tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Sẽ có làn sóng nhà sản xuất rút khỏi Trung Quốc để đến Mỹ?

  • Cập nhật : 04/06/2017

Trái với điều nhiều người nghĩ, Trung Quốc giờ không còn là nơi sản xuất giá rẻ như trước. Chi phí đi lên buộc các nhà sản xuất phải tìm cách di chuyển nhà máy đến những nước khác.

hang san xuat o my trong sieu thi walmart anh: reuters

Hàng sản xuất ở Mỹ trong siêu thị Walmart ẢNH: REUTERS

Theo CNBC, Mỹ có thể không phải là ứng viên đứng đầu danh sách thay thế Trung Quốc, song một số nhà sản xuất đang xem xét nước này và nhiều trong số họ là doanh nghiệp Trung Quốc. Với khả năng thuế doanh nghiệp thấp hơn dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, có thể sẽ có thêm nhiều công ty nghiên cứu việc đặt nhà máy ở Mỹ.

Xiao Wunan, Phó chủ tịch Hiệp hội Hợp tác và Trao đổi châu Á - Thái Bình Dương, cho hay: “Lý do chúng tôi muốn đầu tư vào Mỹ không phải vì chính quyền của ông Trump đang khuyến khích việc này. Mỹ có lợi thế tự nhiên đối với đầu tư Trung Quốc”. Ông Xiao đang đưa nhiều giám đốc công ty Đại lục đi tour đầu tư ở nền kinh tế số một thế giới.

Điểm mạnh của ‘'made in USA’'

tong thong my donald trump dang muon cat giam thue doanh nghiepanh: reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang muốn cắt giảm thuế doanh nghiệpẢNH: REUTERS

Mỹ có ba điểm thuận lợi để đặt nơi sản xuất: lợi thế chi phí, môi trường kinh doanh ổn định và sự gần gũi với người tiêu dùng Mỹ.

Chủ tịch John Ling của Hội đồng các tiểu bang Mỹ ở Trung Quốc, người chuyên tìm địa điểm đầu tư ở Mỹ cho công ty Đại lục, chia sẻ: “Trong mỗi dự án tôi giúp họ tìm được chỗ ở Mỹ, nếu tôi không thể đưa ra bằng chứng là họ giảm được chi phí ở Mỹ, cơ hội chốt hợp đồng của tôi gần như bằng 0”. Công nhân Mỹ kiếm được nhiều tiền hơn hẳn đồng nghiệp ở Trung Quốc, song tính tổng chi phí thì sản xuất ở Mỹ vẫn thấp hơn.

Đơn cử, hãng dệt may Keer Group ở Hàng Châu cho hay công nhân Mỹ trung bình được trả gấp đôi so với công nhân Đại lục, song sản xuất ở Mỹ thì ít tốn kém hơn hẳn so với ở Trung Quốc. Chủ tịch Zhu Shanqin của Keer Group nói: “Ở Mỹ, đất, điện và bông rẻ hơn nhiều. Chi phí sản xuất mỗi tấn hàng dệt may của tôi giảm 25% tại Mỹ”. Trong khi đó, lương bổng của ông ở Đại lục tăng gần 30% trong thập niên qua.

Ông Zhu sẽ đầu tư 220 triệu USD để xây dựng và mở rộng cơ sở sản xuất ở South Carolina, lên kế hoạch chuyển toàn bộ hoạt động kinh doanh sang Mỹ, nơi ông có thể thuê đến 500 người tính đến cuối năm nay. Chủ doanh nghiệp này nói: “Nếu ông Trump cắt giảm thuế doanh nghiệp thêm 5%, những công ty từng rời Mỹ cách đây vài năm sẽ trở về”.

So với nhiều nước khác, đặc biệt là các thị trường mới nổi, Trung Quốc là nơi ổn định cho hoạt động sản xuất nhiều thập niên qua. Dù vậy, Mỹ vẫn có điểm mạnh mà giới doanh nghiệp Trung Quốc chẳng mấy thích nhắc đến: không khí sạch hơn, thức ăn an toàn hơn, tiếp cận nguồn vốn dễ hơn và chính phủ không can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp.

Chính trị gia Mỹ sẽ buộc một công ty ngoại đem việc làm cho nước này, song một khi họ đổ tiền đầu tư, giới chức Mỹ sẽ để yên cho công ty làm ăn. Khi một doanh nghiệp đứng trên đất Mỹ, dù là của Trung Quốc hay nước nào, nó cũng được đối xử như các doanh nghiệp khác.

Ngoài ra, nếu người Trung Quốc là những người tiêu dùng trong tương lai thì người Mỹ là khách hàng trong hiện tại. Trong quá trình mở rộng ra nước ngoài, nhiều hãng Đại lục xem trọng thị trường Mỹ. Đơn cử, GAC Motor có trụ sở ở Quảng Châu đang nhắm vào thị trường Mỹ. Họ hợp tác với một nhà sản xuất ô tô và thậm chí còn muốn xây dựng nhà máy ở Mỹ.

Chủ tịch GAC Motor Yu Jun chia sẻ: “Nếu chúng tôi có thể thành công ở Mỹ, chúng tôi có thể thành công ở bất cứ đâu trên thế giới. Dù có nền kinh tế tốt hay xấu, Mỹ vẫn là thị trường số một cho bất cứ doanh nghiệp nào trên thế giới. Vì vậy hiển nhiên là bạn muốn tiến gần đến chỗ khách hàng của bạn”.

Vì sao chưa nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đến Mỹ?

hang lap rap o myanh: reuters

Hàng lắp ráp ở MỹẢNH: REUTERS

Thực trạng thiếu kỹ năng, rào cản thị thực và chuỗi cung ứng là ba yếu tố khiến các công ty Đại lục chật vật trên đường đến Mỹ.

Danh hiệu “công xưởng thế giới” nhiều thập niên qua của Trung Quốc đã thu hút nhân tài, bào mòn tài năng trên đất Mỹ. Chủ tịch Keer Group Zhu Shanqin cho hay: “Chúng tôi phải đối mặt với áp lực ở Mỹ vì chúng tôi không thể tìm được công nhân lành nghề. Hầu hết mọi người không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này”.

Một số giám đốc doanh nghiệp thì cho rằng để làm được hàng “made in USA”, công ty phải bảo đảm rằng họ có đủ năng lực giáo dục ở Mỹ để vực dậy toàn ngành sản xuất. Vì vậy, một số công ty Trung Quốc muốn đưa quản lý, nhân lực có kỹ năng xuất ngoại để làm việc, đào tạo công nhân Mỹ song lại vấp rào cản thị thực. Ông Zhu cho biết: “Các kỹ thuật viên của chúng tôi không có visa đến Mỹ. Chúng tôi cần nhân viên, nhưng nhiều người trong số họ bị từ chối visa. Chúng tôi đối mặt thách thức mới”.

Cuối cùng, di chuyển nhà máy cũng đồng nghĩa với việc thay đổi chuỗi cung ứng. Chuỗi cung ứng của một số ngành công nghiệp cũng phải được “tái định cư” ở Mỹ. Nền kinh tế số một thế giới sẽ phải làm những gì mà người Hoa thực hiện cách đây hàng thập niên: thiết lập khu kinh tế, cung cấp ưu đãi tài chính và cơ sở hạ tầng tốt hơn.


Thu Thảo
Theo Thanhnien.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục