tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 15-06-2017

  • Cập nhật : 15/06/2017

Xuất khẩu xi măng 5 tháng thu về 288 triệu USD

Xuất khẩu xi măng trong 5 tháng 2017 đã tăng trưởng trở lại sau một thời gian suy giảm, với sản lượng hơn 8,2 triệu tấn, đạt 288 triệu USD.

xuat khau xi mang trong 5 thang dau nam 2017 da thu ve 288 trieu usd.

Xuất khẩu xi măng trong 5 tháng đầu năm 2017 đã thu về 288 triệu USD.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5/2017, Việt Nam đã xuất khẩu được 1,66 triệu tấn xi măng và clinker,  tương đương với trị giá thu về đạt 58,7 ngàn USD, giảm 13,5% về lượng và 12,9% về trị giá so với tháng 4/2017.

Tính chung 5 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam đạt 8,2 triệu tấn, trị giá  288 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2016, xuất khẩu xi măng đã tăng 16,6% về lượng và tăng 10,9% về trị giá.

Bangladesh và Phillipiness vẫn là hai thị trường xuất khẩu xi măng và clinker lớn nhất của Việt Nam, trong đó, xuất khẩu sang thị trường Bangladesh đạt 3,5 triệu tấn, trị giá 103 triệu USD, thị trường Phillippiness đạt 2,2 triệu tấn, trị giá 96,2 triệu USD, xuất khẩu sang Peru đạt 241.000 tấn, trị giá 11,2 triệu USD, Đài Loan 349.000 tấn, trị giá 10,3 triệu USD, Srilanka 332.000 tấn, trị giá 9,6 triệu USD.

Các thị trường còn lại là Malaysia, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Modambic, Australia…

Như vậy, xuất khẩu xi măng trong 5 tháng 2017 đã tăng trưởng trở lại sau một thời gian suy giảm.

Năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu được khoảng 14,7 triệu tấn xi măng và clinker, đạt giá trị 561 triệu USD. So với năm 2015, lượng xuất khẩu xi măng và clinker năm 2016 giảm 7,1% và trị giá giảm 16%.(Baodautu)
-------------------------

VASEP kiến nghị nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ

Với giá trị xuất khẩu hơn 510 triệu USD trong năm 2016, xuất khẩu cá ngừ đang góp phần đáng kể vào việc tăng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có Công văn số 71/2017/CV-VASEP gửi Tổng cục Thủy sản  kiến nghị thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ.

Số liệu của VASEP cho biết,  5 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 216 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, xuất khẩu cá ngừ chế biến đóng hộp tăng mạnh 35% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu cá ngừ đông lạnh tăng 11%. Xuất khẩu  cá ngừ tiếp tục phục hồi nhờ sự tăng trưởng xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chính truyền thống như Hoa Kỳ và EU.

Tính đến thời điểm này, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã xuất được sang 79 thị trường trên thế giới, nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước.

theo vasep, xuat khau ca ngu sang nhat ban ngay cang kho canh tranh voi thai lan va philippines vi thue

Theo VASEP, xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản ngày càng khó cạnh tranh với Thái Lan và Philippines vì thuế

Để thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ trong bối cảnh thị trường chủ lực Nhật Bản ngày càng khó khăn, Câu lạc bộ các doanh nghiệp cá Ngừ VASEP đã có công văn đề nghị Tổng cục Thủy sản một số vấn đề chính sau để tiếp tục hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ trong thời gian tới, góp phần chung vào tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước:

Theo VASEP, nghề lưới vây của Việt Nam có ưu điểm là không sử dụng thiết bị dẫn dụ cá, đáp ứng yêu cầu đánh bắt trong tương lai, qua thương mại và nhu cầu tiêu thụ trên thế giới, Hiệp hội nhận thấy rõ ràng đây là một lợi thế của Việt Nam cần được đẩy lên thành thế mạnh.

Bởi vậy, VASEP kiến nghị Tổng cục Thủy sản xem xét sớm công bố nghề lưới vây của Việt Nam không sử dụng thiết bị dẫn dụ.

Hạn ngạch (quota) dành cho xuất khẩu cá ngừ vào EU của Hiệp định thương mại tự do EVFTA (sắp có hiệu lực),  hiện chưa có quy định hay hướng dẫn về con số quota cụ thể cũng như quy trình cụ thể cho việc cấp hạn ngạch, trong khi EVFTA chuẩn bị có hiệu lực.

Do đó, Tổng cục Thủy sản và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến với Bộ Công thương để thúc đẩy và sớm thống nhất với EU về con số và cơ chế cấp hạn ngạch.

Ngoài ra, VASEP cũng kiến nghị giảm thuế nhập khẩu cá ngừ Việt Nam vào Nhật Bản:

Theo giải thích của VASEP, Nhật Bản là một trong 8 thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này đã tăng từ 12,6 triệu USD lên gần 54 triệu USD từ năm 2006 đến năm 2012.

Tuy nhiên,  từ năm 2013 trở lại đây, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản liên tục giảm và từ vị trí lớn thứ 3 đã tụt xuống vị trí thứ 6 trong top 8 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản trong năm 2015 đã giảm 9,5% so với 2014, chỉ đạt 20,4 triệu USD. Năm 2016, giá trị thu về từ xuất khẩu cá ngừ sang Nhật giảm 5% so với 2015.

Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản đang bị áp thuế cao hơn nhiều so với các nước xuất khẩu cá ngừ cạnh tranh trong khu vực như Thái Lan và Philippines, nên không thể cạnh tranh được với các nước này.

Được biết, trong quý 1/2017, VASEP cũng đã có văn bản báo cáo và kiến nghị với Bộ Công thương. Hiệp hội tiếp tục báo cáo và kiến nghị với Tổng cục và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm tình hình và có ý kiến thêm với Bộ Công thương để xem xét ưu tiên rà soát lại nội dung này với Nhật Bản ngay trong tháng 6-7/2017 nhằm đưa mức thuế nhập khẩu các sản phẩm cá ngừ từ Việt Nam được về 0% như Thái Lan và Philippiness.

Sản phẩm cá ngừ xuất khẩu hiện đóng góp kim ngạch xuất khẩu khoảng 450-550 triệu USD mỗi năm. Do vậy, VASEP kiến nghị các cơ quan  chức năng có chính sách hỗ trợ, kịp thời giải quyết khó khăn, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.(Baodautu)
---------------------------

Vitas kiến nghị xóa thuế nhập khẩu xơ Polyester để tăng cạnh tranh

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đề xuất với Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Công thương xem xét bãi bỏ thuế nhập khẩu 2% như hiện tại đẻ đưa về mức 0% đối với xơ Polyester nhập khẩu.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, những năm trước đây, việc nhập khẩu xơ Polyester vẫn được hưởng thuế suất 0%.

Tuy nhiên từ cuối năm 2015, theo kiến nghị của Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTEX), đơn vị đầu tư Dự án Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, Hải Phòng, với sản phẩm là  xơ Polyester, Bộ Tài chính và Bộ Công thương đã chấp nhận điều chỉnh và áp dụng tạm thời mức thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này từ 0% lên 2%. Thời gian áp dụng được ấn định đến hết năm 2016.

Đến nay đã quá thời gian áp dụng mức thuế nhập khẩu xơ Polyester 2% và Công ty PVTEX Đình Vũ cũng đã dừng sản xuất hoàn toàn.

Vì vậy, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đến lúc cần đưa mức thuế suất thuế nhập khẩu xơ Polyester về 0% để giúp cho các doanh nghiệp dệt may giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Được biết, xơ Polyester là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho ngành dệt may.

Hàng năm, dệt may Việt Nam phải nhập khoảng 250.000 đến 300.000 tấn từ Đài Loan, Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á.

Trước đó, từ tháng 10/2015 mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xơ staple tổng hợp từ các Polyester đã tăng từ 0% lên 2%.

Việc điều chỉnh thuế nhập khẩu này nhằm hỗ trợ PVTEX đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm xơ sợi tại thị trường nội địa..

Cùng với đề nghị tăng thuế nhập khẩu xơ polyester, thời điểm đó, Bộ Công thương đã  có văn bản kêu gọi các Tập đoàn, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực xơ sợi và dệt may, các Hiệp hội Bông sợi, Hiệp hội dệt may Việt Nam ưu tiên mua sản phẩm xơ sợi Polyester của PVTEX để làm nguyên liệu sản xuất,  tạo động lực thúc đẩy sản xuất trong nước, tháo gỡ các khó khăn giúp PVTEX quản lý vận hành tốt Nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ.

Đầu tư 7.000 tỷ đồng với kỳ vọng tự chủ được 40% nguồn cung xơ sợi, nhưng thực tế, Dự án đầu tư Nhà máy Sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ (Hải Phòng) đã sớm "chết yểu". Tính từ 2012 đến 31/12/2014, lỗ lũy kế 1.472 tỷ đồng, trong đó: 2012 lỗ 21,5 tỷ đồng; 2013 lỗ 366,2 tỷ, 2014 lỗ 1,085 tỷ đồng. Nhà máy đã phải đắp chiếu, không hoạt động từ năm 2015 và để lại ghánh nặng tài chính “khổng lồ” cho nền kinh tế.(baodautu)
---------------------------

VNG đạt lợi nhuận cao gấp 2 lần vốn điều lệ

Theo kết quả Báo cáo thường niên, Báo cáo tài chính được thực hiện trên cơ sở tham khảo và vận dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, được kiểm toán bởi nhà kiểm toán độc lập, VNG đã có một năm 2016 hoạt động rất hiệu quả.

Năm 2016, VNG đạt doanh thu hơn 3.023 tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2015 và đạt 118% kế hoạch 2016. Lợi nhuận trước thuế của VNG là hơn 673 tỷ đồng (tăng 118% so với năm 2015 và đạt 193% kế hoạch 2016), lợi nhuận sau thuế đạt  hơn 543 tỷ  đồng (tăng 135% so với năm 2015 và đạt 192% kế hoạch 2016).

nam 2016, loi nhuan truoc thue cua vng dat hon 673 ty dong/

Năm 2016, lợi nhuận trước thuế của VNG đạt hơn 673 tỷ đồng/

Như vậy, so với năm 2015, VNG đã đạt doanh thu tăng hơn 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận tăng hơn gấp 2 lần và cao hơn gấp 2 lần vốn điều lệ. Vốn điều lệ VNG hiện hơn 330 tỷ đồng.

VNG cũng lần đầu tiên công bố  tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài là  44,64%. Hiện có 6 nhà đầu tư là các Quỹ, Doanh nghiệp và Cá nhân đến từ  Singapore, Luxembourg, BVI, Trung Quốc, Mỹ, Canada tham gia sở hữu cổ phần tại VNG.

VNG là Starup gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước trong thời gian gần đây khi khí Bản ghi nhớ niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ). Theo đó, cuối tháng 5/2016, tại New York, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Robert H. McCooey Jr, Phó Chủ Tịch Cấp cao của Sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ). Trước cuộc gặp này ít phút, ông Bob McCooey và ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VNG, đã ký một thoả thuận về việc startup công nghệ này sẽ IPO trên sàn chứng khoán lớn thứ 2 thế giới.

Trước đó, năm 2016, trong danh sách 40 thương hiệu công ty giá trị nhất Việt Nam do Forbes Việt Nam lần đầu tiên công bố, VNG là 1 trong 3 đại diện thuộc nhóm công nghệ và viễn thông lọt vào danh sách này và xếp thứ 27 với tổng giá trị thương hiệu là 35,5 triệu USD.

Khởi nghiệp từ năm 2004 đến nay, VNG được biết đến với tư cách là một công ty Internet hàng đầu tại Việt Nam. Sau hơn 11 năm phát triển, VNG đã chiếm lĩnh thị trường nội địa với việc tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao trong lĩnh vực: Nội dung số và giải trí trực tuyến; Liên kết cộng đồng; Phần mềm & Tiện ích. Sản phẩm của VNG phục vụ hơn 80% người dùng Internet Việt Nam.

Những sản phẩm nổi bật của VNG bao gồm: Zalo, Zing Mp3; Zing news; ZingTV, CSM; 123pay, Laban app, các sản phẩm game trực tuyến và game trên thiết bị di động… Trong đó, Zalo có 50 triệu người dùng, giúp nhắn tin và gọi điện miễn phí nhanh chóng, ổn định trên nhiều điều kiện hạ tầng mạng khác nhau. Zing Mp3 đang là công cụ nghe và tìm kiếm nhạc trực tuyến phổ biến nhất ở trong nước.

Trong lĩnh vực giải trí trực tuyến, VNG là  dẫn đầu trong việc phát hành và sản xuất game online, mobile game suốt 10 năm qua với nhiều sản phẩm thành công và trở thành huyền thoại ở Việt Nam. Hơn thế, VNG đã tự nghiên cứu và sản xuất thành công các game dành cho thiết bị di dộng cho thị trường Việt Nam và thế giới, phục vụ cho hơn 200 quốc gia với trung bình hàng chục triệu người dùng/tháng...(Baodautu)

Trở về

Bài cùng chuyên mục