tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Giảm lãi suất USD: Đích đến cho nhiều mục tiêu

  • Cập nhật : 03/10/2015

(Tai chinh)

Việc điều chỉnh tỷ giá tương đối lớn trong thời gian qua, cộng với động thái giảm lãi suất tạo chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền lớn hơn sẽ tạo ra lợi thế nhất định cho VND.

Tỷ giá là một trong những vấn đề khó trong công tác điều hành của cơ quan quản lý khi thị trường luôn có nhiều biến động.

Thời gian qua, NHNN đã phải liên tiếp có bước điều chỉnh chính sách tỷ giá để ứng phó, lường đón trước những biến động của thị trường. Mới nhất, ngày 27/9, NHNN quyết định giảm trần lãi suất huy động tiền gửi USD của các tổ chức tại ngân hàng từ 0,25%/năm về mức 0%; lãi suất USD áp dụng cho cá nhân từ 0,75%/năm về mức 0,25%/năm.

Vì sao NHNN lại có điều chỉnh trên và quyết định này tác động ra sao đối với thị trường? Phóng viên Thời báo Ngân hàng trích lược một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng:

Nâng cao sức hấp dẫn của VND

Trong quá trình chỉ đạo, điều hành chính sách những năm qua, Thống đốc NHNN luôn quán triệt phương châm xuyên suốt là nâng cao vị thế của đồng Việt Nam và từng bước chống đô la hóa theo chủ trương của Chính phủ. Với phương châm này, NHNN đã có xu hướng điều chỉnh giảm dần mức lãi suất huy động ngoại tệ. Quá trình này kết hợp với việc thực hiện đồng bộ các công cụ và giải pháp CSTT đã đem lại sự ổn định của thị trường tiền tệ, ngoại hối trong mấy năm qua.

Thời gian qua, mặc dù có những biến động nhưng thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước về cơ bản ổn định, tuy nhiên, một bộ phận tổ chức, cá nhân vẫn có biểu hiện găm giữ ngoại tệ. Bởi vậy, NHNN quyết định tiếp tục yêu cầu các TCTD giảm lãi suất huy động USD xuống 0% áp dụng đối với tổ chức; và 0,25%/năm áp dụng đối với cá nhân.

Giải pháp này phù hợp với phương châm điều hành, đồng thời góp phần nâng cao sức hấp dẫn của VND, hạn chế tình trạng đô la hóa. Hiện thanh khoản ngoại tệ của hệ thống các TCTD vẫn đang trong tình trạng ổn định. Nếu tính tỷ lệ tín dụng trên huy động ngoại tệ trên thị trường 1 trong nước chỉ ở mức khoảng 80% trong khi giai đoạn 2011 – 2012 tỷ lệ này ở mức trên 100%. Còn nếu tính cả nguồn vốn vay nước ngoài thì tỷ lệ này chỉ vào khoảng 60%.

Thời gian tới, NHNN sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành đồng bộ các công cụ và giải pháp nhằm đạt được mục tiêu của CSTT đã đề ra là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

nhieu dn co so usd lon da thong bao ban ngoai te cho ngan hang

Nhiều DN có số USD lớn đã thông báo bán ngoại tệ cho ngân hàng

Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải:

Doanh nghiệp sẽ cẩn trọng hơn khi vay ngoại tệ

Chúng tôi đánh giá việc hạ lãi suất tiền gửi USD sẽ giảm tính hấp dẫn của việc găm giữ ngoại tệ và khuyến khích DN, người dân chuyển qua nắm giữ tiền đồng. Thực tế cho thấy, sau khi Trung Quốc điều chỉnh chính sách tỷ giá vào ngày 11/8/2015 và NHNN phải nới rộng biên độ và điều chỉnh tỷ giá bình quân, tình trạng DN và người dân muốn giữ USD có tăng lên. Trong khi số dư tiền gửi USD tại các NH tăng mạnh thì dư nợ cho vay ngoại tệ lại giảm. Do đó, việc hạ lãi suất tiền gửi lần này đã phản ánh cung cầu về vốn ngoại tệ thực tế trên thị trường và giúp giảm tình trạng đô la hóa.

Thực tế trên thị trường hiện nay đang có lãi suất huy động tiền gửi VND tăng nhẹ và lãi suất huy động USD giảm, phản ánh nhu cầu vay vốn bằng VND của DN tăng trong khi nhu cầu vay vốn bằng USD của DN giảm. Xu hướng này xuất hiện khi các DN phải cân nhắc giữa bài toán tiết kiệm chi phí khi vay ngoại tệ nhưng kèm theo rủi ro về tỷ giá. Ngoài ra, do tín dụng tăng trưởng khá tốt trong năm nay, NHNN cũng đang từng bước hạn chế bớt các trường hợp đặc biệt được vay ngoại tệ. Các DN và cá nhân cần cân nhắc để có hướng đầu tư tiền gửi thích hợp.

Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia TS. Trương Văn Phước:

Tạo ra vị thế, chủ động điều hành CSTT

Trong bối cảnh nội tệ của nhiều quốc gia bị mất giá, vị thế nội tệ suy yếu, việc tăng sức mạnh cho đồng VND là cần thiết. Tôi nghĩ rằng, đây là thời điểm thuận lợi và phù hợp để đưa ra điều chỉnh lãi suất. Quyết định này cũng phù hợp với quá trình hội nhập, đón dòng vốn ngoại đang tăng rất mạnh. Đối với thị trường trong nước, thì việc giảm lãi suất USD không có vấn đề gì. Bởi trong 2-3 năm trở lại đây lãi suất tiền gửi USD đã thấp quá rồi.

Mặt khác, việc điều chỉnh tỷ giá tương đối lớn trong thời gian qua, cộng với động thái giảm lãi suất tạo chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền lớn hơn sẽ tạo ra lợi thế nhất định cho VND. Nhất là trong bối cảnh lạm phát thấp, nếu như chuyển đổi từ đồng USD sang VND thì chắc chắn người dân đã hưởng lợi lớn. Còn nếu tiếp tục gửi VND lãi suất cao thì càng lợi hơn nữa. Hay với DN, nếu nhìn lại 5 -10 năm lại đây, nếu lấy lãi suất USD cộng với mức tăng tỷ giá để so sánh với lãi suất tiền đồng thì cũng dễ để nhận thấy cái nào lớn hơn.

Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM Nguyễn Hoàng Minh:

Hiệu ứng tích cực đến thanh khoản của NH

Trong ngày đầu tiên áp dụng trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ, doanh số mua ngoại tệ của hệ thống NH trên địa bàn tăng gần 3 lần so với bình quân các ngày trước đó. Theo báo cáo nhanh của các NH, hiện đã giải quyết được tình trạng găm giữ ngoại tệ của những tổ chức lớn. Cụ thể, lượng bán ngoại tệ của DN cho NH cao gấp 3 lần so với bình quân những ngày trước đó. Trong đó, các NH mua USD của tổ chức chiếm hơn 70%. Doanh số bán chủ yếu là DN có nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu.

Việc gửi tiết kiệm cũng đã thay đổi, nhiều DN và cá nhân có lượng USD lớn đã thông báo bán ngoại tệ cho NH để chuyển qua gửi tiết kiệm VND. Theo thống kê, với đà mua USD hiện tại mà NH đang thực hiện, thì cung ngoại tệ đang rất cao. Chúng tôi hy vọng doanh số này sẽ tăng 3-4 lần trong tuần tới.

Có thể nói, động thái của NHNN nhìn chung sẽ tác động tích cực đến hành vi của DN và người dân, buộc họ phải cân nhắc giữa việc giữ VND và USD. Đặc biệt đối với DN, họ sẽ phải tính toán kỹ hơn vì họ buộc phải tối ưu hóa trong sử dụng vốn. Đồng thời, việc này chắc chắn sẽ nâng cao vị thế tiền đồng, nên người có ngoại tệ có thể mạnh dạn chuyển đổi sang tiền đồng để gửi NH hoặc đầu tư chứng khoán, BĐS…

Tổng Giám đốc NSAS Võ Anh Tú:

DN có thể gặp khó khăn trong vay vốn ngoại tệ

Động thái NHNN hạ lãi suất tiền gửi USD vừa qua có thể xem là bước đi lường trước sự bất ổn của tỷ giá, tránh làm mất giá tiền đồng. Điều này tác động trực tiếp tới người gửi tiền. Nên người gửi USD cũng có hai luồng suy nghĩ. Hoặc rút ra để gửi vào kênh đầu tư khác hoặc chuyển sang tiền đồng.

Khả năng có người găm giữ ngoại tệ thì ở thời điểm nào cũng có và cũng là điều dễ hiểu khi mà tỷ giá có thể sẽ vẫn còn có thể biến động. Tỷ giá càng giữ được ổn định, thì gửi tiền đồng càng thu hút người dân. Về phía DN, cũng có thể gặp khó hơn khi vay vốn bằng ngoại tệ. Vì vậy, NHNN sớm đưa ra quyết sách để tháo gỡ khó khăn cho DN.

Phó Tổng giám đốc ACB Nguyễn Thanh Toại:

Giảm sức ép lên lãi suất VND

Còn quá sớm để đưa ra đánh giá hết những tác động của quyết định trên. Tuy nhiên, ở góc độ kinh doanh, tôi nghĩ rằng, việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động đồng USD không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động NH. Thực tế thời gian qua, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá ở mức tương đối nên tôi nghĩ rằng, đã phần nào đáp ứng kỳ vọng của người gửi tiền USD.

Thời gian tới, việc người dân gửi tiết kiệm bằng nội tệ hay ngoại tệ theo tôi cũng phụ thuộc vào lòng tin và kỳ vọng của người gửi. Nếu tin tưởng vào thông điệp của NHNN sẽ không điều chỉnh tỷ giá, chắc họ sẽ không gửi USD mà chuyển sang gửi tiền đồng. Còn nếu nửa tin nửa ngờ thì chia 50 – 50…

Theo tôi, thông qua điều chỉnh lãi suất USD, bên cạnh thực hiện mục tiêu lớn là chống đô la hóa, NHNN còn muốn tăng sức hấp dẫn của đồng VND. Trong 2-3 tuần vừa qua, các NH đều phải tăng lãi suất huy động VND để hút vốn. Nhưng NHNN không muốn lãi suất tăng vào thời điểm này. Và giải pháp để giảm áp lực lên lãi suất tiền đồng là kéo giãn khoảng cách giữa lãi suất của hai đồng tiền USD và VND.

Giám đốc CTCP Ống đồng Toàn Phát Nguyễn Hữu Khôi:

Tăng tính luân chuyển từ USD sang VND

Động thái điều chỉnh lãi suất tiền gửi USD về 0% và 0,25%/năm sẽ làm giảm tính hấp dẫn của đồng USD, do đó sẽ làm giảm việc găm giữ đồng USD. Đối với Toàn Phát, nguồn vốn bằng USD thường giữ lại để trả cho những khoản nợ vay trước đó.

Trước chính sách này, chúng tôi sẽ không găm giữ USD nữa mà sẽ tăng tính luân chuyển từ USD sang VND, đẩy vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Là DN vừa nhập khẩu nguyên vật liệu vừa, xuất khẩu thì việc đưa lãi suất về 0% sẽ có tác động khá tốt như có thể sẽ  tiếp cận được nguồn vốn vay bằng USD với lãi suất thấp hơn. Hiện kim ngạch xuất khẩu hàng năm của chúng tôi đạt khoảng 30 triệu USD.

(Theo Thời báo Ngân hàng)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục