tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 20-03-2016

  • Cập nhật : 20/03/2016

Kinh tế hồi phục, số người thất nghiệp vẫn cao

kinh te hoi phuc, so nguoi that nghiep van cao

Kinh tế hồi phục, số người thất nghiệp vẫn cao

Ngày 18-3, Viện Khoa học lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đã tổ chức buổi công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam, quý IV-2015.

Theo Viện Khoa học lao động và xã hội, quý IV-2015 cả nước có trên một triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, tăng 76,4 nghìn người so với quý IV-2014.

"Như vậy chúng ta có thế thấy mặc dù nền kinh tế phục hồi nhưng do nhiều doanh nghiệp sử dụng các trang thiết bị hiện đại, nên cần ít lao động, vì thế tỉ lệ thất nghiệp vẫn cao" - bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên viện trưởng viện này, nói.

Theo bà Hương, trong số lao động thất nghiệp toàn quốc có hơn 417.000 người có chuyên môn kỹ thuật. Trong đó trên 155.000 lao động có trình độ đại học trở lên; 115.000 lao động trình độ cao đẳng chuyên nghiệp; 63,8 ngàn người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp... So với quý III-2015, số người bị thất nghiệp có chuyên môn kỹ thuật cao giảm 78.000 người.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, GDP của Việt Nam năm 2016 có khả năng đạt 6,6%.

"Tăng trưởng phục hồi sẽ tác động tích cực đến thị trường lao động. Trong 12 tháng tới khoảng 54,1 triệu người có việc làm. Dự báo năm 2016 tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động sẽ giữ ở mức thấp, còn 2,2%. Lực lượng lao động có việc làm trong một số ngành sẽ tăng như công nghiệp chế biến chế tạo, vận tải bãi kho, thông tin và truyền thông. Một số ngành sẽ giảm lao động như nông lâm và ngư nghiệp, khai khoáng" - bà Hương nhận định.


IMF hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực quản lý tài chính, ngân hàng

Chiều 18-3, tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp bà Christine Largarde, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Theo TTXVN, Tổng Bí thư thông báo nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam thời gian tới là tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Theo đó, sẽ tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó tiếp tục ưu tiên giải quyết vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng, ngân sách nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công để chủ động, tích cực hội nhập khu vực và quốc tế.

Tổng Giám đốc IMF Christine Largarde khẳng định IMF sẽ tiếp tục ủng hộ và tăng cường cung cấp các hỗ trợ, tư vấn cần thiết cho Việt Nam, nhất là hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn chính sách, bảo đảm an toàn nợ công, tăng cường năng lực quản lý kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính-ngân hàng.


Giải quyết tình trạng độc quyền cung cấp dịch vụ viễn thông

Tại hội nghị sơ kết đánh giá thi hành Luật Viễn thông và Luật Tần số vô tuyến điện ngày 18-3 ở Hà Nội, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện pháp luật về viễn thông, tần số vô tuyến điện để bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành.

Tăng cường chính sách quản lý cạnh tranh, tiếp tục khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông; tạo bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp. Giải quyết tình trạng độc quyền cung cấp dịch vụ viễn thông trong các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư cao tầng.

lap dat dich vu vien thong cho khach hang tai tp.hcm. anh: htd

Lắp đặt dịch vụ viễn thông cho khách hàng tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Theo Bộ TT&TT, từ khi có Luật Viễn thông và Luật Tần số vô tuyến điện, hạ tầng mạng lưới viễn thông, Internet đã được đầu tư, phát triển mạnh và hoạt động ổn định. Số lượng thuê bao viễn thông di động đã tăng gấp ba lần, từ khoảng 45 triệu thuê bao năm 2009 lên hơn 120 triệu thuê bao vào cuối năm 2015.


Tranh cãi "quyền mua bán" chỗ để xe ô tô chung cư

tranh cai "quyen mua ban" cho de xe o to chung cu

Tranh cãi "quyền mua bán" chỗ để xe ô tô chung cư

Cho rằng quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư của Bộ Xây dựng còn nhiều điểm vô lý, Hiệp hội bất động sản TP.HCM đề nghị sửa đổi.

Toàn quyền bán chỗ để xe ô tô

Từ ngày 2/4 tới đây Thông tư số 02/2016/TT-BXD ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư của Bộ Xây dựng chính thức có hiệu lực. Theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thông tư này đã đưa ra cơ chế vận hành và quản lý các hoạt động của nhà chung cư, cụm nhà chung cư có tính khả thi hơn, tăng cường công tác quản lý, giám sát của cơ quan Nhà nước và chủ sở hữu chung cư cũng như thể hiện được vai trò quan trọng của cơ quan Nhà nước trong các hoạt động của nhà chung cư.

Tuy nhiên, theo HoREA, một số quy định cần điều chỉnh phù hợp hơn với thực tế.

Theo HoREA, quy định "người mua chỗ để xe ô tô nếu có nhu cầu chuyển nhượng hoặc cho thuê chỗ để xe này thì chỉ được chuyển nhượng, cho thuê cho các chủ sở hữu, người đang sử dụng nhà chung cư đó hoặc chuyển nhượng lại cho chủ đầu tư" quy định tại khoản 4d, điều 8 của Thông tư 02 vẫn còn bất cập.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho rằng quy định này vô hình trung đã hạn chế quyền của chủ sở hữu nhà chung cư đang sở hữu chỗ để xe ô tô và tạo lợi thế hơn cho chủ đầu tư. Bởi chủ sở hữu nhà chung cư chỉ được chuyển nhượng, cho thuê lại chỗ để xe ô tô cho những người đang sử dụng nhà chung cư đó hoặc chuyển nhượng lại cho chủ đầu tư. Bên cạnh đó, thông tư đã không hạn chế quyền của chủ đầu tư đã sở hữu chỗ để xe ô tô.

Ông Châu nêu ví dụ, một chung cư có 10 chỗ để xe ô tô nhưng 2 người ở tại chung cư đó không mua. Sau đó trong số 8 người đã sở hữu chỗ để xe trước đó muốn bán lại và 2 người kia cũng không muốn sở hữu. Như vậy theo quy định, nếu người trong chung cư không mua thì chỗ để xe đó sẽ được chủ đầu tư mua lại. Không loại trừ chủ đầu tư bán các suất để xe này cho người không ở tại chung cư vì luật không quy định hành vi này.

“Ở nhiều nước, thị trường mua bán chỗ để xe ô tô tự do, sau khi chung cư đưa vào sử dụng đều có quy định ưu tiên bán chỗ để xe ô tô cho chủ sở hữu chung cư. Nhưng sau đó, chủ sở hữu được toàn quyền chuyển nhượng chỗ để xe ô tô này, người bên ngoài cũng có quyền mua lại chỗ để xe ô tô của chung cư nếu có nhu cầu”, ông Châu cho hay.

Chủ tịch HoREA kiến nghị nếu người sở hữu chỗ để xe ô tô có nhu cầu chuyển nhượng, cho thuê thì phải ưu tiên cho người ở tại chung cư được mua, thuê. Trường hợp người trong chung cư không có nhu cầu thì chủ sở hữu chỗ để xe đó có quyền chuyển nhượng, cho thuê đối với các cá nhân nào có nhu cầu.

Người có tiền án, tiền sự thì không được tham gia ban quản trị?

Trong thời gian qua, tại TP.HCM liên tục xảy ra những vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư và tập thể cư dân liên quan đến các vấn đề về hoạt động của ban quản trị. Trong nhiều vụ việc chủ đầu tư lấy lý do chưa hội đủ điều kiện để tổ chức hội nghị nhà chung cư, ban quản trị chưa có nên chiếm dụng khoản phí bảo trì trong một thời gian dài. Tại khoản 2a, điều 13 Thông tư 02 chỉ quy định số lượng người tham dự chứ không giới hạn mốc thời gian cụ thể trong việc tổ chức hội nghị nhà chung cư.

Để tránh trường hợp chủ đầu tư dây dưa, kéo dài việc tổ chức hội nghị nhà chung cư HoREA kiến nghị nên có quy định, trong trường hợp hội nghị nhà chung cư lần đầu không thành thì không chậm quá 30 ngày phải tổ chức lần hai. Đồng thời, nếu hội nghị nhà chung cư lần hai cũng không thành thì không chậm quá 7 ngày chủ đầu tư phải đề nghị UBND cấp phường tổ chức hội nghị nhà chung cư.

Một bất cập có liên quan đến cơ cấu nhân sự trong ban quản trị chung cư cũng được HoREA nêu ra. Cụ thể, quy định "thành viên Ban quản trị nhà chung cư phải là chủ sở hữu đang sử dụng nhà chung cư đó", theo HoREA là chưa phù hợp. Bởi thực tế cho thấy ở nhiều chung cư cao cấp đa số chủ sở hữu căn hộ đều cho người khác thuê lại. Do vậy nếu quy định “phải là chủ sở hữu đang sử dụng nhà chung cư” mới được là thành viên ban quản trị thì vô tình tước đi quyền của nhiều chủ sở hữu căn hộ.

Ngoài ra, ông Lê Hoàng Châu còn cho rằng quy định thành viên ban quản trị nhà chung cư là người không có tiền án tiền sự là đã tạo ra sự phân biệt đối xử, hạn chế quyền công dân. Theo ông Châu, người chấp hành xong án phạt tù, đã có quyền công dân thì được quyền ứng cử vào Ban quản trị nhà chung cư, còn việc người đó có được bầu vào Ban quản trị hay không là do sự tín nhiệm của cư dân. Do vậy, Hiệp hội đề nghị bỏ quy định này.


Việt Nam nguy cơ ‘mắc kẹt’ trong bẫy thu nhập trung bình

Ngày 18-3, Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM phối hợp với Viện FES (Đức), Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức hội thảo “Bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”.

Ông Erwin Schweisshelm, Trưởng đại diện của FES, nhận định Việt Nam có nhiều thay đổi trong hơn 26 năm qua và trong những năm tới sẽ có nhiều thay đổi khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam có con đường phát triển hoàn hảo và có thể tránh được bẫy thu nhập trung bình.

“Việt Nam đang có nguy cơ mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình và khó thoát ra khỏi tình trạng này nếu không có các giải pháp cải cách mạnh mẽ, quyết liệt” - ông nhấn mạnh.

Cũng theo ông Erwin, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, thâm dụng lao động, phụ thuộc quá nhiều vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); năng suất lao động thấp, hiệu quả đầu tư không cao. Điều này nghĩa là chất lượng tăng trưởng thấp.

Để khắc phục tình trạng này, ông Erwin Schweisshelm khuyến nghị: “Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia như Indonesia, Bangladesh, hay từ Đức để tìm các chính sách phát triển bền vững khi tham gia WTO và TPP. Bản chất của một quốc gia là xây dựng một kế hoạch phát triển phù hợp chứ không thể lấy mô hình Trung Quốc, Singapore hay Nhật Bản… áp dụng cho mình. Cần xây dựng nội lực và sức mạnh cạnh tranh lành mạnh giữa các nền kinh tế sẽ giúp cho Việt Nam phát triển bền vững”.

Bình luận về các vấn đề liên quan đến bẫy thu nhập trung bình mà Việt Nam đang đối diện, TS Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), nhấn mạnh chất xám là yếu tố thúc đẩy Việt Nam thoát khỏi bẫy trung bình. Hơn nữa quyền tư hữu hiện nay tại Việt Nam đang được khôi phục có trật tự sẽ tạo sự ổn định phát triển trong quá trình hội nhập quốc tế. 


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục