Dù “không thể trông cậy” vào Mỹ, nước Đức của Thủ tướng Angela Merkel cũng gặp nhiều khó khăn nếu muốn tận dụng mối quan hệ song phương với Trung Quốc.
Putin cao tay phá trận cô lập của Mỹ-phương Tây
- Cập nhật : 22/05/2017
Sau một vài năm cố gắng ngồi vào bàn đàm phán, Nga cảm thấy mình bị cô lập với phương Tây như hồi Xô Viết. Trong nỗ lực phá thế cô lập này, ông Putin đã thực hiện một chiến lược cao tay, đó là đưa quân tham chiến vào Syria và sau đó, một làn sóng khủng bố đã tấn công châu Âu vào năm 2015.
Ông Putin từ lâu đã sử dụng lý do hợp tác chống khủng bố để đạt được những lợi ích từ phương Tây. Và quả thực cái cớ này đã phát huy tác dụng, Defense One nhận định.
Thực chất không có gì đáng ngạc nhiên khi ông Trump liên tục chia sẻ với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và đại sứ Sergey Kislyak những thông tin tối mật về mối đe dọa IS, dấy lên hồi chuông cảnh báo trong cộng đồng tình báo rằng bản thân tổng thống Donald Trump đã tiết lộ nguồn tin tình báo quan trọng về IS.
Điều này gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ căng thẳng giữa ông Trump với cộng đồng tình báo, và thậm chí còn có thể làm phương hại đến các mối quan hệ chia sẻ thông tin tình báo mà bấy lâu nay Mỹ phụ thuộc vào.
Nhưng theo Defense One, một lý do khiến việc vạch trần tổng thống Trump tiết lộ thông tin tình báo có ý nghĩa quan trọng là nó là thành công trong chiến lược của điện Kremlin, nước này muốn nói với phương Tây rằng Nga cũng là đồng minh của phương Tây trong cuộc chiến chống khủng bố. Đây là điều mà ông Putin và ông Trump đã thảo luận trong cuộc điện đàm hai tuần trước, và đây cũng là lĩnh vực hợp tác mà ông Putin tiếp tục đưa ra với phương Tây.
Defense One đánh giá đây là một kịch bản hoàn hảo. Sau mỗi cuộc tấn công khủng bổ ở Nice, Berlin và Paris, ông Putin lại bày tỏ sự đồng cảm và chia buồn đến các nước phải hứng chịu. Nhà lãnh đạo Nga biết rất rõ những gì các nước này đang phải trải qua vì ông đã quá hiểu gánh nặng của cuộc chiến chống khủng bố. Tạo sao hai bên không hợp tác với nhau để cùng chống lại kẻ thù chung này? Thật khó để nói “không” với đề xuất này.
Các vụ khủng bố ở Paris gây chấn động châu Âu đã kéo Pháp xích lại gần Nga trong cuộc chiến chống khủng bố
Và thật dễ dàng để ông Trump không chỉ không từ chối mà còn thật sự hợp tác và chia sẻ thông tin mà ông cho là hữu ích trong nhiệm vụ chung này. Theo Defense One, ông Trump không những là người trong suốt chiến dịch tranh cử đã tuyên bố diệt tận gốc IS mà còn là người không nhìn thấy mối nguy hiểm trong việc quan hệ gần gũi với Nga.
Ông Trump đã đăng lên trang Twitter của mình rằng “Trên cương vị tổng thống, tôi muốn chia sẻ với Nga điều mà tôi hoàn toàn có quyền hành động, liên quan đến chủ nghĩa khủng bố và an toàn hàng không. Điều này là vì mục đích nhân đạo, công thêm việc tôi muốn Nga cùng bước vào cuộc chiến chống IS và khủng bố”.
Theo nhận định của Defense One, kịch bản này xuất sắc bởi vì ông Putin đã giành được sự tín nhiệm trong lĩnh vực chống khủng bố. Quả thực, vị thế lãnh đạo của Putin có được nhờ cuộc chiến chống khủng bố. Ông đã giành hai năm chiến đấu chống lại quân nổi loạn Hồi giáo ở miền bắc Caucasus trước khi cảm thấy phương Tây đã thức tỉnh trước vấn đề này.
Đó là lý do vì sao vào ngày 11/9/2001, ông lại là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gọi điện chia buồn và bày tỏ hy vọng hợp tác trong lĩnh vực này với tổng thống Mỹ George W.Bush. Trong những thập kỷ sau, cả Nga và Phương Tây đều bước chân vào cuộc chiến chống khủng bố, nhưng Nga là bên phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga hơn so với phương Tây.
Khi quan hệ với chính quyền Bush và chính quyền Obama bị suy giảm, nước Nga và Putin đã bực tức vì phương Tây không hiểu mối đe dọa khủng bố, và các nước phương Tây vẫn không biết ơn trước sự trợ giúp mà Nga đưa ra, chẳng hạn như cho phép NATO sử dụng điểm trung chuyển ở Nga để hỗ trợ lính và trang thiết bị đến Afghanistan, và tình báo Nga cũng đã cảnh báo Mỹ về vụ anh em Tsarnaev vào năm 2011, hai năm trước khi chúng đánh bom tại cuộc đua Marathon ở Boston.
Nhưng sau đó khủng hoảng Ukraine lại diễn ra cùng sự kiện Nga sáp nhập Crimea vào tháng 3/2014. Động thái này bị phương Tây cáo buộc là đi ngược lại luật pháp và các quy tắc quốc tế, khiến các công ty lớn của Nga bị Mỹ và EU áp đặt các lệnh trừng phạt. Ông Putin sau đó đã đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt ngược lại. Và sau một vài năm cố gắng ngồi vào bàn đàm phán, Nga cảm thấy mình bị cô lập với phương Tây như hồi Xô Viết.
Trong nỗ lực phá thế cô lập này, ông Putin đã thực hiện một chiến lược cao tay, đó là đưa quân tham chiến vào Syria và sau đó, một làn sóng khủng bố đã tấn công châu Âu vào năm 2015. Sau vụ tấn công Paris hồi tháng 11 năm ngoái, điện Kremlin đã thừa nhận rằng máy bay chở đầy hành khách người Nga phát nổ trên bầu trời Sharm el-Sheikh thực chất là do IS tấn công. Điện Kremlin cũng công bố bức điện mà ông Putin gửi cho tổng thống Pháp Francois Hollande. Bức điện có nội dung như sau:
“Bi kịch này là một bằng chứng nữa chứng minh bản chất man rợ của chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa này đang thách thức nền văn minh nhân loại. Rõ ràng để đối phó một cách hiệu quả với quân khủng bố, cộng đồng quốc tế cần thực sự phối hợp hành động. Tôi muốn khẳng định rằng Nga sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với đối tác Pháp trong việc điều tra bên có liên quan tới vụ khủng bố ở Paris”.
Điều này có nghĩa là thế giới đang phải đối mẳ với một kẻ thù chung, và sẽ thật ngớ ngẩn nếu các nước đối phó một cách riêng rẽ. Vào tháng 7/2016, khi một tên khủng bố lái xe tải đâm thẳng vào đám đông ở Nice, ông Putin nói thẳng vào vấn đề với tổng thống Hollande và người dân Pháp rằng:
“Nga biết rất rõ về chủ nghĩa khủng bố và mối đe dọa mà nó gây ra cho tất cả chúng ta. Nhân dân các nước đã phải đối phó với thảm kịch tương tự quá nhiều lần, và chúng tôi hết sức đau buồn trước thông tin này. Chúng tôi muốn bày tỏ sự đồng cảm và tình đoàn kết với nước Pháp. Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng chỉ bằng cách phối hợp hành động chúng ta mới có thể đánh bại chủ nghĩa khủng bố.”
Trong tuần diễn ra cuộc khủng bố, máy bay Pháp đã bay cùng máy bay Nga trên bầu trời Syria, tấn công các mục tiêu của IS. Điều này đã cho thấy ông Putin đã đạt được một trong số các mục tiêu chính trong việc can thiệp vào cuộc xung đột Syria dưới ngọn cờ chống khủng bố: Đó là buộc phương Tây phải miễn cưỡng để nước Nga thoát khỏi thế cô lập, vì mục tiêu chung là chống khủng bố.
Lý do tương tự cũng giải thích vì sao Nga – nước tấn công vào lực lượng phiến quân- lại chỉ tấn công IS ở một thành phố duy nhất ở Syria, đó là Palmyra. Đài tưởng niệm văn hóa cổ kính đã được chọn một cách chủ đích để gửi đi thông điệp rõ ràng là Nga là nước duy nhất sẵn sàng bảo vệ nền văn minh phương Tây khỏi quân khủng bố.
Còn với ông Trump, nước Nga cuối cùng cũng đã tìm thấy một tổng thống Mỹ sẵn sàng tiếp nhận đề nghị của Nga mà không quá nghi ngờ.
Đặng Phương Thảo
Theo Viettimes.vn