tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

CEO SSIAM: Cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam còn rất nhiều

  • Cập nhật : 22/08/2017

Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh trên thế giới, được thúc đẩy bởi Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Xuất khẩu, và Nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Tại buổi hội nghị xúc tiến đầu tư chức tại Nhật Bản ngày 21/08, bà Lê Thị Lệ Hằng, Tổng giám đốc công ty quản lý quỹ SSI (SSIAM) đã có bài trình bày về những tiềm năng và cơ hội đầu tư vào Việt Nam trước gần 100 nhà đầu tư tổ chức Nhật Bản.

Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước đang phát triển năng động nhất ở Đông Nam Á với dân số hơn 94 triệu dân theo số liệu tháng 7/2015 với độ tuổi trung bình 29 tuổi, đây là thời kỳ dân số vàng của quốc gia.

Với cơ cấu dân số trẻ, trình độ văn hóa cao, cũng như chi phí lao động có kỹ năng ở Việt Nam trung bình chỉ bằng 1/3 ở Trung Quốc đã giúp Việt Nam trở thành địa điểm chính thu hút vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Châu Á. Số liệu ghi nhận được bởi ILO - Global Wage Database, mức lương bình quân của người dân Việt Nam ở mức 197 USD/tháng năm 2014/15, thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu cực châu Á như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Koong, Trung Quốc…

Tại Việt Nam, FDI đóng vai trò là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Dòng vốn FDI thông qua các doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư tại Việt Nam trong đó có thể kể tới Samsung, Toyota, Panasonic, Aeon… Hiện nay, FDI đóng góp 25% cho nền kinh tế.

Đồng thời, theo bà Hằng, Việt Nam cũng đã và đang theo đuổi mô hình tăng trưởng kinh tế thúc đẩy bởi xuất khẩu. Trong hơn một thập kỷ qua, Việt Nam đã ký 12 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với các nước. Đến thời điểm này điện thoại thông minh, hàng điện tử và máy tính là những mặt hàng hiện chiếm hơn 50% giá trị xuất khẩu của Việt Nam so với chỉ 6% sáu năm trước đây.

Việt Nam là đối tác thương mại của nhiều nước và khu vực trên thế giới bao gồm các nước Tây Âu, Hòa Kỳ Trung Quốc, Nhật Bản và ASEAN.

Một yếu tố khác thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam là tốc độ đô thị hóa đã tăng lên 36,6% cuối năm 2016. Điều đó đã dẫn tới tỷ lệ thu nhập và tầng lớp trung lưu tăng cao. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD ước tính mức tiêu dùng của Việt Nam sẽ tăng lên 20 lần trong vòng 2 thập kỷ tới.

Cũng cần đề cập rằng, từ năm 2011, Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực tạo sự ổn định cho nền kinh tế với mục tiêu tăng trưởng dài hạn và ổn định. Kết quả là tỷ lệ lạm phát đã giảm xuống mức một con số từ mức đỉnh 28% vào năm 2008. Dự trữ ngoại hối tăng và đạt mức cao nhất 39,2 tỷ USD. Việt Nam đã duy trì thặng dư tài khoản vãng lai trong 5 năm qua.

Mặt khác, Việt Nam cũng là nước 1 trong những nước đầu tư cho cơ sở hạ tầng lớn nhất trong số các quốc gia châu Á (chỉ xếp sau Trung Quốc). Theo số liệu của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á, trong 3 năm gần đây, tổng mức đầu tư công và tư cho cơ sở hạ tầng đạt trung bình 5,7% GDP. Đây là mức chi cho cơ sở hạ tầng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Để so sánh, Indonesia và Philipin có tỷ lệ chi thấp hơn 3% trong khi tỷ lệ này ở Bangladesh và Malaysia dưới 2%.

Về hoạt động đầu tư, trong nửa đầu 2017, tỷ lệ đầu tư nước ngoài chiếm 25% tổng vốn đầu tư vào thị trường, đầu tư công chiếm 36% và đầu tư tư nhân chiếm 39%.

Khu vực tư nhân đã bắt đầu đóng vai trò lớn trong nền kinh tế là một dấu hiệu tích cực. Tỷ lệ đầu tư của khu vực tư nhân trong vài năm gần đây đã gần bắt kịp khu vực Nhà nước. Và khu vực nhà nước đóng vai trò tích cực hơn trong công việc đầu tư các hạng mục cơ sở hạ tầng quan trọng và điều nay là cơ sở cho đầu tư tư nhân lớn hơn trong tương lai

Trên thị trường chứng khoán, từ số lượng chỉ 42 doanh nghiệp giao dịch trên sàn năm 2005, con số này đã tăng lên 1.388 vào cuối tháng 7/2017. Vốn hóa thị trường đã tăng từ 551 triệu USD của năm 2005 lên 112 tỷ USD vào tháng 7/2017, gấp 201 lần. Nhiều doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa và niêm yết đưa cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán như Sabeco, ACV, Habeco… Những DN mới niêm yết này đã giúp tăng tổng giá trị vốn hóa của TT lên đáng kể. Tuy nhiên một trong những hạn chế của các DN mới niêm yết này là lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng thấp.

Từ phía Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã và đang thể hiện quyết tâm ‘đẩy mạnh’ quá trình tái cơ cấu và cổ phần hóa các DNNN. Không những thúc đẩy cổ phần hóa, Chính Phủ còn tháo gỡ các rào cản và tăng cường cải cách trong cơ chế cổ phần hóa. Cùng với đó đẩy nhanh việc niêm yết các DN có quy mô vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán và giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước – tạo thêm nhiều cơ hội mới cho nhà đầu tư trong và ngoài nươc.

Theo bà Hằng, việc thoái vốn nhà nước tại các tổng công ty lớn như Sabeco, Habeco, Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, hay tổng công ty Tái Bảo Hiểm Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nhất là nhà đầu tư có thể mang đến cho DN Việt Nam không chỉ là tài chính mà còn kinh nghiệm quản trị, vận hành, công nghệ, khả năng phát triển và đưa DN Việt Nam ra thế giới.

Lấy một ví dụ: 10 năm trước đây Daiwa đầu tư vào SSI với tư cách là cổ đông chiến lược và đến bây giờ vẫn đang là cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 17%. Bà Hằng cho biết Daiwa đã hỗ trợ SSI rất nhiều trong việc thiết lập hệ thống quản trị rủi ro cũng như nâng cao hệ thống công nghệ, và kết nối với các nhà đầu tư Nhật Bản.

Tháng 6 vừa qua MSCI đã nâng tỷ trọng các cổ phiếu Vietnam trong MSCI frontier 100 index từ 8.09% lên tới 12.63%. Chính Phủ Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.

Một trong những việc mà SSIAM đánh giá rất cao là việc đẩy mạnh tính minh bạch và quản trị của DN cũng như của thị trường chứng khoán. Đây cũng là một yếu tố quan trọng đối với các nhà đầu tư tổ chức khi cân nhắc đầu tư.

Đối với DN việc áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế sẽ giúp các nhà đầu tư chuyên nghiệp có cơ sở so sánh tốt hơn giữa DN trong nước và DN quốc tế, từ đó, có thể đưa ra những quyết định đầu tư hợp lý.

Theo CEO SSIAM, cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, đặc biệt khi mức định giá của thị trường vẫn còn thấp hơn so với các thị trường lân cận và tỷ ROE cũng như lợi tức cao. Đặc biệt những lĩnh vực tiềm năng tại Viet Nam trong thời gian tới là tiêu dùng, bán lẻ, cơ sở hạ tầng, cảng vận, công nghệ, công nghiệp, dược, và tiện ích.


Phan Tùng
Theo NDH.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục