tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 10-03-2016

  • Cập nhật : 10/03/2016

Trung Quốc sẽ khởi động lại dự án thủy điện gây tranh cãi ở Myanmar

dap thuy dien myitsone duoc cho la da khoi dong tro lai - anh: irrawaddy.org

Đập thủy điện Myitsone được cho là đã khởi động trở lại - Ảnh: Irrawaddy.org

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp báo hôm 8.3 cho biết chính phủ nước này đang cố gắng giải quyết những khó khăn làm gián đoạn dự án xây đập thủy điện gây nhiều tranh cãi ở Myanmar.
Việc triển khai đập Myitsone bị dừng hồi năm 2011 theo một quyết định bất ngờ của Tổng thống Thein Sein, có hiệu lực ít nhất cho đến khi ông hết nhiệm kỳ vào năm 2016. Giới quan sát cho rằng đó là "cái tát" mà chính phủ Myanmar dành cho Trung Quốc, trong bối cảnh dự án sắp khởi công. 
“Con đập Myitsone là dự án hợp tác thương mại mà mọi giai đoạn đã được đồng ý. Khó khăn phát sinh, hai nước sẽ tiếp tục hợp tác để giải quyết theo hướng tích cực”, ông Vương Nghị nói, theo Reuters.
Dự án đập thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỉ USD, với 90% sản lượng điện sẽ được tiêu thụ ở Trung Quốc, bị người dân và các tổ chức bảo vệ môi trường phản ứng dữ dội. Con đập này xây ở thượng lưu sông Mekong, bị cảnh báo sẽ gây hại nặng nề đến môi trường và cuộc sống hàng triệu người dân ở những quốc gia thuộc hạ lưu sông, trong đó Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan.
“Chúng tôi có niềm tin vào tương lai hợp tác có lợi giữa Trung Quốc và Myanmar”, Ngoại trưởng Trung Quốc nói tiếp.
Ông Vương cho biết Myanmar dưới thời chính phủ do đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) nắm quyền sẽ có quan hệ tốt với Trung Quốc. Mối quan hệ này trở nên nguội lạnh sau khi Myanmar mở cửa, hướng về phương Tây, muốn thoát khỏi sự cô lập và lệ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo của NLD đã thăm Trung Quốc và hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình hồi năm 2015.
Một số người dân và tổ chức môi trường nói rằng công ty CPI của Trung Quốc đã khởi động lại việc xây dựng con đập, theo tờ South China Morning Post. Ngoài dự án đập thủy điện, dự án khai thác mỏ đồng Letpadaung do Trung Quốc đầu tư cũng bị chính phủ Myanmar ách lại. Dự án này cũng có thể sẽ được khởi động trở lại cùng với Myitsone, theo South China Morning Post.

Mỹ muốn gửi máy bay ném bom đến Úc

Reuters đưa tin Washington đang thương lượng với Úc để đưa các máy bay ném bom tầm xa đến nước này. Từ căn cứ tại Úc, phạm vi hoạt động của chúng sẽ bao trùm biển Đông.

may bay nem bom b-1 cua my (anh: smh)

Máy bay ném bom B-1 của Mỹ (Ảnh: SMH)

Trung tá Damien Pickart, người phát ngôn Không quân Mỹ khu vực Thái Bình Dương cho biết việc triển khai có thể bao gồm máy bay ném bom chiến lược B-1 và B-52. Hiện các cuộc nói chuyện đang diễn ra và chưa có quyết định cuối cùng.

“Việc tái triển khai phi đội ném bom tạo cơ hội cho không quân vượt lên, tăng cường liên minh khu vực và mang lại khả năng răn đe, tấn công toàn cầu cho bộ chỉ huy Thái Bình Dương. Mục tiêu là giúp duy trì hòa bình, ổn định cho toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương và châu Á Thái Bình Dương”, ông Pickart khẳng định.

Mỹ hiện nay không triển khai máy bay ném bom B-1 từ Úc nhưng các máy bay B-52 vẫn thực hiện các nhiệm vụ theo định kỳ.

Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull không tiết lộ thêm về cuộc đàm phán đang diễn ra với phía Mỹ. Ông chỉ thận trọng cho biết mọi hành động của Úc trong khu vực, gồm việc hợp tác với quân đội Mỹ, đều được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo lợi ích quốc gia.

Các nhà phân tích nhận xét nếu thỏa thuận trên đạt được, các máy bay của Mỹ sẽ càng áp sát khu vực Biển Đông và có khả năng chọc giận Trung Quốc.

“Trung Quốc sẽ đóng khung thỏa thuận này cùng với sách trắng quốc phòng của Úc, một điều trước đó họ đã thể hiện sự không hài lòng” - chuyên gia về an ninh quốc tế Euan Graham thuộc Viện Lowy của Úc nhận định.

Úc hồi tháng trước cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên gần 22 tỉ USD để bảo vệ lợi ích thương mại và chiến lược của mình tại châu Á - Thái Bình Dương.


Nghị viên châu Âu đòi trừng phạt ông Putin vì bắt nữ phi công Ukraine

Nhiều thành viên Nghị viện châu Âu ký thư kêu gọi Cao ủy Ngoại giao và Chính sách An ninh của EU áp dụng lệnh trừng phạt cá nhân với Tổng thống Nga và 28 người khác liên quan trường hợp nữ phi công Ukraine bị Nga bắt.

Theo RIA ngày 9.3, bức thư có chữ ký của 57 nghị sĩ đưa ra danh sách của những người mà theo họ là "chịu trách nhiệm về vụ nữ thượng úy phi công Ukraine, Nadezhda Savchenko bị bắt cóc đưa đến lãnh thổ của Nga và bị khởi tố, giam giữ bất hợp pháp". Ngoài ra, theo các nghị sĩ này, các biện pháp trừng phạt phải được áp dụng đối với những người chịu trách nhiệm về "sự hợp thức hóa các hành động của Nga trong con mắt của cộng đồng thế giới".

Ngoài ông Putin, trong danh sách này còn có giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga Alexander Bortnikov, người đứng đầu Ủy ban Quốc tế của Duma quốc gia Alexei Pushkov, lãnh đạo Ủy ban Điều tra Alexander Bastrykin, nhà lãnh đạo của nước cộng hòa tự xưng Luhansk Igor Carpenter cùng một số nhà điều tra, thẩm phán và các quan chức khác.

Bức thư được đăng trên tài khoản Twitter của nghị sĩ Ba Lan Jacek Saryusz-Wolski. Các nghị sĩ châu Âu cho rằng các biện pháp trừng phạt nên bao gồm lệnh cấm cấp thị thực châu Âu, đóng băng tài sản và tịch thu toàn bộ tài sản trên lãnh thổ EU.

Phía Nga lập luận rằng Nga bắt giam và khởi tố Nadezhda Savchenko vì cô là đối tượng trực tiếp gây ra cái chết của hai nhà báo Nga.

Theo tin tình báo và những thông tin khai thác được từ tù binh, trong kỳ nghỉ phép năm 2014, thượng úy phi công của không quân Ukraine, Nadezhda Savchenko đã đến vùng chiến sự ở miền Đông Ukraine để cổ vũ tinh thần đồng đội diệt quân ly khai. Tại đây, cô tình nguyện tham gia chiến đấu trong tiểu đoàn Aydar của Ukraine. Do nắm vững nghiệp vụ pháo binh từ thời còn học ở trường quân sự Kiev nên cô thường tham gia tác xạ pháo hạng nặng.

Lúc đó có nhiều đoàn phóng viên báo chí nước ngoài đến miền đông Ukraine lấy tin chiến sự, trong đó có cả các nhà báo Nga. Trong khi quân ly khai và quân chính phủ pháo kích lẫn nhau, do có tin thám báo, cho biết nơi trú đóng của đoàn nhà báo Nga, Nadezhda Savchenko đã chỉnh đường đạn pháo đến vị trí đó. Kết quả, có hai nhà báo Nga bị chết do loạt đạn pháo này.

Khi bị quân ly khai đánh rát, nhiều binh sĩ Ukraine phải cải trang thành dân thường để chạy trốn. Nadezhda cũng trà trộn vào dòng người chạy loạn sang đất Nga.

nu phi cong ukraine, nadezhda savchenko nghe luat su ilya novikov noi chuyen khi co bi dua ra phien toa o thanh pho donetsk, vung rostov, gan bien gioi ukraine ngay 3.3.2016 - anh: reuters

Nữ phi công Ukraine, Nadezhda Savchenko nghe luật sư Ilya Novikov nói chuyện khi cô bị đưa ra phiên tòa ở thành phố Donetsk, vùng Rostov, gần biên giới Ukraine ngày 3.3.2016 - Ảnh: Reuters

Ngày 9.7.2014, người đứng đầu Ủy ban điều tra quốc gia Nga, Vladimir Markin tuyên bố Nadezhda Savchenko đã vượt biên giới Ukraine - Nga trái phép, không giấy tờ tùy thân, và đã bị bắt giữ trên đất Nga. Qua điều tra nhân thân, cơ quan an ninh đã phát hiện Nadezhda Savchenko chính là kẻ đã hiệu chỉnh đường đạn bắn vào nơi trú đóng của đoàn nhà báo Nga khiến hai phóng viên Igor Korneliuk và Anton Voloshin của Hãng Phát thanh Truyền hình Nga thiệt mạng.

Vì thế cơ quan pháp luật đã bắt giam và khởi tố cô ta về các tội giết người, cố gắng giết người và xâm nhập biên giới trái phép theo Bộ luật hình sự Nga.


IS lên kế hoạch bắt cóc Thủ tướng Malaysia

Danh sách mà IS âm mưu bắt cóc không chỉ Thủ tướng Malaysia, ông Najib Razak mà còn có cả Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Quốc phòng của nước này.

pho thu tuong kiem bo truong bo noi vu malaysia, ong ahmad zahid hamidi. anh: afp

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia, ông Ahmad Zahid Hamidi. Ảnh: AFP

Tờ Straitstimes của Singapore ngày 8-3 dẫn lời phó Thủ tướng kiêm nhiệm Bộ trưởng Bộ nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi tiết lộ: “Ngày 30-1-2015, khoảng 13 người có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lên kế hoạch bắt cóc các nhà lãnh đạo, bao gồm cả Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ nội vụ và Bộ trưởng Quốc phòng”

Thông tin trên được ông Zahid đưa ra trong một cuộc họp ngày 8-3 của Quốc hội Malaysia. Khi đó, một nghị sĩ đã chất vấn và yêu cầu Bộ Nội vụ thông báo cảnh sát đã ngăn chặn được bao nhiêu âm mưu tấn công của IS.

Trả lời câu hỏi này, ông Zahid khẳng định, cảnh sát Malaysia đã ngăn chặn được ít nhất bốn âm mưu tấn công khủng bố của IS.

Tuy nhiên, ông này không nói rõ liệu 13 tên đã từng âm mưu bắt cóc Thủ tướng và ông đã bị bắt giữ hay chưa.


Mỹ dùng tên lửa đánh chặn tên lửa để diệt tàu chiến

tau khu truc uss john paul jones phong ten lua sm-6 trong mot dot thu vu khi nam 2014 - anh: hai quan my

Tàu khu trục USS John Paul Jones phóng tên lửa SM-6 trong một đợt thử vũ khí năm 2014 - Ảnh: Hải quân Mỹ

Lần đầu tiên hải quân Mỹ sử dụng tên lửa SM-6, vốn dùng để đánh chặn máy bay và tên lửa hành trình, để đánh chìm một tàu chiến trong một cuộc tập trận gần đây.
Hải quân Mỹ đã dùng tên lửa siêu thanh SM-6, phóng từ tàu khu trục USS John Paul Jones lớp Arleigh Burke, để bắn chìm tàu hộ vệ USS Reuben James trong một cuộc tập trận ở Hawaii ngày 18.1, theo chuyên san The Diplomat ngày 9.3. Tàu USS Reuben James đã ngừng phục vụ trong quân đội Mỹ từ năm 2013.
Tên lửa SM-6 do hãng Raytheon chế tạo, trang bị cho các tàu chiến, được dùng để đánh chặn máy bay và tên lửa hành trình (kể cả tên lửa diệt hạm) chứ không dùng để chống tàu. Theo Breaking Defense, việc thay đổi nhiệm vụ của tên lửa SM-6 từ phòng thủ sang tấn công phản ánh nỗ lực của Lầu Năm Góc trong việc sử dụng các loại vũ khí hiện có cho các nhiệm vụ mới để giảm chi phí trong tình hình ngân sách quốc phòng eo hẹp.
Hồi tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thông báo nước này sẽ trang bị khả năng mới cho các loại vũ khí cũ. “Chúng tôi đang sửa đổi SM-6 ngoài nhiệm vụ phòng thủ còn có thể tấn công các tàu địch ở khoảng cách rất xa”.
Tên lửa SM-6 có tầm bắn hiệu quả ở khoảng cách xấp xỉ 370 km với tốc độ hơn 4.200 km/giờ, vượt xa so với các loại tên lửa chống hạm chủ lực của Mỹ như Harpoon, theo The Diplomat. Từ năm 2013, hãng Raytheon đã giao hơn 250 tên lửa SM-6 cho Hải quân Mỹ.
tau ho ve uss reuben james bi ten lua phong khong sm-6 ban chim - anh: hai quan my

Tàu hộ vệ USS Reuben James bị tên lửa phòng không SM-6 bắn chìm - Ảnh: Hải quân Mỹ

Tuy nhiên, một hạn chế khi dùng tên lửa đánh chặn để tấn công tàu chiến là đầu đạn không đủ mạnh để gây thiệt hại đáng kể. Việc tàu USS Reuben James bị SM-6 bắn chìm cho thấy tên lửa này có thể đã được trang bị một đầu đạn mới và mạnh hơn.
Breaking Defense cũng cho hay, trong một cuộc bắn thử khác vào tháng 1, tàu John Paul Jones cũng phóng các tên lửa SM-6, bắn trúng 5 mục tiêu ở khoảng cách kỷ lục. Các tên lửa sử dụng dữ liệu từ tàu khu trục USS Gridley thông qua hệ thống gọi là Năng lực tham gia phối hợp (CEC). Theo Breaking Defense, hệ thống CEC cho phép một tàu khai hoả tên lửa ngay cả khi không phát hiện được mục tiêu, nhưng sử dụng dữ liệu radar từ một tàu hoặc máy bay khác bắt được mục tiêu đó.
Mục tiêu mà Hải quân Mỹ nhắm đến qua các hành động này là để chứng minh một khái niệm chiến đấu mới, gọi là “sát thương phân tán”. Theo đó, việc linh động sử dụng các loại vũ khí vừa giúp các tàu chiến có nhiều sự lựa chọn hơn trong trận đánh, vừa giúp phân tán sự chú ý của quân địch đối với các tàu sân bay. Các tàu địch sẽ phải đề phòng đến mỗi tàu chiến trong đội tàu của Mỹ. Ngoài ra, nếu một tàu Mỹ phát hiện được quân địch, dữ liệu sẽ được chuyển đến cho các tàu khác trong hạm đội để có thể khai hoả thích hợp.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục