tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 16-09-2018

  • Cập nhật : 16/09/2018

“Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ổn định ở mức vừa phải”

“Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ổn định ở mức vừa phải”

Tại báo cáo chuyên đề vĩ mô với nội dung "Chu kì kinh tế Việt Nam: Chúng ta đang ở đâu?" Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, dựa trên các học thuyết kinh tế, tập trung vào chu kỳ nợ/tín dụng, nhóm nghiên cứu của VDSC tin rằng nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng.

Tăng trưởng kinh tế duy trì ổn định ở mức vừa phải trong khi sức ép lên lãi suất ngày càng lớn và lạm phát bắt đầu có xu hướng gia tăng mạnh. Nhu cầu tiêu dùng vẫn sẽ tăng trưởng mạnh và thúc đẩy nền kinh tế mặc dù hàng tồn kho có dấu hiệu gia tăng. Đáng chú ý, hoạt động đầu cơ ngày càng gia tăng, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.

Sau khi chạm đáy vào năm 2012, nền kinh tế bắt đầu hồi phục trong giai đoạn 2012-2013 khi hàng tồn kho giảm mạnh nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng. Trong 2014-2015, hoạt động đầu tư và nhu cầu tiêu dùng nhìn chung gia tăng.

Loại bỏ những tác động tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế xuất hiện năm 2016 do yếu tố môi trường và thời tiết, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã liên tục tăng tốc cho đến năm 2018. "Theo quan điểm của chúng tôi, nền kinh tế sẽ tăng trưởng ổn định ở mức vừa phải trong các năm tới", nhóm nghiên cứu VDSC cho biết trong báo cáo.

Về triển vọng, hoạt động đầu tư tư nhân và nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn sẽ là trụ đỡ chính cho nền kinh tế. Ngược lại, các rủi ro từ bên ngoài bao gồm căng thẳng thương mại, rủi ro địa chính trị,…

"Tăng trưởng GDP có thể giảm 0,5-1,2 điểm phần trăm trong trường hợp căng thẳng thương mại gia tăng. Chênh lệch tăng trưởng GDP giữa 2017 và 2012 là 1,8%", VDSC dự báo.

Cũng tại báo cáo này, nhóm chuyên gia VDSC cho biết, trong chu kỳ kinh tế thứ 3 (2012 đến hiện tại) kể từ khi cuộc cải cách “Đổi Mới” diễn ra, đã chứng kiến những thay đổi tích cực trong bức tranh kinh tế.

Cụ thể, tiêu dùng trong nước chiếm gần 70% GDP. Chiến lược khai thác thị trường tiêu dùng nội địa nhận được nhiều chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Trong khi đó, đầu tư khu vực tư nhân đang gia tăng mạnh mẽ. Nếu như các dự án FDI quy mô lớn nắm vai trò chủ đạo từ năm 2014 thì hiện nay các tập đoàn tư nhân lớn trong nước cũng đang mạnh tay đầu tư vào khu vực sản xuất nhằm thay thế các mặt hàng nhập khẩu. Những dự án này sẽ có tác động tích cực lên tăng trưởng kinh tế trong 2 năm tới.

Từ phương diện tổng cung, hoạt động công nghiệp chế biến chế tạo gia nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu nhờ chiếc cầu nối được dựng xây bởi các doanh nghiệp FDI, nổi bật là các tập đoàn lớn đến từ Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Formosa, dự án sản xuất thép tỷ đô, bắt đầu đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, cơ cấu nền kinh tế vẫn chưa ghi nhận những thay đổi đáng kể và dòng vốn tín dụng vẫn đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế. Điều này hàm ý tăng trưởng tín dụng nhanh hay chậm sẽ xác định quỹ đạo chuyển động của nền kinh tế. Các doanh nghiệp nội địa vẫn phụ thuộc vào dòng vốn từ khu vực ngân hàng khi thị trường tài chính nhìn chung còn kém phát triển. (Bizlive)
----------------------

Ngân hàng trung ương Nga nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2014

Ngân hàng trung ương Nga ngày 14/9 đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm lên 7,5%, đồng thời cho biết họ đang xem xét nâng lãi suất lên cao hơn nữa.

Trong một tuyên bố mới đưa ra, Ngân hàng trung ương Nga cho biết họ nâng lãi suất vì "những thay đổi về các điều kiện bên ngoài" đã làm gia tăng đáng kể các nguy cơ gây lạm phát kể từ sau cuộc họp gần đây nhất của ngân hàng. 

Ngoài ra, BoR cũng cho biết sẽ xem xét sự cần thiết về việc tiếp tục nâng lãi suất khi tính đến yếu tố lạm phát và động lực của nền kinh tế, cũng như những rủi ro bên ngoài và phản ứng của thị trường tài chính. 

Đây là lần đầu tiên Ngân hàng trung ương Nga nâng lãi suất kể từ năm 2014 tới nay. Động thái này diễn ra trong bối cảnh các thị trường mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng tiền tệ, còn các nước phương Tây đang đe dọa áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới lên Moskva. 

Ngân hàng này đã từng bước cắt giảm lãi suất cho đến tháng 3/2017, rồi sau đó giữ nguyên ở mức ổn định từ đó tới nay. Quyết định trong ngày 14/9 trái ngược với những dự báo của giới phân tích, khi họ cho rằng Ngân hàng trung ương Nga sẽ không thay đổi lãi suất. 

BoR đã kiểm soát chặt chẽ lãi suất cho vay sau khi từng đẩy tỷ lệ này lên đến mức 17% vào tháng 12/2014 như một hành động khẩn cấp nhằm ngăn chặn đà trượt dốc của đồng ruble (rúp) trước bối cảnh giá dầu giảm và phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt. 

Cuộc họp tiếp theo của BoR để thảo luận về lãi suất dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 26/10 tới. 

Bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, Bộ Phát triển Kinh tế Nga cho biết kinh tế nước này đã tăng trưởng trở lại trong vòng một năm rưỡi qua và việc chính phủ đang bắt tay thực hiện hàng loạt biện pháp, bao gồm các dự án phát triển các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế cũng như kế hoạch tăng cường hoạt động đầu tư và cải cách hệ thống hưu trí, đang phát huy hiệu quả. Từ những kết quả khả quan này, Bộ Phát triển Kinh tế Nga dự báo kinh tế "xứ sở Bạch dương" có thể tăng trưởng 2% vào năm 2020 và 3% trong năm 2021.(Bnews)
----------------------

London mất dần vị trí trung tâm tài chính hấp dẫn nhất thế giới vì Brexit

Brexit đang đặt ra thách thức lớn nhất cho ngành tài chính của London kể từ sau cuộc khủng hoảng 2007 – 2009. Nguyên nhân là do bước đi này của Anh có thể khiến các ngân hàng và các công ty bảo hiểm mất quyền truy cập vào EU, khối giao dịch lớn nhất thế giới.

New York xếp vị trí đầu tiên, tiếp sau đó là London, Hồng Kông và Singapore, CNBC dẫn kết quả khảo sát chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu Z/Yen, chỉ số xếp hạng 100 trung tâm tài chính về những yếu tố như cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp cận nhân viên chất lượng.

Xếp hạng của London đã giảm 8 điểm so với 6 tháng trước, mức giảm điểm lớn nhất trong số những ứng cử viên hàng đầu. Theo các tác giả cuộc khảo sát, điều này phản ánh tình trạng không chắc chắn về khả năng giao dịch tài chính của London xung quanh việc Anh sẽ chính thức rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019.

“Ngày quy trình Brexit hoàn thành đang ngày càng gần hơn và chúng tôi vẫn không biết liệu London còn có thể giao dịch với tất cả các trung tâm tài chính châu Âu khác hay không. Nỗi sợ mất khả năng kinh doanh với các trung tâm tài chính khác đang dẫn đến sự suy giảm nhẹ và mọi người cũng lo ngại về khả năng cạnh tranh của London”, Mark Yeandle, đồng sáng lập Z/Yen nói với Reuters.

Kể từ khi Anh bỏ phiếu rời khỏi EU hồi năm 2016, một số hãng tài chính mạnh nhất thế giới ở London đã bắt đầu chuyển nhân viên sang các nước khác để bảo đảm dòng giao dịch xuyên biên giới sẽ tồn tại sau năm 2019.

Các công ty dịch vụ tài chính, vốn chiếm khoảng 12% sản lượng nền kinh tế Anh và phải đóng thuế nhiều hơn bất kỳ ngành công nghiệp nào khác, nhiều khả năng sẽ mất một lượng tiền không nhỏ vì Brexit. Dự kiến sẽ có khoảng 5.000 việc làm được chuyển ra khỏi London hoặc được tạo ra ở EU vào tháng ba năm sau, theo một nghiên cứu của Reuters.

Người đứng đầu London hồi tháng 7/2018 dự đoán rằng thành phố sẽ mất từ 3.500 đến 12.000 việc làm tài chính vì Brexit trong ngắn hạn, không loại trừ trường hợp con số này sẽ tiếp tục tăng nhiều hơn nữa.

Hầu hết các ngân hàng lớn của Mỹ, Anh và Nhật đều nói họ sẽ mở công ty con hoạt động tại Frankfurt, Paris hoặc Dublin. Các trung tâm châu Âu khác đã tăng hạng trên bảng xếp hạng toàn cầu. Cụ thể, Zurich tăng từ vị trí thứ 16 cách đây sáu tháng trước lên vị trí thứ 9, Frankfurt tăng từ vị trí 20 lên xếp thứ 10, còn Amsterdam leo lên vị trí 35 từ thứ hạng 50.

Tuy nhiên, nhiều giám đốc điều hành ở London cảnh báo rằng mối đe dọa lớn nhất đối với thành phố không đến từ những trung tâm tài chính châu Âu khác, mà là từ đối thủ cạnh tranh toàn cầu như New York và Hồng Kông.

“London và New York từ lâu đã tranh nhau vị trí dẫn đầu trong chỉ số nêu trên và sự không chắc chắn về tương lai của Brexit có thể là yếu tố gây thay đổi thứ hạng mới nhất của hai thành phố”, Miles Celic, giám đốc điều hành nhóm vận động hành lang TheCityUK, nói.

Dù vậy, Alex Brazier, giám đốc điều hành Ngân hàng Anh, vẫn lạc quan vào sự ổn định tài chính của đất nước khi nói rằng: “Bất kể những gì xảy ra với Brexit, Anh sẽ vẫn là trung tâm tài chính toàn cầu. Có thể sẽ có một số công việc bị chuyển đi, nhưng tôi không mong đợi bức tranh lớn thay đổi”. (thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục