tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nhật Bản để mắt tới thị trường Trung Á

  • Cập nhật : 12/11/2015

(The gioi)

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa trở về Nhật Bản sau chuyến công du Mông Cổ và 5 nước khu vực Trung Á là Kyrgyzstan, Tadjikistan, Turkmenistan, Uzbekistan và Kazakhstan.

Theo nhật báo Nikkei, chuyến công du của ông Abe đã mở ra một đầu cầu quan trọng để các doanh nghiệp Nhật Bản thúc đẩy "hợp đồng đặt hàng" trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng lên tới trên 2.200 tỷ yên tại các nước Trung Á giàu tài nguyên thiên nhiên.

Chuyến công du của ông Abe, ngoài khía cạnh kinh tế, cũng nhằm tăng cường sự hiện diện của Nhật Bản tại Trung Á - nơi Trung Quốc đã có những ảnh hưởng rất rõ nét. Tuy nhiên, rõ ràng hiện vẫn còn rất nhiều việc phải giải quyết để Nhật Bản có thể cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại khu vực này. 

thu tuong nhat ban shinzo abe hoi kien tong thong kazakhstan nursultan nazarbayev tai astana, kazakhstan vao ngay 27/10/2015

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hội kiến Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev tại Astana, Kazakhstan vào ngày 27/10/2015

Trung Á –  điểm đến cuốn hút

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2006, một Thủ tướng Nhật Bản tới thăm các nước Kyrgyzstan, Tadjikistan và Turkmenistan. Vì lẽ đó, chuyến thăm của người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản được các quốc gia Trung Á mong đợi và kỳ vọng vào kết quả tốt đẹp.

Dẫn đầu đoàn đại biểu chính phủ cùng 50 doanh nhân gồm chủ các tập đoàn lớn của đất nước, Thủ tướng Nhật Bản đều đạt được lời hứa về những khoản đầu tư lớn tại mỗi quốc gia ông đến thăm. Có thể thấy rõ các quốc gia Trung Á đã trở thành trung tâm thu hút đầu tư của Nhật Bản.

Tại Ashgabat, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Turkmenistan Gurbanguly Berdimuhamedov, Thủ tướng Shinzo Abe cùng ông Berdimuhamedov đã chứng kiến lễ ký một loạt hợp đồng với tổng vốn đầu tư lên tới 18 tỷ USD. Thậm chí Thủ tướng Abe còn đánh giá các thỏa thuận với Ashgabat là "một cơ hội kinh doanh tuyệt vời" của các công ty Nhật Bản.

Tại Tashkent, Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov và Thủ tướng Abe đã chứng kiến lễ ký một gói thỏa thuận hợp tác gồm các dự án đạt trị giá 8,5 tỷ USD vốn đầu tư, chủ yếu thuộc các ngành khai thác uranium, khoáng sản, đường sắt, ngành công nghiệp ô tô, viễn thông, điện tử, dệt, năng lượng... Các công ty Nhật Bản sẵn sàng đầu tư phát triển các mỏ khí mới, trong bối cảnh Nhật Bản có thể từ bỏ điện hạt nhân và chuyển sang tiêu thụ khí đốt của Uzbekistan.

Tại Astana, một loạt các dự án đầu tư cũng đã chờ đợi được ký kết khi đoàn đại biểu Chính phủ Nhật Bản dừng chân. Kazakhstan có uranium, trong khi Nhật Bản có công nghệ cao. Sau vụ tai nạn kép tại nhà máy điện hạt nhân "Fukushima-1", Tokyo đã thay đổi chiến lược năng lượng của đất nước, theo đó gần như chuyển hướng không sử dụng năng lượng điện hạt nhân, song vẫn sẵn sàng hỗ trợ các đối tác.

Kazakhstan đang tiến hành đàm phán xây dựng nhà máy điện hạt nhân với Toshiba của Nhật Bản, với dự án có giá trị đầu tư 3,7 tỷ USD. Còn tại Tadjikistan và Kyrgyzstan, Thủ tướng Nhật Bản cam kết sẽ hỗ trợ tái thiết cơ sở hạ tầng và phát triển vùng nông thôn ở các nước này.

Với chuyến thăm kéo dài một tuần, Chính phủ Abe hy vọng ký kết với các công ty tại khu vực Trung Á và Mông Cổ các hợp đồng với tổng trị giá đầu tư lên tới 250 tỷ USD từ nay đến năm 2020. Đây sẽ là một kết quả đáng mừng trong nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Abe và đồng thời, Nhật Bản đã ra một đòn đánh mạnh vào các lợi ích của Trung Quốc ở Trung Á.

Tiềm lực kinh tế của Trung Á gần đây không chỉ có sức hút riêng với “xứ sở hoa anh đào”. Mới chỉ mấy ngày trước, tại Samarkand (Uzbekistan), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã có cuộc gặp với đại diện một số chính phủ được coi là hà khắc nhất thế giới ở vùng Trung Á nhằm tăng cường các mối quan hệ kinh tế.

Tại cuộc gặp, người đứng đầu ngành ngoại giao các nước bày tỏ hy vọng cuộc gặp cấp ngoại trưởng đầu tiên giữa Mỹ và 5 quốc gia Trung Á sẽ trở thành diễn đàn để thúc đẩy hợp tác sáu nước theo cơ chế "C5+1" (5 nước Trung Á cộng với Mỹ).

Trước đó, Mỹ đã từng tuyên bố muốn tăng cường và mở rộng hợp tác với tất cả các nước Trung Á, khu vực được Washington coi là có vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng, trong bối cảnh các cường quốc khác như Nga và Trung Quốc đã xây dựng nền tảng ngoại giao với 5 quốc gia kể trên thông qua những hoạt động đầu tư thương mại và cơ sở hạ tầng.

Tokyo liệu có “vượt” Bắc Kinh

Theo Nikkei, nguyên thủ của một nước Trung Á, khi trao đổi riêng với Thủ tướng Nhật Bản, cho rằng nước này đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, vị nguyên thủ này nhấn mạnh nước này không muốn phụ thuộc quá mức vào nền kinh tế Trung Quốc.

Một thành viên tháp tùng Thủ tướng Abe hé mở thông tin cho báo chí biết rằng hầu hết các nước Trung Á trong chuyến thăm đều rất coi trọng và có chung hy vọng thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản. 

 Tuy nhiên, tại cả 5 quốc gia Trung Á, Trung Quốc đều là đối tác thương mại lớn nhất trong khi kim ngạch thương mại với Nhật Bản chỉ chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch thương mại của các nước này. Tại Kazakhstan, Toshiba - một doanh nghiệp lớn của Nhật Bản - đang thuyết phục chính quyền nước này để được nhận thầu dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử.

Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận. Một trong những lý do chính là doanh nghiệp của Trung Quốc cũng nhảy vào dự án này và có các hoạt động vận động hành lang rất mạnh mẽ. 

(Kazakhstan là nước chịu ảnh hưởng rất mạnh mẽ từ Trung Quốc. Tổng thống nước này, ông Nursultan Nazarbayev, trong buổi hội đàm với Thủ tướng Abe còn mời gọi Tokyo tham gia dự án xây dựng tuyến đường nối Trung Quốc với châu Âu đi qua quốc gia Trung Á này. Chính quyền Nhật Bản hiểu rằng đó là cách để Kazakhstan gián tiếp yêu cầu Tokyo tán thành chủ trương xây dựng “Một vành đai, một con đường” do Trung Quốc khởi xướng và đóng vai trò trung tâm).

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Nhật Bản đã cam kết viện trợ phát triển cho các nước tổng cộng 27,3 tỷ yên. Tuy nhiên, khoản viện trợ không hoàn lại chỉ là một con số khiêm tốn 2,3 tỷ yên. Rõ ràng là khoản tiền hỗ trợ của Nhật Bản không thể sánh được với những lợi ích kinh tế to lớn mà Bắc Kinh dành cho các nước Trung Á.

Nhận định về mục đích của chuyến thăm này, nhà Đông phương học Alexander Panov, cựu Đại sứ Nga tại Nhật Bản, cũng cho rằng Nhật Bản chưa thể cạnh tranh với Trung Quốc ở khu vực trên. Theo ông Panov, có lẽ mục đích chính của chuyến thăm chỉ là hợp tác kinh tế, bởi về mặt ngoại giao Nhật Bản chưa bao giờ chiếm một vị trí quan trọng ở Trung Á.

Trong tương lai, sự tham gia của Nhật Bản trong các quá trình kinh tế ở Trung Á sẽ được hoan nghênh, nhưng Nhật Bản không thể đóng một vai trò hàng đầu ở đây. Tất cả mọi thứ sẽ phụ thuộc vào mục tiêu chiến lược của ban lãnh đạo Nhật Bản ở khu vực Trung Á. Hiện nay vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp. Đây mới chỉ là "khúc dạo đầu" của ông Abe nên dư luận cần chờ xem bước đi tiếp theo của ông là gì.

(Theo Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục