Theo chia sẻ của Chủ tịch VAMC, do Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ nên nếu VAMC được cho tiền thật với cơ chế như hiện nay thì cũng không xử lý hết được nợ.
Giải pháp tài khóa và tiền tệ trong bối cảnh biến động kinh tế vĩ mô
- Cập nhật : 01/11/2015
(Tai chinh)
Trước bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế đang phải đối mặt với nhiều biến động, đặc biệt là xu hướng giá dầu giảm và biến động chính sách tiền tệ của Trung Quốc, Việt Nam cần thực hiện các chính sách tiền tệ linh hoạt và chính sách tài khóa có hiệu quả nhằm đảm bảo phát triển kinh tế ổn định và bền vững.
Tăng trưởng GDP vẫn vượt mục tiêu: Ngay từ quý I/2015, kinh tế trong nước đã có mức tăng trưởng bất ngờ với mức tăng 6,03% so với cùng kỳ năm trước. Sang quý II, tăng trưởng kinh tế tiếp tục được cải thiện với mức tăng 6,28%. Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCEIF) ước tính tăng trưởng 9 tháng đầu năm sẽ quanh ngưỡng 6,35% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2015 vẫn đạt và vượt mục tiêu (6,2%). Tuy nhiên, tăng trưởng phục hồi chủ yếu do khu vực công nghiệp – xây dựng dẫn dắt, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Khu vực dịch vụ chỉ tăng trưởng ở mức vừa phải, khu vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn dẫn đến tốc độ trưởng chậm, thậm chí có dấu hiệu đi xuống so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát có xu hướng ổn định: Trong tháng 8/2015, giá cả thế giới của một số mặt hàng nhiên liệu giảm hoặc ở mức thấp, tạo thuận lợi cho điều hành giá thị trường trong nước. Ở trong nước, giá xăng dầu tiếp tục giảm khoảng 8% sau hai đợt giảm giá vào ngày 4/8 và ngày 19/8; cung cầu hàng hóa tiếp tục bảo đảm; lãi suất ngân hàng tương đối ổn định. Các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả, ổn định kinh tế vĩ mô theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/01/2015 của Chính phủ... đã góp phần giữ tốc độ tăng giá tiêu dùng cả nước tháng 8 ở mức thấp. Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng biên độ tỷ giá đã tạo sự chủ động linh hoạt cho tỷ giá, đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam. Theo NFSC, lạm phát bình quân 8 tháng đầu năm là 0,83% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát cơ bản là 2,42%. Nhìn chung, cả lạm phát và lạm phát cơ bản hầu như giữ nguyên trong 6 tháng gần đây. Cơ quan này giữ nguyên dự báo năm 2015 lạm phát cơ bản khoảng 3%.
Xuất nhập khẩu khó khăn: Tháng 8/2015, việc Trung Quốc phá giá đồng NDT thêm 4,6% khiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trở nên khó khăn hơn do giá cả tăng lên tương đối so với hàng hóa cạnh tranh từ Trung Quốc. Tính chung 8 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 106,3 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu 8 tháng ước tính đạt 109,9 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu 8 tháng năm 2015 ước tính 3,6 tỷ USD, tương đương 3,4% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 13 tỷ USD (tăng 44% so với mức 9 tỷ USD của cùng kỳ năm 2014 cho thấy, sự phụ thuộc lớn của sản xuất và tiêu dùng trong nước vào nguyên liệu nhập khẩu); khu vực FDI 8 tháng xuất siêu 9,4 tỷ USD. Giá dầu thô đang giảm mạnh làm kim ngạch xuất khẩu giảm; tăng trưởng xuất khẩu luôn thấp hơn nhập khẩu nhất là trong bối cảnh nhu cầu thế giới giảm do tác động của tình hình Trung Quốc đang gây áp lực lớn đến mục tiêu kiểm soát nhập siêu những tháng cuối năm.
Vốn FDI tăng nhẹ: Tính đến thời điểm 20/8/2015, cả nước thu hút 1.219 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 7.878,9 triệu USD, tăng 22,9% về số dự án và tăng 8,7% về số vốn so với cùng kỳ năm 2014. Đồng thời, có 389 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 5.459,7 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn đăng ký tăng thêm đạt 13.338,6 triệu USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng năm nay, vốn FDI thực hiện ước tính đạt 8,5 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2014. Sự kiện phá giá đồng NDT của Trung Quốc chưa có tác động xấu tới dòng vốn FDI nhưng đã ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp (DN) FDI, do các DN này có quan hệ thương mại lớn và chịu sự cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc. Chính phủ đã có những phản ứng nhanh trước việc phá giá đồng NDT, song xét trong dài hạn, việc nới rộng biên độ hay tăng tỷ giá ảnh hưởng tới lạm phát, lãi suất và khả năng chi trả nợ công – là những chỉ tiêu phản ánh khả năng ổn định của nền kinh tế, qua đó ảnh hướng tới tâm lý của các nhà đầu tư trong quyết định về dòng vốn.
Thu chi ngân sách khó khăn: 8 tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước (NSNN) lũy kế ước đạt 459,45 nghìn tỷ đồng, bằng 71,9% dự toán, tăng 16,5% so với cùng kỳ (không kể tiền sử dụng đất thì tăng 15%), đạt khá so với cùng kỳ một số năm gần đây. Trong khi đó, chi NSNN tháng 8 ước đạt 88 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế thực hiện chi 8 tháng đạt 733,3 nghìn tỷ đồng, bằng 63,9% dự toán, tăng 8,2% so cùng kỳ năm 2014.
Bội chi NSNN tháng 8 ước 30,63 nghìn tỷ đồng; lũy kế 8 tháng ước 115,18 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 51% dự toán năm. Tính đến ngày 25/8/2015, đã thực hiện phát hành trên 124,1 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ bù đắp bội chi NSNN và cho đầu tư phát triển, bằng khoảng 45,1% nhiệm vụ huy động vốn trong nước cả năm. Tuy nhiên, công tác phát hành trái phiếu chính phủ hiện vẫn rất khó khăn. Thời gian tới, khả năng thâm hụt NSNN tăng cao do khó khăn trong duy trì và cải thiện nguồn thu.
Thị trường tiền tệ ổn định: Theo NFSC, tính tới ngày 10/8/2015, tổng tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,3% so với cuối năm 2014, cao hơn nhiều so với mức tăng 3,7% của 7 tháng đầu năm 2014. Trong tháng 8/2015, sau khi Trung Quốc thực hiện phá giá đồng NDT 4,6%, NHNN đã điều chỉnh tăng biên độ 2 lần: Lần thứ nhất, NHNN đã điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ mức +/-1% lên +/-2%; lần thứ 2, điều chỉnh tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và tiếp tục tăng biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%. Đây là động thái cần thiết, góp phần giúp tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ. Tuy nhiên, động thái này cũng có thể gây bất lợi cho các DN nhập khẩu, làm gia tăng áp lực lên lạm phát và nợ công, đồng thời có thể làm cho các giao dịch của thị trường ngoại tệ có xu hướng tăng tối đa đến mức 3% và khiến tài sản của các nhà đầu tư nước ngoài khi quy đổi từ VND sang USD bị hao hụt. Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư sẽ cân nhắc đến việc có nên tiếp tục đổ thêm vốn vào thị trường Việt Nam hay không, và điều này sẽ gây nên những tác động gián tiếp đến giao dịch của khối ngoại trên thị trường chứng khoán (TTCK).
Hoạt động của DN khả quan hơn: Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 8 tháng đầu năm 2015, số DN thành lập mới là 61.305 DN với số vốn đăng ký hơn 376 nghìn tỷ đồng, tăng 29,2% về số DN và tăng 29,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Số DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh trong 8 tháng đầu năm 2015 của cả nước là 6.290 DN, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động của cả nước là 39.056 DN, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: 11.248 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, 27.808 DN ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký.
Trong 8 tháng đầu năm 2015, cả nước có 11.333 DN ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là con số đáng khích lệ cho thấy, tín hiệu tốt của nền kinh tế đã tạo thêm cơ hội đầu tư, kinh doanh cho những DN đang gặp khó khăn.
Lựa chọn giải pháp ứng phó với biến động vĩ mô
Trong thời gian tới, trong bối cảnh biến động kinh tế còn khó lường, để đạt được mục tiêu đề ra, công tác điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa của Việt Nam cần chú trọng một số nội dung sau:
Nhóm giải pháp thuộc chính sách tài khóa
Thứ nhất, tiếp tục tái cấu trúc DNNN, buộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải tập trung vốn đầu tư vào các ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, không đầu tư ngoài ngành, nhất là các lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản; Xây dựng, hoàn thiện cơ chế giám sát tài chính DN, thúc đẩy quản trị công ty, minh bạch và công khai thông tin tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN và hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào DN; Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN; Đồng thời, xử lý dứt điểm các tồn tại tài chính, lao động dôi dư theo cơ chế thị trường; Giải phóng nguồn lực, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển gắn với đổi mới cơ chế tài chính DN đáp ứng yêu cầu hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam.
Thứ hai, tăng cường giám sát của Nhà nước đối với hoạt động của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, đảm bảo thị trường vận hành thông suốt phù hợp với các thông lệ quốc tế; Thúc đẩy TTCK phát triển lành mạnh, hiệu quả, phấn đấu đến năm 2020 đưa TTCK là kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ đạo của nền kinh tế; Thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu, nhất là trái phiếu chính phủ; Thực hiện các biện pháp phát triển thị trường bảo hiểm; nâng cao yêu cầu về mức độ an toàn của các DN bảo hiểm. Phát triển đồng bộ thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm, tư vấn thẩm định giá, tư vấn thuế, đại lý hải quan, xổ số điện toán và vui chơi có thưởng...
Thứ ba, đối với vấn đề bội chi NSNN, Chính phủ cần xác định rõ lộ trình và giải pháp cho việc giảm bội chi và tiến tới cân đối NSNN một cách tích cực. Thực hiện cơ cấu chi NSNN vững chắc theo hướng điều chỉnh giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, tăng dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển với lộ trình phù hợp, kết hợp với điều chỉnh chính sách phát triển kinh tế - xã hội; Phân bổ tập trung, sử dụng hiệu quả, ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm của đất nước; Nâng cao vai trò định hướng của nguồn lực tài chính nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời thu hút mạnh mẽ sự tham gia đầu tư của khu vực tư nhân để tăng nguồn lực đầu tư toàn xã hội; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi NSNN.
Nhóm giải pháp chính sách tiền tệ
Thứ nhất, thực hiện chính sách duy trì kiểm soát lạm phát nhưng phải đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế bền vững lâu dài, thông qua xây dựng chính sách giảm lãi suất huy động và cho vay trên thị trường ngân hàng cũng như giảm thiểu nguy cơ bất ổn hệ thống ngân hàng; Gia tăng các hoạt động bảo lãnh đối với các DNNVV nhất là các DN có tín nhiệm, có dự án khả thi có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Thứ hai, lành mạnh hóa thị trường tài chính ngân hàng qua việc tăng các biện pháp chế tài phạt tài chính nghiêm khắc những vi phạm quản lý hệ thống ngân hàng, sáp nhập hoặc giải thể ngân hàng yếu kém, hướng hoạt động ngân hàng vào kinh doanh các sản phẩm dịch ngân hàng phục vụ tốt cho kinh tế - xã hội và mang lại hiệu quả cao cho nền kinh tế; Coi trọng và phát triển các công cụ cảnh báo sớm, xây dựng những kịch bản chủ động ngăn chặn các nguy cơ bất ổn tiềm ẩn lợi ích cục bộ trong hệ thống ngân hàng.
Thứ ba, với mức độ điều chỉnh tỷ giá NDT vừa qua và nếu từ nay tới cuối năm NDT không bị phá giá mạnh hơn nữa (dự báo NDT dao động trong khoảng 6,3% - 6,5%) thì không trực tiếp ảnh hưởng nhiều đến thị trường tiền tệ, kinh tế Việt Nam. Việt Nam chưa nên có những điều chỉnh chính sách lớn và điều chỉnh kế hoạch kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến sức khỏe của nền kinh tế và chính sách tiền tệ của Trung Quốc để có phản ứng chính sách thích hợp và chủ động.
Thứ tư, thị trường tài chính tiền tệ của Việt Nam hiện đã có liên thông nhất định đến thị trường tài chính quốc tế và chịu ảnh hưởng tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường quốc tế. Do vậy, công tác truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng để duy trì lòng tin của thị trường. Các thông điệp chính sách cần rõ ràng nhưng cần linh hoạt để đảm bảo tính nhất quán trong thông tin và thống nhất, đồng bộ giữa thông điệp chính sách và hành động.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo chuyên đề của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư);
2. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính (2015), Số liệu công khai ngân sách;
3. Báo cáo kết quả nghiên cứu Đề án Xác định phạm vi nợ công, trần nợ công an toàn của Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020. Tài liệu hội thảo do Học viện Chính sách và Phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Hà Nội tháng 11/2014.