tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 15-05-2017

  • Cập nhật : 15/05/2017

Xây nhà máy điện mặt trời hơn 800 tỷ đồng ở Thanh Hoá

Nhà máy điện mặt trời công suất 30 MW sẽ được xây dựng ở Thanh Hóa, dự án góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, phát triển năng lượng sạch...

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời theo hình thức đầu tư trong nước.

Dự án sẽ được xây dựng tại xã Yên Thái, huyện Yên Định trên diện tích đất khoảng gần 650.000 m2. Nhà máy được thiết kế với công suất 30 MW, bao gồm hệ thống pin năng lượng mặt trời 90.640 tấm; nhà điều khiển trung tâm và thiết bị đổi điện; nhà làm việc 2 tầng; hệ thống 30 máy biến áp,...

Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng trên 800 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu 242 tỷ (30%), vốn vay ngân hàng thương mại 566 tỷ (70%).

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư sớm hoàn thành hồ sơ, thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa; hồ sơ, thủ tục về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, sử dụng đất và thực hiện việc ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án theo quy định...; giao UBND huyện Yên Định cập nhật dự án vào điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất huyện Yên Định đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất năm 2018, trình duyệt theo quy định.

Các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương và các đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm hướng dẫn, giải quyết kịp thời những công việc có liên quan đến dự án.

UBND tỉnh Thanh Hóa cho hay việc xây dựng Nhà máy điện mặt trời nhằm mục tiêu cung cấp nhu cầu tiêu dùng điện của địa phương và cả nước; mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhà máy này sẽ góp phần phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu,...

Dự kiến, dự án sẽ khởi công vào quý IV/2017 và hoàn thành đưa vào sử dụng quý IV/2019.(Vnexpress)
------------------------------------

Đẩy nhanh tiến độ “siêu” dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận

Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, ông Phạm Văn Hậu và đại diện các Sở, ban ngành vừa có buổi làm việc với Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Thiên Tân (Quảng Ngãi) về tình hình triển khai thực hiện dự án Thiên Tân Solar Ninh Thuận và thống nhất đẩy nhanh tiến độ thời gian tới.

dai dien thien tan group (ben trai) dang kien nghi mot so van de lien quan den du an voi lanh dao tinh ninh thuan

Đại diện Thiên Tân Group (bên trái) đang kiến nghị một số vấn đề liên quan đến dự án với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận

Theo Thiên Tân Group, hiện nay, công ty đã hoàn thành một số công tác thực hiện đầu tư dự án như: đảm bảo năng lực tài chính; khảo sát, lập bản đồ địa hình; lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường của dự án...Qua đó, mong muốn lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận tạo mọi điều kiện, hỗ trợ sớm ban hành giá đất đền bù để đảm bảo đúng theo tiến độ dự kiến tiến hành khởi công xây dựng dự án trong năm 2017.

“Thiên Tân Solar khi đi vào hoạt động sẽ là một dự án trọng điểm trong quy hoạch điện quốc gia của chính phủ. Dự án cũng là cú hích quan trọng cho nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước mạnh dạn hơn trong việc đầu tư vào ngành công nghiệp năng lượng tái tạo”- đại diện Thiên Tân Group khẳng định.

Đồng quan điểm trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu nhấn mạnh: điện mặt trời Ninh Thuận là dự án có chủ trương, địa điểm đầu tiên nên quan điểm của tỉnh là luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho chủ đầu tư.

Vì vậy Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất kỳ vọng đây sẽ là dự án điện mặt trời đầu tiên được triển khai thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế cho Ninh Thuận. Ông Phạm Văn Hậu cũng cho rằng dự án hoàn thành sẽ thể hiện được năng lực, quyết tâm của Thiên Tân Group trong việc phát triển tiềm năng kinh tế của tỉnh.

pho chu tich tinh ninh thuan phan van hau dang nghe y kien trinh bay ve “sieu” du an dien mat troi thien tan solar

Phó chủ tịch tỉnh Ninh Thuận Phan Văn Hậu đang nghe ý kiến trình bày về “siêu” dự án điện mặt trời Thiên Tân Solar

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị trong thời gian đến các Sở, ban ngành phải tạo mọi điều kiện cho chủ đầu tư và nhanh chóng giải quyết dứt điểm những vướng mắc còn tồn đọng đồng thời cần phối hợp với Thiên Tân Group để dự án sớm được triển khai thực hiện.

Thiên Tân Solar nằm tại xã Phước Trung, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận có tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ USD, diện tích đất dự kiến là 1.400 ha được đầu tư làm nhiều giai đoạn, với 5 nhà máy, trong đó, nhà máy đầu tiên có công suất 50MW sẽ được khởi công trong 2017 và được đưa vào vận hành năm 2018. Tới năm 2020, Thiên Tân sẽ hoàn tất việc xây dựng cả 5 nhà máy, trong đó, nhà máy 4 và 5 đều có công suất 300 MW. Thiên Tân đã ký hợp đồng để mua các tấm pin năng lượng mặt trời của Tập đoàn First Solar, với trị giá hàng trăm triệu USD.

Liên quan đến cơ chế cho các dự án đầu tư khai thác năng lượng sạch, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định ban hành giá điện mặt trời. “Đây sẽ là “đòn bẩy” thúc đẩy Thiên Tân Group cùng UBND tỉnh Ninh Thuận khởi động “siêu” dự án này”- ông Huỳnh Kim Lập, Chủ tịch Thiên Tân Group nhận định.(Baodautu)
-------------------------

Châu Âu tiếp tục tăng thuế trừng phạt thép Trung Quốc

Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố mức thuế chống bán phá giá mới đối với các sản phẩm ống thép và sắt Trung Quốc.

Theo CNN, đây là nỗ lực mới nhất nhằm chặn dòng chảy kim loại giá rẻ từ quốc gia Đông Á. Cụ thể, EC nâng thuế từ 29% lên 55% với sản phẩm sắt, thép Trung Quốc sau khi cuộc điều tra gần đây cho thấy doanh nghiệp nước này bán phá giá thép đến châu Âu, làm tổn thương các đối thủ cạnh tranh trong khu vực.

Đại diện của Hiệp hội Ống thép châu Âu Dominique Richardot cho hay mức thuế mới là “tin rất tốt” vì việc này bằng phẳng hóa sân chơi. Quan chức Wang Hejun thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, thì cho rằng Liên minh châu Âu (EU) vừa áp dụng cách tiếp cận thiếu công bằng trong cuộc điều tra. Ông Wang kêu gọi EU đối xử công bằng với các hãng Đại lục.

Đây không phải là lần đầu thép Trung Quốc bị cáo buộc bán phá giá trên thị trường quốc tế. Sự bùng nổ xây dựng của Đại lục trong thập niên qua giúp các nhà sản xuất thép trong nước sống khỏe nhờ nhu cầu nội địa. Song gần đây, hoạt động xây dựng sôi nổi đã kết thúc, kinh tế Trung Quốc đang trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm hơn. Một số sản lượng sản xuất dư thừa được bán ra nước ngoài với giá rất thấp, làm khó các nhà sản xuất Mỹ, châu Âu.

Châu Âu đến nay đã áp đặt 20 biện pháp tương tự để trừng phạt ngành công nghiệp thép Trung Quốc. EC cho hay: “EU hiện áp dụng một số biện pháp phòng vệ thương mại chưa từng có, nhắm vào việc nhập khẩu không công bằng các sản phẩm thép liên quan đến việc dư thừa công suất và trợ cấp ở Đại lục”.

Vấn đề thép Trung Quốc thể hiện trên thị trường lao động EU. Ngành thép châu Âu đang tuyển dụng khoảng 320.000 nhân công, giảm đáng kể từ mức 415.000 nhân công cách đây một thập niên.

EU không phải là thị trường duy nhất hành động. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tháng trước cho biết ông sẽ điều tra các doanh nghiệp thép nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp thép Đại lục, các bên bị cho là bán phá giá đến Mỹ. Ông Ross cho rằng Đại lục không có cải thiện trong việc cắt giảm xuất khẩu. Cổ phiếu nhiều hãng thép Mỹ như U.S. Steel, Nucor, Cliffs Natural Resources, AK Steel và Steel Dynamics đều tăng mạnh sau thông tin trên.(TN)
---------------------

Nhật Bản đưa hơn 300 công ty vào danh sách đen

Đây là động thái mới nhất của chính phủ quốc gia Đông Á nhằm bảo vệ người lao động khỏi bị ngược đãi và ngăn ngừa thực trạng 'karoshi', hay chết vì làm việc quá sức.

Theo Russia Today, đây là lần đầu tiên Nhật Bản công bố danh sách với 334 công ty trên cả nước vi phạm luật lao động. Danh sách này gồm nhiều hãng lớn như công ty quảng cáo Dentsu, nhà sản xuất thiết bị điện tử Panasonic - những doanh nghiệp bị cho là bắt nhân viên làm thêm giờ một cách bất hợp pháp.

Những hãng lạm dụng lao động bị giới truyền thông Nhật Bản gọi là các công ty “đen”. Vấn đề làm việc quá sức ngày càng thu hút sự chú ý sau vụ một nhân viên trẻ tuổi của hãng Dentsu tự sát hồi năm 2015. Thực trạng “karoshi” thúc giục Thủ tướng Nhật Bản thúc đẩy cải cách lao động.

Danh sách trên sẽ được cập nhập hằng tháng. Thuật ngữ “karoshi” được đưa ra từ thập niên 1970 và hiện vẫn là tiêu đề nóng trên báo chí nước Nhật. Theo hãng tin Reuters, giới chức Nhật cho hay không phải tất cả doanh nghiệp bị điều tra đều nằm trong danh sách đen. Tên của công ty chỉ được tiết lộ khi bộ ngành cho rằng việc công khai sẽ khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ luật và có lợi cho cộng đồng.

Trong tháng 3, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đề xuất nhiều biện pháp quản lý việc tăng giờ làm và tăng lương bổng cho các nhân viên bán thời gian. Giới chuyên gia cho rằng những biện pháp giải quyết vấn đề được áp dụng vào năm 2019 sẽ làm tổn thương nhiều doanh nghiệp vốn đã đối mặt với tình hình thiếu hụt lao động do dân số già đi nhanh chóng. Luật sư và các nhà hoạt động xã hội thì cho biết các biện pháp trên không đủ để bảo vệ người lao động.

Nhật Bản là một trong những nước có tuổi thọ cao nhất hành tinh. Trung bình người Nhật thọ 83,3 tuổi. Song đây cũng là quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới. Năm ngoái, số người tự tử giảm xuống dưới 22.000 người lần đầu trong 22 năm qua. Đài truyền hình quốc gia NHK ước tính kinh tế Nhật mất 4 tỉ USD vì nạn tự tử.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục