Hơn 80 chuyên gia và nhà khoa học trong và ngoài nước đã tham dự hội thảo quốc tế “ASEAN và quan hệ Trung - Mỹ: Những chuyển động mới và tác động tới khu vực” ngày 10-3.
Trung Quốc chạy đua cạnh tranh quân đội với Mỹ
- Cập nhật : 10/03/2016
(Tin Kinh Te)
Tốc độ hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc chưa bao giờ diễn ra nhanh như hiện nay. Bắc Kinh đang gửi đi những tín hiệu mạnh mẽ rằng Trung Quốc sẽ cạnh canh với Mỹ trên tư cách cường quốc.
Xây căn cứ ở nước ngoài
Cây bút Yvonne Chiu của Đài CNN nhận định một trong những động thái thay đổi quan trọng nhất trong quá trình lột xác của quân đội Trung Quốc là kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên tại Djibouti, châu Phi. Việc khởi công đã bắt đầu tháng trước.
Có nhiều đồn đoán rằng Trung Quốc đã thương thảo một hợp đồng thuê đất trong 10 năm với Djibouti. Chính quyền Bắc Kinh không xác nhận điều này, ngoài việc cẩn thận mô tả đây là “các cơ sở hậu cần quân sự”.
Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, mục đích của căn cứ Djibouti là “cung cấp hậu cần tốt hơn, bảo vệ lực lượng gìn giữ hòa bình Trung Quốc tại khu vực vịnh Aden, ngoài khơi Somalia và các nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo khác của Liên Hiệp Quốc, bao gồm chống hải tặc”.
Cơ sở “hậu cần” của Trung Quốc có vị trí gần căn cứ quân sự duy nhất của Mỹ tại châu Phi, cũng thuộc Djibouti. Đây là một vị trí cực kỳ chiến lược có khả năng bảo vệ con đường vận chuyển dầu thô ra vào bán đảo Ả Rập.
Cải tổ mạnh quân đội
Trung Quốc cuối tuần trước công bố ngân sách quốc phòng 2016 sẽ tăng 7,6% - dù thấp hơn các năm trước nhưng giới quan sát cho rằng con số tăng thật sự sẽ cao hơn nhiều.
Tháng 9-2015, quân đội Trung Quốc công bố kế hoạch cắt giảm 300.000 quân với mục đích được nhiều chuyên gia cho là tinh giản bớt sự cồng kềnh. Những tín hiệu gần đây cho thấy đối tượng bị cắt giảm của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) là các cấp bậc sĩ quan, bao gồm sĩ quan chính trị.
Và đây chỉ là một phần của chương trình cải tổ sâu rộng của PLA trong hai năm tới.
Trước đó, PLA đã tự tái cấu trúc từ 7 quân khu thành 5 quân khu (Bắc, Nam, Đông, Tây và Trung tâm); một số đơn vị quản lý quân nhu, hậu cần, nhân sự, chính trị… trước kia thuộc quân đội nay được đặt trực tiếp dưới quyền của Ủy ban Quân sự trung ương thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang nỗ lực biến PLA thành một lực lượng hiện đại, phối hợp lục quân với các binh chủng như hải quân, không quân và tên lửa… vào một bộ chỉ huy chung.
Những động thái trên không chỉ với mục đích nâng cấp quân đội, Bắc Kinh muốn đưa PLA trở về dưới quyền kiểm soát của Đảng Cộng sản thay vì mang tính độc lập nhiều hơn như trước đây.
Bán vũ khí
Trung Quốc trong một thập kỷ qua đã tăng gấp đôi doanh số bán vũ khí, trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ ba thế giới chỉ sau Mỹ và Nga.
Tháng trước, Trung Quốc mới chào hàng bán máy bay chiến đấu J-10 tại Hội chợ hàng không Singapore. Các khách hàng tiềm năng có thể bao gồm Pakistan, Iran, Syria…
Theo giới chuyên gia, việc xuất khẩu vũ khí không chỉ mang lại nguồn thu cho một quốc gia, nó còn là dấu hiệu của ảnh hưởng quân sự, khả năng dẫn đầu thế giới cũng như củng cố các liên minh chính trị.
Trung Quốc hiện đang sở hữu một tàu sân bay cải tiến từ một mẫu cũ của Liên Xô và đang tiến hành đóng chiếc thứ hai. Tàu Liêu Ninh đã chứng tỏ khả năng hoạt động phối hợp với các chiến đấu cơ J-15 hồi năm 2012.
Dù khả năng tàu sân bay Trung Quốc có thể chưa sánh với các nước khác, có thể thấy rõ ý định của PLA là sở hữu một hạm đội nước sâu, bên cạnh đó là khả năng hoạt động phối hợp giữa các binh chủng.
MINH TRUNG
Theo Tuổi Trẻ