tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 16-07-2017

  • Cập nhật : 16/07/2017

Quảng Nam xác minh thông tin người Trung Quốc mua đất ven biển Tam Thanh

Ngày 15/7, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đang kiểm tra, xác minh thông tin người Việt đứng tên mua đất tại xã Tam Thanh sau đó chuyển nhượng lại cho người Trung Quốc.

Quảng Nam xác minh thông tin người Trung Quốc mua đất ven biển Tam Thanh

Ảnh minh họa.

UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở TN-MT phối hợp với UBND TP.Tam Kỳ kiểm tra, xác minh thông tin người dân phản ánh tình trạng ngày càng có nhiều trường hợp người Việt Nam đứng tên mua đất tại xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), sau đó công khai chuyển nhượng lại cho người nước ngoài, mà chủ yếu là người Trung Quốc.

“UBND tỉnh đề nghị các cơ quan liên quan của TP.Tam Kỳ, các hội, đoàn thể theo dõi, nắm bắt tình hình để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời; đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động để bà con nhân dân hiểu rõ, tránh bị kẻ xấu lợi dụng”, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, yêu cầu.

Sáng 15/7, trao đổi với PV, ông Văn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, khẳng định: “Thông tin người Trung Quốc đổ xô mua đất ở xã Tam Thanh chỉ là dư luận đồn thổi mà thôi. UBND TP.Tam Kỳ kiểm tra, giám sát việc này rất kỹ và đến bây giờ có thể khẳng định là không có trường hợp nào chuyển nhượng đất cho người Trung Quốc cả”.

Những năm gần đây, Quảng Nam đề ra nhiều chính sách thu hút đầu tư, phát triển du lịch, dịch vụ về phía nam của tỉnh. Tại xã Tam Thanh có nhiều điểm đến hấp dẫn du khách, trong đó có làng bích họa Tam Thanh...(thanhnien)
-----------------------

Vụ thâu tóm “mỏ vàng” ở Phong Nha - Kẻ Bàng: Vì sao nhắm mắt làm liều?

Việc UBND tỉnh Quảng Bình giao cho Công ty Phù Sa Đỏ thực hiện Dự án phức hợp du lịch tại khu vực suối Nước Moọc, sông Chày - hang Tối, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, đã để xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, khiến dư luận bất bình đặt câu hỏi: Phù Sa Đỏ là ai? Vì sao các cơ quan tham mưu sở, ngành của Quảng Bình phải nhắm mắt làm liều?

Vụ thâu tóm “mỏ vàng” ở Phong Nha - Kẻ Bàng: Vì sao nhắm mắt làm liều?

Ảnh minh họa.

Cho thuê 50 năm đất hành lang đường bộ

Như đã thông tin, việc Phù Sa Đỏ, một công ty không có kinh nghiệm năng lực được UBND tỉnh Quảng Bình ưu ái giao cho một “mỏ vàng” du lịch ở Phong Nha - Kẻ Bàng, không thông qua đấu thầu khiến dư luận bất bình. Các sở, ngành tham mưu và cả lãnh đạo tỉnh này đã bỏ qua nhiều quy định của pháp luật, dẫn đến hàng loạt sai phạm nghiêm trọng xung quanh dự án: Cơ quan thẩm định, phê duyệt quy hoạch và cơ quan cấp phép xây dựng đã không đi thực địa, khiến Dự án khu phức hợp du lịch của Phù Sa Đỏ chồng lên đường điện cao thế, khi chưa có thỏa thuận với ngành điện, chủ sở hữu đường điện…

Không dừng ở đó, UBND tỉnh Quảng Bình tự ý lấy hơn 3.000m2 đất hành lang an toàn đường bộ, thuộc đường Hồ Chí Minh nhánh Tây cho Phù Sa Đỏ thuê vào mục đích thương mại dịch vụ. Quyết định 1306/QĐ – UBND ngày 19/4/2017 nêu rõ: Cho Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Phù Sa Đỏ (địa chỉ: 11 Linh Giang, phường Hải Thành, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) thuê 72.718m2đất, gồm cả đất thu hồi và đất chuyển mục đích:Đất thương mại, dịch vụ: 42.717,4 m2 (trong đó có 3.012,4 m2 đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn giao thông đường bộ). Thời hạn cho thuê 50 năm.

Ông Lê Phước Đẳng, Giám đốc Chi cục Quản lí đường bộ II.4, đơn vị quản lí các tuyến quốc lộ trên địa bàn Quảng Bình khẳng định: Không hề hay biết việc UBND tỉnh Quảng Bình cho thuê hành lang an toàn đường bộ thuộc đường Hồ Chí Minh nhánh Tây. Nếu có cho thuê thật, thì đây là việc làm tự ý của UBND tỉnh Quảng Bình, vi phạm nghiêm trọng Luật Giao thông đường bộ, cũng như Nghị định 11/2010 của Chính phủ và Thông tư 50/2015 của Bộ GTVT. “Đất đó là đất quốc gia, do Bộ Giao thông quản lí, quyền quyết định và chịu trách nhiệm là của Bộ GTVT, UBND tỉnh Quảng Bình quyền gì mà đi cho thuê?” - ông Đẳng đặt câu hỏi.

Điều 28, Nghị định 11, quy định về quản lí và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đượng bộ: Đất hành lang an toàn đường bộ được tạm thời sử dụng vào mục đích nông nghiệp, quảng cáo nhưng không được ảnh hưởng đến an toàn công trình, an toàn giao thông đường bộ. Trường hợp trồng cây lương thực, hoa màu, cây ăn quả thì chiều cao cây không quá 0,9m so với mặt đường. Bộ GT-VT quản lí các tuyến đường quốc gia, UBND tỉnh quản lí các tuyến đường địa phương.

Bỏ qua báo cáo tác động môi trường

Ngày 5/1/2017, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ký Quyết định số 01/2017/QĐ - UBND, ban hành Quy định, trình tự, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính đối với dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn Quảng Bình quy định rõ: Có 6 bước thủ tục hành chính để hoàn thành 1 dự án đầu tư, trong đó báo cáo tác động môi trường nằm ở mục e, của bước 3. Soi chiếu quy định này vào Dự án phức hợp du lịch của Công ty Phù Sa Đỏ, thì công ty này đã thực hiện đến bước 5 của dự án nhưng không hề có báo cáo tác động môi trường.

Mặc dù chưa có báo cáo tác động môi trường, nhưng Công ty Phù Sa Đỏ đã hoàn thành các bước: Ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án; giao đất và cho thuế đất; thẩm định bản vẽ thiết kế thi công; cấp giấy phép xây dựng.

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Hải, Giám đốc Công ty Phù Sa Đỏ cho rằng: Báo cáo tác động môi trường của dự án đã được phê duyệt nhưng ông bận chưa đi lấy được. Còn lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường Quảng Bình khẳng định: Công ty Phù Sa Đỏ đã gửi báo cáo tác động môi trường lên Hội đồng thẩm định của tỉnh nhưng vẫn chưa được duyệt vì còn có một số vấn đề.

Một chuyên gia về môi trường cho biết: Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là khu vực nhạy cảm về tác động môi trường. Mặc dù ở dự án 1 của Phù Sa Đỏ nằm ở khu hành chính dịch vụ của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, nhưng lại sát ngay cạnh ranh giới di sản, rừng đặc dụng nên phải hết sức cẩn trọng trong thực hiện dự án, đặc biệt như nhà hàng, khách sạn. Riêng dự án 2 của Phù Sa Đỏ, thực hiện ở suối Nước Moọc, sông Chày - Hang Tối, báo cáo tác động môi trường phải do Bộ Tài nguyên & Môi trường phê duyệt. Việc các ngành chức năng và UBND tỉnh Quảng Bình bỏ qua báo cáo tác động môi trường để phê duyệt, cấp phép cho dự án của Phù Sa Đỏ là cách làm coi thường pháp luật, ưu ái đến mức bất thường.(Tienphong)
----------------------------

Nhìn từ đầu tư ủy thác cá nhân

Sự tăng trưởng của các quỹ mở nội địa đặt ra vấn đề: không chỉ giá trị huy động được bao nhiêu mà đầu tư hiệu quả ra sao, thế nào?

Nhìn từ đầu tư ủy thác cá nhân

Ảnh minh họa.

Việc VinaWealth bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt mới đây là một bài học rút ra cho các nhà quản lý quỹ nói chung trong việc kinh doanh trên niềm tin của nhà đầu tư. 315 triệu đồng là mức phạt khi bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước “tuýt còi”, nhưng giá trị lớn hơn hết đó chính là lòng tin và sự lo ngại ảnh hưởng quyền lợi của nhà đầu tư.

Liên quan đến việc này, theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thị  Thái Thuận, VinaWealth đã thừa nhận sai sót trên. Vấn đề ở đây đó chính là việc “chưa hiểu đúng, hiểu đủ” các quy định pháp luật trong một nghiệp vụ cụ thể. “Chúng tôi đã chưa hiểu biết đúng các quy định pháp luật liên quan đến việc giải ngân vốn ủy thác cá nhân vào chứng chỉ tiền gửi được phát hành bởi các công ty tài chính tiêu dùng và đã ngay lập tức dừng nghiệp vụ này”, bà Thuận nói.

Công ty quản lý quỹ này cho biết, tại thời điểm 30.6.2017, có 47 tài khoản bị ảnh hưởng với giá trị tài sản quản lý là 62,7 tỉ đồng. VinaWealth đang triển khai làm việc với với các đối tác tổ chức để mua lại các chứng chỉ tiền gửi mà một số nhà đầu tư cá nhân còn nắm giữ trong 6 tháng sắp tới, qua đó mỗi tài khoản sẽ được hoàn trả vốn gốc cộng thêm khoản lãi tích lũy, chứ không chịu sự tổn thất nào.

Nhóm tài khoản này cũng không liên quan đến các tài khoản ủy thác khác và hoàn toàn tách bạch với hơn 4.700 tài khoản quỹ mở với tổng giá trị tài sản quản lý hơn 740 tỉ đồng của hai quỹ VFF và VEOF. Giá trị của các quỹ mở và các nhà đầu tư quỹ mở do VinaWealth quản lý hoàn toàn không liên quan và do đó không bị ảnh hưởng.

Đại diện VinaWealth cũng cho biết, riêng về nghiệp vụ quỹ mở, các quy định pháp luật hiện hành rất chặt chẽ để bảo vệ triệt để nhà đầu tư và không gây khó khăn gì cho công ty quản lý quỹ trong thực hiện nghiệp vụ. Đối với phần thanh lý các chứng chỉ tiền gửi, VinaWealth dự kiến toàn bộ sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017.

“Cơn bão đi qua” đối với VinaWealth, may mắn vì sự cố được khắc phục, đọng lại vẫn là sự tín nhiệm của các nhà đầu tư được trấn an ra sao. Điều đó vẫn còn tùy thuộc vào nỗ lực của công ty này. Sự tăng trưởng của các quỹ mở nội địa đặt ra vấn đề: không chỉ là giá trị huy động được bao nhiêu mà còn là đầu tư, hiệu quả ra sao, thế nào?

Hiện VinaWealth quản lý hơn 3.000 tỉ đồng trong các quỹ và tài khoản ủy thác đầu tư. Công ty cũng là công ty quản lý quỹ đầu tiên được giấy phép IPO quỹ mở và hiện quản lý 4 quỹ mở bao gồm VFF, VEOF, VESAF và Forum One-VVF. NAV của VFF đã tăng 39,4% từ khi thành lập và tăng 5,3% từ đầu năm 2017, trong khi NAV của VEOF tăng 35,8% từ khi thành lập và tăng 12,7% từ đầu năm 2017. VESAF, được thành lập vào tháng 4.2017, cũng thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư.

Trong xu hướng tăng trưởng kinh tế hiện nay, việc đầu tư từ đồng vốn nhàn rỗi của các tổ chức, cá nhân không còn chỉ dừng lại ở đồng USD, vàng, cổ phiếu nhỏ lẻ mà đã và đang được kêu gọi vốn vào các dự án thông qua những công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư. Do đó, thị trường cũng xuất hiện thêm nhiều quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ để tận dụng nguồn vốn nhàn rỗi này. Tuy nhiên, việc vận hành cũng cần được đề cao trách nhiệm một cách triệt để.

Cơ bản một vài sự vụ cho thấy, hầu hết vấn đề các công ty bị xử phạt đều nằm ở việc nghiệp vụ sai sót dẫn đến chậm trễ. Điều đó cũng phản ánh các quy định hiện hành cũng phần nào giám sát chặt chẽ hoạt động của các quỹ và công ty quản lý quỹ để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư.(NCĐT)
--------------------------

Chính phủ yêu cầu kiểm soát, ngăn ngừa sở hữu chéo trong các ngân hàng

Chính phủ cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo và thao túng trong hoạt động của các tổ chức tín dụng...

Chính phủ yêu cầu kiểm soát, ngăn ngừa sở hữu chéo trong các ngân hàng

Ảnh minh họa.

Đây là một trong những chỉ đạo nổi bật của Chính phủ tại Nghị quyết số 61 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2017 vừa được ban hành.

Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, linh hoạt hơn nữa trong điều hành, nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu năm 2017, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng đã đề ra của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và trách nhiệm của người đứng đầu, tạo chuyển biến tích cực trong 6 tháng cuối năm 2017.

Chính phủ đặt ra yêu cầu phải bảo đảm sự hài hòa giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng; tập trung giải quyết các nút thắt, đặc biệt là thủ tục hành chính, giải ngân vốn đầu tư công, vay vốn tín dụng, giải phóng mặt bằng; tích cực khai thác tiềm năng, thế mạnh, dư địa tăng trưởng trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Đồng thời thúc đẩy liên kết vùng, đặc biệt là vai trò của thủ đô Hà Nội và khu vực đồng bằng Bắc bộ; TP.HCM và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; các vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, khu kinh tế, các thành phố lớn trực thuộc trung ương để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính

Tại Nghị quyết, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo và thao túng trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; kịp thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; có giải pháp giảm lãi suất cho vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên.

Bộ Tài chính siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; cơ cấu lại ngân sách, xử lý nợ công theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị; chống thất thu thuế, nhất là đối với hộ khoán, hộ kinh doanh cá thể.

Đồng thời Bộ Tài chính phải rà soát, sửa đổi các quy định về quản lý thuế, hải quan theo hướng liên thông để giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát các loại phí, lệ phí để cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhất là phí vận tải; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường chứng khoán, sớm đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương tập trung triển khai các giải pháp phát triển thị trường trong nước; đẩy mạnh tiêu dùng nội địa; theo dõi chặt chẽ tình hình nhập khẩu, xây dựng các biện pháp hàng rào kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế để kiểm soát nhập khẩu, bảo vệ sản xuất trong nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với thị trường tiêu thụ; tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, nhất là việc tiêu thụ thịt lợn, gia cầm; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động phương án phòng, chống thiên tai...(Bizlive)

Trở về

Bài cùng chuyên mục