giá rẻ tràn sang từ Trung Quốc đã gây ảnh hưởng tiêu cực cho thị trường toàn cầu.

 

Căng thẳng này kết hợp với nhu cầu trong nước gia tăng trong năm 2017 khiến các công ty Trung Quốc giảm số lượng xuất khẩu.

Thay vào đó, các nhà sản xuất Trung Quốc đang dịch chuyển sản lượng và đầu tư ra nước ngoài, chủ yếu đến Đông Nam Á, nhằm sản xuất và bán ra thị trường đang phát triển nhanh này mà không quá e ngại vấn đề thuế, Financial Times cho biết.

Sự gia tăng thu nhập của các nước Đông Nam Á thúc đẩy nhu cầu sản xuất xe hơi và xây dựng lên cao. Điều này dĩ nhiên cũng kích thích nhu cầu về thép vì đây là vật liệu liên quan trực tiếp.

Hiện nay ngành thép Trung Quốc có sản lượng cao nhất thế giới, phần lớn xuất phát từ nhu cầu mạnh mẽ trong nước suốt vài chục năm qua. Sự thay đổi trong thị trường thép Trung Quốc diễn ra khi chính phủ cắt giảm sản lượng cũng như quá trình kích thích kinh tế của nước này đang dần thuyên giảm. Điều đó dẫn tới nhu cầu thay đổi thị trường, mà cụ thể là tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài.

Bên cạnh thép, các công ty Trung Quốc cũng đầu tư vào những ngành công nghiệp liên quan như sắt và niken, vốn cũng được ứng dụng trong sản xuất thép.

Tại Indonesia, Tsingshan Group đã triển khai kế hoạch mở rộng nhà máy hỏa luyện niken công suất 1,5 triệu tấn/năm, với 384 triệu USD tiền vay từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc ADB.

Ở Malaysia, Công ty thép Xinwuan Steel ở Hà Bắc và MCC Overseas - nhánh xây dựng của Công ty Minmetals, cũng đang xây dựng nhà máy luyện cốc và ximăng ngay cạnh một nhà máy thép trị giá 3 tỉ USD.

Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng nhân tố chính đằng sau xu hướng ra nước ngoài của ngành thép Trung Quốc là mong muốn sản xuất và bán trực tiếp cho các thị trường đang phát triển nhanh, và tránh việc bị Mỹ áp thuế nhập khẩu.

Paul Bartholomew, chủ bút của cổng thông tin năng lượng và Công ty S&P Global Platts, lưu ý rằng động lực sản xuất độc lập ở ngành thép Trung Quốc vẫn tiếp tục, bất kể mức độ sản xuất thừa mứa toàn cầu, vì "cũng như nhiều quốc gia phát triển, họ thích trở thành nhân tố độc lập, thích có một ngành công nghiệp thép riêng".

Các công ty thép Trung Quốc và nhà thầu cũng tiếp cận với nguồn tài chính được hậu thuẫn từ các ngân hàng quốc gia, từ đó cho phép họ sản xuất sản phẩm giá rẻ, thu hút được các dự án của khu vực Đông Nam Á.(Tuoitre)
--------------------

Sản phẩm thương hiệu TP HCM, bao giờ?

Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP HCM, vài năm trở lại đây, TP đầu tư khá nhiều cho 4 ngành công nghiệp chủ lực là cơ khí, chế biến lương thực - thực phẩm, hóa chất - nhựa - cao su và điện tử - công nghệ thông tin.

Mặc cho nhiều nỗ lực từ chính quyền và doanh nghiệp (DN), 4 ngành công nghiệp chủ lực TP HCM vẫn phát triển èo uột và vướng nhiều lực cản, đến nay vẫn chưa hình thành được sản phẩm chủ lực mang thương hiệu riêng cho TP.

Đơn cử như ngành cơ khí, tuy được xác định là ngành chủ lực nhưng từ nhiều năm nay, các DN cơ khí chịu nhiều bất công về thuế, thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và mất khá nhiều nhân công tay nghề giỏi về tay DN nước ngoài, chưa kể những trở ngại từ giá thuê mặt bằng, nguyên liệu sản xuất phụ thuộc nguồn cung nước ngoài… Có thời gian, gần như trong bất cứ cuộc họp nào được tham gia, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội DN Cơ khí Điện TP HCM, đều nhắc đi nhắc lại những khó khăn này và kiến nghị trung ương, TP hỗ trợ DN cơ khí tăng năng lực cạnh tranh. 

Thực trạng của ngành cơ khí một phần phản ánh bức tranh chung của 4 ngành công nghiệp chủ lực: 3/4 ngành có mức tăng trưởng chưa bằng 1/2 tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp; chỉ có ngành điện tử - công nghệ thông tin phát triển mạnh (tăng 39,11%) nhưng tỉ trọng rất thấp, đạt 4,4% giá trị ngành công nghiệp TP. Đến nay, trong số hơn 10.200 DN hoạt động trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu, phần lớn là DN nhỏ và vừa, DN lớn với điều kiện trên 100 tỉ đồng trở lên chỉ chiếm tỉ lệ rất thấp.

Sản phẩm thương hiệu TP HCM, bao giờ? - Ảnh 1.

Bên trong xưởng sản xuất của Công ty CP Cơ khí Điện tử Phú Thọ Hòa

Mặc dù TP HCM có nhiều chương trình hỗ trợ vốn nhưng số DN trong 4 nhóm ngành này tiếp cận được vốn vay còn rất khiêm tốn. DN nhỏ vốn ít, thiếu kinh nghiệm, quản trị sản xuất, chiến lược kinh doanh chưa bài bản từ khâu nghiên cứu, thiết kế sản phẩm, xây dựng thương hiệu đến khâu hậu mãi,… nên khó cạnh tranh ngay cả trên sân nhà. 

Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển DN thuộc Sở Công Thương được thành lập nhằm mục đích hỗ trợ các DN phát triển, tạo sân chơi cho các DN trưng bày sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và kết nối DN trong và ngoài nước để liên kết sản xuất, phân phối, tiêu thụ… nhưng đến nay, trung tâm này vẫn chưa làm tốt vai trò kết nối để hỗ trợ DN tích cực, hiệu quả như mong muốn.

Vì vậy, theo các DN, 4 ngành công nghiệp chủ lực rất cần cơ chế hỗ trợ của chính quyền TP. Mới đây, trao đổi với các DN và chuyên gia kinh tế về vấn đề phát triển kinh tế, tăng sức cạnh tranh cho TP, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng nêu rõ TP cần tiếp tục hỗ trợ vốn, chính sách, đất đai đồng thời giúp DN nâng cao tính liên kết trong sản xuất, nắm bắt được công nghệ sản xuất linh kiện, phụ tùng công nghệ kỹ thuật cao. 

Song song đó, kết nối cho DN tăng cường xúc tiến đầu tư, chuyển giao công nghệ; kết nối với DN nước ngoài; loại bỏ những thủ tục không cần thiết, phát sinh chi phí không chính thức, giảm chi phí tối đa... Nếu những chính sách này được thực thi đúng và đủ, hơn 10.200 DN công nghiệp chủ lực sẽ được tiếp sức để lớn mạnh, vươn xa.(NLĐ)
------------------------------

Chứng khoán Trung Quốc mất hơn 500 tỷ USD trong một tuần

Khoản mất của thị trường chứng khoán Trung Quốc, sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ áp thuế bổ sung lên 200 tỷ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc hôm 18/6, tương đương với GDP của Thụy Điển.

Trong tuần qua, các nhà đầu tư nước ngoài trung thành cũng đã bán ròng 1,99 tỷ nhân dân tệ (khoảng 306,2 triệu USD) giá trị cổ phiếu Đại lục. Chỉ số Shanghai Composite giảm 13% trong năm nay là biểu hiện tệ nhất trong số các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới.

Ngân hàng đầu tư Mỹ Jefferies Group cho rằng, thị trường chứng khoán Trung Quốc, đang phải chịu một cú đúp từ cuộc chiến thương mại và thắt chặt tiền tệ. Nền kinh tế đang bị thắt chặt, trong bối cảnh chính phủ gia tăng kiểm soát chặt chẽ các ngân hàng ngầm, buộc các công ty niêm yết cắt giảm chi phí vốn và nợ.(NDH)
--------------------

Kỳ vọng thắt chặt nợ công

Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7 với nhiều điểm mới được kỳ vọng có thể giúp tăng cường công cụ quản lý nợ công, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, tính đến cuối năm 2017, đã có hơn 3 triệu tỉ đồng nợ công, trung bình mỗi người dân Việt Nam đang gánh 30 triệu đồng nợ công. Dự báo đến năm 2020, nợ công sẽ lên đến 4,2 triệu tỉ đồng. Riêng phần trả lãi vay hằng năm chiếm tới 7%-8% tổng chi ngân sách nhà nước. Các chuyên gia kỳ vọng Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7 với nhiều điểm mới sẽ tạo ra được các công cụ để thắt chặt hiệu quả nợ công.

Gắn trách nhiệm của người đứng đầu

Theo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), nợ công bao gồm: nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Trong đó nợ được Chính phủ bảo lãnh gồm 2 loại là nợ của doanh nghiệp (DN) và nợ của ngân hàng chính sách nhà nước. Như thế, nợ công theo định nghĩa của luật sửa đổi lần này không bao gồm nợ tự vay, tự trả của DN nhà nước. Điều khoản này nhằm bảo đảm hoạt động bình đẳng giữa các loại hình DN theo quy định của Luật DN.

Kỳ vọng thắt chặt nợ công - Ảnh 1.

Hạ tầng giao thông là một trong những lĩnh vực có nợ công chiếm tỉ lệ cao nhất Ảnh: TẤN THẠNH

Một điểm đáng lưu ý khác là luật tăng cường thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ; tăng thẩm quyền của tập thể, hạn chế quy định thẩm quyền của cá nhân trong các hoạt động liên quan đến vay, trả nợ công. Tuy vậy, luật cũng gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân với trách nhiệm quản lý huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ công. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải giải trình và chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý nợ công của cơ quan, tổ chức; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Với riêng vay vốn ODA, luật quy định nhiệm vụ chủ trì, thực hiện vay được giao về Bộ Tài chính, thay vì Bộ Kế hoạch và Đầu tư như trước đây, để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính, đúng tinh thần, chủ trương của Đảng và nhà nước về cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, Bộ Tài chính chủ trì xác định thành tố ưu đãi, đánh giá tác động của khoản vay mới đối với các chỉ tiêu an toàn nợ công, xác định cơ chế tài chính trong nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt cùng với đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

Đưa ra ngưỡng cảnh báo nợ công

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) đưa ra quy định về chỉ tiêu an toàn nợ công; kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm; chương trình quản lý nợ công 3 năm và kế hoạch vay, trả nợ hằng năm với những nội dung, trình tự cụ thể việc lập, quyết định và trách nhiệm của các cơ quan liên quan đối với các chỉ tiêu đề ra. "Việc xây dựng, triển khai các công cụ quản lý nợ công được kế thừa và tiếp cận hơn với thông lệ quốc tế, có tác động tích cực và khẳng định sự cần thiết đối với quản lý nợ chủ động" - Thứ trưởng Mai nói.

Một điểm mới khác là luật đưa việc bảo đảm khả năng trả nợ, quản lý rủi ro đối với nợ công về quỹ tích lũy trả nợ. Quỹ này được lập để bảo đảm nguồn ngoại tệ trả nợ và được duy trì bằng các quy định cụ thể về yêu cầu quản lý quỹ, nguồn thu, sử dụng quỹ, quản lý nguồn vốn nhàn rỗi, cơ chế xử lý khi quỹ tích lũy trả nợ không đủ nguồn.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng cho biết luật mới đã bổ sung khái niệm "ngưỡng nợ công", bên cạnh "trần nợ công" như trước đây để cảnh báo khi mức nợ công tiến gần đến mức trần thì cần thực hiện các biện pháp để xử lý, kiểm soát.

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ - Bộ Tài chính, cho rằng khái niệm "ngưỡng nợ công" được bổ sung trong bối cảnh nợ công của Việt Nam hiện đã sát trần. Theo thông lệ quốc tế, trước khi nợ chạm trần thì các cơ quan quản lý đưa ra ngưỡng nợ để cảnh báo trước và thực hiện các biện pháp cần thiết, như quản lý bội chi, việc cho vay lại, bảo lãnh vay… nhằm bảo đảm nợ không tiến đến sát trần. (NLĐ)

Trở về

Bài cùng chuyên mục