tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 07-02-2016

  • Cập nhật : 07/02/2016

Tổng thống Mỹ điện đàm Chủ tịch Trung Quốc về trừng phạt Triều Tiên

tong thong my va chu tich trung quoc cho rang can phai co hanh dong dap tra quoc te doi voi trieu tien - anh: reuters

Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc cho rằng cần phải có hành động đáp trả quốc tế đối với Triều Tiên - Ảnh: Reuters


Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm ngày 5.2 và đồng ý rằng hành động phóng tên lửa của Triều Tiên sẽ vi phạm lệnh cấm vận.
Triều Tiên trong tuần đã thông báo sẽ phóng một vệ tinh vào quỹ đạo khoảng từ ngày 8 - 25.2. Thông báo này đến sau vụ thử bom nhiệt hạch của nước này hồi tháng trước, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về việc Triều Tiên sở hữu bom hạt nhân và có thể thu nhỏ để gắn vào tên lửa tầm xa.
Trong cuộc điện đàm ngày 5.2, Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập đồng ý rằng nếu Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa thì đó sẽ là hành động gây hấn và làm bất ổn tình hình; ngoài ra còn vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, theo AP ngày 5.2 dẫn thông báo của Nhà Trắng.
Cả 2 lãnh đạo không chấp nhận Triều Tiên như một nước có vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc còn nhấn mạnh cần phải có hành động đáp trả của quốc tế, thông qua Hội đồng bảo an LHQ đối với Triều Tiên.
AP cho rằng phía Mỹ tỏ ra tích cực hơn Trung Quốc về vấn đề này, vì Triều Tiên là đồng minh duy nhất của Trung Quốc. Tân Hoa xã đưa tin về cuộc điện đàm rằng “Chủ tịch Tập nhấn mạnh tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên là phức tạp và nhạy cảm”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lục Khảng thì nói rằng Trung Quốc phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương chống lại Triều Tiên “để tránh làm phức tạp thêm tình hình”.
Việc Triều Tiên phóng vệ tinh được coi là vi phạm lệnh trừng phạt của LHQ vì sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo. Hiện chưa rõ Triều Tiên đã đưa tên lửa lên giàn phóng hay chưa. Tuy nhiên, trang tin chuyên phân tích về Triều Tiên 38 North cho biết đã có nhiều hoạt động tại toà nhà ở Sohae trong tuần qua. Đây là khu vực từng được dùng để lắp ráp các bộ phận của tên lửa và kiểm tra các kết nối trước khi chuyển đến bệ phóng.
Tại Sohae năm 2012, Triều Tiên đã lần đầu tiên phóng tên lửa vào vũ trụ tại mang theo một vệ tinh quan sát. Các chuyên gia cho rằng vệ tinh này đã bị hỏng ngay sau khi được đưa vào quỹ đạo.

Triều Tiên nạp nhiên liệu, chuẩn bị phóng tên lửa

anh ve tinh chup khu phong ten lua sohae cua trieu tien hom 4.2 - anh: reuters

Ảnh vệ tinh chụp khu phóng tên lửa Sohae của Triều Tiên hôm 4.2 - Ảnh: Reuters

Ảnh vệ tinh chụp khu phóng tên lửa Sohae của Triều Tiên trong tuần này cho thấy Bình Nhưỡng bắt đầu nạp nhiên liệu cho tên lửa, Viện Nghiên cứu Mỹ - Triều thuộc Đại học John Hopkins (Mỹ) cho hay ngày 5.2.
Triều Tiên đã thông báo với các cơ quan của Liên Hiệp Quốc (LHQ) rằng nước này sẽ phóng tên lửa mang vệ tinh vào quỹ đạo để quan sát trái đất trong khoảng thời gian từ ngày 8 đến 25.2, kích ngòi làn sóng phản đối từ chính phủ các nước như Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Các nước cho rằng đây là một vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa, theo Reuters.
Các hình ảnh vệ tinh chụp khu phóng tên lửa Sohae của Triều Tiên hôm 4.2 cho thấy những chiếc xe bồn chở nhiêu liệu di chuyển đến đây, theo trang web 38 North của Viện Nghiên cứu Mỹ - Triều thuộc Đại học John Hopkins.
38 North cho hay, sự hiện diện của những chiếc xe bồn này cho thấy chúng đang tiếp nhiên liệu vào những bể chứa ở khu phóng tên lửa Sohae để phục vụ cho cuộc phóng tên lửa.
“Trước đây, những hoạt động như thế này thường diễn ra một đến hai tuần trước khi Triều Tiên phóng tên lửa, và hoạt động lần này đúng với kế hoạch mà Bình Nhưỡng đã thông báo”, theo 38 North.
Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho hay, hoạt động phát hiện tại khu phóng tên lửa Sohae là phù hợp với khung thời gian mà Bình Nhưỡng đưa ra trước thềm cuộc phóng tên lửa.
Theo Reuters, Mỹ đã triển khai những hệ thống phòng thủ tên lửa có thể phối hợp với quân đội đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc để theo dõi vụ phóng tên lửa sắp tới của Triều Tiên.
Reuters dẫn lời một nguồn tin chính phủ Mỹ cho hay các cơ quan tình báo Mỹ tin rằng Triều Tiên có thể sẵn sàng phóng tên lửa vào ngày 7 hoặc 8.2.
Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt và cấm Triều Tiên sử dụng bất kỳ công nghệ tên lửa đạn đạo. Nếu Triều Tiên phóng tên lửa lần này, thì nước này sẽ tiếp tục vi phạm các nghị quyết của Hội đồng bảo an LHQ, sau vụ thử nghiệm hạt nhân lần 4 (hay thử nghiệm bom nhiệt hạch, vào ngày 6.1).

Ả Rập Xê Út tuyên bố đưa bộ binh sang Syria

Ả Rập Xê Út ngày 4.2 tuyên bố sẵn sàng đưa bộ binh sang Syria chống IS sau gần một năm rưỡi tham gia không kích nước này.
"Chúng tôi quyết tâm chiến đấu và đánh bại IS", ông Ahmed Asiri, phát ngôn viên quân đội Ả Rập Xê Út tuyên bố. Tuy nhiên, ông không nói rõ Ả Rập Xê Út muốn đổ bao nhiên quân tham chiến.
Báo Guardian dẫn một nguồn tin từ bên trong chính phủ Ả Rập Xê Út cho biết hàng ngàn bộ binh sẽ được triển khai, có lẽ là phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ. Cách đây vài tuần, 2 nước đã thành lập một trung tâm điều phối quân sự chung. Cả 2 nước này đều muốn lật đổ Tổng thống Syria, ông Bashar al-Assad.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhanh chóng tuyên bố ủng hộ quyết định của đồng minh vùng Vịnh, nói thêm rằng vấn đề Ả Rập Xê Út muốn triển khai bộ binh sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc họp ở Brussels (Bỉ) vào tuần tới.
lien quan do my dan dau da khong kich syria tu thang 9.2014 - anh: afp

Liên quân do Mỹ dẫn đầu đã không kích Syria từ tháng 9.2014 - Ảnh: AFP

Được biết Ả Rập Xê Út là một trong những nước đầu tiên tham gia vào liên quân do Mỹ dẫn đầu để tấn công vào Syria từ tháng 9.2014. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên nước này tuyên bố sẽ đổ cả bộ binh vào chiến trường đầy phức tạp Syria.

Hiện Ả Rập Xê Út cũng đang dấn rất sâu vào cuộc nội chiến ở Yemen, chống lại lực lượng nổi dậy Houthi được Iran hậu thuẫn.

Báo cáo tình báo mới của Mỹ: IS đã suy yếu hơn

Tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) hiện có 25.000 tay súng ở Iraq và Syria, giảm số lượng so với trước đây là 31.000, theo một báo cáo tình báo Nhà Trắng mới công bố ngày 4.2.
Bản báo cáo cho hay số lượng tay súng IS giảm 20% là do thương vong trong những đợt giao tranh và bỏ trốn. Điều này cho thấy chiến dịch chống IS do Mỹ dẫn đầu có tiến triển, theo Reuters.
Bản báo cáo ước tính IS hiện có 19.000-25.000 tay súng ở Iraq và Syria, so với năm 2014 là 20.000-31.000 tay súng.
“Sự sụt giảm này là do nhiều yếu tố từ tử trận, bỏ trốn, không chiêu mộ thêm được các tay súng, và những tay súng nước ngoài không thể đến Syria gia nhập IS”, bà Emily Horne, nữ phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết.
Bản báo cáo tình báo mới cho thấy IS “vẫn tiếp tục là mối đe dọa, nhưng số lượng tay súng đã giảm. IS hứng chịu thương vong đáng kể”, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nói.

Ukraine muốn Hội đồng bảo an LHQ đến thăm chiến trường miền đông

luc luong quan doi ukraine o thanh pho debaltseve, mien dong ukraine - anh: reuters

Lực lượng quân đội Ukraine ở thành phố Debaltseve, miền đông Ukraine - Ảnh: Reuters


Đại sứ Ukraine tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày 4.2 muốn mời Hội đồng bảo an LHQ đến thăm chiến trường miền đông Ukraine trong những tháng sắp tới.
Đại sứ Ukraine tại LHQ Volodymyr Yelchenko cho biết “lý tưởng nhất” là chuyến thăm đến vùng Donetsk (miền đông Ukraine) sẽ diễn ra vào mùa hè, theo AFP.
Ông Yelchenko cho hay Nga “khá lạc quan” về chuyến thăm do Ukraine đề xuất, vốn đang trong giai đoạn lên kế hoạch, và ông cho rằng không phải tất cả 15 đại sứ các quốc gia thành viên Hội đồng bảo an LHQ sẽ tham gia chuyến thăm này.
Ukraine gia nhập Hội đồng bảo an LHQ vào tháng 1.2015 với tư cách thành viên không thường trực, theo AFP.
Xung đột ở miền đông Ukraine giữa lực lượng quân đội Ukraine và phe ly khai - được cho là thân Nga - kể từ tháng 4.2014 đến nay đã khiến trên 9.000 người chết. Kiev và phương Tây cáo buộc Nga viện trợ vũ khí, tài chính, binh lính cho phe ly khai đang kiểm soát nhiều khu vực ở miền đông Ukraine. Tuy nhiên Moscow luôn bác bỏ cáo buộc này.
Mặc dù quân đội Ukraine và phe ly khai đạt được một số thỏa thuận ngừng bắn, nhưng những thỏa thuận này thường bị phá vỡ chỉ vài ngày sau khi có hiệu lực và giao tranh lại tiếp diễn, theo AFP.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục