tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 16-06-2017

  • Cập nhật : 16/06/2017

Doanh nghiệp ô tô Indonesia tăng tốc vào Việt Nam

“Hợp tác ba bên” về công nghiệp ô tô có thể hình thành với thương hiệu Nhật Bản, sản xuất tại Indonesia và Việt Nam.

doanh nghiep o to indonesia tang toc vao viet nam

Doanh nghiệp ô tô Indonesia tăng tốc vào Việt Nam

Gần 70 doanh nghiệp, trong đó có 4 công ty lớn nhất trong lĩnh vực công nghiệp ô tô của Indonesia, đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, thông qua sự hậu thuẫn của Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam. 

Ý tưởng “hợp tác ba bên” trong lĩnh vực công nghiệp ô tô của Đại sứ Indonesia tại Việt Nam, ông Ibnu Hadi, dựa trên nhu cầu thật về mong muốn đầu tư vào Việt Nam của các liên danh ô tô Indonesia và Nhật Bản.

Ngành công nghiệp ôtô Indonesia hướng tới thị trường Việt Nam với nhiều yếu tố, như dân số 93 triệu người, 85% người dân sử dụng phương tiện cá nhân, thu nhập trung bình trên 2.200 đô la Mỹ/người/năm và hai nước cùng là thành viên Cộng đồng kinh tế ASEAN, hướng tới thị trường toàn cầu.

Thêm nữa, thuế nhập khẩu giữa các nước ASEAN từ ngày 1.1.2018 sẽ về 0%, cơ hội cho các doanh nghiệp của Indonesia và Việt Nam thúc đẩy các cơ hội kinh doanh và đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp ô tô.

“Khi đó, chúng ta không chỉ có các đối tác đến từ Đông Nam Á mà còn từ thị trường toàn cầu”, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam, nói về ý tưởng của mình. 

Các doanh nghiệp ô tô của Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong phát triển ngành ô tô của Indonesia. Hầu hết các công ty sản xuất, kinh doanh ô tô của Indonesia đều có yếu tố Nhật Bản.

Toyota Motor Manufacturing, một công ty lớn chiếm tới 77% thị phần thị trường ô tô của Indonesia, đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Với nền tảng 1.500 công ty trực thuộc và 300.000 lao động, Toyota Motor Manufacturing đã xuất khẩu tới 88-89% tổng sản sản lượng, tới hơn 80 quốc gia trên toàn cầu, tính đến năm 2016.

“Từ Indonesia, Toyota Motor Manufacturing đang đẩy mạnh xuất khẩu tới các quốc gia trên thế giới”, ông Teguh Trihono, Trưởng ban Đối ngoại Toyota Motor Manufacturing, cho biết.

Nhanh chân hơn, Astra Visteon Indonesia đã vào Việt Nam từ hồi tháng Tư bằng một dự án mới với Honda Vietnam. “Chúng tôi vừa lập công ty mới, có tên là Astra Visteon Việt Nam”, ông Rein Hanto, đại diện Astra Visteon Indonesia, cho biết.

Astra Visteon Việt Nam sẽ bắt đầu kinh doanh vào cuối năm nay để hai năm tới sẽ có vị trí vững vàng tại thị trường Việt Nam trong lĩnh vưc vực cung cấp cung cấp thiết bị điện tử kỹ thuật cao cho xe ô tô.

Giá nhập khẩu phụ tùng nhập từ Indonesia nhiều khi thấp hơn sản xuất tại Việt Nam tới 30%. Chúng tôi cần sự hỗ trợ của doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện nội địa hóa một số sản phẩm như hộp số, dây điện…, để nó có tính cạnh tranh cao hơn”, ông  Rein Hanto cho biết.

Ô tô nhập khẩu từ Indonesia về Việt Nam đang tăng mạnh. Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 5.2017, số lượng xe nhập từ thị trường Indonesia đã lên tới hơn 2.700 chiếc, tăng gần 72%  so với tháng trước và tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2016.(NCĐT)
--------------------------------------

Trung Quốc bắt giữ chủ tịch tập đoàn Anbang

Truyền thông Trung Quốc ngày 14-6 đưa tin chủ tịch tập đoàn tài chính và bảo hiểm Anbang, ông Wu Xiaohui đã bị bắt giữ.

chu tich tap doan anbang tham du dien dan phat trien trung quoc tai bac kinh ngay 18-3 - anh: reuters

Chủ tịch tập đoàn Anbang tham dự Diễn đàn Phát triển Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 18-3 - Ảnh: Reuters

Tập đoàn Anbang là một trong những doanh nghiệp có thế lực và giàu nhất Trung Quốc. Phía tập đoàn cho biết ông Wu đã từ chức chủ tịch một ngày trước đó.

Anbang không cung cấp thông tin chi tiết về sự ra đi của ông Wu nhưng nói thêm rằng ông không thể hoàn thành nhiệm vụ của ông vì "những lý do cá nhân".

Tuần trước, tạp chí doanh nhân Trung Quốc Caijing (Tài Kinh) đưa tin ông Wu bị chính quyền bắt giữ nhưng sau đó đã gỡ bỏ bản tin này.

Đài BBC dẫn nguồn tin từ một quan chức giấu tên cho biết cảnh sát đã dẫn ông Wu ra khỏi khối Văn phòng Anbang từ hôm 8-6. 

Hiện chưa rõ ông Wu đang ở đâu. Tuy nhiên nếu nhà chức trách Bắc Kinh xác nhận vụ bắt giữ thì ông Wu sẽ là nhân vật cấp cao nhất mà chính quyền nước này nhắm đến trong nỗ lực khôi phục lại sự kiểm soát của nhà nước đối với ngành tài chính và chỉa mũi dùi vào vấn nạn tham nhũng.

Hãng tin Reuters cho biết Anbang nổi tiếng với một số thương vụ quốc tế lớn như mua khách sạn Waldorf Astoria tại New York (Mỹ) hồi năm 2015.

Tập đoàn Anbang, trị giá khoảng 242 tỉ USD, cho biết các nhiệm vụ của chủ tịch tập đoàn sẽ được chuyển giao cho các giám đốc điều hành cấp cao khác phụ trách.

Trước đó tập đoàn này từng lên tiếng phủ nhận báo cáo của tờ Financial Times rằng ông Wu đã ngừng công du ra nước ngoài.

Ông Wu từ lâu đã được coi là một trong những doanh nhân có liên quan đến chính trị cao cấp của Trung Quốc. Ông đã kết hôn với cháu gái của cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.

Tập đoàn Anbang gần đây cũng đang đàm phán với công ty bất động sản thuộc sở hữu của con rể tổng thống Mỹ Donald Trump là Jared Kushner. Hai bên đang đàm phán một thỏa thuận nhằm tái phát triển một trong những tòa nhà tại khu Manhattan của công ty Kushner. (Tuoitre)
----------------------------

Đường sắt khó thu hút vốn tư nhân

Ngành hàng không và đường bộ đã chứng kiến sự hấp dẫn với các nhà đầu tư tư nhân trong khi ngành đường sắt vẫn chưa thôi... xình xịch và khó thu hút nguồn vốn đầu tư bên ngoài. 

van chuyen hang hoa bang tau lua tai ga song than, binh duong. anh: huu thuan

Vận chuyển hàng hóa bằng tàu lửa tại ga Sóng Thần, Bình Dương. Ảnh: Hữu Thuận

Trao đổi với chúng tôi, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết từ năm 2014, Bộ Giao thông - Vận tải đã phê duyệt đề án “Huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng lĩnh vực đường sắt”, với mục tiêu huy động tối đa và hiệu quả mọi nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt.

Theo đó, Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng các hạng mục kết cấu hạ tầng đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, còn các hạng mục khác như: nhà ga, kho ga, ke ga, bãi hàng, các khu dịch vụ hỗ trợ khác sẽ huy động xã hội hóa để đầu tư và kinh doanh, khai thác...

Một trong những điểm đáng chú ý của đề án là thí điểm nhượng quyền quản lý khai thác kinh doanh 13 tuyến, đoạn tuyến đường sắt, tiến tới nhượng quyền kinh doanh, khai thác kết cấu hạ tầng toàn tuyến.

Tuy nhiên, theo ông Đông, số lượng nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào đường sắt không nhiều, trong đó có những nhà đầu tư không có động thái gì sau đề nghị ban đầu.

Trong thực tế, sau khi Bộ Giao thông - Vận tải ban hành đề án, một số nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào các bãi hàng như Công ty CP giao nhận & vận chuyển Indo Trần đầu tư trung tâm logistics ở ga Yên Viên (Hà Nội), Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đầu tư cảng cạn ở ga Sóng Thần (Bình Dương) và Đông Anh (Hà Nội).

Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc quan tâm đầu tư đoạn đường sắt từ Yên Viên đi Lào Cai, theo phương án nhà đầu tư bỏ tiền đầu tư rồi chia sẻ phần giá trị tăng thêm khi năng lực chạy tàu tăng, doanh thu tăng. Bộ Giao thông - Vận tải đã trình Chính phủ quyết định phương án mà Lotte đề xuất...

Ngoài ra, một số tập đoàn lớn trong nước từng bày tỏ mong muốn đầu tư vào nhà ga Hà Nội và Sài Gòn, đầu tư đoàn tàu để khai thác trên một số hành trình nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh nào.

Với đầu tư đường sắt kết nối với cảng biển và khu công nghiệp, ông Đông cho biết mới chỉ có Công ty CP ximăng Công Thanh đề nghị đầu tư đoạn đường kết nối đường sắt Thống Nhất từ ga Khoa Trường (Thanh Hóa) đến nhà máy ximăng của doanh nghiệp này.

Còn dự án đường sắt vào cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư xã hội hóa nhưng chưa có nhà đầu tư nào quan tâm vì vốn lớn quá (hơn 1,55 tỉ USD cho giai đoạn 1, không có khả năng huy động vốn đầu tư).

“Chủ trương của Bộ Giao thông - Vận tải luôn hoan nghênh đầu tư xã hội hóa vào đường sắt. Nhưng trở ngại lớn nhất là nhà đầu tư thu hồi vốn bằng cái gì? Đầu tư BOT không áp dụng cho đường sắt được vì vốn đầu tư quá lớn, gấp mấy lần đường bộ trên 1km nên thu hồi vốn lâu, điểm hòa vốn không có. Trên thế giới chỉ có mấy hình thức đầu tư đường sắt là nhà nước đầu tư rồi khai thác, nhà đầu tư làm rồi nhà nước thuê lại để khai thác, nhà đầu tư đầu tư các kho bãi hàng hóa” - ông Đông cho biết.(Tuoitre)
-----------------------------

Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của VN tăng 12 bậc

Việt Nam được xếp hạng thứ 47/127 về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu - GII. Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam từng đạt được từ trước đến nay.

Chiều 15-6, thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), trường đại học Cornell và viện nghiên cứu INSTEAD vừa công bố Báo cáo Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2017 (GII-2017).

Theo báo cáo này, chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017 của Việt Nam được xếp hạng 47/127, tăng 12 bậc so với vị trí xếp thứ 59 của năm 2016.

Theo đánh giá của Bộ Khoa học và công nghệ, những nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong năm qua của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã được ghi nhận trong xếp hạng về đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2017.

Xếp hạng 47 trên 127 quốc gia/nền kinh tế  của Việt Nam năm 2017 là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được từ trước cho đến nay. Nếu tính theo chuẩn GDP thì Việt Nam đạt kết quả cao hơn kỳ vọng.

Trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đã vươn lên xếp hạng thứ nhất từ vị trí số 3 năm 2016. Trong khu vực bao gồm Đông Nam Á, Đông Á, và Châu Đại dương, Việt Nam xếp thứ 9. Trong ASEAN, Việt Nam vươn lên và đứng trên Thái Lan.

Việt Nam được đánh giá có thế mạnh trong bảy trụ cột: đầu ra tri thức và công nghệ; chỉ số phức tạp/đa dạng của thị trường; chỉ số phức tạp/đa dạng kinh doanh, chỉ số đầu ra sáng tạo và chỉ số tăng trưởng đầu tư cho giáo dục…

Trong bản báo cáo GII-2017 của WIPO đã viết: “một số nền kinh tế ASEAN - cụ thể là Indonesia, Philippines, Thái lan và Việt Nam - hiện được coi là “những con hổ châu Á mới” đang lên. Các nền kinh tế này tham gia ngày càng nhiều vào một số chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, bao gồm cả những chuỗi trong các ngành tương đối là công nghệ cao. Những nước này còn rất tích cực trong việc cải thiện kết quả đổi mới sáng tạo, như là làm nổi bật việc sử dụng các bài học tốt từ phát hiện GII gắn với những kết quả đổi mới sáng tạo quan trọng.”.

Chính phủ đã có Nghị quyết vào tháng 2-2017 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó chỉ số GII là một trong bốn đánh giá xếp hạng toàn cầu đã được Chính phủ sử dụng.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam định vị và đặt mục tiêu về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia trong xếp hạng toàn cầu, đồng thời xây dựng và thực hiện hệ chính sách tương ứng theo thông lệ quốc tế.

Chính phủ đã đặt mục tiêu cụ thể “Đến năm 2020, các chỉ số Đổi mới sáng tạo (theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới – WIPO) đạt trung bình ASEAN 5” (tức là đứng sau Singapore, Malaysia và đứng trên Thái Lan và một nước Đông Nam Á khác). (Tuoitre)

Trở về

Bài cùng chuyên mục