tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 20-07-2016

  • Cập nhật : 20/07/2016

Siêu bộ có quản lý nổi 5 triệu tỉ đồng?

Bộ KH&ĐT vừa công bố dự thảo nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước. Trong đó nội dung quan trọng nhất là thành lập cơ quan chuyên trách có tên gọi ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (DN) (sau đây gọi tắt là ủy ban).

Nếu ủy ban trên được thành lập, cơ quan này sẽ trực tiếp quản lý phần vốn nhà nước tại 30 tập đoàn, tổng công ty. Điển hình như các tập đoàn: Dầu khí, Điện lực, Bưu chính-Viễn thông, Xăng dầu, Bảo Việt... Các tổng công ty gồm: Cà phê, Đường sắt, Hàng hải, Hàng không, Thép, Dược, Sabeco… Tính đến cuối năm 2015, vốn chủ sở hữu của Nhà nước tại các DN lên tới khoảng 5,4 triệu tỉ đồng. Như vậy đây sẽ là một “siêu ủy ban” quản lý khối tài sản khổng lồ, lớn nhất Việt Nam.

uy ban duoc thanh lap voi ky vong se giam duoc tinh trang dau tu kem hieu qua. trong anh: du an mo rong khu gang thep thai nguyen 8.000 ti dong hoang phe. anh: huu viet

Ủy ban được thành lập với kỳ vọng sẽ giảm được tình trạng đầu tư kém hiệu quả. Trong ảnh: Dự án mở rộng khu gang thép Thái Nguyên 8.000 tỉ đồng hoang phế. Ảnh: HỮU VIỆT

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, TS Nguyễn Đình Cung, cho rằng việc thành lập ủy ban này sẽ tránh được xung đột lợi ích trong việc thực hiện các chức năng của Nhà nước, từ đó tách các chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước ra khỏi chức năng làm chính sách và chức năng điều tiết thị trường.

“Nguồn vốn nhà nước khi tập trung về một đầu mối thì sẽ được đánh giá, thống kê đầy đủ, sử dụng hiệu quả hơn cho mục tiêu chiến lược của cả nền kinh tế. Điều này sẽ kéo theo việc tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN sẽ được đẩy mạnh hơn, không chậm chạp như giao cho các bộ chủ quản hiện nay. Nhưng điều quan trọng nhất là các DNNN sẽ tránh được tình trạng kém hiệu quả, kém năng lực cạnh tranh như lâu nay.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thì lo ngại hiện nay số lượng DNNN đang còn quá lớn và việc một ủy ban quản lý DNNN quá lớn như vậy sẽ gặp khó khăn. “Với số lượng 30 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ủy ban này liệu có đảm đương được công tác quản lý hay không. Tôi cho rằng việc quản lý số DNNN này không hề đơn giản, ủy ban có ba đầu sáu tay cũng khó ôm xuể” - ông Doanh lo lắng.

Một điều nữa mà ông Doanh băn khoăn là ủy ban này ra đời có thể xảy ra tình trạng lạm quyền và ngân sách nhà nước lại gánh thêm bộ máy cồng kềnh trong bối cảnh ngân sách đang khó khăn. Bên cạnh đó, ủy ban thực chất là “siêu bộ” và các bộ, ngành sẽ khó đồng tình phương án này, bởi họ sẽ khó chấp nhận nhả phần lợi ích mà họ đang có ở các DNNN.

Từ đó ông Doanh cho rằng về lâu dài, Chính phủ cần đẩy mạnh việc cổ phần hóa, giảm số lượng DNNN xuống mức thấp nhất. “Cái cốt yếu vẫn phải tập trung cổ phần hóa nhanh hơn và hãy để cho DNNN vận hành theo cơ chế thị trường” - ông Doanh khuyến nghị.(PLO)

TP.HCM: Bia, nhà đất giúp thu thuế tăng cao

Sáu tháng đầu năm, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bia rượu, thuốc lá, nhà đất có số thuế GTGT đóng góp vào ngân sách tăng cao so với cùng kỳ. Báo cáo của Cục Thuế TP.HCM cho biết như trên.

Chẳng hạn, Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam (VBL) nộp hơn 880 tỉ đồng (tăng hơn 34%); Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) nộp 325 tỉ đồng (tăng hơn 94%); Công ty TNHH MTV Thuốc lá Sài Gòn nộp 181 tỉ đồng (tăng gần 34%)… Công ty Cổ phần Kinh doanh Nhà Nova, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát… cũng đóng góp thuế cao hơn so với cùng kỳ.

Ngược lại, khu vực doanh nghiệp nhà nước trung ương và địa phương lại giảm. Cơ quan thuế xác định nguyên nhân số thu ở khối doanh nghiệp nhà nước giảm như trên chủ yếu là do doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ khai thác dầu khí có số nộp giảm mạnh.

Cục Thuế TP.HCM cũng cho hay số thu của sắc thuế thu nhập doanh nghiệp tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra, các sắc thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân, thuế bảo vệ môi trường; lệ phí trước bạ… cũng đều tăng.

Các số thu trên đã đóng góp vào tổng số thu cân đối sáu tháng đầu năm là 96.000 tỉ đồng, đạt gần 50% dự toán.

Ông Võ Kim Cự tái cử Chủ tịch Liên minh HTX

Chiều tối nay, Ban chấp hành Liên minh HTX Việt Nam khóa V đã họp phiên đầu tiên để bầu các chức danh chủ chốt. Ông Võ Kim Cự đã tái cử chức Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam. Ông Cự nguyên là Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.
ong vo kim cu phat bieu tai dai hoi

Ông Võ Kim Cự phát biểu tại Đại hội

Theo kết quả bầu cử, ông Võ Kim Cự - Chủ tịch Liên minh HTX VN khóa 4 tái cử chức Chủ tịch Liên minh nhiệm kỳ 2016 - 2020. Ông Võ Kim Cự sinh năm 1957, quê quán tại tỉnh Hà Tĩnh.  Ông là Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX VN nhiệm kỳ 2010 - 2015, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. Ông là trưởng đoàn ĐBQH khóa 13 tỉnh Hà Tĩnh, mới đây ông cũng trúng cử ĐBQH khóa 14 của tỉnh này.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Liên minh HTX nhiệm kỳ 2016-2020 diễn ra sáng nay, ông Võ Kim Cự khẳng định, trong nhiệm kỳ tới, Liên minh HTX định hướng phát triển HTX kiểu mới gắn với xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, ưu tiên phát triển HTX sản xuất vật chất và HTX bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, HTX dịch vụ công.

Được biết, năm 2015, kinh tế hợp tác đóng góp vào GDP 6,5%. Trong 5 năm qua, đã có thêm gần 15.300 Tổ hợp tác và 5.000 HTX được thành lập mới hoạt động của mô hình HTX kiểu mới. Theo Luật HTX năm 2012 thì từ 1/7 năm nay, các HTX phải chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình kiểu mới, nhưng đến nay vẫn còn trên 50% HTX chưa đăng ký chuyển đổi.

Phát biểu tại Đại hội Đại biểu Liên minh HTX chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội bổ sung năm 2011 xác định “Kinh tế Nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chẳc của nền kinh tế quốc dân”.

Thực tế, trên thế giới, có rất nhiều mô hình HTX thành công. Ví dụ, các HTX nông nghiệp tại Nhật Bản thu hút được 91% nông dân tự nguyện tham gia và tạo ra tổng sản phẩm khoảng 90 tỷ USD mỗi năm. Các HTX người tiêu dùng tạo ra doanh thu trên 34 tỷ USD, chiếm 4,9% toàn bộ thị trường thực phẩm của Nhật. Tại Đan Mạch, các HTX người tiêu dùng chiếm 36,4% thị trường bán lẻ...

Thủ tướng nhận định, ở nước ta cũng có rất nhiều HTX thành công  song số lượng chưa nhiều, hoạt động của kinh tế hợp tác chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng chưa thật sự quan tâm đến hoạt động của HTX, chưa thấy hết được vai trò của kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX trong phát triển kinh tế, ổn định xã hội.

 “Bài học thực tiễn thành công trong nước và các nước phát triển chỉ ra rằng, liên kết giữa các hộ kinh doanh nhỏ lẻ để xây dựng HTX và trên cơ sở đó dần hình thành các Liên hiệp HTX là con đường phù hợp nhất, hiệu quả nhất để cải thiện cuộc sống của hàng triệu hộ nông dân. Mô hình mới cho HTX là phải do các xã viên đưa ra từ thực tiễn hoạt động, chứ không phải do phía trên tự đề ra. Chúng ta cần nỗ lực tìm hiểu, học hỏi để thấy được những mấu chốt thành công của những mô hình HTX hiệu quả quả ở nước ta và ở nhiều quốc gia. Liệu có thể nhân rộng những mô hình này khắp cả nước không?”.

Để HTX phát triển, Thủ tướng yêu cầu  Liên minh HTX phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tạo môi trường thuận lợi cho HTX hoạt động, phát huy tinh thần tự chủ, tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp, sáng tạo của các HTX, các xã viên. Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần nhận thức đầy đủ hơn về vai trò của HTX trong phát triển kinh tế- xã hội và đoàn kết xây dựng cộng đồng, từ đó có sự quan tâm hơn trong việc xây dựng thể chế, chính sách để khuyến khích, tạo diều kiện thuận lợi phát triển kinh tế hợp tác, kể cả về vốn, thông tin, ứng dụng công nghệ và phát triển nguồn nhân lực.Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành và Liên Minh HTX Việt Nam đề xuất chính sách để phát triển HTX.

Theo mục tiêu mà Liên minh HTX đặt ra, đến năm 2020, có khoảng 250.000 tổ hợp tác; trong đó 5% tổ hợp tác phát triển thành HTX. Tỷ lệ cán bộ quản lý HTX có trình độ đại học đạt 40% và trình độ trung cấp đạt 50 - 55%. Thu nhập bình quân của các thành viên, người lao động trong HTX tăng gấp đôi so với 2015.(BĐT)

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: 7 nhiệm vụ trọng tâm cho ngành tư pháp

Theo thông cáo của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Tư pháp trong thời gian tới tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tư pháp.
tru so bo tu phap (anh: dan tri)

Trụ sở Bộ Tư pháp (Ảnh: Dân trí)

Nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên của Bộ Tư pháp là chủ động hơn nữa trong việc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp nâng cao chất lượng thể chế; thực hiện nghiêm Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua; thường xuyên theo dõi, đôn đốc các Bộ, cơ quan thực hiện đúng tiến độ xây dựng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết; tập trung nguồn lực thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch công tác năm 2016 đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.

Nhiệm vụ thứ hai là chủ động tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng kế hoạch, lộ trình phù hợp để chuyển hướng chỉ đạo chiến lược từ xây dựng và hoàn thiện pháp luật sang trọng tâm là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thực thi pháp luật; có các biện pháp tổ chức thi hành tốt Luật hộ tịch, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện có hiệu quả các đạo luật quan trọng mang tính cải cách, tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội như Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi), bảo đảm đồng bộ với các đạo luật về tố tụng.

Phó Thủ tướng yêu cầu riêng đối với Bộ luật hình sự do có những sai sót nên Bộ Tư pháp phải tập trung lực lượng nghiên cứu, chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành tiến hành rà soát sửa chữa những sai sót mà các cơ quan, tổ chức và báo chí đã phát hiện và trình Quốc hội xem xét.

Nhiệm vụ thứ ba là tập trung các nguồn lực để hoàn thành các chỉ tiêu của Quốc hội về thi hành án dân sự, có kế hoạch, giải pháp xử lý dứt điểm các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, các vụ việc có liên quan đến tín dụng, ngân hàng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trườngđầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng mà có để xung công quỹ, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về phòng chống tham nhũng; soạn thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác thi hành án dân sự. 

Nhiệm vụ thứ tư là nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hành chính tư pháp, có lộ trình phù hợp phát triển các dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý theo hướng xã hội hóa, khuyến khích tạo điều kiện phát triển dịch vụ này, không thực hiện các dịch vụ công theo nhiệm vụ của chức danh tư pháp để áp dụng các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân; phân biệt quản lý luật sư với bổ trợ tư pháp, nâng cao vai trò của luật sư là chủ thể tham gia quá trình tố tụng góp phần bảo vệ công lý, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và pháp luật; phối hợp với Liên đoàn luật sư Việt Nam kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự.

Nhiệm vụ thứ năm là tập trung chỉ đạo và có biện pháp hiệu quả thực hiện Đề án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ pháp luật và xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp như Nghị quyết số 49-NQ/TW đã đề ra. Học viện Tư pháp tập trung đào tạo các chức danh chấp hành viên, công chứng viên, quản tài viên, thừa phát lại, giám định viên tư pháp, tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực đào tạo; nghiên cứu mở rộng đào tạo các chuyên viên về xây dựng và thẩm định văn bản quy phạm pháp luật cho các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có nhu cầu.

Nhiệm vụ thứ sáu là tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và các Nghị quyết của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư; tích cực thực hiện chủ trương của Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử; tập trung ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin gắn với cải tiến chế độ báo cáo, thống kê trong công tác chỉ đạo điều hành trong lĩnh vực công tác tư pháp.

Nhiệm vụ thứ bảy là Bộ Tư pháp cần xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tham gia xử lý các vấn đề pháp lý quốc tế, chủ động đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ngành giải quyết về những vấn đề pháp lý phát sinh trong đàm phán, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế; tiếp tục rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật, phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); xây dựng đội ngũ cán bộ có kỹ năng tốt, kiến thức toàn diện về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ Tư pháp cũng cần phối hợp với Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ cao, chuyên sâu về công pháp, tư pháp quốc tế để tham gia các vụ việc tố tụng, kể cả các vụ việc về công pháp, các vụ kiện quốc tế.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục