tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 13-05-2017

  • Cập nhật : 13/05/2017

Thoái vốn, cổ phần hóa vẫn chậm trễ

Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã đạt được nhiều kết quả nhưng tiến độ sắp xếp, cổ phần hoá còn chậm.

Trong 4 tháng đầu năm nay, đã có 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị là 2.468 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 564 tỷ đồng.

bo tai chinh de nghi thu tuong chinh phu xem xet som phuong an ban tiep so co phan cua scic con lai tai vinamilk. anh minh hoa: ttxvn

Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm phương án bán tiếp số cổ phần của SCIC còn lại tại Vinamilk. Ảnh minh họa: TTXVN

Về thoái vốn, lũy kế 4 tháng đầu năm 2017, các đơn vị đã thoái được 3.101 tỷ đồng, thu về 14.299 tỷ đồng (bao gồm cả các khoản thoái vốn trong năm 2016 các đơn vị mới báo cáo trong 4 tháng đầu năm 2017).

Cụ thể, các đơn vị đã thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm gồm: bất động sản, chứng khoán, tài chính-ngân hàng, bảo hiểm và quỹ đầu tư thu về 36,3 tỷ đồng. Thoái vốn đầu tư ở doanh nghiệp khác được 1.712 tỷ đồng, thu về 2.073 tỷ đồng. Cùng thời điểm, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) bán vốn tại 16 doanh nghiệp với giá trị là 1.353 tỷ đồng, thu về 12.190 tỷ đồng, trong đó bao gồm cả số thoái trong năm 2016 của Vinamilk với giá trị sổ sách 783,7 tỷ đồng, thu về 11.286,4 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, đối tượng cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý, kiểm toán nhà nước trước khi công bố giá trị doanh nghiệp. Mặt khác, việc thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị.

Việc bàn giao các doanh nghiệp đã cổ phần hóa về SCIC còn chậm, việc thoái vốn, giảm tỷ lệ vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp theo tiêu chí phân loại DNNN chậm được triển khai. Việc thoái vốn khỏi ngành nghề kinh doanh chính và bán hết vốn trong những ngành và lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ chưa đạt kết quả như kỳ vọng.

Để đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn trong thời gian tới, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các Tập đoàn, Tổng công ty nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Đồng thời, giao bộ liên quan khẩn trương xây dựng danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 – 2020. Đồng thời xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ công khai danh sách các doanh nghiệp phải thực hiện bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn về SCIC.

Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng phương án thoái vốn tại Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng công ty Bia rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành xong việc thoái vốn nhà nước tại 2 doanh nghiệp này và chuyển tiền về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 15/12/2017.(Baotintuc)
----------------------

Quỹ hỗ trợ 560 tỷ đồng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa mới ban hành chương trình hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa với tổng hạn mức hỗ trợ là 560 tỷ đồng.

Theo đó, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo; hỗ trợ trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; lĩnh vực chế biến, chế tạo; doanh nghiệp hoạt động cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải. Các ngân hàng nhận ủy thác cũng cam kết bố trí nguồn vối đối ứng đầy đủ để đồng tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được quỹ chấp thuận vay vốn. 

Trong năm 2017, Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, ngân hàng nhận ủy thác, các tổ chức tài chính có liên quan để triển khai tổ chức các hội thảo, chương trình tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn quốc. 

Bên cạnh đó, quỹ sẽ hỗ trợ, tư vấn ngay từ khâu lập dự án, phương án sản xuất kinh doanh đến giai đoạn triển khai dự án sau khi vay vốn. Những hoạt động này đảm bảo nâng cao hoạt động của quỹ, cũng như giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Để đảm bảo tính khách quan, minh bạch, rút ngắn thời gian đánh giá hồ sơ dự án của doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện nay quỹ đang phối hợp với ngân hàng nhận ủy thác ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai chương trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa trực tuyến. 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa dự kiến sẽ được đưa ra tại kỳ họp Quốc hội trong tháng 5 này. 

Theo đó, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ thực hiện cho vay, tài trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và huy động các nguồn lực trong nước, quốc tế để thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Đây là định hướng đúng đắn trong bối cảnh nguồn lực nhà nước có hạn, hoạt động hỗ trợ cần có trọng tâm, trọng điểm. Quỹ sẽ được bổ sung thêm các chức năng như: Cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp, đầu tư mạo hiểm, gọi vốn cộng đồng... sẽ huy động được nguồn lực ngoài nhà nước để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau 1 năm hoạt động (từ tháng 4/2016), đã có trên 1.000 lượt doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận trực tiếp với quỹ qua các hội thảo, các kênh truyền thông và trung tâm tiếp nhận thông tin (Callcenter) để tìm hiểu các chương trình hỗ trợ của quỹ (chưa tính số lượng doanh ngiệp tiếp cận thông tin qua các ngân hàng thương mại nhận ủy thác). 

Hiện nay, thông tin về các doanh nghiệp nhỏ và vừa đủ điều kiện đã được quỹ chuyển cho ngân hàng nhận ủy thác thẩm định phương án vay vốn. 
Trong bối cảnh mô hình hoạt động của quỹ là mới ở Việt Nam hiện nay, kết quả nói trên chính là tín hiệu đáng mừng cho thấy tiềm năng, tính khả thi của hoạt động hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tương lai. 

Do mới chính thức đi vào hoạt động nên việc đánh giá tác động trực tiếp lâu dài đến hoạt động sản xuất kinh doanh cần được thực hiện sau khi doanh nghiệp nhỏ và vừa đã triển khai dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong một khoảng thời gian nhất định (6 tháng, 1 năm, 3 năm...). Quỹ sẽ có đánh giá tác động cụ thể đến từng nhóm đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa...(TTXVN)
--------------------------

Việt Nam và EU hoàn tất đàm phán Thỏa thuận chống khai thác gỗ bất hợp pháp

Ngày 11/5, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) về thực thi Lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT).

Hiệp định sẽ giúp cải thiện quản trị rừng, giải quyết khai thác bất hợp pháp và thúc đẩy thương mại sản phẩm gỗ hợp pháp và thúc đẩy thương mại sản phẩm gỗ hợp pháp được xác nhận từ Việt nam sang EU và các thị trường khác.

Sau gần 6 năm đàm phán, hai trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam và EU là Tiến sĩ Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và bà Astrid Schomaker, Vụ trưởng Vụ Phát triển bền vững toàn cầu, Tổng cục Môi trường của Ủy ban châu Âu, đã ký tắt lời văn của Hiệp định VPA/FLEGT. Việc ký kết này đánh dấu việc kết thúc chính thức tiến trình đàm phán hiệp định.

 

viet nam - eu hoan tat thoa thuan chong khai thac go bat hop phap. anh: thanh trung/ttxvn

Việt Nam - EU hoàn tất thoả thuận chống khai thác gỗ bất hợp pháp. Ảnh: Thành Trung/TTXVN

 

Hai bên sẽ tiến hành rà soát pháp lý lời văn hiệp định đã được thỏa thuận, sau đó hiệp định sẽ được dịch sang các ngôn ngữ chính thức của EU và tiếng Việt. Trước khi hiệp định có hiệu lực, mỗi bên sẽ phải hoàn thiện thủ tục ký kết và thông qua phù hợp với các quy trình nội bộ.

Để triển khai hiệp định, Việt Nam sẽ xây dựng Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS) để đảm bảo rằng gỗ và các sản phẩm gỗ xuất khẩu có nguồn gốc hợp pháp, bao gồm các hệ thống xác minh gỗ nhập khẩu đã được khai thác và mua bán hợp pháp phù hợp với các quy định có liên quan tại nước khai thác. Hiệp định cũng quy định cơ chế khiếu nại và đánh giá độc lập, cũng như các cam kết để các bên có thể tham dự vào tiến trình thực thi và công bố thông tin.

Một Ủy ban thực thi hỗn hợp (JIC) sẽ giám sát việc thực thi hiệp định. Trong khi hiệp định chưa có hiệu lực, hai bên cũng đã thống nhất các yếu tố then chốt cho các sắp xếp/chuẩn bị quản trị tạm thời và các biện pháp khác để chuẩn bị cho việc thực thi hiệp định.

Sau khi được thực thi đầy đủ, các lô gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ phải có giấp phép FLEGT chứng minh tính hợp pháp. Trước khi cấp phép FLEGT, sẽ có một giai đoạn thực thi và đánh giá để xác minh rằng tất cả các cam kết đưa ra trong Hiệp định VPA đã được hoàn thành và hệ thống được đưa vào vận hành đáp ứng các tiêu chí sẵn sàng vận hành như được qui định tại một Phụ lục tương ứng của hiệp định.

Ngoài vô số các lợi ích xã hội, kinh tế và môi trường gắn với việc quản lý rừng tốt hơn tại Việt Nam, việc cấp phép FLEGT cũng sẽ đơn giản hóa giao dịch của thương nhân gỗ do các sản phẩm được cấp phép FLEGT đáp ứng các yêu cầu của Quy chế gỗ của EU – những yêu cầu cấm các sản phẩm gỗ bất hợp pháp tại thị trường EU. Theo đó, các chủ thể của EU có thể đưa ra các sản phẩm gỗ được cấp phép FLEGT vào thị trường EU mà không phải thực hiện trách nhiệm giải trình theo quy định trong quy chế của EU.

Việt Nam là một trong 15 quốc gia đang đàm phán Hiệp định VPA với EU. Vào ngày 15/11/2016, Indonesia trở thành nước đầu tiên cấp phép FLEGT.(TTXVN)
-------------------------------

Kem Thủy Tạ lãi lớn nhờ kinh doanh nhà hàng

Sở hữu thương hiệu kem hơn 60 năm tuổi nhưng hoạt động kinh doanh nhà hàng mới là lĩnh vực đem lại lợi nhuận lớn nhất cho Kem Thủy Tạ.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán vừa công bố, Công ty cổ phần Thủy Tạ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận năm 2016, đạt lần lượt 110 tỷ và 7,4 tỷ đồng, thay đổi không đáng kể so với năm trước.

Tuy nhiên, dù sở hữu thương hiệu kem có danh tiếng không thua kém nhiều tên tuổi khác trên thị trường như Tràng Tiền, Kido hay Vinamilk, nhưng hoạt động đem lại lợi nhuận lớn nhất cho doanh nghiệp này lại đến từ kinh doanh hệ thống nhà hàng.

Năm 2016, các nhà hàng của Thủy Tạ đạt hơn 35 tỷ đồng doanh thu, đem về tới 22,5 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tương đương tỷ lệ 6,4 đồng lợi nhuận trên 10 đồng doanh thu. Trong khi lĩnh vực kem thu về gần 54 tỷ đồng, chỉ đem lại hơn 20 tỷ đồng lợi nhuận gộp.

Lý do là bởi không chỉ nổi tiếng với kem, Thủy Tạ còn sở hữu một hệ thống nhà hàng và các cửa hàng kinh doanh dịch vụ, tọa lạc tại những vị trí đẹp nhất xung quanh hồ Gươm, trên đường Lê Thái Tổ. Trong đó, nhà hàng Đình Làng phục vụ các món ăn dân tộc có địa chỉ tại số 1 Lê Thái Tổ, nhà hàng Mamarosa phục vụ ẩm thực châu Âu tại số 6 Lê Thái Tổ và nhà hàng Long Vân phục vụ các món ăn nhanh, các loại kem và bánh ngọt tại số 3 Lê Thái Tổ.Ngoài hai lĩnh vực này, Thủy Tạ còn sở hữu một cửa hàng đồ lưu niệm Việt Silk tại 97 Hàng Gai và hiệu ảnh Hồng Vân (Photolab Hồng Vân) tại số 3B Lê Thái Tổ. Doanh thu từ lĩnh vực hoạt động này đem lại gần 17 tỷ đồng trong năm 2016, với lợi nhuận gộp hơn 5 tỷ đồng.

khong phai ban kem, kinh doanh nha hang moi la linh vuc dem lai loi nhuan cao nhat cho thuy ta.

Không phải bán kem, kinh doanh nhà hàng mới là lĩnh vực đem lại lợi nhuận cao nhất cho Thủy Tạ.

Công ty cổ phần Thủy Tạ có vốn điều lệ 30 tỷ đồng, tiền thân là Nhà hàng Thủy Tạ được thành lập từ tháng 5/1958. Theo giới thiệu của công ty, Thủy Tạ cũng là nhà hàng duy nhất được giữ vị trí đẹp cạnh hồ Gươm.

Thương hiệu Kem Thủy Tạ có mặt tại Hà Nội từ những năm đầu công ty thành lập, nhưng phải đến năm 1999 khi Thủy Tạ đưa nhà máy kem với công suất 1 triệu lít một năm đi vào hoạt động, lĩnh vực kinh doanh này mới thực sự tăng trưởng. Từ 14 sản phẩm ban đầu, đến nay kem Thủy Tạ đã có hơn 50 loại sản phẩm với doanh thu từ mảng kinh doanh này mỗi năm trên 50 tỷ đồng.

Tuy vậy, hoạt động chững lại ở lĩnh vực cốt lõi này trong những năm gần đây cũng khiến việc giải quyết bài toán tăng trưởng của Thủy Tạ gặp khó. Liên tục từ năm 2012 đến nay, doanh thu của Thủy Tạ chỉ loanh quanh ngưỡng 100 tỷ đồng. Thị phần của thương hiệu này trong ngành kem đã giảm xuống dưới 10% với sự gia tăng của các đối thủ khác như Vinamilk hay Kido.

Trong khi đó, theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường kem Việt Nam có quy mô khoảng 2.300 tỷ đồng, với tăng trưởng tiêu thụ bình quân lên tới hơn 16% mỗi năm. 

Tính đến cuối năm 2016, Thủy Tạ có tổng tài sản gần 62 tỷ đồng, chủ yếu được tài trợ bởi vốn chủ sở hữu (chiếm 62%), trong khi phần nợ phải trả phần lớn là chiếm dụng vốn từ đối tác và các khoản nghĩa vụ tài chính liên quan đến tiền thuê đất.

Theo báo cáo thường niên mới công bố, cổ đông lớn nhất của công ty là Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro), chiếm 51,2%. Các cổ đông lớn khác như Công ty TNHH Rồng vàng Thái Bình Dương sở hữu hơn 11%, ACB sở hữu 10% và hai cá nhân sở hữu gần 20% vốn điều lệ.(Vnexpress)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục