tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 28-09-2015

  • Cập nhật : 28/09/2015

Nga bắt tay cùng ba nước Trung Đông chống IS

Nga, Iran, Iraq và Syria thống nhất thành lập một trung tâm chia sẻ thông tin ở Baghdad nhằm tăng cường khả năng phối hợp chống Nhà nước Hồi giáo giữa các nước.
phien quan nha nuoc hoi giao (is) tai thanh pho raqqa, syria. anh: reuters

Phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tại thành phố Raqqa, Syria. Ảnh: Reuters

"Chức năng chính của trung tâm này là thu thập, xử lý và phân tích thông tin về tình hình ở Trung Đông, chủ yếu phục vụ cho nhiệm vụ chống Nhà nước Hồi giáo (IS)", RT dẫn lời một nguồn tin quân sự - ngoại giao hôm qua cho biết.

Trung tâm thông tin ở thủ đô Baghdad của Iraq sẽ do quan chức của một trong những quốc gia sáng lập điều hành. Vị trí này sẽ được luân chuyển sau mỗi ba tháng.

Cả 4 nước cũng sẽ sử dụng trung tâm thông tin để cùng xây dựng các kế hoạch, chiến lược chống IS, nguồn tin cho hay đồng thời thêm rằng thỏa thuận này là một cột mốc quan trọng nhằm hợp nhất các quốc gia ở khu vực trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là tổ chức Hồi giáo cực đoan IS.

Bộ chỉ huy hoạt động chung của quân đội Iraq hôm qua xác nhận việc thành lập cơ sở trên, nhấn mạnh động thái này được thực hiện xuất phát từ "mối lo ngại ngày càng gia tăng ở Moscow trước thực tế hàng nghìn phần tử khủng bố đến từ Nga đang gây ra nhiều hành vi tội ác" cùng IS, Reutersđưa tin.

 

Ai sẽ thay thế chủ tịch Hạ viện Mỹ?

Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner thông báo sẽ từ chức vào cuối tháng 10 tới trong một cuộc họp kín với các nghị sĩ Đảng Cộng hòa hôm 25-9 (giờ Mỹ). 

chu tich ha vien my john boehner bat khoc khi thong bao tu chuc - anh: reuters

Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner bật khóc khi thông báo từ chức - Ảnh: Reuters

Theo Reuters, nghị sĩ bang Ohio 65 tuổi này sẽ chính thức rời bỏ cương vị vào ngày 30-10.

Thông tin này được nhận định như một “tiếng sét giữa trời quang” vì tối 24-9 người ta còn thấy ông Boehner đầy xúc động trong buổi tiếp đón Giáo hoàng đến Quốc hội Mỹ - một sự kiện mà ông phải thương thuyết tổ chức suốt nhiều năm.

Cũng có nhận định cho rằng sau cuộc gặp đó, cũng cuộc nói chuyện với Giáo hoàng mà ông Boehner quyết tâm rời bỏ vai trò lãnh đạo chính trị.

AFP nhận định việc ông Boehner từ chức sau 25 năm hoạt động trong Quốc hội và gần 5 năm ở cương vị chủ tịch Hạ viện sẽ làm phát sinh một cuộc tranh quyền kiểm soát Hạ viện căng thẳng, nhất là trong lúc chiến dịch vận động tranh cử tổng thống 2016 đang diễn ra.

Giới quan sát cho rằng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Kevin McCarthy, 50 tuổi, lãnh đạo số 2 của Đảng Cộng hòa trong Hạ viện, đang trở thành ngôi sao sáng thay thế ông Boehner.

Nói với báo giới, ông Boehner cho rằng ông McCarthy sẽ trở thành một chủ tịch Hạ viện xuất sắc.

Từ lâu, ông Boehner đã đối mặt với sức ép từ phe bảo thủ, những người tin rằng ông quá sẵn lòng thỏa hiệp với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Họ cũng chỉ trích ông thiếu lửa trong việc đấu tranh với Đảng Dân chủ.

Trong khi đó, Tổng thống Obama ca ngợi ông Boehner là một người tốt và bày tỏ hi vọng ông sẽ hoàn tất nhiều công việc trước khi rời cương vị.

Về phía mình, ông Boehner bày tỏ: “Đã đến lúc phải làm điều này và thật tình mà nói tôi hoàn toàn thoải mái khi đưa ra quyết định”.

Bật khóc tại cuộc họp báo, ông Boehner nói ông tự hào vì những gì đã làm được. Tuy nhiên, ông cũng nói: “Rõ ràng tôi thấy rằng sự rối loạn trong cương vị này kéo dài sẽ gây tổn hại không sửa chữa được cho Hạ viện”.


30% người nhập cư tới Đức giả mạo là người Syria

Bộ trưởng nội vụ Đức cho biết đây mới chỉ là con số ước lượng vì tới giờ, Đức chưa nắm được thống kê chính thức về số người khai man quốc tịch để được cấp cơ chế tị nạn.

nguoi nhap cu va nguoi ti nan di qua bien gioi croatia – hungary tu lang baranjsko petrovo selo, gan thi tran beli manastir phia dong bac cua croatia - anh: afp

Người nhập cư và người tị nạn đi qua biên giới Croatia – Hungary từ làng Baranjsko Petrovo Selo, gần thị trấn Beli Manastir phía đông bắc của Croatia - Ảnh: AFP

Theo AFP, người phát ngôn của Bộ nội vụ Đức ngày 25-9 cho biết ước tính có khoảng 30% số người nhập cư vào Đức khai báo họ là công dân Syria nhưng trên thực tế lại là người từ các nước khác.

Người phát ngôn này nói: “Đó là số liệu ước lượng từ quan sát của các nhân viên chức trách tại thực địa, nhất là từ lực lượng cảnh sát liên bang, Văn phòng phụ trách vấn đề người di cư và người tị nạn cùng cơ quan bảo vệ biên giới Liên minh châu Âu Frontex”.

Bộ trưởng nội vụ Thomas de Maiziere cho biết: “Chúng tôi đang xem xét các hộ chiếu Syria giả và thấy có những người khai họ từ Syria đến nhưng lại không nói được tiếng Ả rập nào”.

Đức là điểm đến hàng đầu tại châu Âu với những người tị nạn và dân di cư trong cuộc khủng hoảng người di cư lớn nhất tại châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2 tới nay. Ước tính có từ 800.000 đến một triệu người sẽ đến thêm trong năm nay.

Số người nhập cư tăng vọt kể từ khi Đức tuyên bố sẽ tiếp nhận những người Syria, ngay cả khi họ vẫn cần đăng ký tình trạng tị nạn theo thủ tục tại quốc gia thuộc EU đầu tiên nơi họ đặt chân tới trong hành trình tới Đức.

Đầu tháng này, giám đốc Frontex, Fabrice Leggeri, cho biết một thị trường cung cấp hộ chiếu Syria giả đã bắt đầu nở rộ, nhất là tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm giúp người nhập cư và người tị nạn vào được EU.

Trong khi đó, dưới áp lực của EU, ngày 25-9, Croatia đã phải dỡ bỏ những hạn chế ở biên giới giữa nước này với Serbia.


Chủ tịch Cuba lên án lệnh cấm vận của Mỹ

 Chủ tịch Cuba Raul Castro khẳng định lệnh cấm vận của Mỹ áp đặt lên Cuba là trở ngại hàng đầu đối với sự phát triển kinh tế của Cuba, theo Reuters ngày 27.9.
chu tich cuba raul castro lan dau tien phat bieu truoc lien hiep quoc - anh: reuters

Chủ tịch Cuba Raul Castro lần đầu tiên phát biểu trước Liên Hiệp Quốc - Ảnh: Reuters

Chủ tịch Cuba, ông Raul Castro ngày 26.9 lần đầu tiên có bài phát biểu trước Liên Hiệp Quốc. Trong bài phát biểu của mình, nhà lãnh đạo Cuba đã hoan nghênh việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ - Cuba là một “tiến bộ quan trọng” nhưng lên án lệnh cấm vận của Mỹ áp đặt đối với Cuba hơn nửa thế kỷ qua: “lệnh cấm vận là vật cản chính đối với sự phát triển kinh tế của Cuba, vừa làm ảnh hưởng tới các nước khác do phạm vi đặc quyền ngoại giao, vừa gây tổn hại lợi ích của công dân cũng như doanh nghiệp Mỹ”.
Đề cập đến nghị quyết được đưa ra hàng năm của Liên Hiệp Quốc kêu gọi Mỹ chấm dứt lệnh cấm vận đối với Cuba, Chủ tịch Raul Castro khẳng định chính sách cấm vận đó của Mỹ vốn bị 188 nước thành viên Liên Hiệp Quốc phản đối cần phải được dỡ bỏ.
Lệnh cấm vận mà Mỹ áp đặt lên Cuba đã gây thiệt hại khoảng 121 tỉ USD cho nền kinh tế Cuba, theo Reuters.
Từ năm 1982, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc hằng năm đều bỏ phiếu về nghị quyết kêu gọi dỡ bỏ lệnh bao vây cấm vận mà Mỹ áp đặt lên Cuba từ năm 1962. Năm 2013 và 2014, Cuba nhận được sự ủng hộ từ 188 thành viên của Liên Hiệp Quốc về nghị quyết này. Năm nay, Đại hội đồng dự kiến sẽ bỏ phiếu vào ngày 27.10.
Kể từ khi Mỹ và Cuba tuyên bố bình thường hóa quan hệ vào cuối năm 2014, cả Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro đều nỗ lực thúc đẩy việc chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế kéo dài suốt hơn nửa thế kỷ qua. Tuy nhiên, chỉ có quốc hội Mỹ mới có thể chấm dứt hoàn toàn lệnh cấm vận này. Hiện nay, quốc hội do đảng Cộng hòa nắm ưu thế vẫn còn nhiều vướng mắc với Cuba, vì vậy chấm dứt lệnh cấm vận là điều không hề dễ dàng.

Trung Quốc sắp khởi tố trợ lý cũ của Chu Vĩnh Khang

 Ông Chu Bản Thuận, cựu Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc (Trung Quốc), đã bị khai trừ khỏi quốc hội và rất có thể sắp bị khởi tố, Reuters cho biết.

ong chu ban thuan, cuu bi thu tinh uy ha bac doi dien nguy co cao buoc tham nhung - anh: reuters

Ông Chu Bản Thuận, cựu Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc đối diện nguy cơ cáo buộc tham nhũng - Ảnh: Reuters

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tỉnh Hà Bắc thông qua nghị quyết về việc miễn nhiệm ông Chu Bản Thuận sau một cuộc họp vào ngày 26.9, Tân Hoa xã dẫn một tuyên bố hôm 27.9 cho hay.

Hồi tháng 7, ông Chu Bản Thuận đã bị buộc rời chức bí thư tỉnh ủy Hà Bắc sau khi Ủy ban Kỷ luật trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) thông báo điều tra ông Chu với cáo buộc “vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng”, một cụm từ thường diễn tả hành vi tham nhũng tại Trung Quốc. Bản tin của Tân Hoa xã vừa qua không cung cấp thêm chi tiết nào.

Ông Chu Bản Thuận trước đây từng là phụ tá thân cận của ông Chu Vĩnh Khang trong khoảng thời gian 5 năm, khi ông Chu Vĩnh Khang còn là Chủ nhiệm Ủy ban Chính pháp trung ương. Hai người không có quan hệ huyết thống với nhau.

Sau khi được bổ nhiệm làm bí thư tỉnh ủy Hà Bắc năm 2013, ông Chu Bản Thuận tham gia cuộc họp dự thầu của thành phố Trương Gia Khẩu (Hà Bắc), nơi giành quyền đăng cai Thế vận hội mùa đông năm 2022.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ khi nhậm chức đã đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, trong đó đã xét xử ông Chu Vĩnh Khang.

Việc “sờ gáy” tới ông Chu Bản Thuận là lần đầu tiên một bí thư cấp tỉnh bị cáo buộc tham nhũng, được xem đã đánh dấu một giai đoạn mới của công cuộc “đả hổ, diệt ruồi” này.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục