tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thấy gì từ chương trình kích thích kinh tế mới của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe?

  • Cập nhật : 15/10/2015

(Tin kinh te)

Ba mũi tên mới của Abenomics 2.0 là sự khác biệt lớn trong chính sách kinh tế của Nhật Bản so với trước đây. Tuy nhiên, theo giới quan sát thì chính sách nới lỏng tiền tệ vẫn được ông Abe tiếp tục thực hiện và với mức độ mạnh mẽ hơn.

Khi mới lên nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe đã thu hút sự chú ý của dư luận với chính sách kích thích kinh tế có tên gọi Abenomics. 5.000 tỷ USD là mục tiêu GDP Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, đang hướng tới. Đây chỉ là một trong 3 mục tiêu đầy tham vọng của chương trình kinh tế mới do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khởi xướng.

 

Từ phiên bản 1.0

Ba mũi tên là thuật ngữ để chỉ nội dung cốt lõi của chính sách kinh tế Abenomics 1.0 của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Mũi tên thứ nhất là “ngân sách”. Ông Abe, chủ trương nhà nước sẽ chi ra hàng trăm tỷ yen và còn có thể nhiều hơn nữa, nhằm khuyến khích các hoạt động bằng các kế hoạch quy mô hỗ trợ nền kinh tế, khác hẳn với chính sách “thắt lưng buộc bụng” của EU.

Mũi tên thứ hai là “tiền tệ”. Theo đó, BOJ tiến hành cải tổ chính sách tiền tệ để đạt mục tiêu lạm phát ở mức 2% trong vòng hai năm, thông qua kỹ thuật được gọi là “giảm nhẹ chất lượng và số lượng”. Bơm tiền mặt vào thị trường nhằm bôi trơn tín dụng, giảm chi phí cho vay kích thích đầu tư của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân.

Mũi tên thứ ba là “cải cách”. Việc cải tổ cơ cấu được tiến hành nhằm chuyển đổi sâu sắc hệ thống kinh tế và khơi dậy “tiềm năng tăng trưởng” của Nhật Bản. Hướng tới việc giảm thuế cho doanh nghiệp, tự do hóa thị trường điện, hiện đại hóa nông nghiệp, gia tăng việc làm, nhất là lao động nữ.

Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện, hai mũi tên đầu đã thu được kết quả khả quan, còn mũi tên thức 3 đã không thành công, trên thực tế, lợi nhuận cao hơn không kích thích nhu cầu đầu tư, hay nói cách khác là sự tác động không đáng kể, khiến các công ty lựa chọn giải pháp tích trữ thay vì tăng đầu tư.

Còn thu nhập của người lao động chỉ tăng ở mức khiêm tốn, nhưng đã bị lạm phát và thuế trị giá gia tăng san bằng tỷ số. Tiêu dùng (chiếm 60% GDP) bị chặn lại khiến nền kinh tế tăng trưởng âm ngay từ quý II và III/2014 và hậu quả kéo dài đến ngay nay.

Đến phiên bản 2.0

Sau khi đã vượt qua các thử thách về chính trị, cùng với việc đổi mới nhân sự bộ máy chính phủ, Thủ tướng Abe đã cho khởi động Chương trình Abenomics phiên bản 2.0 hay còn gọi là giai đoạn 2 của Abenomics, với những mục tiêu tham vọng và dài hạn hơn. Cũng là 3 mũi tên, nhưng lần này mỗi mũi tên nhằm tới các mục tiêu cụ thể hơn.

Một là, mục tiêu tăng trưởng GDP 600 nghìn tỷ yen (5.000 tỷ USD) so với con số GDP 490.000 tỷ yen của Nhật Bản trong năm tài khóa 2014 là một mục tiêu đầy tham vọng.

Hai là, tăng cường các biện pháp hỗ trợ nuôi và sinh con. Mục tiêu này được giải thích là do tình trạng lão hoá và dân số giảm, ông Abe cam kết hỗ trợ tài chính cho các gia đình và đề ra mục tiêu tăng tỷ lệ sinh lên mức bình quân từ 1,4 lến 1,8 trẻ/bà mẹ. Đồng thời cam kết duy trì dân số luôn ở mức 100 triệu dân từ nay đến năm 2065.

Ba là, cải thiện an sinh xã hội. Trong 5 năm tới, Nhật Bản sẽ xây dựng thêm nhiều nhà dưỡng lão để giảm bớt gánh nặng cho lao động trẻ, giúp họ yên tâm làm việc, giảm được hàng chục ngàn lao động của con cái phải ở nhà chăm sóc cho cha mẹ già.

Ba mũi tên mới của Abenomics 2.0 là sự khác biệt lớn trong chính sách kinh tế của Nhật Bản so với trước đây. Tuy nhiên, theo giới quan sát thì chính sách nới lỏng tiền tệ vẫn được ông Abe tiếp tục thực hiện và với mức độ mạnh mẽ hơn.

Và hành động của BOJ

Để triển khai chính sách kinh tế mới, ngày 7/10, BOJ đã quyết định duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ hiện nay, với chương trình kích thích kinh tế trị giá 80.000 tỷ yen (665 tỷ USD), do xu hướng giảm phát của nền kinh tế Nhật vẫn gia tăng.

BOJ đưa ra quyết định nêu trên chỉ một ngày sau khi IMF hạ mức dự báo tăng trưởng của Nhật Bản với 0,6% năm 2015 và 1% năm 2016, thấp hơn so với dự báo trước đó là 0,8% và 1,2%.

BOJ vẫn giữ nguyên nhận định rằng, nền kinh tế Nhật “tiếp tục phục hồi ở mức độ vừa phải, dù xuất khẩu và sản xuất bị ảnh hưởng bởi tình trạng tăng trưởng chậm lại ở các nền kinh tế đang nổi”, rằng lạm phát hiện nay vẫn ở mức 0% do ảnh hưởng giá năng lượng giảm, nhưng họ vẫn hy vọng đạt mục tiêu lạm phát 2% vào nửa đầu năm tài khóa 2016.

Giới phân tích cho rằng, Nhật Bản là một trong những nền kinh tế chịu tác động mạnh nhất từ việc phá giá đồng NDT của Trung Quốc. NDT mất hơn 3% giá trị khiến lợi thế từ đồng yen Nhật suy giảm xuống mức thấp chưa từng có.

Đồng yen yếu là điểm cốt lõi trong chính sách Abenomic của thủ tướng Abe nhằm chấm dứt tình trạng giảm phát của nền kinh tế Nhật, nên mũi tên nới lỏng tiền tệ sẽ vẫn được duy trì trong giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, vấn đề xuất khẩu bị suy giảm đáng kể do thương mại với Trung Quốc đóng góp 13% vào GDP của Nhật Bản (cao hơn Mỹ), nay NDT mất giá so với USD cũng có nghĩa mất giá so với đồng yen, khiến cho lợi thế so sánh trước đây là từ phía Nhật thì nay lại thuộc về phía Trung Quốc.

Kinh tế đang tiếp tục suy yếu, những cử chi đã từng hy vọng ông Abe có thể giải quyết, thực hiện cải cách nền kinh tế Nhật cho tới lúc này, vẫn chưa nhìn thấy được kết quả nào ấn tượng. Lạm phát sau điều chỉnh giảm 2,9% trong tháng 6, một dấu hiệu báo trước GDP của Nhật Bản năm nay không mấy khả quan.

Chuyên gia kinh tế Koichi Hamada cho rằng: sự gấp rút của Thủ tướng Abe đang hướng Nhật tới một giai đoạn nới lỏng kinh tế hơn nữa. Cú sốc NDT và sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc đối với kinh tế thế giới lớn hơn nhiều so với Hy Lạp, nên ông Abe sẽ phản hứng lại bằng nhiều biện pháp rộng hơn, không chỉ là kiên trì chính sách đồng yen yếu.

Như vậy, sau gần một ngàn ngày cầm quyền, những gì mà Abenomics đạt được đó chỉ là một đồng yen yếu, hỗ trợ đắc lực cho xuất khẩu, giảm nhập khẩu, theo đó là những bước đi khiêm tốn như thắt chặt điều hành, quản lý doanh nghiệp và khuyến khích các công ty thuê thêm nhiều phụ nữ...

Giờ đây, theo giới phân tích, tình thế buộc ông Abe sẽ phải hành động mạnh tay hơn trong cải cách cấu trúc nền kinh tế, nhằm thúc đẩy tính cạnh tranh và giải quyết vấn đề lương, thu nhập cho người lao động, nới lỏng tiền tệ vẫn chỉ là giải pháp hỗ trợ.

Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, hiệu quả thực sự của Abenomics phiên bản 2.0 và nội các mới của Nhật được cải tổ vẫn còn đang ở phía trước./.

(Theo Dân Trí)

Trở về

Bài cùng chuyên mục