tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 15-07-2017

  • Cập nhật : 15/07/2017

Campuchia cấm xuất khẩu cát vĩnh viễn

Sau lệnh tạm dừng xuất khẩu cát vào tháng 11-2016, nay chính phủ Campuchia đã quyết định cấm xuất khẩu cát vĩnh viễn.

mot tau cho cat tai campuchia - anh: bbc

Một tàu chở cát tại Campuchia - Ảnh: BBC

Người phát ngôn của Bộ Khoáng sản và năng lượng Campuchia, Meng Saktheara nói rằng lệnh cấm xuất khẩu cát vĩnh viễn là vì các vấn đề môi trường. Hãng tin BBC dẫn lời ông Saktheara: "Lo ngại của những tổ chức môi trường là đúng bởi nguy cơ (khi khai thác cát) là rất lớn, vì vậy bộ quyết định cấm xuất khẩu cát và nạo cát diện rộng".

Các nhóm hoạt động môi trường cho rằng hoạt động khai thác cát tại Campuchia ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái ven biển.

Singapore là nước mua hầu hết lượng cát khai thác xuất khẩu của Campuchia. Theo số liệu của Liên hiệp quốc, từ năm 2007 đến nay Singapore đã nhập khẩu 72 triệu tấn cát của Campuchia. Tuy nhiên, số liệu của chính phủ Campuchia cho thấy Singapore chỉ nhập khẩu 16 triệu tấn cát của nước này. Hãng tin Reuters viết rằng không hiểu tại sao hai con số lại chênh lệch lớn như vậy.

Mục đích nhập khẩu cát của Singapore là để mở rộng đất. Hãng tin Reuters cho biết trước đây, Singapore chủ yếu mua cát của Indonesia nhưng từ năm 2007, vì lý do môi trường, Indonesia đột ngột dừng bán cát cho Singapore. Kể từ đó, Singapore phải tìm nguồn cát mới của các nước như Myanmar, Campuchia, Trung Quốc và cả Việt Nam.

Theo BBC, kể từ khi giành độc lập vào năm 1965, Singapore đã mở rộng phần đất thêm 20%, chủ yếu dùng cát. Tuy nhiên, trong các dự án mở rộng đất gần đây, Singapore đã áp dụng kỹ thuật mới, đòi hỏi ít cát hơn.

Trước đó, cũng vì lo ngại về môi trường, Malaysia đã bắt đầu lệnh cấm xuất khẩu cát từ năm 1997.(Tuoitre)
------------------------------

Thêm 209 doanh nghiệp bị 'bêu tên' vì nợ thuế hơn 2.000 tỷ

Ngày 12-7, Cục Thuế TP.HCM vừa công bố danh sách 209 doanh nghiệp chây ì nợ thuế với tổng số nợ hơn 2.118 tỷ đồng trong đó đội sổ là một công ty nợ hơn 100 tỷ. 

Đây là những doanh nghiệp mà cơ quan thuế vẫn chưa thu được nợ thuế dù đã bị áp dụng một trong các biện pháp cưỡng chế như thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, đề nghị thu hồi giấy đăng ký kinh doanh, cưỡng chế tài khoản ngân hàng...

Đứng đầu trong danh sách này là Công ty cổ phần xây dựng công trình và đầu tư địa ốc Hồng Quang với số nợ hơn 100 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp có số nợ vài chục tỷ đồng như Công ty TNHH thương mại dịch vụ xây dựng Trang Thiên Phát nợ hơn 44 tỷ, Công ty TNHH thương mại xây dựng kinh doanh nhà Tân Hồng Uy nợ hơn 36,9 tỷ hay Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Minh Sơn nợ hơn 37,4 tỷ đồng...

Trước đó vào cuối tháng 4, Cục Thuế đã công khai 182 doanh nghiệp nợ thuế và thực hiện biện pháp ngăn chặn là tạm dừng xuất cảnh với những đối tượng chây ì nợ, đồng thời tăng cường thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế.

Tính đến ngày 30-6, số nợ có khả năng thu là 9.979 tỷ đồng, giảm 959 tỉ đồng so với thời điểm 31-12-2016.

Theo Cục Thuế TP.HCM, thu thuế hoạt động chuyển nhượng vốn trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm tăng đột biến do một số thương vụ chuyển nhượng lớn.

Trong số đó, chỉ riêng thương vụ LafargeHolcim Việt Nam bán 65% cổ phần trong liên doanh với Tổng công ty Công nghiệp ximăng Việt Nam cho Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam, Cục Thuế TP đã thu được 1.800 tỷ đồng.

Cũng theo cơ quan thuế, số thu thuế thu nhập doanh nghiệp 6 tháng đầu năm tại Cục Thuế thành phố tăng 17,79% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó số thu tăng mạnh từ các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Riêng thuế thu được từ khu vực doanh nghiệp nhà nước lại giảm.

Một số doanh nghiệp có số thuế nộp tăng như Unilever Việt Nam nộp 308 tỷ đồng (tăng 70,64%), VPBank nộp 369 tỉ đồng (tăng 100,08%) hay Ngân hàng Shinhan Việt Nam nộp 151 tỷ đồng (tăng 18,54%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, số thu từ sắc thuế tiêu thụ đặc biệt như thuốc lá, xe hơi hay bia rượu cũng tăng 17,06% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Thuốc lá Sài Gòn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với số tiền 1.136 tỷ đồng tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Công ty TNHH liên doanh Vina-Bat nộp 875 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng 55,74%, Công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam nộp 1.582 tỷ đồng (tăng 85,84%) còn Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam nộp 3.818 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái.(Tuoitre)
------------------------

Năm 2020 Trung Quốc sản xuất gần nửa số xe ô tô điện trên thế giới

Đến năm 2020, cứ 103 mẫu ô tô điện mới trên thế giới được xuất xưởng thì có 49 chiếc là sản phẩm của các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc. Đó chính là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc đẩy nhanh việc chuyển từ năng lượng có nguồn gốc từ dầu mỏ sang pin điện.

cac nha san xuat o to dien trung quoc chiem 96 % thi phan trong nuoc

Các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc chiếm 96 % thị phần trong nước

Công ty tư vấn Mỹ AlixPartners cho biết, Trung Quốc đang nhắm đến mục tiêu sản xuất 2/3 công suất pin lithium-ion của thế giới vào năm 2021 và đang đầu tư để hỗ trợ cho việc bán các loại xe điện thương hiệu nội địa trên thị trường xe hơi lớn nhất thế giới này.

Cũng theo AlixPartners, năm 2016, các hãng kinh doanh ô tô Trung Quốc đã bán ra được khoảng 350.000 xe chạy điện, chiếm chưa đầy 2% tổng số xe được bán ra, trong số đó có tới 96% là xe sản xuất trong nước.

Đến năm 2025, chi phí sản xuất xe chạy điện phải giảm xuống gần bằng chi phí sản xuất cho xe chạy bằng động cơ đốt trong, AlixPartners dự báo. Chi phí sản xuất thấp sẽ giúp thúc đẩy sự chấp nhận của người tiêu dùng đối với xe chạy điện.

Hôm thứ Ba (11/7), ông John Hoffecker, Phó Chủ tịch toàn cầu của công ty, nói với các phóng viên tại Hiệp hội Báo ô tô ở Detroit rằng các yếu tố khác, chẳng hạn như giảm đáng kể thời gian nạp pin cho xe điện, là rất quan trọng đối với những nỗ lực giành được người tiêu dùng lưỡng lự .

AlixPartners cũng cảnh báo rằng có rất nhiều trong số gần 50 công ty được coi là đang tham gia cuộc chạy đua phát triển xe ô tô tự lái sẽ không đi xa. "Không thể tin rằng sẽ có 50 công ty xe tự lái đều thành công", Hoffecker nói.

Tại Mỹ, AlixPartners cho biết các nhà sản xuất ô tô sẽ phải cạnh tranh với các khoản đầu tư vào công nghệ mới để chống lại các công ty công nghệ trường vốn như Apple Inc và Alphabet Inc, ngay cả khi doanh số bán xe ô tô và xe tải nhẹ trượt xuống đáy chu kỳ.

AlixPartners dự báo rằng doanh số xe hơi và xe tải nhẹ của Mỹ sẽ giảm xuống còn 15,2 triệu xe trong năm 2019, giảm 13% so với đỉnh cao năm 2016. Các nhà phân tích khác của Hoa Kỳ cũng dự đoán doanh số bán xe sẽ giảm trong 2-3 năm tới.(Viettimes)
--------------------------

Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo sửa đổi chính sách thuế, phí khoáng sản

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan đề xuất việc sửa đổi, bổ sung chính sách thuế, phí đối với tài nguyên khoáng sản.

Phó Thủ tướng yêu cầu việc sửa đổi, bổ sung chính sách trên phải bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 2-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 7-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020; Chỉ thị số 3/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản và tình hình thực tế quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản.

Đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh mức thuế xuất khẩu đối với tinh quặng sắt Manhetit đã qua chế biến, thuế nhập khẩu đối với than và chính sách thuế, phí đối với các loại khoáng sản này theo quy định.
Trong những năm qua, Bộ Tài chính đã kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành và sửa đổi các chính sách tài chính, thuế đối với tài nguyên khoáng sản và công nghiệp khai khoáng để đáp ứng yêu cầu quản lý của nhà nước, hạn chế khai thác bừa bãi, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản...(CP)
 

Trở về

Bài cùng chuyên mục