tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 21-03-2016

  • Cập nhật : 21/03/2016

Chỉ số nợ công của Việt Nam chưa phải mức nguy hiểm

“Hiện nay chỉ số nợ công/GDP của Việt Nam đang ở mức gần 65% chưa phải là chỉ số mang tính nguy hiểm.” Đó là nhận định của bà Izumi Devalier- Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng HSBC tại Hồng Kông (Trung Quốc) tại Hội thảo Cơ hội thương mại quốc tế trong bối cảnh kinh tế bất ổn triển vọng kinh tế Việt Nam 2016 do Bộ Tài chính tổ chức vào chiều ngày 17-3-2016.

hoi thao da ghi nhan nhieu sang kien tu cac chuyen gia den tu ngan hang hsbc. anh: t.hang

Hội thảo đã ghi nhận nhiều sáng kiến từ các chuyên gia đến từ Ngân hàng HSBC. Ảnh: T.Hằng

Tuy nhiên, bà Izumi Devalier lưu ý, Chính phủ Việt Nam cần tính toán quản lý chặt các khoản lãi trên tổng số nợ. Đồng thời, cân bằng vấn đề thu-chi ngân sách Quốc gia bởi hiện nay các khoản chi thường xuyên của Việt Nam đang ở mức cao. Trong khi đó, thời gian tới khi Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại sẽ giảm nguồn thu thuế.

Nhìn lại năm 2015, theo đánh giá của bà Izumi Devalier, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá ấn tượng, đứng thứ hai tại châu Á.

“Có hai nguyên nhân để Việt Nam phát triển mạnh là vị thế xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng vượt lên xu hướng chung của khu vực, đặc biệt là xuất khẩu sang Hàn Quốc nhờ đầu tư mới gia tăng. Thứ hai, nhờ vào lợi thế về chi phí và tự do hóa mạnh mẽ đã giúp Việt Nam trở thành điểm kinh doanh hấp dẫn. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng và lãi suất cho vay trong nước đã góp phần phát triển kinh tế”- bà Izumi Devalier chỉ ra.

Cùng chung quan điểm này, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, ông  Nguyễn Hồng Hải cho rằng, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có nhiều xu hướng khác nhau, trong đó Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều từ việc ký kết các FTA như: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam với Hàn Quốc, EU… Việt Nam cũng được kỳ vọng là một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, dự kiến GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 10,5% so với nếu không gia nhập TPP. Trong thời gian tới, xuất khẩu của Việt Nam sẽ bật lên mạnh mẽ và được kỳ vọng sẽ tăng hơn 10% mỗi năm trong giai đoạn 2016-2030. Ngoài ra, với lợi thế lực lượng lao động lớn, giá thấp và các hiệp định thương mại khu vực sẽ giúp thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Hải cảnh báo, gần đây đang có xu hướng mới phát sinh do kinh tế thế giới đi vào chu kỳ khó khăn. Một số quốc gia có xu hướng cô lập, chỉ lo lợi ích của quốc gia mình nên sẽ cản trở sự phát triển kinh tế toàn cầu. Vì vậy, theo ông Nguyễn Hồng Hải, tốc độ tăng trưởng kinh tế thời gian qua của Việt Nam khá tốt nhưng nếu không có những cải cách tiếp tục trong 5 năm tới khi mà tài nguyên thiên nhiên ngày càng suy giảm, nhân công giá rẻ sẽ gặp hạn chế… thì đây sẽ là thách thức cho Việt Nam. (BHQ)

Tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) ông Trương Hùng Long cũng thẳng thắn chia sẻ, các Hiệp định thương mại tự do đã đặt ra nhiều khả quan cho nền kinh tế Việt Nam nhưng kèm theo đó cũng là các vấn đề cần giải quyết như: Nợ công, thâm hụt thương mại, ngoại hối…

Đó cũng là lý do để bà Izumi Devalier đưa ra cảnh báo khả năng thâm hụt kép sẽ trở lại Việt Nam năm 2016. Do vậy, cần có những biện pháp thắt chặt để giữ thâm hụt thương mại ở mức có thể kiểm soát. Bởi lẽ tăng trưởng tín dụng và nhu cầu nội địa mạnh mẽ đi kèm với sự suy thoái của cán cân thương mại. Ngoài ra, do nhập khẩu tăng cao từ các DN trong nước, hầu hết là những DN Nhà nước sẽ tạo áp lực lên cán cân thanh toán.

Vì vậy, các chuyên gia kiến nghị Việt Nam nên ưu tiên bình ổn nền kinh tế từ năm 2017 trở đi. Việc bình ổn bao gồm chính sách tiền tệ chặt chẽ nhằm giảm thâm hụt thương mại; tăng dự trữ ngoại hối để chống lại khủng hoảng có thể xảy ra.


Đến 18-3: Kho bạc Nhà nước đã huy động 61.039,93 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ

Tính từ đầu năm 2016 đến ngày 18-3, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã huy động thành công 61.039,93 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (TPCP).

nho co nguon von huy dong tpcp ma he thong giao thong tai nhieu dia phuong duoc xay dung va dua vao su dung phuc vu phat trien kt-xh. anh: t.hang

Nhờ có nguồn vốn huy động TPCP mà hệ thống giao thông tại nhiều địa phương được xây dựng và đưa vào sử dụng phục vụ phát triển KT-XH. Ảnh: T.Hằng

Trong đó, vào phiên giao dịch gần nhất, KBNN huy động 100% trái phiếu gọi thầu, với 7.200 tỷ đồng (6.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm và 700 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm với lãi suất trúng thầu 6,95%/năm).

Năm 2016, KBNN được giao chỉ tiêu huy động vốn cho đầu tư phát triển thông qua phát hành TPCP là 220.000 tỷ đồng; Trong đó, chủ yếu trái phiếu kỳ hạn 5 năm (100 nghìn tỷ đồng), trái phiếu kỳ hạn 3 năm (66 nghìn tỷ đồng); còn lại là trái phiếu kỳ hạn 10 năm, 15 năm,  20 năm và 30 năm.

Do vậy, để hoàn thành kế hoạch, KBNN đang nghiên cứu triển khai các nghiệp vụ mới như: Thực hiện hoán đổi kéo dài kỳ hạn trái phiếu nhằm tăng tính thanh khoản cho trái phiếu trên thị trường; Triển khai phát hành trái phiếu có kỳ trả lãi ngắn hoặc dài hơn kỳ trả lãi chuẩn, tránh dồn khối lượng thanh toán vào một số thời điểm, đảm bảo khả năng trả nợ của ngân sách; Phát hành trái phiếu có lãi suất thả nổi theo kế hoạch Bộ Tài chính phê duyệt.


Cải thiện vốn vay để phát triển nông nghiệp

Nông nghiệp, nông thôn là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên vay vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Vì thế, nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi đã được đề xuất cho ngành này phát triển.

cac ngan hang can nhieu cai thien de tin dung nong nghiep ben vung hon. anh: internet

Các ngân hang cần nhiều cải thiện để tín dụng nông nghiệp bền vững hơn. Ảnh: Internet

Thông tin tại Hội thảo “Hướng tới tín dụng nông nghiệp bền vững cho Việt Nam – nghiên cứu từ tỉnh Lâm Đồng” tổ chức mới đây, ông Trần Văn Tần, Vụ Tín dụng, NHNN cho biết, NHNN đã triển khai nhiều chính sách tín dụng và các công cụ của chính sách tiền tệ đề hỗ trợ vốn cho lĩnh vực này nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn luôn thấp hơn 1-2% so với các lĩnh vực sản xuất khác (hiện phổ biến ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, 9-10%/năm đối với trung và dài hạn).

Bên cạnh đó, NHNN đã ban hành thông tư 20/TT-NHNN quy định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tổ chức tín dụng có dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn lớn, đạt trên 40% dư nợ cho vay của tổ chức tín dụng.

Đặc biệt, NHNN còn ưu tiên tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng có tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn lớn (trên 40%) nhưng gặp khó khăn về nguồn vốn cho vay.

Chính vì những ưu đãi như trên nên dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng đều qua các năm, bình quân giai đoạn 2011-2015 là 17,39%/năm, cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế (13,51%).

Tính đến cuối năm 2015, dự nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn (chưa bao gồm dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) đạt 843.795 tỷ đồng, tăng 13,32% so với cuối năm 2014, chiếm 18,12% tỷ trọng tín dụng chung.

Trong bối cảnh kinh tế hội nhập còn nhiều khó khăn, trong khi nền nông nghiệp của Việt Nam còn phát triển dưới dạng hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết, giá trị gia tăng thấp, ông Trần Văn Tần cho rằng, trong thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục xác định nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiến để tập trung nguồn vốn cho vay, có tính đến các chương trình tín dụng đặc thù cho một số lĩnh vực và sản phẩm chủ lực của ngành.

Bên cạnh đó, các ngân hàng sẽ rà soát để đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các khoản vay để đảm bảo đúng mục đích, an toàn, hiệu quả.

Cùng với nỗ lực của hệ thống ngân hàng, ông Takahashi Akito, Phó Trưởng Đại diện JICA Việt Nam cho rằng, hệ thống ngân hàng cần đến 4 giải pháp để cải thiện tình hình cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Theo đó, các ngân hàng phải có sự hỗ trợ liên quan đến tài sản đảm bảo giúp sửa chữa những thiếu sót trong việc phát triển thị trường thứ cấp về tài sản của hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, bằng cách phát triển thị trường tài sản này như một gói tổng thể. Thông qua đó, hoạt này sẽ giúp điều phối các bên liên quan cũng như vận hành một cơ sở dữ liệu về tài sản của hoạt động sản xuất kinh doanh nông nghiệp.

Hơn nữa, các ngân hàng nên có chương trình hỗ trợ phát triển kế hoạch kinh doanh tốt gắn liền với chuỗi giá trị để áp dụng thông suốt Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục phát triển nông nghiệp nông thôn trong đó có chính sách yêu cầu các ngân hàng hỗ trợ cho vay không cần tài sản đảm bảo.

Đặc biệt, đại diện JICA cũng cho rằng, các tổ chức tín dụng nên có phương án bảo lãnh tín dụng, giúp giảm yêu cầu về tài sản đảm bảo. Hoặc các ngân hàng nên cung cấp tín dụng từng phần (trả góp). Từ đó, cùng với các khoản vay ưu đãi từ nguồn vốn ODA, người vay có thể giảm cả gánh nặng đầu tư ban đầu lẫn yêu cầu về tài sản đảm bảo của ngân hàng.


Chính phủ khóa mới và hàng loạt những thách thức

Vào tháng 4 tới, sau khi kết thúc Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, có thể bộ máy Chính phủ khóa mới sẽ ra mắt, vận hành sớm hơn khoảng 4 tháng so với thông lệ.

Bình luận về việc Quốc hội đẩy nhanh tiến độ chuyển giao quyền lực này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Nguyễn Đức Kiên nói, “đây là một cách làm mới, rút ngắn được thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng. Cách làm này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, phản ánh khoa học quản lý nhà nước trên thế giới”.

Ngổn ngang công việc

“Thông thường, tại Kỳ họp thứ nhất của nhiệm kỳ mới (vào tháng 8), Quốc hội tiến hành xem xét, phê chuẩn nhân sự cấp cao của Nhà nước. Trong khi đó, Đại hội Đảng toàn quốc diễn ra vào tháng 1. Tức là, phải gần hết năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm, chúng ta mới có bộ máy nhà nước mới để triển khai thực hiện các nhiệm vụ 5 năm, như vậy thì chậm quá”.

Song TS. Kiên nhấn mạnh rằng, “chưa có nhiệm kỳ nào mà ở thời điểm chuyển giao, tình hình kinh tế - xã hội lại đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như bây giờ…”. Ngổn ngang công việc đang chờ Chính phủ khóa XIV phải bắt tay ngay vào việc, với một quyết tâm cao nhất. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, trước hết, đó là, “Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ phải quyết liệt, phải gạt sạch những nhóm lợi ích đang giằng níu vừa qua thì mới làm được nhiệm vụ sống còn là tái cơ cấu nền kinh tế”.

Ông Kiên kỳ vọng Chính phủ khóa mới chấm dứt bằng được căn bệnh thích thành tích, thích hoành tráng, từ con số đăng ký thành lập doanh nghiệp mới đến con số đăng ký vốn đầu tư FDI đều phải là mới nhất nhiều nhất, kỷ lục từ trước đến nay, rồi “phong trào” xây dựng trụ sở mới, tượng đài... Tỉnh mộng mới thấy đó chỉ là những con số ảo.

Nếu phương thức điều hành, phương thức hành động không thay đổi một cách quyết liệt hơn nữa thì tình hình đất nước sẽ vô cùng khó khăn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, TS Phùng Đức Tiến chỉ ra thực tế, tái cơ cấu nền kinh tế dù được hô hào trong cả nhiệm kỳ qua nhưng kết quả chưa được là bao.

Ngân sách trong cảnh lao đao vì giá dầu giảm, áp lực lấy tiền ở đâu không chỉ cho đầu tư phát triển mà còn để giải quyết vấn đề cấp bách là hạn hán và xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu, cộng dồn với những khó khăn đó là những diễn biến phức tạp trên biển Đông, đang đè nặng lên Chính phủ khóa mới.

Khốc liệt cả trong và ngoài

Rút kinh nghiệm từ nhiệm kỳ qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Việt Trường thấy rằng nếu Chính phủ khóa mới xây dựng “văn hóa từ chức” đối với vị trí các bộ trưởng, trưởng ngành, thì bộ máy mới sẽ có những bước đi đột phá trong chỉ đạo điều hành, khi mọi vị trí đều thấy rõ hơn về trách nhiệm, để làm việc tốt hơn.

“Đây không phải là sự trừng phạt với người đảm nhiệm vị trí các Tư lệnh ngành, lĩnh vực mà thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu trước Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân ”, ông Trường nói, “nếu không đảm đương được vị trí Tư lệnh ngành, lĩnh vực, không giải quyết được những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thì nên dừng lại để thay thế bằng người khác có khả năng đảm đương tốt hơn, tốt cho cả bộ máy và cho cả đất nước”.

Ở góc độ của chuyên gia, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định “với bộ máy mới, chúng ta có quyền hi vọng đất nước sẽ có đổi mới và tiếp tục phát triển mạnh hơn, nhanh hơn để sớm đuổi kịp các nước khác trong khu vực. Nhưng những người lãnh đạo rất cần có tư duy đổi mới vượt bậc, nếu không sẽ khó vượt qua được nếp nghĩ và cách làm cũ”.

TS. Cung dẫn chứng, trong vài năm qua, nhất là từ năm 2014, Quốc hội đã ban hành các đạo luật quan trọng làm nền tảng cho phát triển kinh tế như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư 2014...

Chính phủ đã có các nghị quyết (như nghị quyết 19) về tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh... Cả hệ thống chính trị đã thể hiện một tinh thần đầy quyết tâm.

Và năm qua, lần đầu tiên Việt Nam đã chấp nhận so việc cải cách của mình là chậm hơn nhiều với quốc gia khác, nhất là các quốc gia tiên tiến trong khu vực, chứ không chỉ so với chính mình như trước đây.

Song tinh thần là vậy mà khi triển khai thì tiến độ nhìn chung khá chậm. Cái yếu nhất ở Việt Nam là tổ chức thực hiện. Vì vậy, ngay cả chính sách tốt, kết quả thực hiện cũng khác khá xa so với những gì có trên giấy tờ.

Dù còn đó những ưu tư, trăn trở, nhưng các vị đại biểu Quốc hội cũng như chuyên gia kinh tế, đều có chung niềm tin như Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên, “chúng ta sẽ lựa chọn được một ekip Chính phủ mới đủ năng lực, đủ mạnh mẽ, đủ quyết liệt, đủ táo bạo để chèo lái đất nước trong bối cảnh nội lực nền kinh tế tràn đầy khó khăn và áp lực của hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng khốc liệt”.(TCTC)


Quảng Bình: Phê bình Chủ tịch huyện Quảng Trạch viết văn bản xin FLC hỗ trợ 10 tỷ đồng trồng cây xanh

Ngày 20/3, Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Bình cho biết Thường trực Tỉnh ủy đã có thông báo số 125TB/TU về việc phê bình ông Phan Ngọc Duy - Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch và ông Phan Xuân Vinh - Phó trưởng BQL Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình kiêm Trưởng đại diện khu kinh tế tại Khu kinh tế Hòn La (Quảng Trạch) vì đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh kêu gọi đầu tư của địa phương, tạo hình ảnh không tốt với các nhà đầu tư.

Cùng với việc bị Tỉnh uy phê bình, ông Phan Ngọc Duy cũng được yêu cầu giải trình và bị phê bình do tự ý viết văn bản xin doanh nghiệp 10 tỷ đồng trồng cây xanh.

Theo đó, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình yêu cầu Huyện ủy Quảng Trạch tổ chức phê bình ông Phan Ngọc Duy - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch vì đã gợi ý, làm văn bản xin Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC hỗ trợ kinh phí 10 tỉ đồng để thực hiện dự án trồng cây xanh tại trung tâm huyện lỵ huyện Quảng Trạch nhưng không báo cáo xin ý kiến lãnh đạo tỉnh.

Ông Duy còn viết tường trình và yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm việc làm nói trên, lấy đó làm bài học trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được phân công.

thi tran ba don (huyen quang trach, quang binh)

Thị trấn Ba Đồn (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình)

Ông Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, thay măt Thường vụ Tỉnh ủy đã ký thông báo số 125TB/TU thông báo ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy về việc phê bình Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch và Phó trưởng ban Khu kinh tế tỉnh.

khu kinh te hon la- quang binh.

Khu kinh tế Hòn La- Quảng Bình.

Thường trực Tỉnh ủy cũng chỉ đạo phê bình ông Phan Xuân Vinh- Phó Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh kiêm Trưởng đại diện khu kinh tế tại Khu kinh tế Hòn La, vì đã ứng xử, phát biểu nóng nảy, tạo ấn tượng không tốt với nhà đầu tư.

Trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Bình cũng được giao nhiệm vụ tăng cường chỉ đạo, xiết chặt kỷ luật, kỷ cương, chấn chỉnh đối với cán bộ cấp dưới, khẩn trương phân công ông Phan Xuân Vinh thôi kiêm trưởng đại diện khu kinh tế tại Khu kinh tế Hòn La để phụ trách lĩnh vực khác của Ban Quản lý khu kinh tế.

Thông báo của Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình đánh giá, trong điều kiện tỉnh Quảng Bình đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo các cơ chế, chính sách thông thoáng để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội thì việc làm của ông Phan Ngọc Duy và ông Phan Xuân Vinh đã làm ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, tạo hình ảnh, dư luận không tốt đối với nhà đầu tư, tạo cho nhà đầu tư chần chừ, dao động, không muốn đầu tư tại tỉnh. Vì thế, Tỉnh uỷ yêu cầu phải phê bình nghiêm khắc đến 2 lãnh đạo nói trên.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục