tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Phá giá nhân dân tệ, doanh nghiệp Trung Quốc hồ hởi sang Việt Nam

  • Cập nhật : 14/08/2015

(Tin kinh te)

Sau khi Chính phủ Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, các doanh nghiệp Trung Quốc đã bắt đầu tăng cường tìm kiếm đối tác phân phối ở Việt Nam. Trong khi đó, nếu doanh nghiệp Việt không có chiến lược đối phó sẽ thất bại ngay trên sân nhà.

Bên lề Hội thảo Kinh tế thương mại Việt Nam – Hồ Bắc Trung Quốc do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 13/8 tại Hà Nội, Vinanet ghi nhận ý kiến các doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam về việc Ngân hàng trung ương Trung Quốc phá giá nội tệ 4,6% trong ba ngày liên tiếp.

Ông Trương Thế Bắc, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sợi tổng hợp Bác Thao Hồ Bắc (Trung Quốc) cho rằng, đồng nhân dân tệ phá giá sẽ có lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam, trong đó khách hàng Việt Nam cũng được hưởng lợi. So với giá sợi nguyên liệu nhập từ Hàn Quốc thì giá sợi Trung Quốc vốn đã rẻ hơn. Khi đồng nhân dân tệ giảm giá, giá sợi bán cho khách hàng Việt Nam sẽ giảm khoảng 2%/tấn. 

Ông Phúc Nguyên - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hữu hạn luyện kim Kim Dương Hồ Bắc (Trung Quốc) cho rằng, đồng nhân dân tệ giảm giá sẽ không tác động lớn đến quan hệ thương mại giữa hai nước. " Việc Chính phủ Trung Quốc hạ giá đồng tiền là việc làm có lợi cho xuất khẩu, không có lợi cho nhập khẩu. Việc này cũng không ảnh hưởng gì đến mối quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc".

doanh nghiep viet se chiu ap luc canh tranh rat lon tu hang trung quoc. anh: phuong ngoc

Doanh nghiệp Việt sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ hàng Trung Quốc. Ảnh: Phương Ngọc

Trong khi đó, ông Dương Nhiên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH khoa học thương mại nông nghiệp Thần Địa Hồ Bắc (Trung Quốc) tin tưởng rằng, việc Chính phủ Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu sang nước ngoài.

Theo đó, giá thành sản phẩm Trung Quốc có sức cạnh tranh lớn hơn mặt hàng đến từ các quốc gia khác; tăng kim ngạch xuất khẩu cho quốc gia. 

Việc đồng nhân tân tệ rẻ đi khiến doanh nghiệp Trung Quốc có thêm cơ hội bán hàng tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, vì giá thành xuất sang sẽ rẻ hơn trước đây. Ông Dương Nhiên cho biết, trong thời gian tới sẽ tìm kiếm đối tác để xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm trứng tại Việt Nam.  

Phía doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Trung Kiên - Tổng Giám đốc Công ty TNHH chiếu sáng Kapi nhận định, việc đồng nhân dân tệ mất giá khiến cho hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam sẽ rẻ hơn. Do đó, nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH chiếu sang Kapi cũng sẽ tìm kiếm nhà sản xuất, phân phối máy móc Trung Quốc có mức giá cạnh tranh hơn sản phẩm của Châu Âu, Hàn Quốc hay Nhật Bản. 

Trong khi đó, ông Phạm Xuân Đại, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Dương cho biết, công ty thường nhập khẩu máy móc thiết bị Trung Quốc; ngược lại xuất khẩu mặt hàng thực phẩm sang Trung Quốc như bún miến. 

Hiện nay, Tập đoàn Minh Dương phần lớn phải nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều hơn thì việc đồng nhân dân tệ mất giá lại là việc có lợi cho công ty, vì giá nhập sẽ rẻ hơn trước đây. Nhưng trong tương lai, nếu xuất khẩu của Minh Dương vào thị trường Trung Quốc tăng lên, thì mặt hàng của công ty sẽ phải cạnh tranh với hàng giá rẻ trong thị trường nội địa của Trung Quốc.

Ông Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch VCCI  cho rằng, Trung Quốc liên tục phá giá thêm, chắc chắn cán cân xuất nhập khẩu có biến động mạnh, xuất khẩu Trung Quốc ra nước ngoài nhiều hơn, trong đó có Việt Nam. 

Hàng hoá Trung Quốc sang Việt Nam sẽ nhiều hơn nữa. Điều này ảnh hưởng mạnh đến kinh tế đất nước, từ đó ảnh hưởng đến chỉ số vĩ mô. Nếu doanh nghiệp Việt không có chiến lược đối phó, sẽ thất bại. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần có hướng đi mới, tìm hiểu rõ về đối thủ để có sự chuẩn bị tốt nhất.

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

Trở về

Bài cùng chuyên mục