tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 27-06-2018

  • Cập nhật : 27/06/2018

Người nghèo nộp thuế tài sản thế nào?

Kinh nghiệm của Canada người nghèo vẫn phải nộp đầy đủ thuế tài sản sau đó được áp dụng như một khoản giảm trừ trong thuế thu nhập.

Đề xuất đánh thuế nhà, đất trên 5 tỷ đồng

Sau nhiều tháng lấy ý kiến, câu hỏi về việc đánh thuế tất cả các tài sản theo dự luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính liệu có đảm bảo công bằng xã hội giữa người giàu và người nghèo vẫn thu hút nhiều ý kiến tranh luận.

Thảo luận tại hội thảo Thuế tài sản, những gợi ý cho Việt Nam tổ chức chiều nay 26/6, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng cần thống kê tài sản để đánh thuế "mạnh tay" hơn với người có nhiều tài sản.

Ông Đức phân tích, ở nước ngoài, đa số người dân đi thuê nhà, còn lại, những ai có nhà thường là có năng lực tài chính dồi dào. Tuy nhiên, ở Việt Nam, người có thu nhập không cao cũng có nhà, thậm chí người không đủ ăn cũng có nhà.

Theo đó, vị luật sư cho rằng nguyên tắc là không phải đánh thuế mọi giá trị tài sản mà đánh vào tài sản có giá trị lớn.

Ảnh: Tuổi trẻ.

Ông Đức cũng cho rằng cần có biểu thuế lũy tiến, ban đầu có thể thuế ở mức thấp và có lộ trình tăng dần sau khoảng 10 năm, mức đánh thuế với người có nhiều tài sản cũng cao hơn mức thuế thấp nhất.

Còn với cách đề xuất đánh thuế của Bộ Tài chính hiện tại (theo phương án thuế suất 0,4% với nhà và đất), theo ông Đức đồng nghĩa với việc cào bằng giữa người có thu nhập thấp và người có thu nhập cao. Vị luật sư cho rằng khi đó không đảm bảo được sự công bằng và không đạt mục tiêu đánh thuế.

Ông Đức cho hay không nên tách riêng khoản thuế với nhà và đất như đề xuất của Bộ Tài chính. Nhà và đất là một khối bất động sản có giá trị gắn liền với nhau.

Theo ông Đức chỉ nên đánh thuế tài sản nhà đất có giá trị trên 5 tỷ đồng theo mức giá thị trường thay vì giá cố định của Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố quy định.

Giảm trừ thuế thu nhập cá nhân cho người nghèo

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Nicolas Drouin, chuyên gia phát triển, Đại sứ quán Canada cho biết thuế tài sản ở nước này được xem xét dựa trên nguyên tắc số tiền nộp thuế phụ thuộc vào giá trị tài sản sở hữu. Ở Canada tất cả tài sản đều phải nộp thuế, người nghèo cũng phải nộp thuế tài sản.

Trước các ý kiến tranh luận về việc áp dụng cùng mức thuế áp dụng đều cho tất cả các tài sản như vậy sẽ không công bằng với người nghèo, ôngNicolas Drouin cho biết, ở Canada thuế tài sản được coi như một khoản giảm trừ khi người dân đóng thuế thu nhập cá nhân.

"Khi người nghèo nộp thuế tài sản xong có thể lấy phần thuế đó giảm trừ vào thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, trách nhiệm nộp thuế tài sản là của tất cả mọi người. Đây là cách để Canada đảm bảo công bằng trong xã hội", ôngNicolas Drouin.

Nguyên tắc thu thuế tài sản của Canada tuân thủ hai nguyên tắc là lợi ích mà chủ tài sản nhận được từ các dịch vụ công được cung cấp và khả năng đóng thuế của chủ tài sản chịu thuế.

Lấy ví dụ cụ thể của bang Ontario, chính quyền bang được ban hành luật, đưa ra các chính sách về thuế tài sản và quy định mức thuế giáo dục. Chính quyền đô thị sẽ xác định nhu cầu thu ngân sách, xác định mức thuế áp dụng tại đô thị và thực hiện thu thuế tài sản. Cứ 4 năm/lần, Tập đoàn định giá Tài sản Ontario sẽ định giá khoảng 5 triệu tài sản.

Quá trình đánh giá thuế tài sản tại bang này có đến 200 tiêu chí được sử dụng. Trong đó, 5 tiêu chí quan trọng chiếm đến 85% nội dung định giá là về vị trí, kích thước lô đất, khu dân cư, tuổi đời tài sản, chất lượng xây dựng.

Tranh cãi tên dự luật

Tại cuộc hội thảo, bà Lê Thị Mai Liên, Trưởng Ban Chính sách Tài chính công, Viện chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho biết theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) hiện đã có 174/193 nước áp dụng Luật thuế tài sản.

Trong đó, 51 nước đánh thuế bất động sản, 60 nước đánh thuế tài sản, 30 nước đánh thuế đất, còn lại là thuế sử dụng đất và thuế nhà, đất.

Như vậy, theo bà Liên, hầu hết các nước chỉ đánh thuế tài sản đối với bất động sản. Chỉ có một vài nước đánh thuế đối với động sản (ô tô, tàu bay, du thuyền) như Hàn Quốc, Kyzgystan, Bungari, Ác-hen-ti-na.

Dự thảo Dự án luật mà Bộ Tài chính công bố hồi tháng 4/2018 có tên dự ánLuật Thuế tài sản. Theo bà Liên, luật thuế mới nên lấy tên gọi là Thuế bất động sản vì tập trung đánh thuế vào tài sản hữu hình như nhà và đất. Thuế tài sản vào bất động sản sẽ làm lành mạnh thị trường, tránh đầu cơ.

Cùng với đó, theo bà Liên, nên quy định ngưỡng diện tích chịu thuế đối với nhà, đất, vượt một ngưỡng nhất định mới phải nộp thuế. Giá nhà, đất để tính thuế căn cứ theo khung giá nhà, đất do UBND cấp tỉnh quy định.

Thực tế, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng nếu muốn đánh thuế nhà và đất không thể dùng luật thuế bất động sản được. Theo Hiến pháp Việt Nam, đất đai là sở hữu toàn dân, người dân chỉ có quyền sử dụng đất. Để đánh được thuế, nhà nước phải trao cho quyền sử dụng đất giá trị như một tài sản.

Vì vậy, cách tiếp cận đánh thuế của Việt Nam cũng phải khác các nước trên thế giới. "Nếu đánh thuế chúng ta đánh thuế quyền sử dụng chứ không phải đánh thuế mặt đất. Do đó không thể gọi là đánh thuế bất động sản được", ông Trương Thanh Đức phân tích.

Ông Đức cho rằng không thể gọi là thuế nhà ở vì ngoài nhà ở còn các loại nhà khác, cũng không thể gọi là thuế nhà vì ngoài nhà còn công trình khác. Nếu có, theo ông Đức phải là Thuế bất động sản và quyền sử dụng đất.(NDH)
-----------------------

Đối thủ hàng đầu của Grab chính thức 'tấn công' thị trường Việt Nam

Go-Jek vừa chính thức thông báo sẽ "tấn công" thị trường Việt Nam vào đầu tháng tới với cái tên Go-Viet.

Go-Jek sẽ vào Việt Nam trong tháng 7 tới /// Reuters

Go-Jek sẽ vào Việt Nam trong tháng 7 tới - REUTERS

Go-Viet do đội ngũ sáng lập người Việt điều hành. Theo thông báo, Go-Jek sẽ hỗ trợ cho Go-Viet kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn và hậu thuẫn về công nghệ, tài chính.

Vào tháng 7 tới, Go-Viet sẽ chính thức cung cấp dịch vụ của hãng gọi xe hàng đầu Indonesia thông qua chương trình "Tiên phong khám phá Go-Viet" được triển khai tại TP.HCM, trước khi tung ra ngay sau đó dịch vụ có tên GET ở Thái Lan.

Trong giai đoạn đầu, Go-Viet sẽ chỉ cung cấp dịch vụ gọi xe qua ứng dụng, sau đó mở rộng thêm dịch vụ giao đồ ăn, giao hàng tạp hóa hay cung cấp giải pháp thanh toán.

Trả lời phỏng vấn của Channel News Asia, CEO Go-Jek Nadiem Makarim khẳng định: “Công ty tin tưởng vào các đội ngũ ở địa phương và để cho họ tự chủ ra quyết định chiến lược hoạch định tương lai”.

Go-Jerk là nền tảng công nghệ đa dịch vụ lớn nhất tại Indonesia, đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện nguồn thu nhập của hơn một triệu người lái xe cùng hơn 150.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại nước này.

Theo CNBC, Go-Jek hôm 24.5 thông báo sẽ đầu tư khoảng 500 triệu USD để gia nhập 4 thị trường mới, gồm Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines. Đầu tháng 2.2018, hãng này đã huy động vốn được khoảng 1,5 tỉ USD, vượt mục tiêu 1,2 tỉ USD ban đầu.(Thanhnien)
-------------------------

Thu hút hơn 326 tỉ USD vốn đầu tư FDI

Chiều 25.6, Bộ KH-ĐT phối hợp với Bộ KH-CN tổ chức hội thảo chuyên đề về thu hút và chuyển giao công nghệ trong khu vực đầu tư nước ngoài (FDI).

Theo báo cáo, tính đến nay VN đã thu hút được 25.949 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 326,3 tỉ USD, trong đó 84% số dự án là đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài.

Vốn thực hiện lũy kế ước đạt 180,7 tỉ USD, bằng 56% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Riêng trong 6 tháng năm 2018, VN đã thu hút được 1.362 dự án cấp mới, 507 dự án điều chỉnh vốn và 2.749 dự án góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đăng ký hơn 20 tỉ USD.

Đầu tư nước ngoài là nguồn vốn bổ sung quan trọng, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư cả nước, đóng góp khoảng 20% GDP. Năm 2017, khu vực FDI đóng góp gần 8 tỉ USD, chiếm 14,4% tổng thu ngân sách. Hiện nay, 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế như dầu khí, điện tử, viễn thông...

Mặc dù vậy, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thế Phương cho rằng, các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá trị tạo ra tại VN không cao. FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp Việt để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được công nghiệp hỗ trợ VN phát triển, hoạt động chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý chưa đạt kỳ vọng. Đóng góp vào ngân sách của FDI chưa tương xứng, một số doanh nghiệp có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế và vi phạm các quy định về xử lý môi trường.(Thanhnien)
--------------------------

Tập đoàn Singapore muốn cuối năm khởi công dự án lọc hóa dầu 5 tỷ USD

Gia Phú Singapore chuyển 500 triệu USD vào một ngân hàng tại Phú Yên để chứng minh năng lực tài chính đầu tư siêu dự án hóa dầu Vũng Rô.

Trong buổi làm việc mới đây với UBND tỉnh Phú Yên, đại diện Tập đoàn Gia Phú Singapore cho biết nửa tỷ USD đã chuyển vào chi nhánh một ngân hàng bằng một phần 10 tổng mức đầu tư tổ hợp lọc hóa dầu, cảng nước sâu Bãi Gốc và đường ống dẫn dầu lên Tây Nguyên trong phạm vi tỉnh.

“Sau khi chuẩn bị sẵn sàng 50% tổng mức đầu tư để thực hiện dự án, chúng tôi đang làm việc với một số nhà băng để tiếp nhận và giải ngân nguồn vốn này. Nếu quá trình pháp lý thuận lợi, dự kiến dự án có thể khởi công ngay vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2019”, Phó chủ tịch Gia Phú Singapore William Lương chia sẻ và khẳng định đã có phương án giải quyết khúc mắc lớn nhất của lọc hóa dầu Việt Nam là đầu ra sản phẩm.

Phối cảnh tổ hợp lọc hóa dầu Vũng Rô, Phú Yên.

Tập đoàn Singapore và đối tác liên doanh là Công ty Quốc tế ABC bắt đầu nghiên cứu và khảo sát dự án lọc hóa dầu Vũng Rô từ cuối tháng 3 năm nay. Động thái này diễn ra ngay sau khi Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Phú Yên ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô, được liên danh Technostar Management (Anh) và Telloil (Nga) lập ra vào.

Dự án được triển khai trên diện tích 538 ha, chưa bao gồm phần diện tích mặt nước. Trong đó, 404 ha sử dụng để xây dựng nhà máy, phần còn lại xây cảng nước sâu Bãi Gốc.Dự án được UBND tỉnh Phú Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu tiên vào tháng 11/2007 với số vốn 1,7 tỷ USD và công suất 4 triệu tấn dầu thô một năm. Sau nhiều lần điều chỉnh, lọc hóa dầu Vũng Rô đội vốn lên 5 tỷ đồng và công suất thiết kế gấp đôi ban đầu.

Nhằm cung cấp tiện ích cho siêu dự án này, tập đoàn Singapore cũng đặt vấn đề đầu tư khu công nghiệp phụ trợ và nhà ở cho chuyên gia tại tỉnh Bình Định. Doanh nghiệp này đang xin chủ trương xây dựng khu đô thị 600 ha tại bán đảo Phương Mai và cảng nước sâu Nhơn Hội nhằm chia sẻ áp lực với cảng Quy Nhơn với tổng mức đầu tư khoảng 700 triệu USD.(Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục