tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Cơ hội từ quỹ đầu tư mạo hiểm ở Singapore

  • Cập nhật : 13/04/2016

(Tin kinh te)

Sự xuất hiện một loạt quỹ đầu tư mạo hiểm ở Singapore trong vài năm gần đây mở ra cơ hội tiếp cận vốn thuận lợi cho doanh nghiệp trẻ VN.

ky nang trinh bay rat can thiet de doanh nghiep start-up thu hut von tu cac quy dau tu singapore - anh: nhu lich

Kỹ năng trình bày rất cần thiết để doanh nghiệp start-up thu hút vốn từ các quỹ đầu tư Singapore - Ảnh: Như Lịch


Quỹ đầu tư mạo hiểm (QĐTMH) chuyên đổ vốn vào các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) hoặc các ý tưởng kinh doanh vừa phôi thai. Loại hình đầu tư ẩn chứa nhiều rủi ro này có khi cũng đến từ các cá nhân có tiền nhàn rỗi và cảm thấy hứng thú hay muốn ủng hộ ý tưởng mới (angel investor - nhà đầu tư thiện nguyện). “Cách đây chừng 5 năm, loại hình đầu tư mạo hiểm ở Singapore khá lèo tèo, chỉ có vài tên tuổi như Rakuten (Nhật Bản) hay Rocket Internet (Đức). Nhưng khoảng năm 2012, sự kiện người đồng sáng lập mạng xã hội Facebook Eduardo Saverin trở thành một angel investor đổ tiền vào 3 start-up trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mỗi nơi khoảng 1 triệu USD, đã kích thích sự ra đời của một loạt QĐTMH ở Singapore”, Trần Hoàng Thanh, từng làm việc cho 2 tập đoàn tài chính Phillip Capital và Société Générale tại đảo quốc sư tử, nói với Thanh Niên.
Eduardo Saverin chuyển sang sinh sống ở Singapore từ năm 2009 và trở thành công dân nước này sau khi từ bỏ quốc tịch Mỹ năm 2011. Sự có mặt của vị tỉ phú trẻ tuổi đã làm khuấy động không khí khởi nghiệp ở Singapore. Các tập đoàn kinh tế đảo quốc sư tử đua nhau lập QĐTMH. Tập đoàn viễn thông Singtel có Singtel Innov8, Ngân hàng UOB có UOB Venture Management, Tập đoàn báo chí Singapore Press Holdings có SPH Media Fund... Trong khi đó, các cơ quan nhà nước như Cục Phát triển kinh tế EDB, Cơ quan Hỗ trợ doanh nghiệp Spring, Cục Phát triển truyền thông MDA, Cục Phát triển công nghệ thông tin viễn thông IDA... cũng cho ra đời các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp.
Rời Singapore sang Mỹ học thạc sĩ quản trị kinh doanh năm 2013, nay nhìn lại, Hoàng Thanh khá ngỡ ngàng: “Chỉ trong vòng vài năm mà số QĐTMH ở Singapore tăng khủng khiếp, hiện có khoảng trên dưới 60, chưa kể những nguồn vãng lai và angel investor”.

VN trong “radar đầu tư”
Với môi trường chính trị và tăng trưởng kinh tế khá ổn định trong năm qua, VN đang thu hút trở lại sự quan tâm của nhà đầu tư. Võ Hoàng Hải, người sáng lập Phòng Thương mại VN tại Singapore (VietCham) năm 2015 nhằm kết nối kinh doanh và đầu tư giữa 2 nước, cho hay nhiều QĐTMH tại Singapore đã tìm đến VietCham để tìm hiểu về cơ hội ở VN. “Từ cuối năm 2015, một số quỹ trước đây từng từ chối những start-up VN đã quay lại hỏi thông tin. Họ bảo VN đã trở lại trên radar đầu tư”, anh nói với Thanh Niên.
Qua trao đổi với nhiều nhà đầu tư từ nhiều quốc gia, Võ Hoàng Hải rút ra kết luận: “Thị trường đang nổi VN có thể có nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư, nhưng “high risk, high return” (rủi ro cao thì lợi nhuận cũng lớn), nên VN vẫn có sức hút lớn với những nhà đầu tư mạo hiểm vốn luôn biết chấp nhận rủi ro và tìm cách thích nghi với luật chơi sở tại”.
Cùng ý kiến này, chị Dương Quỳnh Phương, phụ trách thị trường VN của Quỹ NSI Ventures (Singapore), cho rằng: “VN luôn hấp dẫn nhà đầu tư vì có tiềm năng lớn”. Theo chị, những hạn chế lâu nay của doanh nghiệp và môi trường đầu tư VN như trình độ tiếng Anh, thiếu nhân lực trình độ cao, hay thủ tục đầu tư, kinh doanh còn phức tạp... đã được cải thiện rất nhiều trong vòng 2 năm trở lại đây.

Kiếm vốn không khó
Các QĐTMH rất tích cực trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư, nên “chỉ cần có ý tưởng tốt và có động thái để nhà đầu tư nhận ra mình thì hẳn sẽ thành công”, đó là phát biểu chung của những người trong ngành mà Thanh Niên từng trao đổi. Ngược lại, các start-up VN cũng rất chủ động sang Singapore tìm kiếm nguồn vốn. Một số thông qua sự hỗ trợ của VietCham.
Tuy nhiên, để thuyết phục được nhà đầu tư, theo kinh nghiệm của Võ Hoàng Hải, người khởi nghiệp năm 22 tuổi với Công ty phần mềm Epsilon Mobile khá thành công, start-up cần phải chuẩn bị một bài giới thiệu (presentation) thuyết phục. “Một số start-up VN bị nhà đầu tư tại Singapore đánh rớt chỉ vì bài presentation không đạt”, anh nói.
Một vấn đề khác khiến nhiều start-up VN chưa nhận được đầu tư từ các quỹ tại Singapore là do kích cỡ quá nhỏ. “Cộng đồng start-up tại VN chỉ mới hình thành một vài năm nay, nên quy mô còn nhỏ”, nhà đầu tư Quỳnh Phương nói và cho biết thêm đó là một trong các lý do NSI Ventures chưa tìm được công ty nào để đầu tư vì “kích cỡ chưa khớp”. Với nguồn quỹ 90 triệu USD, NSI Ventures thường đầu tư 3 - 5 triệu USD/start-up. “Nhưng khoảng 2 - 3 năm nữa, cộng đồng start-up VN sẽ lớn mạnh”, chị Phương lạc quan. Chị cũng cho biết theo thống kê, chỉ trong một năm, số start-up của VN nhận được đầu tư từ các quỹ đã tăng hơn gấp đôi, từ 28 năm 2014 lên 62 năm 2015, so với 25 năm 2013 và 24 năm 2012.


Thục Minh 
(Văn phòng Singapore)
Theo Thanh Niên

Trở về

Bài cùng chuyên mục