tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Ngành thép, dệt may lo lắng gì trước TPP?

  • Cập nhật : 13/11/2015

(Thuong mai)

Yêu cầu về xuất xứ nguyên liệu bắt buộc từ các nước thành viên TPP đang là bài toán khó đặt ra đối với ngành dệt may Việt Nam. Trong khi khó khăn của ngành thép là những rào cản thương mại đang được các quốc gia sử dụng để bảo hộ cho sản xuất trong nước.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

 

Chia sẻ tại hội thảo “Tăng trưởng bền vững xuất khẩu sản phẩm công nghiệp” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 5/11, Thứ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, trong nhiều năm qua, công nghiệp luôn là ngành đầu tàu trong nền kinh tế nước ta với kim ngạch tăng trưởng đều đặn và giữ vị trí dẫn đầu trong tất cả các nhóm hàng xuất khẩu.

Chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu

Số liệu ghi nhận của Bộ Công thương cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2015, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tới 78,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Một số ngành như điện thoại và linh kiện, dệt may, giày dép, máy vi tính và linh kiện điện tử, phương tiện vận tải... có sự tăng trưởng đều và khá cao.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, để đạt được kết quả này là nhờ vào việc tham gia sâu vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã và đang tham gia sâu vào chuỗi cung ứng quốc tế tạo cơ hội mở rộng danh mục các mặt hàng có thể sản xuất và xuất khẩu.

Đặc biệt, nguồn vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam, chủ yếu là vào lĩnh vực công nghiệp, cũng được xem như một yếu tố thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm công nghiệp.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 10 tháng năm 2015, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 12,48 tỷ USD, chiếm 64,7% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam.

Tuy nhiên, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp cũng đang phải đối diện với một số yếu tố gây khó khăn cho xuất khẩu bền vững. Cụ thể, quá trình toàn cầu hóa, tham gia hiệp định thương mại tự do (FTA) làm gia tăng cạnh tranh với doanh nghiệp sản xuất nước ngoài.

Với phạm vi rộng và mức độ cam kết sâu, hàng rào phi thuế quan sẽ trở nên phổ biến hơn, yêu cầu về chất lượng sản phẩm khắt khe hơn, sản phẩm của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm sản xuất của các nước có lợi thế cạnh tranh vượt trội cũng như các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ tràn vào thị trường Việt Nam do được hưởng lợi từ lộ trình cắt giảm thuế quan.

Trong 10 tháng qua, dù một số ngành công nghiệp có sự tăng trưởng mạnh nhưng do tác động của thị trường thế giới, chênh lệch trong cân đối cung cầu, sụt giảm kim ngạch XK của mặt hàng dầu thô và nông sản khiến sự tăng trưởng đó không thể bù đắp được sự sụt giảm nói chung.

Công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển khiến Việt Nam chỉ là một mắt xích nhỏ trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các ngành công nghiệp lớn, giữ vai trò chủ đạo như dệt may, da giày, điện thoại di động, sản phẩm điện tử… có tỷ lệ gia công cao, chưa đem lại giá trị gia tăng lớn cho nền kinh tế.

Doanh nghiệp không thể đơn độc tồn tại

Theo ông Bùi Việt Quang - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May Sông Hồng, Việt Nam dường như đang kỳ vọng quá nhiều vào những triển vọng đối với xuất khẩu mà TPP mang lại khi hình dung ra những cơ hội cho chúng ta tham gia chuỗi sản xuất có giá trị gia tăng trên toàn cầu, với những nền kinh tế lớn và những tập đoàn hùng mạnh nhất thế giới.

Ông Quang cho rằng, yêu cầu về xuất xứ nguyên liệu bắt buộc từ các nước thành viên TPP đang là bài toán khó đặt ra đối với ngành dệt may Việt Nam.

“Có một thực tế rằng, doanh nghiệp không thể đơn độc tồn tại và phát triển mà thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước. Các doanh nghiệp hiện rất quan tâm đến việc Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường sức cạnh tranh trong sân chơi TPP” – ông Quang đặt câu hỏi.

Theo ông Quang, thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vẫn là khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá thành và sự đa dạng về mẫu mã của hàng hóa, khả năng thích ứng với sự biến động nhanh chóng của khách hàng và thị trường.

Cũng tại hội thảo, ông Vũ Văn Thanh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen chia sẻ, khó khăn của ngành thép khi hội nhập là những rào cản thương mại đang được các quốc gia sử dụng để bảo hộ cho sản xuất trong nước.

Từ thực tế những vụ kiện phòng vệ thương mại thời gian qua (các vụ điều tra chống bán phá giá), lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen cũng nhìn nhận doanh nghiệp cần chấp nhận những thách thức từ xu hướng chung để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như chuẩn bị sẵn sàng ứng phó.

Đứng từ góc độ chuyên gia, ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, trong quá trình hội nhập sâu rộng, thế giới đối xử với Việt Nam ở đẳng cấp cao bởi Việt Nam tham gia hội nhập với các nước đẳng cấp cao với những tiêu chuẩn cao như năng lực cơ bản là công nghệ, trình độ nhân công…

Theo vị chuyên gia này, cấu trúc công nghiệp thế giới đã thay đổi cơ bản theo hướng đề cập đến chuỗi cung ứng. Bởi trên thực tế, thời kỳ tăng trưởng xuất khẩu phụ thuộc vào tài nguyên, giá nhân công rẻ của Việt Nam đã “hết thời”.

“Muốn cạnh tranh, xuất khẩu bền vững phải tham gia chuỗi, không còn thời “mạnh ai người ấy chơi” nữa. Thời gian qua Việt Nam đã kéo được nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhưng không tạo được chuỗi, trong khi doanh nghiệp cơ bản là doanh nghiệp nhỏ và vừa lại không nối được vào chuỗi thì không thể cạnh tranh được” - ông Thiên nhấn mạnh.

(Theo CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục