tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 30-09-2015

  • Cập nhật : 30/09/2015

Hàn Quốc đề nghị Nhật Bản chia sẻ thông tin về chính sách an ninh mới

tong thong han quoc park geun hye. (nguon: yonhap/ttxvn)

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Ngày 28/9, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã hối thúc Nhật Bản chia sẻ thông tin với các nước láng giềng về các chính sách an ninh mới trong đạo luật vừa được thông qua của nước này.

Phát biểu tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Park Geun Hye nêu rõ luật an ninh quốc phòng vừa được Nhật Bản thông qua cần phục vụ quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực cũng như hòa bình và sự ổn định trong khu vực.

Lời kêu gọi của nhà lãnh đạo Hàn Quốc được đưa ra trong bối cảnh hồi trung tuần tháng này, Quốc hội Nhật Bản thông qua đạo luật an ninh mới, theo đó mở rộng vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) ở nước ngoài, cho phép thực thi một cách hạn chế quyền phòng vệ tập thể hoặc hỗ trợ Mỹ và các nước hữu hảo khác bị tấn công vũ trang, ngay cả khi Nhật Bản không bị tấn công.

Ngoài ra, đạo luật mới này còn cho phép SDF hỗ trợ hậu cần cho các quân đội nước ngoài trong các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng ra tuyên bố kêu gọi Nhật Bản duy trì tinh thần của hiến pháp hòa bình ban hành sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, đóng góp cho hòa bình và ổn định trong khu vực.

Bộ trên nhấn mạnh lập trường của Seoul là trong trường hợp Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể, "bất cứ vấn đề nào liên quan đến an ninh trên Bán đảo Triều Tiên và lợi ích quốc gia của Hàn Quốc phải có sự tham vấn và chấp thuận của Seoul."

Mỹ và Anh đã ra tuyên bố hoan nghênh các nỗ lực liên tục của Nhật Bản nhằm tăng cường quan hệ đồng minh và đóng vai trò chủ động hơn trong các hoạt động an ninh khu vực và quốc tế, cho rằng luật an ninh mới cho phép Tokyo có vị trí lớn hơn trong duy trì an ninh và hòa bình quốc tế. (VIETNAM+) 


EU-Trung Quốc hợp tác phát triển mạng siêu tốc độ cao 5G

eu-trung quoc hop tac phat trien mang sieu toc do cao 5g - anh minh hoa. (nguon: linkedin.com)

EU-Trung Quốc hợp tác phát triển mạng siêu tốc độ cao 5G - Ảnh minh họa. (Nguồn: linkedin.com)

Ủy ban châu Âu (EC) và Trung Quốc, ngày 28/9 đã đạt được thỏa thuận hợp tác phát triển mạng kết nối dữ liệu không dây siêu tốc độ cao thế hệ 5 hay còn gọi là mạng 5G. 

Theo các điều khoản của thỏa thuận, hai bên cam kết sẽ chia sẻ các kết quả nghiên cứu và cùng làm việc để hướng tới chuẩn hóa kết nối 5G.

Hai bên cũng khẳng định họ sẽ cho phép bên thứ ba được tiếp cận với nguồn vốn và các thành viên liên minh nghiên cứu 5G ở Trung Quốc và EU.

Cũng theo thỏa thuận, Hiệp hội 5G PPP của EU và Hiệp hội xúc tiến IMT-2020 (5G) của Trung Quốc sẽ cùng hợp tác đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ 5G.

Các bên tham gia liên minh nghiên cứu cam kết nâng tỷ lệ truyền phát dữ liệu tốc độ cao lên mức 20 gigabyt/giây, giúp mạng không dây 5G bỏ xa chuẩn 4G hiện tại, đang cung cấp tốc độ truyền dẫn dữ liệu tối đa lên 1 gigabit/giây. 

Mạng 5G được kỳ vọng sẽ đưa vào cung cấp dịch vụ vào khoảng năm 2020. Tuy nhiên, khoảng thời gian 5 năm tới sẽ là thách thức với một số quốc gia và nhà mạng di động khi họ vẫn đang chật vật phủ sóng mạng 4G. Việc hợp tác giữa châu Âu và các quốc gia khác có sẽ giúp thúc đẩy quá trình trên.

5G được cho là điểm mấu chốt quan trọng của xu hướng công nghệ di động "Internet of Things," - ý tưởng kết nối mọi thứ với mạng Internet như ôtô, nhà, các đồ gia dụng, theo dõi sức khỏe, thiết bị có thể đeo và nhiều thứ khác.

Theo Ủy ban châu Âu, ưóc tính đến 2020, lưu lượng truy cập Internet di động sẽ gấp 30 lần so với năm 2010 trong khi xu hướng kết nối tất cả các thiết bị sẽ yêu cầu mạng di động tốc độ cao cùng với một luồng lưu lượng dữ liệu khổng lồ.

Thỏa thuận mới nhất giữa Ủy ban châu Âu và Trung Quốc có nội dung tương tự các thỏa thuận giữa Ủy ban châu Âu với Hàn Quốc vào tháng 6/2014, với Nhật Bản vào tháng 5/2015. 

Ủy ban châu Âu cũng thông qua Chương trình Horizon 2020 của mình, dành 700 triệu euro ( 7,81 triệu USD) để nghiên cứu công nghệ 5G.

Châu Á đang đi trước châu Âu và Hoa Kỳ trong hoạt động 4G - theo số liệu công bố tuần trước từ OpenSignal, một ứng dụng các bản đồ phủ sóng di động. Hàn Quốc, Nhật Bản và Hong Kong là ba thị trường hàng đầu phủ sóng mạng 4G, trong khi Mỹ và nhiều nước châu Âu theo sát phía sau. 

Châu Âu muốn đảm bảo rằng họ không bị tụt hậu trong cuộc đua nghiên cứu, phát triển mạng 5G bằng cách tiếp cận chương trình quảng bá họ là khu vực đang đi đầu trong việc phát triển mạng dữ liệu di động siêu tốc độ cao này.

"5G sẽ là xương sống của nền kinh tế kỹ thuật số và các xã hội của chúng tôi," Cao ủy EU phụ trách khoa học công nghệ, Günther Oettinger cho biết trong một tuyên bố. "Đây là lý do tại sao chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ và tìm kiếm một thỏa thuận toàn cầu và hợp tác về 5G. 

Với việc ký kết thỏa thuận ngày hôm nay với Trung Quốc, EU hiện đã hợp tác với các đối tác châu Á quan trọng nhất trong một cuộc chạy đua toàn cầu để làm cho 5G thành hiện thực vào năm 2020. Đó là một bước quan trọng trong việc phát triển thành công 5G". (VIETNAM+) 


Mỹ đề cao giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng luật quốc tế

tong thong my barack obama phat bieu tai dai hoi dong lien hop quoc. (nguon: afp/ttxvn)

Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phát biểu tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc ngày 28/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ khi đề cập vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông liên quan tới Trung Quốc và một số quốc gia trong khu vực.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Obama nêu rõ Washington quan tâm tới việc giữ vững các nguyên tắc cơ bản về tự do đi lại, tự do thương mại cũng như việc giải quyết các tranh chấp bằng luật pháp quốc tế, chứ không phải bằng vũ lực. Chính vì vậy, Mỹ sẽ bảo vệ các nguyên tắc này, đồng thời khuyến khích Trung Quốc cùng các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Chính quyền Obama trước đó đã chỉ trích việc Trung Quốc tiến hành bồi đắp và cải tạo quy mô lớn ở khu vực quần đảo Trường Sa cũng như việc xây dựng các cơ sở, trong đó có ít nhất ba đường băng, mà Washington cho rằng Bắc Kinh sử dụng cho mục đích quân sự.

Phát biểu trên của Tổng thống Obama được đưa ra chỉ ba ngày sau cuộc gặp của hai nguyên thủ quốc gia Mỹ-Trung tại Nhà Trắng hôm 25/9.

Tại cuộc hội đàm này, Tổng thống Obama đã đề nghị với phía Trung Quốc về việc giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ bằng luật pháp quốc tế. Ông cho rằng cần có một nghị quyết giữa các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông hay Biển Hoa Đông và dù Mỹ không phải là bên có tranh chấp tại hai vùng biển này song Washington mong muốn các bên tôn trọng những quy định và luật pháp quốc tế.

Sau cuộc gặp, dư luận thế giới nhận định Mỹ và Trung Quốc vẫn còn nhiều việc phải làm trong việc xây dựng lòng tin vì những bất đồng giữa hai bên không chỉ liên quan tới vấn đề tranh chấp trên biển mà còn ở nhiều lĩnh vực khác như an ninh mạng, vấn đề dân chủ nhân quyền...(VIETNAM+) 


Ấn Độ chi 3 tỷ USD mua trực thăng của Mỹ

Tờ Business Standard ngày 28/9 đưa tin Ấn Độ và Mỹ đã ký hợp đồng mua bán trị giá 3 tỷ USD, gồm 22 trực thăng chiến đấu AH-64E Apache và 15 chiếc trực thăng vận tải hạng nặng CH-47F Chinook.

truc thang ah-64e apache (anh: afp)

Trực thăng AH-64E Apache (Ảnh: AFP)

Báo trên dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ấn Độ, ông Sitanshu Kar cho biết: "Hai bên đã ký hợp đồng cho phép Ấn Độ mua 15 mẫu trực thăng Chinook và 22 mẫu trực thăng Apache từ Mỹ".

Ủy ban An ninh của Nội các Ấn Độ, cơ quan chịu trách nhiệm về các thương vụ mua vũ khí nước ngoài và do Thủ tướng Narendra Modi đứng đầu, đã thông qua kế hoạch mua số trực thăng nêu trên hồi tuần trước.

Quyết định thông qua lần cuối cùng nêu trên từng có thời gian bị đình trệ do bất đồng giữa các bên về những cam kết từ phía Mỹ. Theo đó, một đạo luật của Ấn Độ yêu cầu bên bán vũ khí phải đầu tư một khoản trong hợp đồng cho nước này. Do vậy, hợp đồng hiện nay được cho là sẽ có 30% khoản "bù đắp" để đáp ứng yêu cầu của quốc gia Nam Á.

Điều này có thể đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ hỗ trợ để Ấn Độ phát triển các mẫu trực thăng trong nước. Hiện công ty Dynamatics Technologies Limited của Ấn Độ đã sẵn sàng phát triển các bộ phận của mẫu Chinook tại Ấn Độ, bao gồm phần bụng của máy bay theo sáng kiến "Make in India" của Thủ tướng Modi đưa ra mới đây.

Cũng theo tờ Business Standard, hai hợp đồng mới được ký là "thỏa thuận thương mại trực tiếp". Theo đó, Mỹ sẽ bán cho Ấn Độ các mẫu CH-47F Chinook và 22 AH-64E Apache mà không kèm động cơ, cũng như các khâu hỗ trợ khác như bảo trì thiết bị.

Mẫu AH-64E Apache sẽ bao gồm tên lửa 812 AGM-114L-3 Hellfire Longbow, tên lửa 114R-3 Hellfire-II, tên lửa 245 Stinger Block I-92H cũng như hệ thống raddar.

Ngoài ra, hợp đồng còn có một điều khoản cho phép Ấn Độ mua thêm 11 mẫu Apache và 7 mẫu Chinook. Dự kiến quá trình chuyển giao sẽ được hoàn tất trong khoảng 3 năm tới.


Nga điều thêm 6 chiến đấu cơ Su-34 tới Syria

Sau khi điều 28 chiến đấu cơ tới Syria hồi tuần trước, Nga vừa điều động thêm 6 chiếc Su-34 tới thành phố Latakia, giữa lúc Mátxcơva tuyên bố muốn hậu thuẫn chính quyền Tổng thống al-Assad.
 

chien dau co sukhoi su-34 cua nga duoc tin la da toi syria (anh: wiki)

Chiến đấu cơ Sukhoi Su-34 của Nga được tin là đã tới Syria (Ảnh: Wiki)

Theo tờ Business Insider của Mỹ, hình ảnh được chụp quanh khu vực sân bay quốc tế al-Assad cho thấy, một chiếc Su-34 đang chuẩn bị hạ cánh tại căn cứ không quân phía tây Syria, nơi 28 chiếc máy bay khác của Nga đã có mặt hồi tuần trước.

Trang tin hàng không The Aviationist thì khẳng định, một bức ảnh chụp tại sân bay cho thấy 6 chiếc Su-34 đang xếp hàng phía sau một chiếc máy bay thương mại Tu-154 cũng của Nga.

Dữ liệu theo dõi các chuyến bay của Flightradar24 cho thấy, một chiếc Tu-154 của Không quân Nga mang số hiệu RFF7085 đã có chuyến bay tới Latakia hôm 28/9. Điểm đáng chú ý là chiếc máy bay đã bay vòng qua không phận quốc tế trên biển Caspi, tới Iran, cắt ngang qua miền bắc Iraq trước khi vào Syria.

Thông tin này làm dấy lên đồn đoán rằng 6 chiếc Su-34 cũng có thể đã bay theo lộ trình này, bằng cách theo đuôi chiếc Tu-154, Business Insider cho biết.

Hồi tuần trước, giới chức Mỹ từng khẳng định 28 máy bay chiến đấu đầu tiên của Nga điều tới Syria đã dùng chiến thuật “ẩn mình” dưới các máy bay vận tải cỡ lớn, để không bị phát hiện trên màn hình radar.

Dù vậy, cũng có khả năng giới chức Iraq đã cấp phép cho các máy bay này đi qua không phận nước mình.

Thông tin về việc Nga điều động thêm chiến đấu cơ tới Syria xuất hiện giữa lúc Tổng thống Putin có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, khẳng định sẽ là “sai lầm to lớn” khi không để quân đội Syria tham gia cuộc chiến chống IS, điều mà Mỹ và phương Tây lâu nay vẫn bác bỏ.

Theo hãng tin AP, trong cuộc tiếp xúc với ông Putin bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ Obama khẳng định tương lai của Syria không thể có ông Assad.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục