tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Cuộc đua mua lại chuỗi Big C Việt Nam: Ai trả giá cao là bán

  • Cập nhật : 25/04/2016

(Tin kinh te)

Casino Group sẽ không quan tâm đến nguồn gốc của nhà đầu tư vì mục tiêu trong thương vụ bán Big C Việt Nam là phải thu được giá trị cao nhất.

Sức ép nợ 4 tỷ USD

Chỉ vài ngày nữa, thương vụ M&A Big C Việt Nam sẽ được chốt hạ. Thị trường M&A Việt Nam chưa từng chứng kiến một thương vụ giá trị và tốn nhiều công sức của các tay chơi trên thị trường phân phối, bán lẻ, chuyên gia và giới truyền thông đến vậy. Lotte Group (Hàn Quốc), Central Group và TCC Holding (đều của Thái Lan), Saigon Co.op và Masan Group (Việt Nam) là những ứng cử viên sáng giá trong cuộc đua này. Tuy nhiên, có thông tin Lotte Group và Central Group sẽ từ bỏ cuộc đua.

Nhìn vào những điểm mạnh của Big C Việt Nam, động thái của Casino không phải là một vụ thoái vốn theo nghĩa tiêu cực, mà là cách họ cơ cấu lại tài sản của mình. Nhà bán lẻ Pháp đứng thứ 15 trên thế giới này đã đầu tư tại Việt Nam hơn 20 năm và đang giữ vị trí thống lĩnh tại thị trường Nam Mỹ (số1 tại Brazil và Colombia). Thị trường Đông Nam Á được casino đánh giá rất cao với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và đang có rất nhiều tiềm năng.

dai dien casino khang dinh, big c viet nam hoan toan co the ban voi gia gap 1,7 lan doanh thu, tham chi con cao hon. anh: duc thanh

Đại diện Casino khẳng định, Big C Việt Nam hoàn toàn có thể bán với giá gấp 1,7 lần doanh thu, thậm chí còn cao hơn. Ảnh: Đức Thanh

Tuy nhiên, nền kinh tế của Brazil đã suy giảm và đồng tiền nước này đã mất giá 60% trong năm 2015, dẫn đến các khoản nợ của tập đoàn này tăng phi mã. Cuối năm 2015, Quỹ đầu tư mạo hiểm Muddy Water đã tung ra một thông cáo với nội dung Tập đoàn đang vay nợ quá mức và tỷ lệ nợ nên được giảm xuống.

Trước sức ép từ việc vay nợ quá nhiều, Casino quyết định giảm bớt 4 tỷ USD nợ vay thông qua việc bán các tài sản, trong đó có Big C Thái Lan và Big C Việt Nam. Thái Lan và Việt Nam là hai thị trường giàu tiềm năng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nên sẽ giúp Casino dễ bán hai tài sản này và thu tiền về trong thời gian ngắn nhất. Tuy nhiên, lãnh đạo Casino khẳng định, sau khi bán Big C Việt Nam, Tập đoàn vẫn tiếp tục hiện diện tại Việt Nam. Casino đang thành lập một pháp nhân phục vụ mục đích xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam qua các siêu thị thuộc sở hữu của tập đoàn tại châu Âu và châu Mỹ La tinh.

Lật lại một số thương vụ bán tài sản của Casino trong quá khứ, có thể thấy rằng, sau khi về tay chủ mới, các tài sản này tiếp tục thịnh vượng. Trong năm 2006, Casino đã bán các tài sản ở Ba Lan cho Tesco và Metro, thu về 925 triệu euro. Sau đó, các công ty này vẫn tiếp tục tăng trưởng và hoạt động kinh doanh ổn định. Gần đây nhất, Casino bán Big C Thái Lan cho TCC Group (Thái Lan) với giá trị 3,5 tỷ USD. Tận dụng vị thế và thương hiệu sẵn có từ Big C Thái Lan, TCC vẫn đang rất thành công với hệ thống siêu thị này.

Cuộc rượt đuổi về giá

Sau những lời đồn đoán về tình hình thua lỗ, đầu tư không khả quan của Big C Việt Nam, Casino đã chia sẻ những con số đáng chú ý. Doanh thu thuần đã tăng từ 13.038 tỷ đồng trong năm 2013 lên 14.131 tỷ đồng trong năm 2015. Big C Việt Nam kỳ vọng, doanh thu sẽ tăng lên 24.157 tỷ đồng và 32.254 tỷ đồng trong năm 2018 và 2020 nhờ những yếu tố tăng trưởng nội tại và mở cửa hàng mới. Lý do là thị trường vẫn đang bị chi phối bởi mô hình chợ truyền thống khiến tiềm năng tăng trưởng từ việc mở mới các siêu thị theo mô hình hiện đại là rất lớn.

Do đó, mục tiêu của Casino là thu được giá trị cao nhất từ việc bán Big C Việt Nam. Trong đợt chào giá không ràng buộc (vòng 1), Casino đã nhận được 15 bản chào giá, trong đó có 3 bản chào giá đến từ các nhà đầu tư Việt Nam. Tập đoàn này đã quyết định lựa chọn 5 nhà đầu tư vào vòng 2, trong đó có 2 nhà đầu tư đến từ Việt Nam.

Tiêu chí quan trọng nhất và duy nhất cho vòng chào đầu tiên là giá. Thương vụ TCC Group mua lại Big C Thái Lan với giá 3,5 tỷ USD (EV/EBITDA 17 lần), nên Big C Việt Nam được kỳ vọng sẽ có 1 khoản thặng dư do các nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao hơn vì có nhiều tiềm năng tăng trưởng hơn Big C Thái Lan.

Trong đợt chào giá vòng 1, các nhà đầu tư đã nhận ra tiềm năng tăng trưởng của Big C và chào mức giá rất cao (khoảng gần 1 tỷ USD). Cố vấn Chủ tịch Tập đoàn Casino Jacques Fourvel khẳng định, Big C Việt Nam hoàn toàn có thể bán với giá gấp 1,7 lần doanh thu, thậm chí còn cao hơn.

Với những thông tin trên, dư luận nghi ngờ khả năng các tên tuổi trong nước như Saigon Co.op hay Masan khó về đích trong cuộc đua thâu tóm thương vụ này. Trong đó, Saigon Co.op gây nhiều nghi ngờ hơn cả. Tuy nhiên, Saigon Co.op hoàn toàn đủ năng lực tài chính để mua lại Big C Việt Nam. Họ có thể sử dụng cả nguồn vốn tự có và vốn vay để tài trợ cho giao dịch này.

“Ngoài cam kết cung cấp thêm vốn từ các thành viên trong hệ thống của mình, họ cũng đang làm việc với một vài ngân hàng lớn tại Việt Nam để huy động vốn cho giao dịch này”, nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay.

Việc Saigon Co.op cân nhắc mua lại Big C Việt Nam là hoàn toàn dễ hiểu. Đây là một thương hiệu mạnh và hệ thống phân phối rộng khắp ở miền Nam và miền Trung, trong khi Big C rất mạnh ở miền Bắc. Nếu mua lại được Big C thì nhà bán lẻ này được hưởng lợi nhiều nhất khi vị thế thống lĩnh thị trường phân phối, bán lẻ sẽ trong tầm tay và các đối thủ rất khó cạnh tranh, đuổi kịp trong vài năm tới.

Cũng nhiều quan điểm cho rằng, thật khó để xác định lợi thế có được nếu một nhà bán lẻ Việt Nam mua lại thành công Big C. Song những đóng góp tiên phong về kinh tế và xã hội của Big C cho Việt Nam ngay từ khi đặt chân đến đây vào năm 1998 đã cho thấy những lợi ích nhất định. Casino đã thay đổi được thói quen mua sắm của người Việt Nam. Thay vì mua sắm ở chợ truyền thống, nơi mà thực phẩm an toàn khó kiểm soát và vấn nạn hàng giả luôn rình rập, thì người tiêu dùng đã chấp nhận tới kênh phân phối hiện đại, hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi. 

Casino còn đem đến những chuẩn mực cao nhất trong vận hành hệ thống bán lẻ để có được giá bán tốt nhất cho người tiêu dùng. Minh chứng, Big C là người dẫn đầu không thể tranh cãi về giá trong suốt 5 năm qua. Nhờ đó, Big C đã thúc đẩy các nhà bán lẻ khác phải hạ giá thành sản phẩm như một kết quả tất yếu của sự cạnh tranh, tạo ra lợi ích cho người tiêu dùng Việt Nam.

Ngoài ra, Big C cũng tạo động lực phát triển cho các nhà cung cấp nhỏ và vừa ở Việt Nam thông qua việc yêu cầu những sản phẩm chất lượng hơn, phát triển hạ tầng và thiết lập những chuẩn mực về nông nghiệp, sản xuất bền vững. Đặc biệt, dưới sự quản lý của Casio, Big C là một điển hình về nộp thuế. Trong vòng 3 năm qua, Big C đã nộp gần 65 triệu USD tiền thuế (bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội…).

Với những yếu tố trên, Casino sẽ tạo ra một thương vụ công bằng cho tất cả các bên, không quan tâm đến nguồn gốc của các bên tham gia đấu giá. Bởi người chiến thắng trong cuộc đấu giá sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào những điều khoản mang tính thương mại. “Chúng tôi sẽ rất vui khi bán cho một đối tác Việt Nam nếu họ là người trả giá cao nhất”, đại diện Casino cho biết.


Anh Hoa
(Theo Báo Đầu Tư)
Trở về

Bài cùng chuyên mục