tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 14-05-2017

  • Cập nhật : 14/05/2017

Các đặc khu kinh tế sẽ được ưu đãi một loạt sắc thuế

Bộ Tài chính vừa đề xuất một loạt chính sách thuế phí ưu đãi với các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, còn được gọi là đặc khu kinh tế, gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

cac dac khu kinh te se duoc uu dai mot loat sac thue

Các đặc khu kinh tế sẽ được ưu đãi một loạt sắc thuế

Cụ thể, về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án đầu tư không thuộc ngành nghề, lĩnh vực ưu đãi đầu tư, chỉ áp thuế suất 10% trong thời gian 30 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo, kể từ khi có thu nhập chịu thuế.

Đối với dự án đầu tư thuộc ngành nghề, lĩnh vực ưu đãi đầu tư (không bao gồm dự án đầu tư khai thác khoáng sản, sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ ô tô), áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế.

Đối với thu nhập từ dự án đầu tư - kinh doanh bất động sản được áp dụng thuế suất ưu đãi 17% (không áp dụng thời gian miễn, giảm thuế). Đối với thuế thu nhập cá nhân, đề xuất miễn thuế trong thời gian 5 năm nhưng không quá năm 2030 và giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp trong các năm tiếp theo đối với người có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân phát sinh tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (kể cả người VN và người nước ngoài làm việc tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt)…

Tại khu phi thuế quan, chính sách bán hàng miễn thuế cho khách tham quan du lịch, cả người VN và người nước ngoài được mua hàng miễn thuế nhập khẩu với tổng giá trị hàng hóa không quá 2 triệu đồng/người/ngày. Ưu đãi này cao hơn so với chính sách hiện hành đang áp dụng cho cửa hàng bán hàng miễn thuế tại khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu hiện hành là 1 triệu đồng/người/ngày.(Thanhnien)
------------------------

Ai sẽ trả tiền cho ‘Con đường tơ lụa’ của Trung Quốc?

Trung Quốc (TQ) đang vận động một loạt tổ chức tài chính để xin tài trợ cho sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của nước này, còn được mệnh danh là “Con đường tơ lụa” mới.

Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) ngày 11-5 cho biết theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADP), còn thiếu khoảng 26.000 tỉ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Á lộ trình đến năm 2030.

Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của TQ được lập ra để giúp giải quyết sự thiếu hụt này ở châu Á cũng như giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển ở châu Âu và châu Phi. Tuy nhiên, các dự định đầy tham vọng này đứng trước câu hỏi đầu tiên là… tiền đâu?

TQ đã thành lập các cơ quan tài chính mới trong những năm gần đây nhằm kêu gọi tài trợ cho sáng kiến. Bắc Kinh đã lập ra Quỹ Con đường tơ lụa (SRF) vào cuối năm 2014. Quỹ này có 40 tỉ USD tiền vốn từ dự trữ ngoại hối của TQ và các ngân hàng chính sách như Ngân hàng Phát triển TQ và Ngân hàng Xuất nhập khẩu TQ. Chủ tịch SRF là Jin Qi cho biết đã đầu tư 6 tỉ USD vào 15 dự án và đã thành lập một quỹ 2 tỉ USD để thúc đẩy hợp tác với Kazakhstan.

Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) bắt đầu hoạt động vào tháng 1-2016 với 100 tỉ USD tiền vốn nhưng chỉ tài trợ chưa tới 2 tỉ USD vào năm ngoái. AIIB có 70 thành viên với phần lớn tham gia “Một vành đai, một con đường”, song AIIB tuyên bố sẽ không cho TQ vay. Một tổ chức tài chính khác mà TQ có thể xin tài trợ là Ngân hàng Phát triển mới (NDB) - chuyên giải quyết nhu cầu cấp vốn cho khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, TQ và Nam Phi). NDB bắt đầu hoạt động vào tháng 7-2015, được các cơ quan tín dụng TQ xếp hạng tín nhiệm ở mức AAA. Ngoài ra, TQ còn tham gia và thúc đẩy các quỹ đầu tư ở châu Âu nhằm thực hiện sáng kiến này ở “đầu cầu” phương Tây.

Theo SCMP, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân TQ Chu Tiểu Xuyên nói rằng các chính phủ không thể cấp vốn cho tất cả công trình cơ sở hạ tầng trong tham vọng xây dựng “Con đường tơ lụa”. Ông Chu đề nghị các quốc gia tham gia chiến lược làm việc với thị trường vốn, thiết lập các cơ quan tài chính chuyên dụng của riêng mình và cố gắng tận dụng tiền tệ địa phương, trong đó có đồng nhân dân tệ.

SCMP cho biết các chi tiết về việc tài trợ sáng kiến này sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh nhóm họp tại Bắc Kinh vào ngày 14-5. (PLO)
---------------------------------

Mỹ - Trung Quốc ký kết nhiều thỏa thuận làm ăn 'béo bở'

Ngày 11-5 (giờ Mỹ), Mỹ và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận thương mại mà theo đánh giá là 'tích cực' đối với cả hai phía.

ngan hang thuong mai va cong nghiep trung quoc duoc cho la ngan hang lon nhat the gioi - anh: worldatlas

Ngân hàng thương mại và công nghiệp Trung Quốc được cho là ngân hàng lớn nhất thế giới - Ảnh: worldatlas

Theo thỏa thuận, lần đầu tiên từ năm 2003 Trung Quốc cho phép thịt bò Mỹ được nhập trực tiếp vào nước mình.

Ngoài ra, khí đốt hóa lỏng của Mỹ và các dịch vụ thanh toán trực tuyến của Mỹ cũng được đi vào thị trường đông dân nhất thế giới.

Ở chiều ngược lại, Mỹ cho phép nhập gia cầm đã qua chế biến của Trung Quốc và các ngân hàng Trung Quốc được đi vào thị trường tài chính Mỹ.

Hãng tin BBC dẫn lời Bộ trưởng tài chính Mỹ Wilbur Ross: "Rõ ràng các ngân hàng Trung Quốc, vốn thuộc nhóm những ngân hàng lớn nhất thế giới, rất muốn đi vào thị trường Mỹ. Miễn là đáp ứng được những luật hiện hành, họ có thể đi vào thị trường Mỹ".

Ông Ross khẳng định muốn vào thị trường Mỹ, các ngân hàng Trung Quốc chỉ cần tuân thủ đúng theo quy định của Mỹ đối với những ngân hàng nước ngoài muốn hoạt động tại đây.

Joshua Meltzer, chuyên viên cao cấp của chương trình Phát triển và Kinh tế toàn cầu của viện Brookings, nhận định thỏa thuận sẽ mở ra cơ hội mới cho ngành nông nghiệp, năng lượng và tài chính của Mỹ, những ngành vốn gặp khó khăn trong việc đi vào thị trường Trung Quốc.

Sau khi thỏa thuận được ký, cả BBC lẫn CNN bình luận rằng thỏa thuận cho thấy tổng thống Donald Trump 'nhẹ nhàng' với Bắc Kinh hơn so với những gì đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử. 

Hãng CNN viết rằng thay vì tăng thuế đối với doanh nghiệp Trung Quốc như đã nói trong khi tranh cử, cho tới thời điểm này sau khi nhậm chức, ông Trump thiên về các thỏa thuận song phương. (Tuoitre)
------------------------------

Chính phủ “siết chặt” quản lý giá thuốc

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược. Trong đó, Nghị định dành riêng Chương VIII để quy định cụ thể về các biện pháp quản lý giá thuốc.

Theo đó, các biện pháp quản lý giá thuốc gồm: Kê khai, kê khai lại giá thuốc; niêm yết giá thuốc, quy định về thặng số bán lẻ của các cơ sở bán lẻ trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đấu thấu mua thuốc, đàm phán giá thuốc và các biện pháp bình ổn giá thuốc.

Nghị định nêu rõ, cơ sở kinh doanh dược có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về kê khai, kê khai lại giá thuốc và các quy định khác về quản lý giá thuốc; chịu trách nhiệm trước pháp luật về giá kê khai, kê khai lại và tính chính xác của các số liệu, tài liệu báo cáo, thông tin do cơ sở cung cấp.

Cơ sở kinh doanh dược không được bán thuốc khi chưa có giá kê khai, kê khai lại được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế do chính cơ sở sản xuất hoặc cơ sở đặt gia công, cơ sở nhập khẩu thuốc đó đã kê khai, kê khai lại. Cơ sở kinh doanh dược không được bán buôn, bán lẻ thuốc cao hơn mức giá kê khai, kê khai lại được công bố.

Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có văn bản thông báo cho cơ sở kinh doanh dược kiến nghị xem xét lại mức giá của mặt hàng thuốc do cơ sở đã kê khai, kê khai lại được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày có văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cơ sở phải có văn bản phản hồi kèm theo các tài liệu liên quan để thuyết minh về tính hợp lý của mức giá kê khai hoặc điều chỉnh giá kê khai, kê khai lại về mức hợp lý. Sau thời hạn trên, cơ sở không có văn bản phản hồi thì mức giá kê khai, kê khai lại đã công bố không còn giá trị và sẽ bị rút khỏi Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Nghị định cũng yêu cầu các cơ sở bán buôn thuốc phải thực hiện việc niêm yết giá bán buôn từng loại thuốc tại nơi giao dịch hoặc nơi bán thuốc của cơ sở bán buôn thuốc;Các cơ sở bán lẻ thuốc phải thực hiện việc niêm yết giá bán lẻ từng loại thuốc tại cơ sở bán lẻ thuốc; Cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc không được bán cao hơn giá do cơ sở đã niêm yết.

Về thặng số bán lẻ của cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Nghị định quy định: Giá bán lẻ = Giá mua vào + Mức thặng số bán lẻ (%) × Giá mua vào.

Mức thặng số bán lẻ của các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được cao hơn mức thặng số bán lẻ tối đa như sau: Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất nhỏ hơn hoặc bằng 1.000 đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 15%; Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 1.000 đồng đến 5.000 đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 10%;

Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 5.000 đồng đến 100.000 đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 7%; Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 5%;Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất trên 1.000.000 đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 2%. (enternews)

Trở về

Bài cùng chuyên mục