"Đề nghị người dân cần chú ý đọc thật kỹ hợp đồng. Trong đó chú ý lãi suất cho vay, người tư vấn phải tư vấn cho kỹ để người vay quyết định khả năng trả lãi suất. Thứ hai là phương thức trả nợ, theo dư nợ giảm dần hoặc theo nợ gốc ban đầu", ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết.
Vì sao lãi suất cho vay tiêu dùng cao?
- Cập nhật : 24/10/2015
(Tai chinh)
Trên thị trường hiện nay lãi suất cho vay tiêu dùng đang phổ biến ở mức 20 – 30%/năm, cá biệt có một số công ty tài chính có các khoản dư nợ lãi suất lên đến 60 – 70%/năm.
Gia đình chị Lưu Thị Mai và anh Trần Quốc Chính ở Thanh Xuân Trung, Hà Nội đang có nhu cầu sửa chữa nhà ở. Được các đồng nghiệp tư vấn nên tìm đến ngân hàng để vay tiêu dùng vì thủ tục giải ngân nhanh chóng, lại không đòi hỏi tài sản thế chấp cầu kỳ, anh chị quyết định tìm đến ngân hàng với ý định vay khoảng 200 triệu đồng.
Đến ngân hàng gần nhà, chị Mai được các cán bộ tín dụng ở đây tiếp đón khá nhiệt tình, giải thích cặn kẽ về thủ tục, hồ sơ…Nhưng khi đề cập đến mức lãi suất khoảng 26%/năm, chị Mai cảm thấy ái ngại. Băn khoăn mãi, chị Mai và anh Chính sau đó đã quyết định vay thông thường, dùng chính ngôi nhà đang sửa làm tài sản đảm bảo, lãi suất chỉ 12%/năm.
Không may mắn như nhà chị Mai, bác Trần Quang Hoạt ở Tân Mai (Q. Hoàng Mai) vừa xây xong nhà thì hết sạch tiền, vì thế đồ đạc trong nhà chưa sắm sửa được. Ngặt một nỗi bác khó có thể vay thêm vốn ngân hàng giá rẻ vì ngôi nhà đã dùng để thế chấp vay vốn cho việc xây dựng.
Bác Hoạt sau đó tìm đến gia đình ông V. chuyên cho "vay nóng". Hỏi chuyện vay khoảng 50 triệu đồng, ông V. liền ra giá vay tính theo ngày với lãi suất 10 nghìn đồng/1 triệu, tính ra là 500 nghìn đồng/ngày. Nhưng vì chỗ quen biết, ông V chỉ lấy 400 đồng/ngày. Vì có ý định chỉ vay trong khoảng thời gian ngắn nên bác định bụng cầm tiền ngay, nhưng nhẩm tính, mức lãi suất này tương đương 24%/tháng tức hơn 280%/năm. Nếu vay nửa năm khoản tiền trả lãi đã ngang tiền gốc, bác Hoạt không khỏi giật mình.
Một lần đi siêu thị điện máy trên phố Trường Chinh, được các nhân viên ở đó giới thiệu về việc vay vốn qua công ty tài chính tiện lợi, nhanh chóng, lãi suất tính ra cao gấp hơn 2 lần ngân hàng nhưng chỉ bằng phần nhỏ của vay tín dụng đen, lại được trả góp. Nghe cũng thấy hợp lý, bác Hoạt sau đó quyết định vay vốn từ công ty tài chính và mua luôn các sản phẩm của hãng điện máy mà bác đã ghé thăm.
Trường hợp như của gia đình chị Mai hay bác Hoạt không phải là hiếm gặp hiện nay. Tuy nhiên lãi suất quá cao đã khiến nhiều người ngần ngại và đặt câu hỏi vì sao lãi suất vay tiêu dùng lại cao như thế?
Theo các chuyên gia, lý do cơ bản nhất là vì các khoản vay phần lớn không có tài sản đảm bảo, khách hàng có thu nhập thấp tức là có độ rủi ro cao. Các ngân hàng thường coi đây là đối tượng khách hàng “phi chuẩn” và gần như họ không thể tiếp cận các dịch vụ của ngân hàng truyền thống. Lãi suất cho vay tiêu dùng phổ biến hiện nay khoảng 20 – 30%/năm, thậm chí có các khoản nợ lãi suất tới 60 – 70%/năm, trong khi ngân hàng chỉ cho vay từ 9 – 13%/năm.
TS. Bùi Quang Tín, giảng viên ĐH Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, khi một dịch vụ có rủi ro lớn thì lãi suất cao là tất yếu. Ở đây các công ty tài chính thường không kiểm soát được dòng tiền trả nợ của khách hàng trong khi khả năng món vay trở thành nợ xấu rất cao khi mà không ít người vay có tâm lý “muốn xài tiền nhưng không muốn trả nợ”. Các ngân hàng không chấp nhận điều đó, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay họ càng phải kiểm soát chặt chẽ tín dụng hơn bao giờ hết với các quy định về dự phòng và phân loại nợ khắt khe của Thông tư 02, Thông tư 09, cùng những yêu cầu khác về an toàn liên quan đến hoạt động.
Lý do thứ hai khiến cho lãi suất cho vay tiêu dùng cao là bởi chi phí dịch vụ đắt đỏ. Các công ty tài chính phải đầu tư xây dựng hệ thống công nghệ thông tin tốt để đánh giá và quản lý khách hàng, phải mất phí qua các kênh phân phối trung gian. Thêm vào đó đối tượng vay vốn của họ có thu nhập thấp hơn, dư nợ nhỏ và thời hạn vay ngắn, hình thức trả nợ định kỳ…làm tăng chi phí quản lý các khoản vay dẫn đến lãi suất phải cao.
Giải thích rõ hơn về điều này, theoTS. Bùi Quang Tín, có thể gói gọn trong hai từ cầu và cung. Các sản phẩm tín dụng tiêu dùng với đặc thù là số tiền nhỏ, không có tài sản đảm bảo, thời gian giải ngân nhanh, chủ yếu do các công ty tài chính cung cấp, trong khi ngân hàng (trừ vài ngân hàng thời gian qua mua lại công ty tài chính) lại bỏ qua phân khúc này. Các sản phẩm ít mà nhu cầu quá lớn cho nên giá dịch vụ (ở đây là lãi suất khoản vay) sẽ bị đẩy lên rất cao do thị phần của mảng này đang nằm trong tay các công ty có uy tín chẳng hạn Home Credit, FE Credit, HD Saison Finance, Prudiential Finance, ACS Trading, JACCS…
Nghiên cứu sinh Châu Đình Linh (ĐH Ngân hàng Tp.HCM) bổ sung thêm, không phải chi phí cho vay tiêu dùng ở Việt Nam mới cao mà ở các nước, ngay cả Mỹ, cũng vậy. Tìm hiểu của ông về chương trình phân tích chi phí chức năng (FCA) hằng năm của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho thấy, lãi suất khoản vay tiêu dùng thường bao gồm chi phí huy động vốn cho vay cộng với chi phí hoạt động (gồm lương của nhân viên) + phần phần bù rủi ro tổn thất tín dụng + phần bù kỳ hạn với các khoản cho vay dài hạn + và lợi nhuận cận biên. Như thế, chi phí vận hành để có một khoản cho vay tiêu dùng cao và rủi ro tín dụng với rủi ro kỳ hạn cũng cao đã làm lãi suất cho vay cao.
Lãi suất cao nhưng các công ty tài chính vẫn hút được khách vì biết đang khai thác dịch vụ theo hướng phục vụ nhu cầu thay vì bán những gì mà họ có – hướng đi của các nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp. Giờ đây, khách hàng có thể dễ dàng để tiếp cận được các khoản vay từ công ty tài chính qua các nhà cung cấp sản phẩm, qua các điểm bán hàng (POS), qua internet, điện thoại, mạng xã hội… một cách dễ dàng. Các đại diện cung cấp dịch vụ có thể ngay lập tức xử lý hồ sơ và thấm định tín dụng, phê duyệt hồ sơ tại chỗ để giúp khách hàng có thể được tiếp cận và giải ngân khoản vay nhanh chóng.
Và dù được đánh giá với quy mô tầm 10,4 tỷ USD nhưng thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam vẫn đang được xem là hết sức màu mỡ và còn rất nhiều dư địa phát triển. Nhận ra điều này, các ngân hàng thương mại đều đang đẩy mạnh mua lại hoặc thành lập mới các công ty tài chính để mở rộng hoạt động và cạnh tranh thị phần lẫn nhau. Các chuyên gia đánh giá, khi thị trường trở nên cạnh tranh thì buộc các công ty tài chính phải điều chỉnh lãi suất sao cho phù hợp và hướng tới người tiêu dùng nhiều hơn, tuy nhiên với yếu tố đặc thù liên quan rủi ro và chi phí như đã phân tích thì lãi suất cho vay tiêu dùng sẽ không thể duy trì ở mức thấp như các khoản vay thương mại thông thường.