tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 13-09-2018

  • Cập nhật : 13/09/2018

5 dự án đội vốn 'khủng'

Tình trạng điều chỉnh tổng mức đầu tư xảy ra đối với nhiều chương trình, dự án, trong đó điển hình là các dự án đường sắt đô thị (metro). Đặc biệt, 5 dự án metro tại Hà Nội và TPHCM đội vốn thêm 132.576 tỷ đồng.

1. Dự án xây dựng tuyến metro số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, được UBND TP Hà Nội phê duyệt đầu tư từ năm 2008. Đây là tuyến metro kết nối khu đô thị mới với khu vực đô thị trung tâm TP.

Theo đó, giai đoạn 1 có chiều dài 11,5km, trong đó 8,5 km ngầm và 3 km đi trên cao, 1 depot với tổng mức đầu tư 131.023 triệu yên (tương đương 19.555 tỷ đồng). Tháng 11/2011, tư vấn chung của dự án đã hoàn thiện thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng lên 51.750 tỷ đồng.

Với số tiền này, tính trung bình 216 triệu USD/km, trong đó tổng chi phí hệ thống cơ điện 503 triệu USD, chiếm hơn 20%. Chi phí đầu tư/km của dự án điều chỉnh cao gấp 1,7 lần so với dự án tương tự tại Malaysia và gấp khoảng 3 lần so với dự án tương tự tại Trung Quốc.

Do dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia nên phải trình Quốc hội xem xét. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) thuê tư vấn độc lập thẩm tra dự án điều chỉnh. Sau khi thẩm tra, Bộ KH-ĐT kiến nghị điều chỉnh xuống còn 41.870 tỷ đồng, giảm gần 10.000 tỷ đồng.

Đến năm 2016, sau khi xem xét thêm nhiều yếu tố, Bộ KH-ĐT kiến nghị giảm tiếp xuống còn 33.568 tỷ đồng, giảm 18.181 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó Bộ KH-ĐT lại kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư tối đa 30.069 tỷ đồng. Như vậy, dù đã 3 lần điều chỉnh giảm, tổng mức đầu tư dự án metro Hà Nội tuyến 2 vẫn tăng hơn 10.000 tỷ đồng.


Dự án Cát Linh - Hà Đông đã trải qua gần 7 năm thi công.

2. Tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội là một trong những dự án trọng điểm, triển khai đầu tiên trong hệ thống đường sắt đô thị của Hà Nội. Dự án có tổng chiều dài 12,5 km, với 8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm, bắt đầu từ Nhổn đến điểm cuối là ga Hà Nội, đi qua các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa và Hoàn Kiếm, với tổng số 12 ga (8 ga nổi, 4 ga ngầm).

Được khởi công từ tháng 9/2010, công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2017. Tuy nhiên, đầu năm 2017 TP Hà Nội báo cáo lùi tiến độ đến sau năm 2021. Tổng mức đầu tư dự án sau 2 lần tăng giá, đến nay đã lên đến gần 36.000 tỷ đồng, tăng thêm 10.400 tỷ đồng.

Đến nay dự án đã giải ngân được 7.156/32.910 tỷ đồng. Công tác giải phóng mặt cho phần 8,5 km trên cao đã cơ bản hoàn thành, phần 4 km đi ngầm chưa hoàn thành, trong đó có nhiều vị trí khó khăn như ga Kim Mã (S9) còn 11/13 hộ dân, ga Cát Linh (S10) còn 8/23 hộ dân, ga Văn Miếu (S11) còn 37/61 hộ dân và 1/4 cơ quan, ga Trần Hưng Đạo (S12) còn 43/46 hộ dân và 2/7 cơ quan...

3. Dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên có tổng vốn 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) được khởi công tháng 8/2012 với độ dài 19,7 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và thị xã Dĩ An (Bình Dương). Tổng mức đầu ban đầu của dự án năm 2007 hơn 17.300 tỷ đồng, đến năm 2011 được điều chỉnh lên hơn 47.300 tỷ đồng (tăng thêm 30.000 tỷ đồng).

Trong đó, vốn vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hơn 41.800 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách TP.

Tuy nhiên, việc đội vốn chưa được phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư nên dự án gặp khó khăn trong việc bố trí vốn. Việc này làm ảnh hưởng đến việc thanh toán cũng như khả năng các nhà thầu giảm tiến độ thi công, ảnh hưởng đến mục tiêu hoàn thành dự án vào năm 2020.

Để đảm bảo tiến độ thi công dự án, UBND TP HCM đã tạm ứng ngân sách 3 lần với số tiền gần 2.300 tỷ đồng để thanh toán cho nhà thầu thi công, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời.

Trước mắt, việc bố trí vốn năm 2018 cho dự án chưa đủ cơ sở thực hiện do tổng mức đầu tư mới chưa được Quốc hội xem xét, thông qua. Theo tiến độ ban đầu, dự án hoàn thành xây dựng vào năm 2017 và đưa vào khai thác vận hành năm 2018. Song, đến nay mới thi công được 50% khối lượng nên tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành lùi đến năm 2020.


Dự án Bến Thành - Suối Tiên liên tục đội vốn.

4. Tuyến metro số 2 TP HCM tuyến Bến Thành - Tham Lương có chiều dài toàn tuyến gần 20 km (Thủ Thiêm - Bến xe Tây Ninh), chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn một dài 11,3 km (Bến Thành - Tham Lương) đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú. Trong đó, có 9,3 km đi ngầm với độ sâu trung bình 18 m. Toàn tuyến có 10 ga ngầm và một ga trên cao, tổng vốn đầu tư hơn 26.110 tỷ đồng (hơn 1,3 tỷ USD). Giai đoạn 2 sẽ thực hiện khi có đủ vốn.

Ngày 24/8/2010, TP HCM đã làm lễ khởi công xây dựng dự án, dự kiến đến cuối năm 2014, tuyến metro số 2 mới được thi công đồng loạt. Và thực tế, tuyến tàu điện ngầm số 2 bắt đầu thi công vào tháng 6/2013, dự kiến tháng 2-2017 đưa vào khai thác. Tuy nhiên, dự án đã được điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng gần gấp đôi so với năm 2010, lên gần 48.000 tỷ đồng.

Trong đó, vốn ODA Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hơn 20.000 tỷ đồng, Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) hơn 11.000 tỷ đồng, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EID) hơn 5.000 tỷ đồng, còn lại vốn đối ứng gần 12.000 tỷ đồng.

5. Ồn ào nhất có lẽ là dự án metro Hà Nội Cát Linh - Hà Đông. Dự án này có chủ đầu tư là Bộ GTVT (đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đường sắt), tổng thầu thi công dự án theo hình thức EPC là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc. Toàn tuyến metro dài 13,05 km trên cao. Điểm đầu tuyến tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa (Quốc lộ 6); bao gồm 12 nhà ga trên cao và khu depot rộng 19,6 ha tại quận Hà Đông.

Dự án được khởi công tháng 10/2011, dự kiến hoàn thành tháng 6/2015, với tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD (tương đương 8.770 tỷ đồng), sau đó điều chỉnh lên 891,92 triệu USD (tương đương 18.792 tỷ đồng).

Đến năm 2017, dự án tiếp tục vay 250 triệu USD vốn ưu đãi từ Ngân hàng Xuất khẩu Trung Quốc (China EximBank) của Trung Quốc. Và với khoản vay thêm này, dự án metro Cát Linh - Hà Đông tăng lên 47.325 tỷ đồng, tức đội vốn gần 30.000 tỷ đồng so với ban đầu.

Tính từ thời điểm khởi công đến nay, dự án trải qua gần 7 năm thi công. Nếu tiến độ của Bộ GTVT đặt ra, dự án cũng sẽ kéo dài hơn 4 năm so với thời gian thi công đặt ra ban đầu. Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi ngày chậm tiến độ, dự án phải trả lãi vay khoảng 1,2 tỷ đồng.(ĐTTC)
---------------------------------

Việt Nam liên tiếp thặng dư thương mại với Hungary

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa song phương Việt Nam - Hungary trong 8 tháng đầu năm 2018 đạt 415 triệu USD, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017.

Trong tháng 8/2017, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hungary đạt gần 42 triệu USD, nâng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước sang thị trường này lên gần 283 triệu USD, tăng mạnh 164% so với mức kim ngạch là gần 107 triệu USD của 8 tháng/2017. 

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hungary trong 8 tháng đầu năm 2018 đã vượt qua kim ngạch xuất khẩu cả năm 2017 (chỉ đạt 207 triệu USD). 

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa của Hungary vào Việt Nam trong tháng 8/2018 là 24,4 triệu USD, nâng kim ngạch nhập khẩu 8 tháng/2018 lên gần 133 triệu USD, tăng mạnh 52% so với cùng kỳ năm 2017.

Các số liệu thống kê cho thấy, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hungary đã có những thay đổi đáng kể trong hai năm trở lại đây. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này tăng mạnh nên cán cân thương mại hàng hóa đã có những thay đổi tích cực.

  

Từ năm 2016 trở về trước, Việt Nam luôn nhập siêu từ thị trường này, cụ thể như năm 2016 nhập siêu từ Hungary là 80 triệu USD, trong khi xuất khẩu sang thị trường này chỉ đạt 93 triệu USD. Tuy nhiên bước sang năm 2017, Việt Nam đã đạt cán cân thương mại với thị trường này là 59 triệu USD và trong 8 tháng/2018 mức thặng dư thương mại đã lên tới 150 triệu USD.

Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này chủ yếu nhờ vào nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Nếu như 8 tháng năm 2017, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này sang Hungary mới chỉ đạt 53,12 triệu USD thì trong 8 tháng năm 2018, con số này đã lên tới  gần 192 triệu USD.

Đây cũng là nhóm hàng chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này trong 8 tháng đầu năm nay (chiếm 68%).

Ngoài ra, một số mặt hàng chính xuất khẩu sang Hungary trong 8 tháng qua là: Phương tiện vận tải và phụ tùng (4,46 triệu USD); hàng dệt may (2,87 triệu USD); giày dép các loại (1,41 triệu USD)…

Hai nhóm hàng chính Việt Nam nhập khẩu từ Hugary trong 8 tháng năm 2018 là dược phẩm (25 triệu USD) và nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác (46,2 triệu USD). Tổng trị giá nhập khẩu 2 nhóm hàng này chiếm tới 54% tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước từ thị trường này.

Trong quan hệ thương mại với Việt Nam, Hungary là thị trường xuất khẩu xếp thứ 58 và nhập khẩu xếp thứ 53 trong tổng số hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Việt Nam.(Bizlive)
------------------------------

Jack Ma thành hình mẫu cho thế hệ khởi nghiệp Trung Quốc như thế nào?

Jack Ma không chỉ thành công trong kinh doanh, mà còn phá vỡ khuôn mẫu về một lãnh đạo doanh nghiệp tại Trung Quốc.

Rất lâu trước khi trở thành doanh nhân nổi tiếng toàn cầu của Trung Quốc, Jack Ma chỉ là một giáo viên tiếng Anh đang cố gắng thuyết phục bạn bè rằng một ngày nào đó họ sẽ mua sắm mọi thứ qua internet.

Theo Bloomberg, tầm nhìn của Jack Ma đã thay đổi người tiêu dùng Trung Quốc. Jack Ma, 54 tuổi, có kế hoạch rời khỏi Alibaba Group Holding Ltd. trong vòng 1 năm tới. Ông đã làm được nhiều hơn là chỉ xây dựng một đế chế thương mại điện tử trở thành công ty giá trị nhất châu Á.

Hình mẫu cho thế hệ doanh nhân khởi nghiệp mới tại Trung Quốc

Jack Ma đã chứng minh được rằng một doanh nghiệp tư nhân với ý tưởng đột phá vẫn có thể phát triển mạnh trong một nền kinh tế bị kiểm soát chặt chẽ. Thành công của ông là hình mẫu giúp ngành công nghệ Trung Quốc cạnh tranh với Thung lũng Silicon, đưa nền kinh tế này dần tiền tới vượt Mỹ.

Jack Ma hiện là người giàu nhất Trung Quốc với tài sản khoảng 40 tỷ USD và là diễn giả được chào đón tại nhiều sự kiện toàn cầu như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos.

"Ông ấy là hình mẫu của thế hệ chúng ta", Peiran Wei, một doanh nhân 36 tuổi, nói và cho biết ông đã tự tin đồng sáng lập một startup với ứng dụng có tên VideoUP phần lớn nhờ Jack Ma và Alibaba.

Câu chuyện Jack Ma giờ đây trở thành huyền thoại trong các trường học của Trung Quốc. Ông sinh năm 1964 tại Hàng Châu. Ông học tiếng Anh bằng cách làm hướng dẫn viên miễn phí cho du khách nước ngoài tham quan thành phố. Sau thời gian làm giáo viên tiếng Anh, Jack Ma chuyển sang làm kinh doanh với việc thành lập Alibaba.com vào năm 1999 cùng với 17 người đồng sáng lập.

Ông đã chứng tỏ mình là một lãnh đạo truyền cảm hứng cho nhân viên, không ngại đấu tranh với các đối thủ ngoại và có tầm nhìn hiện đại học nền kinh tế Trung Quốc.

"Những người thông minh cần một kẻ ngốc để lãnh đạo họ", Jack Ma từng nói. "Chiến thắng sẽ dễ dàng hơn nếu bạn có những người nhìn mọi thứ với những góc độ khác nhau".

Alibaba đã mang thương mại điện tử tới những ngôi làng xa xôi của Trung Quốc và phát triển trí tuệ nhân tạo, chăm sóc sức khỏe và làm cả phim Hollywood. Sau 19 năm thành lập, công ty này trở thành đế chế trị giá 420 tỷ USD, lớn hơn bất kỳ công ty lâu đời hơn có sự hậu thuẫn của chính phủ tại Trung Quốc.

Một trong những người đầu tiên nhìn ra tiềm năng của Jack Ma là Masayoshi Son, ông chủ của tập đoàn Nhật SoftBank. Năm 2000, Son đã đầu tư 20 triệu USD vào Alibaba và hiện số cổ phần này trị giá 120 tỷ USD.

"Ông ấy không có kế hoạch kinh doanh và cũng chưa có doanh thu. Nhưng ông ấy có ánh mắt kiên định. Từ dáng đi tôi có thể nhận thấy ông ấy là một lãnh đạo giỏi", Son nhớ lại.

Năm 2014, Alibaba đã có vụ chào cổ phiếu lần đầu ra công chúng với số tiền huy động được kỷ lục 25 tỷ USD. Đây như lời nhắc đối với các nhà đầu tư mạo hiểm rằng họ có thể kiếm cả gia tài từ các startup của Trung Quốc.

Tác động từ đó cũng xảy ra tức thời. Tháng 7 vừa qua, nhà sản xuất smartphone Xiaomi Corp. cũng đã huy động được 4,7 tỷ USD với định giá cao nhất thế giới, 46 tỷ USD. Giá trị các thương vụ đầu tư mạo hiểm tại Trung Quốc cũng tăng từ 4,4 tỷ USD vào năm 2013 lên 16,6 tỷ USD năm 2014 và đạt 60,2 tỷ USD năm 207, theo hãng nghiên cứu thị trường Preqin. Năm nay, Trung Quốc được dự báo vượt qua Mỹ về cả số vốn mạo hiểm huy động được lẫn số IPO.

"Môi trường khởi nghiệp tại Trung Quốc sẽ không được như hiện nay nếu không có Jack Ma", William Bao Bean, đối tác tại Thượng Hải của quỹ đầu tư mạo hiểm SOSV, cho biết. "Sự nổi tiếng của Jack Ma và thành công của Alibaba đã giúp khởi nghiệp trở thành một lựa chọn nghề nghiệp được chấp nhận rộng rãi, giúp hình ảnh một trong những thị trường công nghệ lớn nhất thế giới".

Phá vỡ khuôn mẫu về lãnh đạo doanh nghiệp tại Trung Quốc

Jack Ma không chỉ thành công trong kinh doanh, mà còn phá vỡ khuôn mẫu về một lãnh đạo doanh nghiệp tại Trung Quốc. Đó thường là những ông chủ ít khi xuất hiện của các công ty quốc doanh khổng lồ như PetroChina hay China Mobile. Jack Ma từng hóa trang thành Michael Jackson và nhảy, hay đội mũ lông chim múa hát trong bữa tiệc thường niên của công ty.

"Đối với nhiều người, ông ấy là bộ mặt của internet Trung Quốc. Chẳng ai thực sự biết Pony Ma (người sáng lập Tencent Holdings Ltd.) trông như thế nào", Bean nói.

Trong lĩnh vực kinh doanh, Jack Ma thường được so sánh với Jeff Bezos của Amazon bởi công ty của họ đều hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tuy nhiên, ông cũng có điểm tương đồng với Bill Hewlett và Dave Packard, đồng sáng lập Hewlett-Packard Co. - những người đã có những cải tiến đột phá và giúp khai sinh hàng loạt hãng công nghệ thế hệ mới.

"Trong thời Cách mạng Văn hóa, ở Trung Quốc không được phép kinh doanh", Wang Huiyao, cố vấn nội các Trung Quốc và là người sáng lập Trung Tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa cho biết. "Jack Ma đại diện cho thế hệ doanh nhân quốc tế đầu tiên của Trung Quốc".(Vneconomy)

Trở về

Bài cùng chuyên mục