tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Ném tiền vào vàng: Mọi hướng nhìn đều thấy rủi ro

  • Cập nhật : 04/08/2015

(Tai chinh)

Dù đã không còn được lấp lánh trong mắt các nhà đầu tư, nhưng vàng vẫn luôn có một lực hấp dẫn khó cưỡng đối với nhiều người. Vậy có nên tiếp tục đầu tư mua bán vàng trong bối cảnh giá biến động như hiện nay là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm.

nem tien vao vang: moi huong nhin deu thay rui ro

Ném tiền vào vàng: Mọi hướng nhìn đều thấy rủi ro

Vàng mắt vì vàng

Tháng 7 được xem là “những ngày tháng khó khăn” của vàng, với những phiên “rơi thẳng đứng” đáng nhớ. Dù cũng có những phiên đảo chiều tăng giá, nhưng tính chung cả tháng, mỗi lượng vàng đã bốc hơi 1,4 triệu đồng. Nếu cộng dồn cả 6 tháng đầu năm, giá vàng SJC đã mất tới 1,95 triệu đồng/lượng, tương đương giảm gần 6% giá trị.

Dài hơi hơn, kể từ khi chạm mức cao trên 49 triệu đồng/lượng hồi tháng 11/2011, thì thị trường đã liên tục điều chỉnh giảm và đi xuống dưới mốc 33 triệu đồng/lượng, tương đương giá vàng đánh mất tới 16 triệu đồng/lượng. Đây thực sự là một con số làm nhiều nhà đầu tư kinh hãi. Đấy là chưa kể, nếu so với các kênh đầu tư khác, đặc biệt là với kênh gửi tiết kiệm, vàng không những không sinh lời, mà còn khiến nhiều người ôm “khổ đau”.

Quay lại mốc đỉnh của của vàng khi lên 49 triệu đồng/lượng cách đây 5 năm, lúc đó, lãi suất tiết kiệm tiền gửi đang ở ngưỡng 17-18%/năm. Dù sau đó, lãi suất liên tục “hạ dần đều”, và đến nay chỉ còn khoảng 7%/năm (kỳ dài hạn), nhưng nếu tính trung bình cả 5 năm, lãi suất vẫn đạt chừng 10%/năm.

Làm phép tính đơn giản: một người mua 10 lượng vàng với số tiền 490 triệu đồng, sau 5 năm mất tới 160 triệu đồng, tức chỉ còn 330 triệu đồng/lượng. Nếu không mua vàng, mà đem gửi tiết kiệm hưởng lãi suất, sau 5 năm, số tiền sẽ được nâng lên là 740 triệu đồng, gấp 2,5 lần số tiền còn lại của người đầu tư vàng.

Kết quả phép tính này cho thấy, hầu như người nào ôm vàng cũng chịu lỗ, càng ôm nhiều càng lỗ nhiều mà thôi, trong khi kênh tiết kiệm vẫn khẳng định được tính ưu việt của mình, cũng như khẳng định được giá trị của tiền Việt Nam.

Ôm vàng lỗ, vậy, lúc này có nên bán vàng? “Có, nhưng có thể chọn thời điểm vàng “được giá” hơn, tức là có những phiên vàng có thể sẽ tăng chút ít sau chuỗi ngày giảm sâu”- chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu góp ý.

Thực tế, bán vàng trong thời điểm này là cách cắt lỗ hợp lý, vì theo dự đoán, rất có thể trong tháng 9 tới, Fed bắt đầu tăng lãi suất. Lãi suất tăng sẽ khiến đồng USD tăng giá, theo đó sẽ tạo thêm áp lực cho giá vàng và nhiều người quan ngại rằng nếu còn tiếp tục cầm vàng sẽ còn chịu cảnh lỗ chồng lỗ, chứ không phải chỉ là con số được tính toán ở thời điểm hiện tại như trên.

Để chứng minh cho ý kiến này, có thể dẫn quan điểm của giới đầu tư tài chính khi họ cho rằng đến lúc này, vàng chỉ còn nước đi xuống nữa mà thôi. Theo Bloomberg, tương lai của vàng sẽ còn tồi tệ hơn nữa. Vấn đề ở đây là giá vàng không chỉ đang trên đà giảm mà cả sức hấp dẫn của nó cũng không còn lớn như trước đây.

Theo kết quả khảo sát của hãng tin Bloomberg, ước tính trung bình giá vàng sẽ giảm xuống 984 USD/oz trước tháng 1/2016. Đó sẽ là mức thấp nhất kể từ năm 2009, và thấp hơn 10% so với giá giao dịch hiện tại (1.086 USD/oz).

Còn Howie Lee, chuyên gia phân tích đầu tư tại Phillip Futures- người nhắm mục tiêu vàng đạt 1.100 USD/oz kể từ đầu năm, cho rằng “bất cứ nơi nào bạn nhìn, ở đó đều không xuất hiện sự hỗ trợ cho kim loại quý”.

Cùng chung nhận định, Robin Bhar, nhà phân tích của ngân hàng Societe Generale SA ở London, Anh, đánh giá: “Vàng đã lỗi thời, không còn ai muốn sở hữu. Tuy thị trường sẽ không sụp đổ nhưng tôi nghĩ giá vàng sẽ ở mức thấp hơn trong tương lai không xa”.

Còn mua vàng, còn chịu nhiều rủi ro

Tích vàng lỗ, bán vàng cũng lỗ, vậy có nên mua vàng trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng” này? Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, trong khi giá vàng thế giới vẫn đang tiếp tục “mò đáy” như hiện nay, việc mua vàng trong nước thời điểm này sẽ gặp những rủi ro nhãn tiền.

Thứ nhất, rủi ro giá vàng SJC giảm khi giá thế giới vẫn đang trên đà giảm. Thứ 2, hiện giá vàng SJC đứng cao hơn giá vàng quốc tế với mức chênh lên đến 4 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Mức chênh này trong suốt thời gian qua luôn biến động lên xuống không ngừng, có khi lên đến gần 6 triệu đồng/lượng, những cũng có những lúc đã hạ xuống khoảng hơn 2 triệu đồng/lượng.

Điều này cho thấy rủi ro khi mua vàng SJC là rất lớn. Đấy là chưa kể, nếu một “ngày đẹp trời”, nếu cơ quan quản lý “ép” được giá vàng về sát với giá thế giới (chênh dưới 1 triệu đồng/lượng), thì rủi ro “tất lẽ dĩ ngẫu” sẽ là người ôm vàng phải hứng chịu.

Rủi ro thứ 3, theo phân tích, đó là với tình hình hiện nay, nhiều cá nhân và tổ chức đang nắm giữ vàng có khả năng cũng sẽ bán ra. Do đó, thị trường có quan ngại xuất hiện làn sóng bán tháo, dẫn đến tâm lý tạo áp lực cho giá vàng trong nước càng điều chỉnh giảm sâu.

Cùng với đó, một rủi ro khác sẽ đến từ các “nhà vàng” đó là để an toàn cho chính bản thân mình, các doanh nghiệp sẽ đẩy rộng biên độ mua-bán vàng, bằng cách bán ra rất cao nhưng mua vào lại rất thấp. Khi khách hàng giao dịch, họ sẽ phải chịu khoản chênh lệch đáng kể này trong giá thành mua-bán. Và rủi ro cuối cùng, nếu so sánh vàng với các kim loại quý khác và mức tăng của giá vàng trong 20 năm qua, thì giá vàng vẫn đang được định cao hơn nhiều so với bạc, đồng…

“Theo tôi, nếu có tiền nhàn rỗi lúc này, gửi tiết kiệm vẫn là kênh an toàn nhất, chứ đừng ham hố “nhảy” vào vàng, vì đầu cơ vàng lúc này khá nguy hiểm do những biến động phía trước”- TS Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo.

(Theo Công an Nhân dân)

Trở về

Bài cùng chuyên mục