tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 21-09-2015

  • Cập nhật : 21/09/2015

FBI điều tra quỹ liên quan đến thủ tướng Malaysia

Cục Điều tra Liên bang Mỹ đang tiến hành thu thập thông tin về những cáo buộc rửa tiền liên quan đến quỹ đầu tư nhà nước của Malaysia do Thủ tướng Najib Razak thành lập.
thu tuong malaysia najib razak. anh: afp

Thủ tướng Malaysia Najib Razak. Ảnh: AFP

Wall Street Journal hôm qua đăng tải thông tin trên, dẫn một nguồn giấu tên am hiểu vấn đề cho biết. Theo nguồn tin, chưa rõ phạm vi cuộc điều tra sẽ mở rộng đến đâu.

Hàng loạt cuộc điều tra quốc tế đang được tiến hành nhằm vào quỹ 1Malaysia Development Berhad (1MDB) sau khi những bê bối liên quan đến quỹ này ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Một tài liệu công bố hôm 3/7 cho thấy khoảng 700 triệu USD được chuyển từ các chi nhánh liên quan đến 1MDB tới tài khoản của Thủ tướng Malaysia Najib Razak. Nguồn gốc của số tiền vẫn chưa sáng tỏ. Cơ quan chống tham nhũng Malaysia hồi tháng 8 nói đây là một khoản tiền quyên góp từ Trung Đông, song người ủng hộ chưa được xác định.

Ông Najib phủ nhận mọi lời buộc tội và khẳng định không nhận tiền vì mục đích cá nhân. Nhưng Thủ tướng Malaysia vẫn có nguy cơ phải đối mặt với các cáo buộc hình sự.

Chính quyền Thụy Sĩ cho hay đã đóng băng tài khoản có liên quan đến 1MDB tại các ngân hàng của nước này. Hong Kong cũng nói đang xem xét những tố cáo liên quan đến 1MDB.

1MDB do ông Najib thành lập từ năm 2009 để phát triển các ngành công nghiệp mới, hiện có tổng số nợ lên đến hơn 11 tỷ USD sau khi các dự án năng lượng ở nước ngoài thất bại. Thủ tướng Najib từ hồi tháng 3 được cho là nằm trong danh sách những người bị lực lượng đặc nhiệm theo dõi trong vụ việc liên quan đến quỹ 1MDB.


Beige Book: Kinh tế Trung Quốc sẽ không sụp đổ

beige book: kinh te trung quoc se khong sup do

Beige Book: Kinh tế Trung Quốc sẽ không sụp đổ

 Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong quý III nhưng không có dấu hiệu sụp đổ tăng trưởng, khảo sát của China Beige Book International cho biết.
“Sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán và động thái phá giá nhân dân tệ bất ngờ hồi tháng 8, niềm tin toàn cầu vào Trung Quốc đã trở nên cực kỳ bi quan”, Leland Miller, chủ tịch CBB nhận định.

Khảo sát hàng quý của CBB dựa trên phỏng vấn hơn 2.100 doanh nghiệp trên khắp Trung Quố trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ bán lẻ đến bất động sản.

Theo khảo sát này, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp tuy yếu hơn so với quý II nhưng có sự cải thiện so với quý II và ổn định so với cùng kỳ năm trước. Trong khi lĩnh vực sản xuất suy yếu mạnh nhất 2 năm (dựa trên đánh giá chỉ số nhà quản trị sản xuất – PMI), thì các ngành khác lại kéo nền kinh tế đi lên. Đặc biệt, lĩnh vực dịch vụ được coi là điểm sáng của nền kinh tế khi có sự cải thiện cả về doanh thu, giá cả, khối lượng.

Lĩnh vực bán lẻ và bất động sản suy yếu so với quý trước nhưng lại ổn định so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo CBB, giá sản xuất (PPI) giảm làm dấy lên lo ngại nguy cơ giảm phát của Trung Quốc. “Chỉ số lạm phát đang bị hiểu sai. Theo lối nghĩ thông thường, CPI phản ánh lương, chỉ số giá sản xuất phản ánh giá, nhưng hiện giờ, CPI bị chi phối bởi lương thực chứ không phải lương, PPI chịu tác động bởi hàng hóa nhập khẩu chứ không phải cung nội địa”, chủ tịch CBB nhận định.

Giới đầu tư kêu gọi ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ để thúc đẩy kinh tế, tuy nhiên ông Miller cho rằng PBOC sẽ không tính tới hạ lãi suất. Trong khi đó, phương án kích thích tài khóa vẫn đang còn là một câu hỏi lớn sau khi Trung Quốc vẫn đang phải gánh hậu quả từ gói kích thích khổng lồ năm 2009. “Trung Quốc chắc chắn phải sử dụng đến công cụ chính sách, nhưng hiện giờ khó có thể đoán định được bước đi tiếp theo”, ông Miller nói.

Australia có nữ bộ trưởng quốc phòng đầu tiên

Bà Marise Payne trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Australia giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng sau khi được tân Thủ tướng Malcolm Turnbull bổ nhiệm vào hôm nay.
ba marise payne, nu bo truong quoc phong dau tien cua australia. anh: news corp australia

Bà Marise Payne, nữ Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Australia. Ảnh: News Corp Australia

Ông Turnbull chiều nay công bố danh sách nội các mới, trong đó có 5 nữ Bộ trưởng, nhiều hơn 3 người so với thành phần nội các của cựu thủ tướng Australia Tony Abbott, theo AP.

Bộ trưởng Nhân sinh Marise Payne, 51 tuổi, sẽ thay thế ông Kevin Andrews trở thành người phụ nữ đầu tiên đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng Australia.

Quyết định trên của ông Turnbull nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ công chúng, trong bối cảnh Australia đang phải giải quyết nhiều vấn đề về an ninh, như việc nước này gửi quân tới Iraq và Syria để chiến đấu chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), sách trắng quốc phòng đang bước vào giai đoạn hoàn thiện, đồng thời chương trình phát triển tàu ngầm tấn công trị giá 50 tỷ USD vẫn gây tranh cãi.

Bà Payne được nhận xét là người luôn quan tâm đến quốc phòng và có khả năng giải quyết tốt các rắc rối. Giám đốc Hiệp hội Quốc phòng Australia Neil James miêu tả bà là một "lựa chọn tuyệt vời".

Ngoài ra, Thủ tướng Turnbull cũng chỉ định ông Scott Morrison, người giữ chức Bộ trưởng Dịch vụ Xã hội dưới thời ông Abbott, làm Bộ trưởng Ngân khố thay ông Joe Hockey. Bộ trưởng Giáo dục Christopher Pyne được bầu làm Bộ trưởng Công nghiệp Sáng tạo và Khoa học. Ngoại trưởng Julie Bishop, Bộ trưởng Cơ sở Hạ tầng Warren Truss, Bộ trưởng Môi trường Greg Hunt và Bộ trưởng Y tế Sussan Ley giữ nguyên chức vụ.

Nội các mới của ông Turnbull sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày mai.

Ông Turnbull, 60 tuổi, trở thành thủ tướng thứ 29 của Australia sau khi giành chiến thắng trước cựu thủ tướng Abbott tại một cuộc bỏ phiếu bất ngờ trong nội bộ đảng Tự do diễn ra hôm 14/9.


Nga -Mỹ: Putin ra đòn gió mà hiểm

Sau khi buộc Mỹ phải ngồi vào bàn thảo luận về phối hợp hành động cho cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và vấn đề Syria, Tổng thống Nga Vladimir Putin lại tung đòn hiểm mới khi bộc lộ ý định lập căn cứ quân sự ở Belarus.

tong thong nga vladimir putin de nghi cac quan chuc day manh dam phan voi phia belarus ve viec xay dung can cu khong quan tai nuoc lang gieng nay - anh: reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin đề nghị các quan chức đẩy mạnh đàm phán với phía Belarus về việc xây dựng căn cứ không quân tại nước láng giềng này - Ảnh: Reuters

Belarus tiếp giáp không chỉ Nga mà còn cả Ba Lan và những quốc gia thành viên EU lẫn NATO trên bán đảo Baltic. Chỉ riêng việc Nga tiếp nhận Crimea và hậu thuẫn phe nổi dậy ở Ukraine đủ khiến NATO và những nước kia lo ngại sâu sắc. Họ đối phó bằng việc tăng cường vũ trang và NATO tăng cường hiện diện quân sự thường xuyên ở những thành viên trong khu vực láng giềng của Nga.
Nếu giờ Nga có thêm căn cứ quân sự ở Belarus thì mức độ lo ngại của họ còn tăng gấp bội. Nhưng thật ra, động thái trên của ông Putin chỉ là cú đòn gió.
Thời gian qua, Belarus đã tận dụng chuyện ở Ukraine và căng thẳng giữa Nga với phương Tây để cải thiện đáng kể quan hệ của mình với chính những nước kia. Belarus chắc chắn không hề muốn Nga có căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình. Nhưng nước này quan hệ chặt chẽ với Nga đến mức không thể phớt lờ lợi ích chiến lược thiết thực và lâu dài cũng như các mối quan tâm của đối tác.
Cú đòn gió của ông Putin hiểm ở chỗ vừa răn đe Belarus vừa khiến phương Tây thêm bối rối. Thông điệp ở đây là chính phủ Belarus phải ý thức đầy đủ giới hạn của mình trong chuyện “đi dây” giữa Nga và phương Tây cũng như Mỹ, EU, NATO và chính phủ Ukraine phải hiểu rõ rằng Moscow chưa sẵn sàng nhượng bộ.

Mỹ nâng cấp kế hoạch đề phòng chiến tranh với Nga

 Lầu Năm Góc được cho là đang xem xét và nâng cấp kế hoạch đề phòng chiến tranh với Nga lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ, một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ.

tru so lau nam goc o bang virginia, my - anh: reuters

Trụ sở Lầu Năm Góc ở bang Virginia, Mỹ - Ảnh: Reuters

“Trước tình hình an ninh hiện tại và những động thái của Nga, chúng tôi rõ ràng cần phải nâng cấp những kế hoạch của mình nhằm ứng phó với bất kỳ hành động gây hấn nào chống lại các đồng minh NATO”, một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ tiết lộ với tạp chí Foreign Policy (Mỹ), theo đài Russia Today (Nga) ngày 19.9.
Mỹ có động thái trên là do tình hình xung đột ở miền đông Ukraine, theo nhận định của bà Michèle Flournoy, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ - nhà đồng sáng lập Trung tâm nghiên cứu An ninh mới của Mỹ (CNAS).
Mỹ và phương Tây cáo buộc Nga viện trợ vũ khí và binh lính cho phe ly khai đang chiếm nhiều khu vực ở miền đông Ukraine. Nhưng Moscow luôn bác bỏ thông tin này.
Đây là lần đầu tiên Mỹ xem xét và điều chỉnh những kế hoạch đề phòng trường hợp xảy ra xung đột vũ trang với Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào 1991.
Theo quan chức quốc phòng trên, kế hoạch mới của Mỹ tập trung vào giả thuyết Nga xâm chiếm các quốc gia Baltic và có hai phần:
Một là, với tư cách thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Mỹ có thể làm gì nếu Nga tấn công các quốc gia thành viên NATO. Hai là, ngoài vai trò thành viên NATO, riêng Washington sẽ làm gì để hỗ những quốc gia bị Nga tấn công?
Các nước Baltic - Estonia, Latvia và Lithuania - tách khỏi Liên Xô cũ và trở thành những quốc gia độc lập vào năm 1991, sau đó gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và NATO vào năm 2004.
Chính quyền các quốc gia Baltic từng bày tỏ quan ngại trước nguy cơ bị Nga xâm chiếm, sau khi Crimea bỏ phiếu ly khai Ukraine, sáp nhập vào Nga hồi tháng 4.2014. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon còn “góp dầu vào lửa” hồi tháng 2.2015 khi nói “Tôi lo ngại về Tổng thống Nga Vladimir Putin, về việc ông ta gây áp lực các nước Baltic, về cách ông ta thách thức NATO”.
Nhưng Tổng thống Putin hồi tháng 6.2015 cho hay: “Tôi nghĩ rằng chỉ có những người bị điên và người đang nằm mơ mới có thể tưởng tượng rằng Nga sẽ bất ngờ tấn công NATO. Tôi nghĩ rằng một số quốc gia chỉ đơn giản lợi dụng sự sợ hãi của người dân nhằm vào Nga. Họ chỉ muốn đóng vai trò là các quốc gia tiền tuyến để nhận được viện trợ, quân sự, kinh tế, tài chính và những viện trợ khác”.
Mỹ luôn xem Nga là một mối đe dọa, còn Moscow cho biết NATO và động thái “bành trướng phía đông” mới thật sự là một mối quan ngại. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hồi đầu tháng 9.2015 khẳng định Nga sẽ sớm thiết lập thêm căn cứ không quân ở những quốc gia láng giềng.
Hồi tháng 7.2015, Nga cũng đã điều chỉnh học thuyết hải quân, động thái được xem là nhằm đối phó với việc NATO tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu. Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov cho hay NATO đang đẩy Nga vào “cuộc chạy đua vũ trang” sau khi có thông tin tên lửa Mỹ được triển khai đến các quốc gia Đông Âu và Baltic.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục