tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Myanmar: 'Ác mộng giao thông' hoành hành sau 14 năm cấm xe máy

  • Cập nhật : 07/04/2017

Theo tờ Channel News Asia (Singapore), sau 14 năm cấm xe máy, đường phố Yangon (Myanmar) ngày càng tắc nghẽn do số lượng xe ôtô tăng nhanh. Giờ đây, thành phố này đang “tiến thoái lưỡng nan” với câu hỏi có nên đưa xe máy trở lại hay không.

Khi ánh nắng bình minh chiếu ánh vàng rực lên ngôi Chùa Sule ở trung tâm thành phố Yangon, những người đi làm đã bắt đầu ùa vào thành phố nhưng với vẻ lặng lẽ bất thường. Tiếng còi xe máy là một nét phổ biến và mang tính biểu tượng ở các thành phố lớn trong khu vực Đông Nam Á, nhưng ở Yangon lại không có. Xe máy đã bị cấm suốt 14 năm qua.

Một người đàn ông lớn tuổi từ từ đi một chiếc xe đạp trên đường phố nhỏ gần đó. Xe đạp cũng bị cấm ở Yangon. Kể từ năm 2003, thành phố này đã cấm xe máy chạy bằng nhiên liệu đi trong phạm vi toàn thành phố, trong khi đó, 6 thị trấn ngoại ô còn hạn chế việc sử dụng xe đạp thông thường và xe đạp điện.

duong pho yangon (myanmar) ngay cang tac nghen do so luong xe oto tang nhanh sau nhieu nam cam xe may.

Đường phố Yangon (Myanmar) ngày càng tắc nghẽn do số lượng xe ôtô tăng nhanh sau nhiều năm cấm xe máy.

Theo Channel Asia, có rất nhiều lời đồn thổi về lý do của lệnh cấm này. Một số nói rằng đó là vì an toàn đường bộ. Những người khác nói đó là cuộc chiến giai cấp. Trong khi đó, Tiến sĩ Maung Aung, người đứng đầu Cơ quan vận tải Vùng Yangon (YRTA) cho hay: "Xe máy và xe đạp bị cấm vì hầu hết những người lái xe đã không tuân thủ luật giao thông. Đặc biệt là những nhóm thanh niên đua xe và gây tiếng ồn lớn”.

Bất kể tại sao, lệnh cấm đã làm thay đổi căn bản cách người dân Yangon di chuyển quanh thành phố. Trong những năm gần đây, đường phố Yangon xuất hiện ngày càng nhiều xe hơi nhập khẩu giá rẻ. Giờ đây, dường như đã quá muộn để chính phủ hành động giảm tình trạng tắc nghẽn.

Gần đây chính phủ đã áp thuế cao hơn với xe ôtô tư nhân và hạn chế nhập khẩu xe ôtô. Tuy nhiên, việc cho phép xe máy đi trở lại dường như là một viễn cảnh quá xa xôi khi đường xá giờ đã chật ních xe hơi.

Ông Aung nói thêm: "Do cơ sở hạ tầng quản lý giao thông và đường bộ ở Yangon nên chúng tôi phải hạn chế. Ý tôi là ngay lúc này, bởi số lượng xe đang tăng nhanh và ùn tắc giao thông ở khắp nơi. Tất nhiên, nếu chúng tôi có thể mở rộng đường xá và nâng cấp cơ sở hạ tầng, chắc chắn chúng tôi sẽ cho phép xe máy và xe đạp đi khắp mọi nơi ở Yangon". Ý tưởng này có lẽ sẽ được nhiều người dân ủng hộ.

Người dân thiếu phương tiện đi lại, “xe ôm” và dịch vụ cho thuê xe “chui” phát triển

mot nguoi lai "xe om" dang cho khach ben duong.

Một người lái "xe ôm" đang chờ khách bên đường.

Ở thị trấn North Dagon, một khu công nghiệp nằm ở ngoại ô thành phố, “xe ôm” là phương tiện đi lại phổ biến. Ko Aung Aung cùng hàng chục người đàn ông khác làm nghề “xe ôm” ở khu vực này. Hành khách đi “xe ôm” chủ yếu là người cần đi đến trạm xe buýt hoặc đến chỗ làm.

Giống như Ko, nhiều người trong số những người lái “xe ôm” này đều từ những vùng quê khác tới Yangon để kiếm sống. Họ sẵn sàng bất chấp lệnh cấm để kiếm tiền. Ko chưa bao giờ bị bắt nhưng đã từng phải chạy khi cảnh sát đi kiểm tra. Việc kiểm tra này diễn ra vài tháng một lần.

Ko nói: "Nếu chính phủ cho phép xe máy, chúng tôi có thể làm việc mà không cần lo lắng. Tuy nhiên, công việc sẽ không có nhiều nữa. Giờ chúng tôi chỉ nghĩ mình đang làm việc bất hợp pháp và sẵn sàng chạy khi cảnh sát tới”.

Với lệnh cấm xe máy, không chỉ có dịch vụ xe ôm phát triển mà còn thêm dịch vụ cho thuê xe máy. San Htay là một trong số nhiều người cho thuê xe máy ở đây. Cô có 5 chiếc xe máy và cho thuê với giá 1,5 USD/ngày. Làm nghề này, cô thường bị cảnh sát gọi đến trả tiền phạt để nhận lại xe máy bị thu giữ.

Nhiều xe máy vẫn xuất hiện trên các đường phố trong hơn 14 năm lệnh cấm được ban hành cho thấy, việc thiếu phương tiện đi lại đã ảnh hưởng tới tất cả mọi người trong cộng đồng.

Thật vậy, một điểm yếu lớn trong hệ thống giao thông công cộng của Yangon là thiếu phương tiện cho người dân thực hiện các chuyến đi ngắn trong các khu phố. Mọi người thường gặp khó khăn khi đi học hoặc đi làm trên quãng đường tương đối ngắn (không thể đi bộ và cũng không có xe). Họ không đủ tiền mua xe hơi trong khi xe buýt thì chỉ dừng đúng điểm.

xe dap, xe may van xuat hien sau 14 nam lenh cam duoc ban hanh o yangon.

Xe đạp, xe máy vẫn xuất hiện sau 14 năm lệnh cấm được ban hành ở Yangon.

Kyaw Lin Htoon, cư dân địa phương làm việc trong khu vực trung tâm thành phố nói: "Giao thông thường xuyên bị ùn tắc và chúng sẽ chẳng bao giờ giảm. Điều đó ảnh hưởng tới công việc của tôi. Tôi thường bị đi làm muộn và nhỡ các cuộc hẹn”. Ước mơ của ông là có thể đi xe máy của riêng mình tới nơi làm việc.

Theo Channel News Asia, có lẽ hiện giờ, các nhà chức trách đang cố tìm ra giải pháp giảm tình trạng tắc nghẽn. Họ đang cố gắng cải thiện hệ thống giao thông công cộng.

Cho phép xe máy hay không?

Mặc dù việc cho phép xe máy hoạt động trở lại có thể giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông trên toàn bộ mạng lưới đường bộ, nhưng các chuyên gia môi trường của thành phố lại đang tranh cãi về vấn đề này.

Ông Jean-Marc Brule thuộc tổ chức phi chính phủ Green Lotus, chuyên về quy hoạch tổng thể xanh, phản đối mạnh mẽ việc cho phép xe máy trở lại.

Ông này nói: "Đó sẽ là một thảm họa. Đó sẽ là một giải pháp sai lầm, gây ô nhiễm nhiều hơn chỉ để giảm một chút tắc nghẽn giao thông. Nó sẽ tạo ra chủ nghĩa cá nhân, ô nhiễm không khí và sẽ khiến cho các nhà hoạch định chính sách không đưa ra được biện pháp đúng đắn cho giao thông công cộng”.

Theo ông này, để giúp giải quyết “cơn ác mộng giao thông”, Yangon cần cơ sở hạ tầng đường bộ ít hơn và nhiều lựa chọn đi lại hơn. Trong khi đó, Yangon đang xây dựng liên tục các con đường mới và cầu vượt.

Hiện tại, chính quyền thành phố đã cố gắng cải tổ mạng lưới xe buýt hiện chủ yếu do tư nhân điều hành và đang cố gắng tích hợp hệ thống xe buýt nhanh (BRT) với đường sắt đô thị. Yangon hiện cũng đang thí điểm dịch vụ tàu đệm khí đi qua các con sông Hlaing và Ngamoeyeik.

Tuy nhiên, ông David Allan, người sáng lập Spectrum (Mạng Tri thức Phát triển Bền vững), không đồng ý với ông Brule. Ông cho rằng, con người sẽ luôn chọn cách những cách thức hiệu quả nhất và xe máy là một giải pháp linh hoạt và hiệu quả đó.

Ông nói: "Bạn phải cung cấp cho mọi người nhiều sự lựa chọn. Không có cách nào giúp hệ thống giao thông công cộng thỏa mãn được nhu cầu của tất cả người dân Yangon. Tuy nhiên, sự lựa chọn xanh nhất cho tất cả mọi người là xe đạp, phương tiện không gây ô nhiễm thành phố hay không gây tắc nghẽn giao thông, cũng bị cấm.

Theo Chủ tịch Mạng lưới xe đạp Myanmar, Kyaw Min Oo, xe đạp được nhiều người sử dụng ở vùng ngoại ô khi họ có nhu cầu đi một quãng đường ngắn. Tuy nhiên, điều này rất thiếu an toàn. Ông giải thích: "Họ không hiểu nhiều về luật giao thông và đôi khi họ đang đi sai đường và điều đó rất nguy hiểm".

Nhóm của ông Kyaw Min Oo có khoảng 500 thành viên ở Yangon. Nhóm đang khuyến khích mọi người bỏ xe hơi để đi xe đạp và thường tổ chức các cuộc tuần hành bằng xe đạp vào cuối tuần. Tuy nhiên, họ thường bị các lái xe ôtô mắng mỏ và đôi khi bị cảnh sát giao thông khiển trách.

Ông Kyaw nói: "Chúng tôi đang bị áp đảo bởi nền văn hóa xe hơi. Cảnh sát giao thông tin rằng xe đạp làm phiền các phương tiện giao thông khác. Và lớp người có xe ở phía trên và những người đi xe đạp là những người ở phía dưới. Do đó, có một sự phân biệt giàu nghèo”.


Phạm Khánh (lược dịch)
Theo InfoNet.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục