tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh tối 06-02-2016

  • Cập nhật : 06/02/2016

Hàn Quốc tập trận bắn đạn thật lớn ở đảo tiền tiêu

Quân đội Hàn Quốc hôm qua tập trận bắn đạn thật lớn ở vùng biển gần các đảo tiền tiêu, trong bối cảnh Triều Tiên đang dự định phóng vệ tinh. 
han quoc tap tran ban dan that. anh: chosunilbo

Hàn Quốc tập trận bắn đạn thật. Ảnh: ChosunIlbo

Khoảng 1.000 binh sĩ, 40 pháo tự hành K-9, xe tăng, xe tác chiến thủy bộ lưỡng dụng, trực thăng Cobra và pháo duyên hải tham gia tập trận tại các vùng biển gần đảo Baeknyeong và Yeonpyeong. Theo Chosun Ilbo, hoạt động nhằm ngăn chặn Bình Nhưỡng lặp lại vụ nã pháo năm 2010. 

Các khẩu pháo phòng không Vulcan được huy động để tập bắn hạ thiết bị bay không người lái của Triều Tiên. Trực thăng Cobra, xuồng cao tốc có thể bơm phồng và xe bọc thép tập trận mô phỏng theo kịch bản Triều Tiên tấn công các đảo tiền tiêu. 

Các cuộc tập trận nhằm thể hiện quyết tâm của quân đội, không dung thứ các vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và nâng cao khả năng hợp tác giữa các nhánh của quân đội, hội đồng tham mưu trưởng liên quân cho biết. 

Hải quân Hàn Quốc đồng thời tiến hành các cuộc tập trận tương tự ở các bờ biển phía đông và tây của nước này, với khoảng 20 tàu chiến và 10 máy bay chiến đấu. Lực lượng đặc nhiệm Mỹ hôm qua cũng tới Hàn Quốc để tham gia một cuộc tập trận chung. 

Đầu tuần này, Bình Nhưỡng thông báo với các cơ quan Liên Hợp Quốc về kế hoạch phóng một vệ tinh quan sát khác vào quỹ đạo trong khung thời gian từ 8/2 đến 25/2. Hàn Quốc và Nhật Bản đều cho biết sẽ bắn rơi tên lửa Triều Tiên nếu nó đe dọa lãnh thổ. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi Triều Tiên từ bỏ kế hoạch phóng tên lửa do hành động này sẽ vi phạm lệnh cấm của Liên Hợp Quốc về công nghệ tên lửa.


'Hễ Úc tuần tra biển Đông là Trung Quốc thách thức'

 Theo The Diplomat ngày 5-2, chỉ huy Không quân Úc cho hay ngày càng nhiều các chuyến bay tuần tra của nước này ở biển Đông bị Trung Quốc phát cảnh báo đuổi đi. 
Tư lệnh Không quân Úc, Đại tướng Marshal Leo Davies nói rằng Trung Quốc thách thức "gần như tất cả" chuyến bay giám sát của Úc ở biển Đông. Tờ Sydney Morning Herald dẫn lời ông cho hay số lượng các cảnh báo mà Trung Quốc đưa ra cho các cuộc tuần tra thường xuyên của Úc ngày càng tăng lên.
Ông Davies nhấn mạnh bản chất của các thách thức - phát radio cảnh báo máy bay rời khỏi khu vực - đã không thay đổi và ít nhiều đã leo thang. Ông cho biết hành động này của Trung Quốc mang tính thường xuyên.

Chỉ huy Không quân Úc nói rằng việc tăng tần số cảnh báo là do hoạt động xây đảo nhân tạo và các công trình trái phép của Trung Quốc. "Bởi Trung Quốc đã tiến hành việc cải tạo nên sự hiện diện của nước này ngày càng tăng".


Máy bay AP-3C Orion của Không quân Hoàng gia Úc. (Ảnh: SBS) 

 

"Bất cứ nơi nào chúng tôi tiến hành các cuộc tuần tra Gateway, chúng tôi thấy rằng ngày càng tăng về số lượng các địa điểm nơi những thách thức có thể xảy ra" - ông Davies nói. "Gateway" là hoạt động tuần tra hàng hải thường xuyên của Úc ở Bắc Ấn Độ Dương và biển Đông. 
Bất chấp những thách thức từ Trung Quốc, ông Davies cho biết các cuộc tuần tra sẽ tiếp tục vì Úc có quyền thực hiện điều đó theo luật quốc tế. Động thái này cũng phù hợp với tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne về vấn đề "tự do hàng hải" trước đó. 
"Các tàu và máy bay của Úc sẽ tiếp tục thực hiện các quyền theo luật pháp quốc tế để tiến hành các hoạt động tự do hàng hải và hàng không, bao gồm ở biển Đông" – bà Payne tuyên bố sau sự kiện Mỹ áp sát đảo Tri Tôn ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (hiện bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) hôm 30-1.

“Mối quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan ngày càng không chắc chắn“

Theo Tân hoa xã, ngày 5/2, trong cuộc điện đàm qua một đường dây nóng mới thành lập, Chủ nhiệm Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc Trương Chí Quân và Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Đại lục của Đài Loan Hạ Lập Ngôn cho biết hai bên sẽ tiếp tục thực hiện các thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cựu lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu hồi năm 2015.
chu tich trung quoc tap can binh (phai) va cuu lanh dao chinh quyen dai loan ma anh cuu trong cuoc gap lich su tai singapore ngay 7/11/2015. (nguon: afp/ttxvn)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và cựu lãnh đạo chính quyền Đài Loan Mã Anh Cửu trong cuộc gặp lịch sử tại Singapore ngày 7/11/2015. (Nguồn: AFP/TTXVN)


Hai quan chức trên đã trao đổi quan điểm về mối quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan. 

Ông Trương Chí Quân nhấn mạnh rằng với việc tuân thủ Thỏa thuận 1992, Trung Quốc và Đài Loan đã duy trì được hòa bình và ổn định, đồng thời sự phát triển quan hệ giữa hai bên trong suốt 8 năm qua đã có nhiều thành quả. 

Ông cũng khẳng định, Thỏa thuận 1992, với tư tưởng cốt lõi "hai bên đều thuộc về một Trung Quốc," đã giúp cho Bắc Kinh và Đài Bắc duy trì được tình hình hiện tại.

Ông nói: "Hiện tại, mối quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan đang rất nhạy cảm và phức tạp, với một tương lai ngày càng không chắc chắn."

Lãnh đạo phía Trung Quốc cho rằng giới chức hai bên cùng có trách nhiệm bảo vệ bản thỏa thuận cũng như sự phát triển hòa bình của mối quan hệ Trung-Đài, đồng thời củng cố các thành quả đã đạt được. 

Ông hy vọng Bắc Kinh và Đài Bắc sẽ tăng cường đối thoại, kiểm soát rủi ro, cùng cố gắng cho sự phát triển của mối quan hệ hai bờ eo biển, cũng như sự thịnh vượng của nhân dân hai bên


Phe đối lập Syria sắp thất thủ

Phe đối lập Syria sắp mất cứ điểm chính. Ả Rập Saudi muốn đưa quân vào Syria. 10 tỉ USD được quyên góp hỗ trợ nhân đạo Syria.

Báo Washington Post (Mỹ) ngày 4-2 cho biết lực lượng phe đối lập đang bị bao vây ở TP Aleppo (bắc Syria) vì Nga không kích dữ dội.

Nga tăng cường không kích khu vực này hai ngày qua. Trong vòng 24 giờ qua phe đối lập đã hứng chịu hơn 200 trận không kích từ Nga và cả từ quân chính phủ Syria.

Nhờ sự hỗ trợ của Nga, quân chính phủ Syria đã phong tỏa được tuyến đường tiếp tế chính cho phe đối lập Syria từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong ngày, quân chính phủ tiếp tục chiếm thêm một số làng mạc quanh TP Aleppo. Hai căn cứ Nubl và Zahra mà phe đối lập kiểm soát ba năm qua cũng vừa rơi vào tay quân chính phủ ngày 3-2. Trước đó nữa phe đối lập cũng mất nhiều TP, thị trấn về tay quân chính phủ và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Ông Abdul Salam Abdul Razzak, một người phát ngôn phe đối lập dự báo tình hình sẽ còn căng hơn trong vài ngày tới và theo chiều hướng bất lợi cho phe đối lập.

ngoai o tp aleppo bi khong kich. (anh: reuters) 

Ngoại ô TP Aleppo bị không kích. (Ảnh: REUTERS) 

Tình hình này làm dấy lên lo ngại phe đối lập sẽ sớm mất TP Aleppo về phe chính phủ. Mất TP Aleppo - TP lớn nhất Syria và là cứ điểm quan trọng nhất của phe đối lập Syria – sẽ là một tổn thất rất nặng của phe đối lập và mang tính quyết định đến kết quả cuộc nội chiến năm năm qua ở Syria.

Việc phe đối lập kiểm soát phần lớn TP Aleppo từ năm 2012 đã khiến tình báo Mỹ ra đánh giá phe đối lập rồi sẽ lật đổ được chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuy nhiên tình thế lại xoay chuyển theo chiều hướng bất lợi cho phe đối lập khi chính phủ Syria được trợ giúp của Nga (không kích) và Iran (lính đánh bộ), đặc biệt bất lợi trong vài tuần gần đây.

Trong ngày 4-2, Bộ Quốc phòng Saudi Arabia cho biết sẵn sàng đưa quân vào Syria với hình thức đánh IS nếu Mỹ quyết định đánh. Bộ Ngoại giao Mỹ chưa bình luận về việc này.

Các diễn biến chiến sự mới dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới ở Syria. Việc TP Aleppo bị bao vây có thể dẫn đến việc hàng trăm ngàn người dân TP sẽ bị cô lập. Trước đó nữa, LHQ cũng không có cách nào tiếp cận giúp đỡ người dân trong các khu vực phe đối lập kiểm soát và chính phủ phong tỏa.

“Lực lượng đối lập đang bị thu hẹp từng phút, sẽ có một bi kịch nhân đạo xảy ra, bi kịch lớn nhất kể từ khi cuộc nội chiến bắt đầu.” – Washington Post dẫn lời ông Rae McGrath, Giám đốc chiến dịch nhân đạo ở bắc Syria và Thổ Nhĩ Kỳ thuộc tổ chức nhân đạo Mercy Corps.

Phát biểu tại hội nghị quyên góp cho Syria diễn ra ở Anh ngày 4-2, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết khoảng 10.000 người Syria đang tập trung ở biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ đợi được sang Thổ Nhĩ Kỳ, 70.000 người Syria nữa đang trên đường đến biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Hội nghị quyên góp cho Syria ở Anh ngày 4-2 đã quyên được hơn 10 tỉ USD hỗ trợ nhân đạo Syria, vượt chỉ tiêu đề ra một tỉ USD.


NATO: Nga từng mô phỏng 'chiến tranh hạt nhân' chống Thụy Điển

Theo NATO, lực lượng không quân Nga đã tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân giả định chống lại Thụy Điển trong cuộc tập trận vào năm 2013. Phi đội của Nga đã tiếp cận không phận Thụy Điển sau khi vượt qua Vịnh Phần Lan trong cuộc diễn tập.

"Nhằm củng cố sức mạnh quân sự, mức độ đầu tư của Nga trong cuộc diễn tập quân sự đạt đến đỉnh cao kể từ Chiến tranh lạnh", Jens Stoltenberg, Tổng thư ký NATO, đã viết trong báo cáo thường niên năm 2015. 

"Trong ba năm qua, Nga đã tiến hành ít nhất 18 trận diễn tập quy mô lớn, một số trận có hơn 100.000 binh sĩ tham gia. Những bài diễn tập này bao gồm các cuộc tấn công hạt nhân mô phỏng với đồng minh NATO và các đối tác, trong đó có mô phỏng cuộc tấn công vào Thụy Điển vào tháng 3-2013," vị này nói thêm.

Hai máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-22M3 được hộ tống bởi bốn máy bay chiến đấu Sukoi Su-27 vượt qua Vịnh Phần Lan và đến hòn đảo Gotland, cách Stockholm 100 dặm, hôm 29-3-2013. Hai máy bay "đi lạc" diễn tập một vụ đánh bom giả định vào một căn cứ quân sự ở miền nam Thụy Điển và trụ sở của cơ quan tình báo tín hiệu Thụy Điển bên ngoài Stockholm.

 may bay nem bom chien luoc sieu am tupolev tu-22m cua nga bay tren dien kremlin o moscow

 Máy bay ném bom chiến lược siêu âm Tupolev TU-22M của Nga bay trên điện Kremlin ở Moscow

Vụ việc gây tranh cãi ở Thụy Điển vào thời điểm đó vì quân đội Thụy Điển đã không kịp chuẩn bị trước và phải dựa vào máy bay phản lực của không quân Đan Mạch có nhiệm vụ Cảnh vệ vùng trời Baltic. NATO từ chối bình luận thêm về vụ việc này.
Bộ Quốc phòng Nga đã không công khai phản ứng trước báo cáo trên. Nhưng một trong những vị tướng về hưu nói với tờ Telegraph rằng báo cáo này là "được dàn xếp để khuấy động các nước Baltic". "Tuyên bố về một cuộc tấn công hạt nhân với Thụy Điển chẳng khác nào một sự khiêu khích," Evgenny Buzhinsky, một tướng lĩnh về hưu hiện đang phụ trách trung tâm phân tích PIR tại Moscow cho biết.
Đáp lại hành động của Nga trong khu vực, Mỹ cho biết muốn tăng gấp bốn lần chi tiêu quân sự ở châu Âu vào hôm thứ Ba (3-2) nhằm trấn an các nước Đông Âu đang lo sợ sự can thiệp hoặc tấn công của Nga. Ash Carter, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, cho biết việc chi tiêu triển khai quân sự sẽ tăng từ 789 triệu USD đến 3.5 tỷ USD, theo đề xuất ngân sách năm 2017.
Một tài liệu được phát hành tháng trước đã xác định việc chống lại sự xâm lược của Nga là một trong những ưu tiên số một của Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ đặc trách châu Âu. NATO đã triển khai một đội ngũ cảnh vệ của máy bay chiến đấu tới khu vực này và tiến hành hàng loạt các cuộc tập trận chung để trấn an các đồng minh phương Đông và ngăn chặn cuộc phiêu lưu bất ngờ của Nga.
Một số nhà phân tích dự đoán rằng Nga sẽ sử dụng việc bảo vệ những người thiểu số như một cái cớ để sáp nhập. Hầu hết các mối quan tâm tập trung vào các nước vùng Baltic của Estonia, Latvia và Lithuania, ba nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, chung đường biên giới với Nga và là nơi ở của các dân tộc thiểu số nói tiếng Nga.
Một báo cáo mới đây của tập đoàn RAND kết luận rằng ngay cả khi bị đề phòng từ trước, Nga chỉ cần 60 giờ để san bằng cả ba nước Baltic. Tuy nhiên, Tướng Buzhinsky bác bỏ những lo ngại trên là không có cơ sở, và việc đe dọa các nước Baltic sẽ không mang lại lợi ích chiến lược với Nga và các dân tộc thiểu số nói tiếng Nga không quan tâm đến việc "bảo vệ" quân sự.
Nhưng ông cũng cảnh báo rằng Nga sẽ đáp trả bất kỳ sự gia tăng quân sự nào của NATO trong khu vực. "Tất nhiên đó là lý do để lo ngại từ phía Nga, nhưng nếu Mỹ triển khai các thiết bị mạnh mẽ về phía chúng tôi, chúng tôi sẽ đáp trả tương tự", ông nói.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục