tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Hàng Việt khó bán sao cứ đổ lỗi người tiêu dùng sính ngoại?

  • Cập nhật : 13/05/2018

Hầu như năm nào cũng có ít nhất từ 1-2 đợt giải cứu hết vải lại hoa, rồi dưa hấu, củ cải, rau xanh… Đó là những chiến dịch kêu gọi giải cứu nông sản thô đã thành chuyện đến hẹn lại lên. Còn đối với nông sản chế biến, không ít trường hợp lại xoay sang chiều hướng đổ lỗi cho người tiêu dùng.

mut buoi (anh minh hoa). nguon: vietq.vn.

Mứt bưởi (ảnh minh họa). Nguồn: Vietq.vn.

Đơn cử trước tiên là mứt bưởi được làm từ vỏ bưởi, là thứ ở Việt Nam lâu nay thường thải loại. Những năm gần đây, vỏ bưởi được dùng làm chè bưởi và một số thức ăn nhưng chưa phổ dụng.

Thế nhưng, càng ngày, nhiều người tiêu dùng Việt dám bỏ ra vài trăm ngàn đồng để mua 0,5kg hoặc 1kg mứt vỏ bưởi nhập khẩu từ Thái Lan để ăn, được cho rằng cũng tốt cho sức khỏe vì loại mứt này có chứa tinh dầu bưởi và lẽ dĩ nhiên là cả chất xơ.

Người Thái có thì người Việt cũng làm. Một số cơ sở chế biến mứt vỏ bưởi xuất hiện ở Nam bộ, hàng làm ra tiêu thụ chậm, và câu chuyện được lan truyền ra là do người tiêu dùng Việt sính, chuộng hàng ngoại, không yêu và ủng hộ hàng Việt…, “trăm dâu” đổ lên đầu người tiêu dùng.

Xét từ góc độ tinh thần dân tộc, sự ủng hộ hàng Việt là cần thiết. Nhưng để được người tiêu dùng ủng hộ thì chất lượng những sản phẩm Việt ấy phải đạt đến một mức độ nhất định, trước hết là an toàn, đủ các thành phần bổ dưỡng và có lợi cho sức khỏe, chất lượng chế biến và bảo quản bảo đảm, giá cả phù hợp…

Người tiêu dùng Việt có thể 1-2 lần móc túi mua hàng Việt với tinh thần ủng hộ mà ít cần so đo hay đánh giá, so sánh với hàng ngoại. Nhưng để sự ủng hộ được lâu dài và bền vững, hàng Việt không thể có chất lượng quá cách biệt với hàng ngoại nhập.

Từ câu chuyện mứt bưởi Thái - mứt bưởi Việt là cả một vấn đề rất lớn và khác biệt về công nghệ chế biến, an toàn vệ sinh thực phẩm và khẩu vị.

Khi chỉ có một số nhỏ người tiêu dùng Việt không chuộng thì còn có thể đổ lỗi do sính ngoại. Song khi có rất nhiều người không chuộng thì cả một vấn đề lớn mà các nhà sản xuất trong nước cần phải tiếp thu, tìm hiểu và giải quyết. Thời nay, không chỉ hàng ngoại mà cả hàng Việt không thể cứ khư khư giữ quan điểm “hữu xạ tự nhiên hương” nếu muốn lan tỏa mạnh và nhanh trong một thị trường rộng lớn, mà cần có chiến lược truyền thông, marketing tiếp cận người dùng hữu hiệu.

Khi hàng Việt rẻ hơn nhưng sao người tiêu dùng Việt lại cứ thích mua sản phẩm ngoại cùng chủng loại thì vấn đề chắc chắn ở chất lượng, từ độ tinh chế trong dây chuyền công nghệ sản xuất cho đến những tính toán về hàm lượng dinh dưỡng và hương vị…

Đừng cứ đổ lỗi cho người tiêu dùng mà hãy đặt câu hỏi ngược lại: Làm thế nào để chinh phục được người tiêu dùng trong nước? Đó mới là việc tối thượng một doanh nghiệp cần làm chứ không phải cứ đổ lỗi, kêu than… 

Theo Báo Lao Động

Trở về

Bài cùng chuyên mục