tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 15-09-2018

  • Cập nhật : 15/09/2018

Truyền thông Trung Quốc: Sẽ không đầu hàng trước đòi hỏi của Mỹ trong đàm phán

Tờ China Daily đưa tin Trung Quốc sẽ không đầu hàng trước những đòi hỏi từ Mỹ trong đàm phán thương mại.

Trung Quốc và Mỹ dự kiến nối lại đàm phán thương mại sau khi Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin gửi lời mời tới phía Trung Quốc.

Tờ China Daily cho biết Trung Quốc “nghiêm túc” trong giải quyết đối đầu bằng đàm phán nhưng nước này sẽ không để bị lấn lướt, bất chấp nền kinh tế đang chững lại, thị trường chứng khoán sụt giảm.

“Chính quyền Tổng thống Donald Trump không nên lầm tưởng rằng Trung Quốc sẽ đầu hàng trước những đòi hỏi từ Mỹ. Trung Quốc có đủ động lực để thúc đẩy nền kinh tế ngay cả khi cuộc chiến thương mại kéo dài”, trích bài bình luận đăng trên China Daily hôm nay.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters.

Bài viết cảnh báo nếu Mỹ áp thêm thuế với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu, Bắc Kinh “sẽ không do dự, có biện pháp đáp trả để bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc”.

Trong khi đó, Tổng thống Trump ngày 13/9 tuyên bố trên Twitter cá nhân rằng Mỹ đang chiếm ưu thế trong đàm phán.

“Chúng ta không bị áp lực phải đạt thỏa thuận với Trung Quốc. Họ mới là bên chịu sức ép phải đạt thỏa thuận với chúng ta. Các thị trường của chúng ta đang tăng mạnh còn của họ thì sụp đổ. Chúng ta sẽ sớm thu về hàng tỷ USD từ thuế và sản xuất trong nước”, ông Trump viết

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 13/9 cho biết Bắc Kinh đã nhận lời mời từ Washington và hoan nghênh động thái này. Hai nước đang trong quá trình thảo luận chi tiết.

Chính quyền Trump đã áp thuế lên tổng cộng 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ tháng 7. Bắc Kinh đáp trả tương đương. Ông Trump vẫn chưa triển khai kế hoạch áp thuế với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Giai đoạn lấy ý kiến công chúng về kế hoạch này đã kết thúc hôm 6/9. Một ngày sau, ông chủ Nhà Trắng nói sẵn sàng áp thêm thuế với 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc “bất ngờ nếu ông muốn”.(NDH)
----------------------

Mỹ trừng phạt công ty Nga, Trung Quốc vì giao dịch với Triều Tiên

Các công ty Nga và Trung Quốc bị Mỹ áp trừng phạt với cáo buộc chuyển tiền bất hợp pháp sang Triều Tiên.

Biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào công ty công nghệ Yanbian Silverstar Network trụ sở ở Trung Quốc, giám đốc điều hành người Triều Tiên của công ty này, ông Jong Song-hwa, và chi nhánh của của công ty ở Nga Volasys Silver Star, Reuters dẫn thông báo từ Bộ Tài chính Mỹ cho biết.

"Những động thái trên nhằm mục đích ngăn chặn các nguồn thu nhập bất hợp pháp được chuyển tới Triều Tiên từ những công nhân công nghệ thông tin ở nước ngoài che giấu danh tính hay ẩn mình dưới các công ty bình phong, sử dụng tên giả hay quốc tịch nước thứ ba", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố.

Ông cảnh báo tất cả các công ty trên toàn thế giới "cần đặc biệt lưu ý để đảm bảo rằng họ không vô tình thuê công nhân Triều Tiên cho các dự án công nghệ".

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn duy trì sức ép lên Bình Nhưỡng thông qua các lệnh trừng phạt trong một nỗ lực nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Hồi tháng 6, Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore, cam kết hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa, song đến giờ vẫn chưa đạt kết quả rõ ràng. (Vnexpress)
----------------------------

Đạo luật Dodd-Frank - 'Lá chắn khủng khoảng tài chính' thời hậu Lehman Brothers

Chính quyền tổng thống Obama năm 2010 thông qua Đạo luật Dodd-Frank nhằm tăng cường kiểm soát hệ thống ngân hàng, ngăn cuộc khủng hoảng năm 2008 tái diễn.

Đạo luật Dodd-Frank, hay còn gọi là Đạo luật Cải cách Tài chính Phố Wall và Bảo vệ người tiêu dùng, là một phần quan trọng trong nỗ lực cải cách tài chính được chính quyền tổng thống Barack Obama thông qua ngày 21/7/2010. Đây là biện pháp ứng phó với hệ quả từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Đạo luật được đặt tên theo tên hai người soạn ra là Thượng nghị sĩ Christopher J. Dodd và Hạ nghị sĩ Barney Frank. Đạo luật dày gần 2.300 trang, quy định về nhiều hoạt động ngân hàng và đã được áp dụng trong nhiều năm để giảm thiểu nhiều rủi ro khác nhau trong hệ thống tài chính Mỹ.

Đạo luật còn giúp thiết lập các cơ quan mới trong chính phủ với nhiệm vụ giám sát nhiều khía cạnh trong hệ thống ngân hàng.

Tổng thống Barack Obama cùng Thượng nghị sĩ Chris Dodd (giữa) và Hạ nghị sĩ Barney Frank (phải) trong lễ ký thông qua Đạo luật Dodd-Frank tháng 7/2010. Ảnh: CNN.

Phe ủng hộ Dodd-Frank tin đạo luật sẽ ngăn kinh tế Mỹ tái rơi vào cuộc khủng hoảng như năm 2008 và bảo vệ người tiêu dùng khỏi những sự lạm dụng đã góp phần châm ngòi cho thảm họa năm đó. Tuy nhiên, hạn chế rủi ro đồng nghĩa với việc một công ty tài chính bị giảm lợi nhuận.

Những yêu cầu cao hơn về dự trữ theo đạo luật đồng nghĩa các ngân hàng phải tăng tỷ lệ tiền mặt của họ, giảm khả năng nắm giữ các chứng khoán có thể bán được, từ đó hạn chế vai trò thiết lập thị trường trái phiếu mà các ngân hàng thường đảm nhận.

Phe phản đối cho rằng đạo luật có thể ảnh hưởng sức cạnh tranh của các công ty Mỹ so với đối thủ nước ngoài. Cụ thể, việc tuân thủ quy định làm gia tăng gánh nặng cho nhóm ngân hàng cộng đồng và thể chế tài chính nhỏ dù trên thực tế, nhóm này không liên quan đến cuộc khủng hoảng năm 2008.

Trong số này có cựu bộ trưởng tài chính Larry Summers, CEO Blackstone Stephen Schwarzman, nhà hoạt động Carl Icahn và CEO JPMorgan Chase & Co Jamie Dimon. Họ không nghi ngờ gì về tính an toàn đã cao hơn nhờ Dodd-Frank nhưng những hạn chế từ đạo luật lại khiến thị trường chung mất tính thanh khoản.

Phe chỉ trích cho rằng đạo luật cuối cùng sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế, thể hiện qua các yếu tố như thất nghiệp nhiều hơn, lương thấp đi, tài sản cùng tiêu chuẩn cuộc sống tăng chậm. Chưa kể, các cơ quan thành lập theo Dodd-Frank cũng cần tiền để hoạt động và chi phí này lại lấy từ tiền thuế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, người kế nhiệm Obama, cam kết thu hồi Dodd-Frank. Ngày 22/5, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thu hồi phần lớn quy định trong đạo luật này với tỷ lệ 258 phiếu thuận, 159 phiếu chống. Trước đó, Thượng viện đã thông qua hôm 14/3 với tỷ lệ 67 – 31.

Đạo luật mới được đưa ra là Đạo luật Tăng trưởng Kinh tế, Cứu trợ theo quy định và Bảo vệ Người tiêu dùng. Tổng thống Trump đã ký duyệt hôm 24/5.

Đạo luật mới giúp nới lỏng hạn chế Dodd-Frank với các ngân hàng nhỏ, ngân hàng giám sát quy mô lớn, lĩnh vực tín dụng thế chấp. các bên cho vay quy mô nhỏ và phòng tín dụng.(NDH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục