tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Khi lãnh đạo ngân hàng bị "mắng" xối xả

  • Cập nhật : 08/11/2015

(Tai chinh)

Trong cuộc đại phẫu toàn ngành, bên cạnh xáo trộn về hệ thống trật tự các ngân hàng thì vấn đề nhân sự trong đó hàng loạt chủ tịch, tổng giám đốc các ngân hàng từ nhiệm trước thềm sáp nhập, tái cơ cấu cũng là điều mà thị trường chú ý.

 

Có lẽ chưa một mùa đại hội ngân hàng nào lại căng thẳng như năm nay, những cuộc họp kéo dài hàng tiếng đồng hồ và không khí hội nghị hầm hập như chảo lửa khi cổ đông dồn dập đối chất.

Bên cạnh một số cuộc họp ĐHCĐ của các ngân hàng "dậy sóng" với bức xúc của cổ đông về vấn đề cổ tức, thì một số vấn đề nhạy cảm như thù lao và thành quả cống hiến của các lãnh đạo cũng được các cổ đông xoáy sâu bình luận ngay tại các hội nghị.

“Các ông cũng chỉ là người làm thuê, không tạo ra được lợi nhuận và chia cổ tức cho cổ đông. HĐQT nhận lương và thưởng có xấu hổ hay không, vì sao không dùng tiền đó để chia cổ tức?”, “Không làm được thì nghỉ đi”,… của hàng loạt cổ đông khiến các lãnh đạo ngân hàng không khỏi "nóng mặt" trước những lời chì chiết xối xả.

Ví dụ điển hình trong thời gian gần đây, tại cuộc họp ĐHCĐ bất thường của Ngân hàng SHB, sau khi tự ái - bị cho là hoang tưởng khi lo ngân hàng bị mua lại 0 đồng nếu liên tục làm ăn đi xuống, một cổ đông đã buông lời thẳng: Nếu không thực hiện các chỉ tiêu mà Đại hội đề ra thì ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT SHB nên để người khác làm hiệu quả hơn.

Vị Chủ tịch ngân hàng SHB đã mất vài phút để lấy lại bình tĩnh. Ông cho rằng bản thân ông tôn trọng quyền của cổ đông. Ở cương vị là người điều hành, ông có trách nhiệm trả lời các thắc mắc nhưng ý kiến của cổ đông phải có tính chất xây dựng, thiện chí phát triển ngôi nhà chung, phát biểu mà phê phán thì dễ lắm mà quan trọng là đóng góp.

“Nếu tôi không có khả năng làm được, tôi cũng xin thôi. Anh hay ai mà có năng lực tôi sẽ mời người đó. Mọi người đừng nghĩ Chủ tịch ngân hàng là sướng. Họ nghĩ đến bạc cả tóc, lo lắng quản trị. Ngày nào, tôi cũng 11-12h đêm mới về đến nhà. Cổ đông lo một thì chúng tôi lo ba”, vị Chủ tịch ngậm ngùi.

Trước đó, với những kết quả kinh doanh kém khả quan, ĐHCĐ của hai ngân hàng DongABank và Eximbank diễn ra vào ngày 21/7 trở nên căng thẳng khi nhiều cổ đông đề nghị Hội đồng quản trị từ chức.

Chủ tịch Eximbank Lê Hùng Dũng bên cạnh việc giãi bày thời gian qua không thể lường trước được việc bất động sản đóng băng, thị trường khó khăn. “Kinh doanh ngân hàng giống như một trận bóng đá, thắng làm vua, thua làm giặc. Chúng tôi sẵn sàng từ chức”, ông Dũng thay mặt HĐQT xin lỗi cổ đông và cho biết bản thân đã xin thôi nhiệm chứ không cần chờ cổ đông yêu cầu từ chức. Do đó, ông không tiếp tục ứng cử vào hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới. Dự kiến, ĐHCĐ bất thường dự kiến vào tháng 11 tới ngân hàng sẽ có chủ tịch mới.

Cùng ngày, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) là ông Cao Sĩ Kiêm cũng xin rút khỏi ban lãnh đạo chỉ sau 1 năm nắm quyền điều hành nhà băng này. Tương tự Eximbank, HĐQT của DongA Bank cũng chịu chỉ trích của cổ đông khi kết quả kinh doanh không khả quan, không chia cổ tức và giá cổ phiếu xuống thấp. Ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á khi ấy đã mở đầu đại hội bằng việc xin lỗi cổ đông vì ngân hàng không đạt các chỉ tiêu kinh doanh đề ra.

Tại ĐHCĐ diễn ra ngày 15/7, Ngân hàng Nam Á cũng thông qua việc miễn nhiệm thành viên HĐQT là ông Nguyễn Quốc Toàn. Sau khi ông Nguyễn Quốc Toàn từ nhiệm, HĐQT Nam A Bank còn lại 5 thành viên, đúng bằng mức tối thiểu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Ngay trong cuộc họp, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Phan Đình Tân được bầu thay thế cho ông Toàn.

Với nhiều lý do cá nhân hay khách quan, những gì từ mùa ĐHCĐ chỉ cho thấy một phần trong con sóng của cuộc đại phẫu toàn ngành, hàng loạt chủ tịch, tổng giám đốc các ngân hàng từ nhiệm trước thềm sáp nhập, tái cơ cấu. Nhiều sếp của các ngân hàng VPBank, TPBbank, Maritime Bank, NCB ... trong thời gian qua cũng liên tục luân chuyển công tác tại các ngân hàng khác nhau.

(Theo CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục