Sẽ quản lý tiền ảo?: Mảnh đất màu mỡ cho lừa đảo
- Cập nhật : 26/08/2017
Các đồng tiền kỹ thuật số, tiền ảo (coin) dễ dàng sinh ra nhưng cũng dễ mất đi, tăng giá hay giảm giá vô tội vạ. Đây là miếng đất màu mỡ cho những hoạt động lừa đảo, rửa tiền.
"Cá mập" thao túng giá
Hôm qua 25.8, thị trường thế giới xuất hiện thêm 2 loại coin mới so với ngày trước đó, nâng số lượng coin lên 857 loại. Đồng thời giá các loại coin tiếp tục tăng nhanh dẫn đến tổng giá trị vốn hóa thị trường tăng thêm 2,8 tỉ USD, lên 154,8 tỉ USD.
Trong đó bitcoin có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường khi tăng giá 4% trong 24 giờ qua, đạt mức 4.360 USD/coin. Giá coin tăng hay giảm thường nằm trong tay những nhà đầu tư lớn được gọi là "cá mập" hay chính những đơn vị tạo lập đồng tiền này.
Một ví dụ, đầu tháng 8, đồng pura có giá từ 0,15 - 0,3 USD nhưng ngày 25.8, giá tăng hơn 66%, lên 1,06 USD. Do tốc độ tăng giá của đồng này quá nhanh nên tối 24.8 đã có một số nhà đầu tư kìm giá bằng cách tung ra lệnh bán lớn. Thế là những nhà đầu tư mua ở giá cao lỗ nặng. Đó là "chiêu" quen thuộc của giới cá mập khi cần thao túng giá và luôn hiệu quả.
Trên thực tế, các hoạt động mua bán, giao dịch các loại tiền ảo tại VN đã diễn ra rầm rộ và biến tướng sang nhiều hình thức khác nhau.
Phổ biến nhất là việc mời chào kêu gọi các khách hàng tham gia để nhận mức lãi cao gấp nhiều lần so với lãi suất ngân hàng.
Cuối năm 2015, hàng trăm nạn nhân tại An Khê (Gia Lai) đã đến cơ quan công an trình báo và kêu cứu sau khi đã lỡ dính vào mạng lưới này và bị mất hết tiền, tài sản, trở thành con nợ vay nóng…
Theo xác minh ban đầu của Công an TX.An Khê, người dân ở đây đã tham gia mở khoảng 1.900 tài khoản, tương đương 1.900 bitcoin với số tiền khoảng 22 tỉ đồng. Sàn giao dịch fxmt4.us do Trần Thiện Lâm (trú tại 2/7 Quách Văn Tuấn, P.12, Q.Tân Bình, TP.HCM) đứng đầu tung ra lãi suất trong 30 ngày đầu ở mức 24%, ngày thứ 35 sẽ nhận được 24%, ngày thứ 40 tiếp tục nhận được 24%... cứ 5 ngày sẽ nhận được 24%, như vậy 6 lần trong 1 tháng sau đó sẽ nhận được 144%.
Dù yêu cầu người tham gia chuyển khoản qua ngân hàng mua mã bitcoin nhưng Trần Thiện Lâm lại bắt ghi nội dung là mua gạo hoặc các hàng hóa. Vì hoa mắt với lãi khủng nên nhiều người không có tiền cũng đi vay nóng và ào ào chuyển tiền cho Lâm để rồi tiền ra đi không trở lại…
Hay hình thức “chơi hụi” Bitkingdom trả lãi 30%/tháng hoạt động trong vòng vài tháng thì sụp cũng từng xảy ra trong năm 2016. Những người tham gia không lấy lại được tiền. Bản thân nhiều người không biết tiền kỹ thuật số là gì nhưng đã bỏ tiền mua các gói tham gia tiền ảo, chẳng hạn như onecoin để chờ một ngày nào đó nó được giao dịch công khai, giá sẽ tăng. Thế nhưng nhiều tháng nay, các nhà đầu tư onecoin đứng ngồi không yên vì công ty tạm ngưng giao dịch do đang chuẩn bị niêm yết trên sàn.
Mất tiền, khó quản lý
Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho biết, sau khi có thông tin Chính phủ giao cho các bộ ngành nghiên cứu, ban hành quy định quản lý coin, giới đầu cơ coin tung tin nhà nước công nhận coin nên giá càng được đẩy lên nhanh chóng.
Càng nhiều người tham gia thì giá càng tăng... “Nhìn vào quá trình tăng giá của bitcoin, nhiều tổ chức, cá nhân đã tạo ra các đồng coin và huy động nhiều người tham gia bằng mô hình đa cấp trả hoa hồng cao. Thực chất kẻ xây dựng mô hình này là lấy tiền người vào sau trả cho người vào trước. Sự lũng đoạn, biến tướng của một số coin đã gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội”, chuyên gia này nhận xét.
Theo TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhà đầu tư ở VN có thể tham gia đầu tư coin qua nhiều dạng. Thứ nhất là thông qua một công ty trung gian.
Chính công ty này mở tài khoản chung để nhận tiền của các cá nhân. Rủi ro ở đây là không ai khẳng định được công ty này có thật sự đầu tư ra các sàn coin thế giới hay chỉ nhận tiền của nhà đầu tư nhưng không thực hiện.
Thứ hai là một số cá nhân có thể tự mình đăng ký tham gia giao dịch với các sàn coin ở nước ngoài thông qua thẻ tín dụng nên khá dễ dàng.
Tuy nhiên, số lượng các sàn coin này mọc lên như nấm và thực hư về tình hình tài chính ra sao cũng là một ẩn số. Vì vậy việc đầu tư có thể thắng hay thua cũng sẽ không thể nào chắc chắn được.
Điều đáng nói là có những đơn vị đã tổ chức hội thảo rầm rộ trong thời gian qua để lôi kéo những người dân ở các vùng sâu, vùng xa tham gia.
“Việc đầu tư theo cách nào cũng chứa đựng quá nhiều rủi ro. Số người bị mất tiền vì tham gia các sàn coin thời gian qua ở VN khá nhiều và chắc không ai có thể thống kê được. Phải khẳng định một điều là các công ty môi giới tại VN chắc chắn không có giấy phép cho hoạt động đầu tư vàng, ngoại tệ hay coin ra nước ngoài vì Pháp lệnh Ngoại hối đã nêu rõ là cấm cá nhân chuyển tiền đầu tư gián tiếp. Những vụ bắt các chủ sàn vàng, sàn coin tại VN hay tại nước ngoài gần đây cũng cho thấy ai lỡ dính vào việc này thì khả năng mất tiền rất lớn”, TS Lê Đạt Chí chia sẻ thêm.
Một số vụ mất tiền trên sàn quốc tế
Vào cuối tháng 7, Alexander Vinnik - một quản trị viên quan trọng của sàn giao dịch tiền ảo BTC-e bị bắt giữ tại Hy Lạp với cáo buộc rửa tiền ít nhất là 4 tỉ USD. Theo Bộ Tư pháp (Mỹ), BTC-e là một tổ chức rửa tiền khổng lồ cho các tội phạm toàn thế giới và Vinnik sử dụng công cụ này để đổi bitcoin thành USD, euro hay đồng rúp. Nhiều nhà đầu tư trên thế giới, trong đó có VN, đã mất một lượng lớn bitcoin để trên tài khoản tại sàn có giá trị lớn.
Thanh Xuân - Mai Phương
Theo Thanhnien.vn