tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thị trường châu Phi: Những rào cản từ bên trong

  • Cập nhật : 06/03/2016

(Tin kinh te)

Giao dịch thương mại nội bộ của châu Phi thực sự chỉ hứa hẹn trên... giấy. Còn quá nhiều rào cản để lục địa này tạo nên sức bật kinh tế.

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Hai trong số các hiệp định thương mại khu vực lớn nhất trong lịch sử kinh tế thế giới đã được thống nhất vào năm ngoái. Nhiều người biết đến Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương bao gồm 12 quốc gia ở châu Á và châu Mỹ. Nhưng rất ít người nghe nói về Khu vực Thương mại tự do ba bên (TFTA), trong đó bao gồm 26 quốc gia châu Phi, hứa hẹn sẽ tạo ra những khu vực thương mại tự do lớn nhất trên lục địa đen, "từ Cairo đến Cape".

Thực tế, hội nhập khu vực châu Phi đang mở rộng. Lục địa này có 17 khối thương mại như: Cộng đồng Đông Phi (EAC), Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC) và Thị trường chung Đông và Nam Phi (COMESA)... Tại Hội nghị Kinh doanh châu Phi lần thứ 20 ngày 21/2 tại khu nghỉ mát của Ai Cập Sharm el-Sheikh, một số nhà lãnh đạo kêu gọi về một thị trường châu Phi thống nhất.

Nhưng từ lâu, yếu tố biên giới đã trở thành rào cản tách ra 54 quốc gia của châu lục này, gây ra hạn chế về quy mô kinh tế. Đó là hạn chế về hạ tầng, chi phí vận chuyển trung bình ở châu Phi gấp hai lần mức trung bình của thế giới và nhiều rào cản khác. Do đó, giao dịch kinh tế khu vực này thường hiệu quả thấp. Theo Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), một công ty bán hàng tại lục địa này phải đối mặt với mức thuế trung bình 8,7%, so với 2,5% ở nước ngoài. Gần như tất cả các nước châu Phi đang là thành viên của nhiều hơn một hiệp định khu vực nên các quy định chồng chéo gây cản trở cho nhiều thành viên.

 

Các nước châu Phi khác nhau về kích thước, vị trí địa lý và tài nguyên, vì vậy giao dịch thương mại ảnh hưởng khác nhau. Sản xuất có xu hướng tập trung tại các nước lớn như Kenya, Nigeria và Nam Phi. Do đó, các nước có nền sản xuất nông nghiệp nhỏ luôn bị các nước láng giềng lớn hơn chi phối. Không có cơ chế hỗ trợ cho các nước nhỏ nên rất khó thuyết phục các nước phải hy sinh quyền lợi để tăng cường thương mại nội khối.

Vì vậy, hầu hết các nước đều quay lại chủ nghĩa bảo hộ. Chẳng hạn, Cộng đồng Kinh tế của các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) danh nghĩa là một liên minh thuế quan, nhưng lại có một danh sách dài những trường hợp ngoại lệ. Hai thập kỷ sau khi hứa hẹn tự do di chuyển người, hàng hóa và vận tải, nhưng đến nay vẫn chủ yếu là hứa hẹn.

Các rào cản phi thuế quan không chỉ là một vấn đề của châu Phi. Tiêu chuẩn sản phẩm và quy tắc xuất xứ được Mỹ sử dụng để ngăn chặn hàng hóa Mexico trong NAFTA. Nhưng theo UNCTAD, giảm thuế nhập khẩu ở châu Phi lại dẫn đến sự gia tăng sử dụng các rào cản kỹ thuật khác. Ví dụ, quần áo được yêu cầu phải có cả nguồn gốc xuất xứ ở các nước SADC để đủ điều kiện được hưởng ưu đãi. Từ vài mặt hàng hàng dệt may được sản xuất trong khu vực, các quy tắc đã bóp nghẹt thương mại trong cả thị trường may mặc nói chung.

Rào cản khác là tình trạng quan liêu và tham nhũng. Một nhà bán lẻ của Nam Phi thường phải chi 5,8 triệu USD phí lót tay trong năm 2009 để tiết kiệm được 13,6 triệu USD tiền thuế. Hầu hết các nước châu Phi có quy mô sản xuất nhỏ và mặt hàng hạn chế, chủ yếu hướng tới xuất khẩu vào các nước giàu. Rất ít có cơ sở sản xuất lớn và không giống như ở các nước châu Á đang phát triển, rất khó có thể hình thành chuỗi sản xuất tại châu Phi.

Khối lượng thương mại nội khối châu Phi là quá nhỏ và đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng của lục địa không hấp dẫn các nhà đầu tư. Vì vậy, UNCTAD khuyến cáo tạo ra một quỹ tích hợp, tài trợ của các quốc gia tương đối giàu cho châu Phi, để phát triển hạ tầng và xây dựng năng lực xuất khẩu ở các nước nghèo. Ngân hàng Phát triển Châu Phi đưa ra hơn 1 tỷ USD trong hai năm qua với mục đích thúc đẩy thương mại nội khối châu Phi...

 

Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn

Trở về

Bài cùng chuyên mục