tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường: Thời cơ đã điểm

  • Cập nhật : 24/07/2016

Nợ xấu từ trước đến nay luôn là “bóng ma” đè nặng lên hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, thời gian gần đây, nhiều văn bản, chính sách đã được ban hành để tạo khung pháp lý cho việc xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường.

de no xau xay ra co ca nguyen nhan khach quan va chu quan

Để nợ xấu xảy ra có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan

Điều kiện “cần”

Vào ngày đầu tháng 7 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ  phải có mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ phải có mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu 500 tỷ đồng. Nghị định cũng quy định cụ thể về các khoản nợ được mua bán và điều kiện thực hiện mua bán nợ.

Về phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cũng trong tháng 7, NHNN đã ban hành hàng loạt thông tư quy định, sửa đổi nhiều lĩnh vực trong hoạt động ngân hàng. Đáng chú ý là Thông tư 08/2016/TT-NHNN (Thông tư 08) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2013/TT-NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC), có hiệu lực từ ngày 1-8 tới. Thông tư này đã trao cho VAMC cơ chế chủ động và quyền hạn nhiều hơn trong quá trình cơ cấu và xử lý nợ xấu. Hơn nữa, Thông tư 08 cũng bổ sung các quy định về mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường.

Theo đánh giá của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Vietcombank (VCBS), một trong những vấn đề trước khi có Thông tư 08 là VAMC không có đầy đủ quyền đối với khoản nợ đó. Tuy Thông tư mới không trao quyền hoàn toàn đối với khoản nợ xấu từ TCTD sang VAMC, nhưng Thông tư cũng đã góp phần đơn giản hóa các thủ tục và đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.

Trước đó, vào tháng 4-2016, NHNN đã ban hành Quyết định số 618/QĐ-NHNN cho phép VAMC chính thức được triển khai phương án mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường trong khuôn khổ những quy định cụ thể về phạm vi, đối tượng, điều kiện, nguyên tắc, trình tự và giá mua nợ; vốn sử dụng để mua nợ; xử lý các khoản nợ xấu đã mua. Do đó, Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng được Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng ban hành vào đầu tháng 7 đã đặt mục tiêu toàn ngành ngân hàng phấn đấu duy trì bền vững tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3% tổng dư nợ theo chuẩn mực phân loại nợ của Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính – ngân hàng, với những văn bản như trên, khung pháp lý cho việc xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường đã gần được hoàn thiện, dù chưa triệt để nhưng vẫn là những điều kiện cần thiết để thành lập thị trường mua bán nợ. Do đó, việc thúc đẩy quá trình mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường, nếu thành công, sẽ góp phần phát sinh dòng tiền thực để các TCTD tái cho vay, khơi thông hoạt động kinh doanh và giải quyết triệt để “cục máu đông” dồn lại từ nhiều năm. Mặc dù vậy, điều này cần đi liền với nhiều nỗ lực cố gắng từ các bên.

Thiếu nhiều điều kiện “đủ”

Mặc dù thành tích xử lý nợ xấu của các TCTD về dưới 3% là đáng ghi nhận, nhưng quy mô nợ xấu vẫn còn rất lớn, khiến các ngân hàng vẫn phải đối mặt với rủi ro tín dụng khi trái phiếu đặc biệt của VAMC hết hạn, các khoản nợ xấu không được xử lý hoặc được xử lý chậm sẽ quay trở lại các TCTD. Mặc dù ý tưởng mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường đã có ngay từ khi thành lập VAMC, nhưng tại thời điểm đó, việc xử lý nợ xấu mới diễn ra ở giai đoạn đầu và với nguồn lực có hạn, nên các quy định của NHNN vẫn tập trung nhiều hơn vào việc xử lý nợ xấu bằng cách mua lại qua trái phiếu đặc biệt của VAMC, chưa dùng đến “tiền thật”.

Để giải quyết nguồn lực có hạn của VAMC, tại Nghị định 34/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC, Chính phủ đã đồng ý tăng vốn điều lệ của VAMC lên 2.000 tỷ đồng, gấp 4 lần số vốn trước đó. Đồng thời, Nghị định cũng nới thời hạn của trái phiếu đặc biệt dùng để mua nợ xấu của các TCTD đang thực hiện phương án tái cơ cấu hoặc đang gặp khó khăn về tài chính lên tối đa là 10 năm.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết sẽ không có gì thay đổi trong kế hoạch mua bán, xử lý nợ xấu của VAMC trong năm 2016, giữ nguyên quan điểm: Một là mua 40.000 tỷ đồng nợ bằng trái phiếu đặc biệt; hai là, thu hồi nợ qua các hình thức bán nợ, bán tài sản đảm bảo… là 30.000 tỷ đồng. Đối với mua nợ theo cơ chế thị trường, trước mắt, VAMC sẽ sử dụng hết vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng mới được cấp như trên.

Chính đại diện VAMC cũng nhiều lần thừa nhận, việc chuyển sang mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường còn gặp rất nhiều rào cản về mặt luật pháp. Trong đó, mấu chốt của việc chuyển sang mua bán nợ bằng giá trị thật là định giá tài sản và xử lý tài sản một cách hợp pháp và hợp lý. Chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay, mấu chốt của quá trình xử lý nợ xấu chính là tài sản đảm bảo, tài sản này phải có tính thanh khoản cao thì việc thanh lý sẽ dễ dàng hơn, nếu không sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trên thực tế, tài sản đảm bảo của khách hàng khi đi vay vốn tại ngân hàng thường dùng bằng bất động sản, chiếm tới hơn 70%. Tuy nhiên, thị trường bất động sản của Việt Nam lên xuống thất thường, có thể bị mất giá một cách nhanh chóng. Thậm chí, một chuyên gia về tài chính cho biết, khách hàng và doanh nghiệp có thể móc nối với nhau để “thổi” giá lên gấp nhiều lần giá trị thật, hoặc một tài sản có thể dùng để thế chấp nhiều lần vay nợ, nên khi vướng vào nợ xấu, ngân hàng không thể lấy khối tài sản này để bù đắp.

Như vậy, trong “nút thắt” nợ xấu lại có “nút thắt” về việc xử lý tài sản đảm bảo. Việc xử lý này sẽ không dễ dàng, bởi nếu sửa đổi sẽ phải sửa đổi liên quan đến nhiều khoản luật như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Thi hành án… Luật chồng luật nên khó càng thêm khó.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, việc đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu mà VAMC đã mua phải tuân theo các nguyên tắc quy định tại Luật Đấu giá tài sản, nhưng cần có quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá loại tài sản đặc thù này, nhằm đảm bảo việc xử lý nợ xấu nhanh chóng, hiệu quả, góp phần lành mạnh hóa hoạt động của hệ thống tín dụng và nền kinh tế. Pháp luật cũng cần làm rõ trách nhiệm của các bên, sau khi mua đứt bán đoạn các khoản nợ, để tránh xảy ra tranh chấp, kiện tụng.

Bên cạnh đó, những mối quan hệ chồng chéo trong giới kinh doanh và hệ thống ngân hàng cũng sẽ gây ra khó khăn cho việc xử lý nợ. Tiêu biểu như mới đây, vụ việc tranh cãi giữa Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (CB) và Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang (Công ty Phương Trang) về khoản nợ xấu gần 3.000 tỷ đồng đã gây xôn xao dư luận, khi cả hai bên đều cho rằng mình chịu thiệt trong nhiều khoản vay nợ giữa hai bên.

Trên thực tế, chuyên gia tài chính – ngân hàng PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi cho rằng, nói “nợ xấu” nhưng cũng không phải cứ “xấu” là mất giá. Trong kinh doanh, ngân hàng nếu sợ nợ xấu nảy sinh thì chỉ có đóng cửa ngân hàng, bởi để nợ xấu xảy ra có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Vì thế, bên cạnh sự thay đổi, chung tay từ các cơ quan quản lý, việc trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng là điều cần thiết. Hơn nữa, các TCTD phải áp dụng nhiều phương pháp để chủ động phòng ngừa và xử lý nợ xấu như: Quản lý chất lượng tín dụng, tỷ lệ cho vay, phân loại khách hàng… Có thể nói, “cuộc chiến” với nợ xấu cần đến lộ trình bài bản, không thể trong ngày một, ngày hai, cần sự phối hợp nhịp nhàng để có thể xử lý hiệu quả và triệt để nhất.


Bình Nam
(Theo Báo Hải Quan) 
Trở về

Bài cùng chuyên mục