tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Loại bong bóng nào nguy hiểm nhất?

  • Cập nhật : 07/09/2015

(Tai chinh)

Trong những bong bóng tồi tệ nhất và gây ra thiệt hại kinh tế nặng nề nhất, nguyên nhân không chỉ liên quan tới các hoạt động đầu cơ mà còn nằm ở làn sóng cho vay dễ dãi, cộng với mức đòn bẩy tài chính cao.

 

Các nhà kinh tế cuối cùng dường như đang thừa nhận những gì mà hầu hết mọi người từ lâu đã xem là điều hiển nhiên – “bong bóng kinh tế”. Những nhà đầu tư quá tự tin có thể đẩy giá mọi thứ từ những bông hoa Tuy-líp* cho đến các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán lên cao hơn rất nhiều giá trị thực của chúng, dẫn đến sự nổ vỡ bong bóng và gây ra những thiệt hại kinh tế kéo dài.

Nhưng việc thừa nhận thôi là chưa đủ, cái khó đó là chỉ ra được những loại bong bóng nào là mối đe dọa lớn nhất, và cần phải đối phó với chúng ra sao. Nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng những yếu tố nguy hiểm nhất có lẽ là “Nợ công” của các quốc gia, nền kinh tế - thứ mà thế giới hiện đang có thừa.

Các nhà kinh tế từ lâu đã quan tâm tới các “bong bóng” này, ngay cả khi việc xây dựng những lý thuyết về chúng gần như bị bỏ qua trong các nghiên cứu chính thức về sự vận hành của nền kinh tế. Trong những năm 1990, trước khi trở thành Chủ tịch của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ông Ben Bernanke đã bắt đầu nghiên cứu về các loại bong bóng kinh tế tại Đại học Princeton. Bernanke đã khai thác các mô hình toán học được lấy cảm hứng từ nhà lý thuyết tiên phong về bong bóng kinh tế, Hyman Minsky.

Năm ngoái, các nhà kinh tế gồm Steven Gjerstad và Vernon Smith cũng đã lập luận trong một cuốn sách nghiên cứu rằng lịch sử kinh tế cũng như các bằng chứng mà hai người thu thập được sau 2 thập kỷ nghiên cứu cho thấy sự đầu cơ trong các thị trường tài sản bị khuếch đại bởi các khoản vay thế chấp cùng với sự “dễ dãi” trong khâu thẩm định của các đợt nới lỏng tín dụng chính như là một yếu tố chủ đạo gây ra bong bóng.

Bây giờ, với việc có thể thống kê và tiếp cận nhiều dữ liệu kinh tế hơn, các nhà nghiên cứu đang bắt đầu nghĩ rằng họ có thể xác định – nhận diện được các loại bong bóng khác nhau, và cho rằng mức độ nguy hiểm của các loại bong bóng cũng khác nhau. Một số loại đặc biệt nguy hiểm hơn nhiều so với các loại khác. Trong một nghiên cứu mới về “Bong bóng đòn bẩy tài chính”** (Leveraged Bubbles), các nhà kinh tế Oscar Jorda, Moritz Schularick và Alan Taylor đã thực hiện nghiên cứu lại diễn biến của các thị trường vốn và thị trường bất động sản tại 17 nước trong khoảng thời gian 140 năm. Và họ nhận thấy rằng trong những bong bóng tồi tệ nhất và gây ra thiệt hại kinh tế nặng nề nhất, nguyên nhân không chỉ liên quan tới các hoạt động đầu cơ mà còn nằm ở làn sóng cho vay dễ dãi, cộnfg với mức đòn bẩy tài chính cao.

Quan điểm của 3 nhà kinh tế trên là không phải mới. Trong một cuốn sách xuất bản năm 2009 tựa đề “This time is different” – tạm dịch “Thời điểm hiện nay đã khác trước”, Carman Reinhart và Kenneth Rogoff đã thực hiện nghiên cứu với việc xem xét lại gần như toàn bộ các cuộc khủng hoảng tài chính trong vòng 800 năm qua. Và họ tìm ra rằng những đợt suy thoái kinh tế mà theo sau bởi các bong bóng tín dụng nói chung đều rất tệ và thường kéo dài lâu hơn so với các đợt suy thoái kinh tế do các loại bong bóng khác gây ra. Và một số nhà kinh tế khác từ Irving Fisher cho tới Hyman Minsky cũng như Ray Dalio đều đã rút ra các kết luận giống nhau. Còn nhà kinh tế John Geanakoplos của Đại học Yale từ lâu đã cảnh báo về sự nguy hiểm của loại bong bóng mà ông gọi là “Chu kỳ đòn bẩy” trong hoạt động điều tiết chính sách tiền tệ.

Jorda Geanakoplos và các đồng nghiệp đã đưa ra một cái nhìn chi tiết hơn về các sự kiện diễn ra trên thị trường tài chính kể từ năm 1870 tới nay. Nghiên cứu của họ tập trung vào các nền kinh tế phát triển nhất trong suốt thời kỳ phát triển mạnh mẽ của các thị trường tài chính trong lịch sử của chủ nghĩa tư bản.

Họ tìm ra rằng các nền kinh tế đó dễ dàng vượt qua những thời điểm khó khăn như bong bóng dot – com vào năm 2000. Tuy nhiên đó sẽ là một vấn đề khác hoàn toàn khi một làn sóng cho vay dễ dàng khuyến khích mọi người vay tiền và sử dụng tiền đã vay để mua, đầu tư và thậm chí là đầu cơ các loại tài sản. Khi loại bong bóng này nổ vỡ, hậu quả sẽ rất tồi tệ, bởi vì các doanh nghiệp và cá nhân phải vừa tái cấu trúc hoặc trả lại các khoản nợ họ đã chất lên mình, vừa phải ngăn chặn thiệt hại lây lan ra toàn nền kinh tế khi tiêu dùng và đầu tư sụt giảm.

Những nghiên cứu như vậy minh họa cho một xu hướng đang phát triển trong lĩnh vực kinh tế đó là tránh các nghiên cứu lý thuyết thuần túy mà thay vào đó hãy thực hiện các nghiên cứu dựa trên các số liệu thực. Nhà kinh tế Paul Romer đang "tấn công" vào “các nghiên cứu kinh tế mà lạm dụng quá mức các mô hình toán học” (mà Paul Romer gọi là Mathiness), cho rằng các nhà kinh tế cần nhìn, vẽ ra những bức tranh kinh tế với việc dựa nhiều trên những kinh nghiệm, suy nghĩ, hành vi, số liệu thực tế hơn, thay vì việc sử dụng các giả định về tính hợp lý hoàn hảo và tầm nhìn đôi khi phi thực tế mà lâu nay đã chế ngự hoàn toàn các mô hình toán học của họ.

Đây là một sự tiến bộ trong hoạt động nghiên cứu kinh tế, ngay cả khi đi kèm với nó là những mối nghi ngại và hoang mang khi một số nhà kinh tế có thể sẽ mất sự ảo tưởng đẹp đẽ và hoàn hảo như khi họ sử dụng các mô hình toán học trong nghiên cứu của mình. Khi mà các nền kinh tế đang ngày càng trở nên hỗn đợn hơn và ít tính kiên định hơn – linh hoạt hơn, thì việc nghiên cứu dựa trên các dữ liệu kinh tế thực tế sẽ càng trở nên hữu ích hơn trong việc điều hành và điều tiết nền kinh tế.

* Bong bóng hoa Tuy-líp xảy ra năm 1637 tại Hà Lan được xem là bong bóng tài sản đầu tiên trên thế giới. Đây là loại hoa được ưa chuộng thời kỳ đó và đã trở thành một loại hàng hóa bị đầu cơ vì nó khá hiếm. Có lúc giá của loại hoa này đã bị đẩy cao gấp 10 lần. Cuối cùng cung vượt cầu và giá hoa lao dốc thế thảm khiến nhiều nhà đầu cơ thiệt hại nặng.

Trở về

Bài cùng chuyên mục