tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 23-04-2016

  • Cập nhật : 23/04/2016

Đức, Pháp, Nhật chạy đua giành hợp đồng đóng tàu ngầm Australia

Đức, Pháp và Nhật Bản đang tích cực chạy đua để chiến thắng hợp đồng đóng tàu ngầm cho Australia với kết quả chính thức có thể được công bố vào tuần sau.
tau ngam lop collins cua australia. anh: news.com.au.

Tàu ngầm lớp Collins của Australia. Ảnh: news.com.au.

 

Ủy ban An ninh Quốc gia thuộc nội các Australia trong tuần họp để cân nhắc lựa chọn từ công ty đóng tàu DCNS của Pháp, chi nhánh tại Australia của công ty đóng tàu Đức ThyssenKrupp Marine Systems và công ty Mitsubishi Heavy Industries đến từ Nhật Bản.

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nói một quyết định "sẽ được đưa ra theo trình tự và trong thời gian ngắn" nhưng từ chối nêu chi tiết, AFP đưa tin. Tài liệu từ ủy ban sau đó chuyển lên cho toàn bộ nội các. Một số thông tin cho rằng Australia công bố công ty chiến thắng vào tuần tới.

Báo chí Australia đưa tin nỗ lực của Nhật Bản được cho là "yếu nhất" còn Pháp là "mạnh nhất".

Nhật Bản gần như đã bị loại khỏi cuộc đua sau một năm ở vị trí dẫn đầu, tờ Wall Street Journal dẫn lời những người hiểu vấn đề cho biết. Gói thầu của Nhật Bản bị coi là có "rủi ro đáng kể" do Tokyo thiếu kinh nghiệm chế tạo thiết bị hải quân cho nước ngoài.

ThyssenKrupp đang là ứng viên hàng đầu. Điều này buộc Nhật Bản phải cân nhắc có nỗ lực cuối cùng ở mức cao nhất để cứu lấy "màu cờ sắc áo", đài Australia Broadcasting Corporation đưa tin hôm nay.

Trong khi đó, các nguồn tin Pháp tự tin về đề nghị kỹ thuật vượt trội của họ với Australia. Tờ báo Paris les Echos còn dự đoán DCNS chiến thắng, gọi tàu ngầm Đức là một bất lợi thật sự và "chỉ tồn tại trên giấy tờ".

Australia lo ngại mua tàu ngầm từ nước ngoài sẽ giết chết ngành công nghiệp đóng tàu trong nước. Do đó, các nhà thầu đều hiểu rõ yếu tố chính trị đóng vai trò quan trọng trong quyết định cuối cùng từ Australia. Họ đều tuyên bố sẽ đóng phần lớn hoặc tất cả tàu ngầm ở Australia.

Canberra muốn thay thế các tàu ngầm chạy diesel-điện lớp Collins, ngừng sử dụng vào năm 2026. Thế hệ tàu ngầm mới dự kiến có khả năng tàng hình và hệ thống cảm biến hiệu suất cao, thời gian và khoảng cách hoạt động tương đương lớp Collins. Các lớp tàu ngầm do DCNS, ThyssenKrupp và Mitsubishi đưa ra lần lượt là Barracuda, Type 216 và Soryu.


Philippines tố Trung Quốc "hành động khiêu khích" trên Biển Đông

BQP Philippines ngày 21-4 lên án hành động khiêu khích của TQ khi cho máy bay quân sự hạ cánh xuống một trong các đảo nhân tạo nước này xây dựng trái phép trong quần đảo Trường Sa (của Việt Nam).

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Peter Paul Galvez mô tả động thái ngang ngược của Trung Quốc là hành động "quân sự hóa rõ ràng".

"Điều đó rõ ràng là hành động khiêu khích. Chúng tôi luôn nói rằng sẽ giải quyết vấn đề thông qua giải pháp hòa bình. Đường lối ngoại giao cũng như cách thức tiếp cận của chúng tôi phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì như vậy. Họ (Trung Quốc) là những kẻ gây rối ở biển Đông" – ông Galvez nhấn mạnh.

Philippines đang chờ đợi phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague – Hà Lan về vụ kiện "đường chín đoạn" cùng yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông.

duong bang do trung quoc xay tren bai da chu thap. anh: ihs jane's  

Đường băng do Trung Quốc xây trên bãi Đá Chữ thập. Ảnh: IHS Jane's  

Chỉ trích của Manila liên quan tới hành động đáp máy bay quân sự của Bắc Kinh xuống bãi Đá Chữ Thập vào cuối tuần trước. Trung Quốc xây đường băng trái phép trên đảo nhân tạo này, dài khoảng 3 km. Đây là 1 trong 3 đường băng Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam).

Ông Galvez khẳng định Bắc Kinh "nói một đằng làm một nẻo" vì lúc đầu họ tuyên bố xây đảo nhân tạo và đường băng để phục vụ mục đích dân sự. Tuy nhiên, những gì biểu hiện trước mắt cho thấy Trung Quốc rõ ràng đang quân sự hóa biển Đông.

Mỹ đã lên án các chuyến bay ra đảo nhân tạo của Trung Quốc thời gian gần đây, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh nên thực hiện cam kết không triển khai máy bay quân sự tại quần đảo Trường Sa.


Mỹ sẽ gia tăng hiện diện quân sự ở Thái Bình Dương

Có mặt tại Hà Nội, thứ trưởng Antony Blinken khẳng định Mỹ “sẽ mở rộng sự hiện diện về quân sự trong khu vực vì đây là cơ sở đảm bảo an ninh, ổn định, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển cũng như hòa bình khu vực".

thu truong antony blinken (trai) va dai su my tai viet nam ted osius trong buoi noi chuyen voi sinh vien o ha noi sang 21-4 - anh: dai su quan my cung cap

Thứ trưởng Antony Blinken (trái) và đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius trong buổi nói chuyện với sinh viên ở Hà Nội sáng 21-4 - Ảnh: Đại sứ quán Mỹ cung cấp

Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã có cuộc gặp xã giao với Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chiều 21-4, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Mặc dù có lịch sử khó khăn, có sự khác biệt giữa thể chế, nguyên tắc… nhưng lãnh đạo hai bên đã xây dựng được một mối quan hệ có sự tôn trọng lẫn nhau, tin tưởng lẫn nhau, chia sẻ khát vọng

Ông ANTONY BLINKEN (thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Mỹ)

Quan hệ tốt đẹp 
“khó có thể hình dung”

Tại cuộc tiếp, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Phạm Bình Minh và ông Antony Blinken đã trao đổi về các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian tới, đặc biệt là việc phối hợp giữa Bộ Ngoại giao hai nước tổ chức tốt chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama vào tháng 5.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Mỹ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam đưa quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước phát triển sâu rộng, thực chất và hiệu quả hơn, phục vụ lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực.

Phó thủ tướng tái khẳng định quyết tâm của Việt Nam đối với phê chuẩn và thực hiện Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và mong phía Quốc hội Mỹ sớm thông qua TPP để đi vào triển khai, tạo điều kiện tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại giữa các nước thành viên và góp phần gia tăng xu thế hợp tác phát triển ở khu vực.

Phó thủ tướng cũng đề nghị hai bên cần làm sâu sắc hơn hợp tác trên chín lĩnh vực nêu trong tuyên bố chung giữa hai nước năm 2013, trong đó lấy hợp tác phát triển làm trọng tâm của quan hệ.

Sáng cùng ngày, trong bài phát biểu trước 400 sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), ông Blinken khẳng định tầm quan trọng của châu Á - Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại lâu dài của Mỹ và cho biết Mỹ sẽ mở rộng sự hiện diện, đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đối tác ở khu vực này.

Ông Blinken nhận định: “Quan hệ hai nước đã phát triển trên nhiều lĩnh vực ở mức độ mà cách đây vài năm khó có thể hình dung được”.

Liên quan đến chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama sắp tới, Thứ trưởng Blinken cho rằng chuyến thăm là minh chứng cho quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa hai nước. “Vào tháng 5, chiếc Không lực 1 sẽ đến Việt Nam. Ông Obama thăm Việt Nam. Một lần nữa chứng minh rằng cựu thù có thể thành đối tác”.

Ông Blinken cũng cho biết sẽ có một đoàn đại diện nhiều lĩnh vực, nhiều nhóm tháp tùng tổng thống, trong đó có cả Ngoại trưởng John Kerry, người đã đi đầu trong quá trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Trung Quốc đừng tự 
cô lập mình

Trong vòng 25 phút dành cho phần hỏi đáp với các sinh viên, nhiều cánh tay giơ lên và đã có năm câu hỏi được đặt ra cho ông Blinken, tập trung vào các chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong tương lai, nhất là trong bối cảnh Mỹ sẽ có tổng thống và chính phủ mới...

Thứ trưởng Blinken cho biết Mỹ sẽ tăng cường hợp tác với các đối tác truyền thống, đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, đồng thời coi trọng và tăng cường quan hệ với các đối tác đang nổi lên như Việt Nam.

Theo ông Blinken, Mỹ “sẽ mở rộng sự hiện diện về quân sự trong khu vực vì đây là cơ sở đảm bảo an ninh, ổn định, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển cũng như hòa bình khu vực. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ không chỉ duy trì sự hiện diện ở đây mà còn đẩy mạnh việc xây dựng mạng lưới kết nối chặt chẽ với các đối tác” - ông Blinken cho biết.

Đề cập vấn đề Biển Đông, Thứ trưởng Blinken cho rằng: “Một nước vượt qua pháp luật quốc tế sẽ không đem lại lợi ích và gây bất ổn. Hi vọng Trung Quốc học được bài học đó, cư xử dựa trên chuẩn mực quốc tế, nếu không tự cô lập mình”.

Ông khẳng định Mỹ hoan nghênh Trung Quốc trỗi dậy một cách hòa bình và tôn trọng luật pháp, trật tự quốc tế. Mỹ sẽ đảm bảo được lợi ích của mình nếu các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, không sử dụng các biện pháp cưỡng bức, bắt nạt.

Thứ trưởng Blinken cũng nhấn mạnh Mỹ sẽ bảo vệ lợi ích của mình và các đồng minh, các đối tác trong khu vực.

“Tòa trọng tài quốc tế sẽ sớm đưa ra phán quyết vụ kiện của Philippines. Chúng tôi mong muốn tranh chấp được thực hiện thông qua luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền tự do hàng hải, giải quyết tranh chấp hòa bình bằng ngoại giao, không sử dụng biện pháp đơn phương, ứng xử phù hợp trong các tranh chấp” - ông Blinken khẳng định.


Mỹ mua 32 tấn nước nặng của Iran

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 22/4 cho biết nước này sẽ mua 32 tấn nước nặng từ Iran để giúp Tehran giảm bớt quy mô chương trình hạt nhân của mình.

Người phát ngôn bộ trên John Kirby nêu rõ: "Giao dịch này sẽ cung cấp cho ngành công nghiệp Mỹ một sản phẩn quan trọng trong khi cũng cho phép Iran bán đi một phần lượng nước nặng dư thừa", qua đó giúp nước Cộng hòa Hồi giáo đáp ứng các nghĩa vụ của mình theo tiến trình thực thi thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ không nêu rõ đã mua số nguyên liệu này với giá bao nhiêu.

Trước đó Iran đã đồng ý thu nhỏ và đặt chương trình hạt nhân của nước này dưới sự thanh sát của quốc tế, một phần của thỏa thuận hạt nhân được thực thi hồi tháng 1/2016. Việc đưa nguyên liệu này khỏi Iran sẽ đảm bảo rằng nó không được sử dụng vào mục đích phát triển vũ khí hạt nhân. Dự kiến lượng nước nặng trên sẽ được chuyến tới Mỹ trong vài tuần tới, để phục vụ các yêu cầu về nghiên cứu và trong ngành công nghiêp phi hạt nhân.

Ngoại trưởng Trung Quốc thăm Campuchia củng cố hợp tác

Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia Prak Sokhon ngày 22/4 đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đang có chuyến thăm Campuchia.

bo truong ngoai giao va hop tac quoc te campuchia prak sokhon (anh, trai) co cuoc hoi dam voi bo truong ngoai giao trung quoc vuong nghi. anh: afp/ ttxvn

Bộ trưởng Ngoại giao và hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhon (ảnh, trái) có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trước khi bước vào hội đàm chính thức giữa hai bên diễn ra tại trụ sở Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia, ông Prak Sokhon và ông Vương Nghị đã có cuộc gặp riêng kéo dài gần một giờ. Tại cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm, cả hai Bộ trưởng Campuchia và Trung Quốc đều nhấn mạnh chuyến thăm nhằm “tăng cường hơn và làm sâu sắc hơn nữa các mối quan hệ và thành quả hợp tác” mà hai bên đã đạt được.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đánh giá cao sự phát triển nhanh chóng và những thành quả đáng ghi nhận của Campuchia dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Hoàng gia do Thủ tướng Hun Sen đứng đầu. Ông Vương Nghị nhấn mạnh Trung Quốc tiếp tục củng cố sự hợp tác với Campuchia trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, đến văn hóa và nhiều lĩnh vực khác.

Về phần mình, Bộ trưởng Prak Sokhon tin tưởng hai nước tiếp tục tăng cường sự hợp tác trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau. Ông Vương Nghị có mặt tại Phnom Penh trong khuôn khổ chuyến thăm Campuchia hai ngày từ 21-22/4. Theo lịch trình, trong ngày 22/4, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sẽ yết kiến Quốc vương Norodom Sihamoni, có các cuộc gặp riêng lẻ với Thủ tướng Hun Sen, Phó Thủ tướng Hor Namhong, trước khi rời Campuchia vào tối ngày 22/4.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục