tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh trưa 16-02-2016

  • Cập nhật : 16/02/2016

Mở rộng quốc lộ nối TP HCM, Tây Ninh với Campuchia

Toàn tuyến quốc lộ 22 nối TP HCM với tỉnh Tây Ninh đi Campuchia sẽ được nâng cấp, mở rộng theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOT).

Chính phủ vừa có văn bản đồng ý cho phép UBND TP HCM là cơ quan có thẩm quyền tổ chức kêu gọi đầu tư và triển khai thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng toàn tuyến quốc lộ 22 trên địa bàn TP HCM và tỉnh Tây Ninh theo hình thức đối tác công tư.UBND TP HCM được giao phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Tây Ninh và các cơ quan liên quan triển khai dự án theo đúng quy định.

quoc lo 22 dai 58 km sap toi se duoc nang cap, mo rong toan tuyen. anh: huu nguyen

Quốc lộ 22 dài 58 km sắp tới sẽ được nâng cấp, mở rộng toàn tuyến. Ảnh: Hữu Nguyên

Quốc lộ 22 dài 58 km chạy qua địa bàn TP HCM và tỉnh Tây Ninh là tuyến giao thông huyết mạch có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng trọng điểm phía Nam, giúp cải thiện năng lực vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Đông, Tây Nam Bộ và từ TP HCM đi Tây Ninh qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài sang Campuchia và các nước khu vực ASEAN.

Theo UBND TP HCM, việc nâng cấp, mở rộng quốc lộ 22 là cấp thiết và cần sớm triển khai thực hiện, bởi trong thời gian gần đây tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm. Nguyên nhân chính là do mặt đường không đủ rộng cho các làn xe chạy.

Bên cạnh đó, các dự án đường Vành đai 3 (Bến Lức - quốc lộ 22 và đoạn quốc lộ 22 - Bình Chuẩn), tuyến cao tốc từ TP HCM đi Mộc Bài chuẩn bị hoàn thành, cộng với việc TP HCM đẩy mạnh triển khai các dự án xây dựng khu đô thị Tây Bắc, khép kín tuyến Vành đai 2 cũng khiến lưu lượng giao thông trên quốc lộ 22 quá tải.

Về việc đặt trạm thu phí để hoàn vốn, UBND TP HCM đã kiến nghị và được Bộ GTVT thống nhất phương án một nhà đầu tư nâng cấp, mở rộng toàn tuyến quốc lộ 22 để tránh tình trạng một tuyến đường dài 58 km có 2 trạm thu phí, không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70 km theo quy định.


Ông Phạm Minh Chính giữ chức trưởng Ban Tổ chức trung ương

Sáng 15-2, ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đã trao quyết định của Bộ Chính trị phân công ông Phạm Minh Chính làm trưởng Ban Tổ chức trung ương.

ong dinh the huynh (ben phai) trao quyet dinh cho ong pham minh chinh - anh: l.k

Ông Đinh Thế Huynh (bên phải) trao quyết định cho ông Phạm Minh Chính - Ảnh: L.K

Trước đó, 10g sáng 15-2, tại hội nghị triển khai quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ và gặp mặt đầu xuân Bính Thân 2016, ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng đã công bố quyết định của Bộ Chính trị phân công ông Phạm Minh Chính làm trưởng Ban Tổ chức trung ương.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Minh Chính nói: “Từ đáy lòng mình, tôi xin bày tỏ sự kính trọng và lòng biết ơn chân thành, sâu sắc nhất về những đóng góp to lớn của các đồng chí lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương qua các thời kỳ; nhất là các đồng chí lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương nhiệm kỳ này và đặc biệt là vai trò của đồng chí Tô Huy Rứa - trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhiệm kỳ XI. Các đồng chí đã để lại những sản phẩm cụ thể và kinh nghiệm thực tiễn quý giá đối với những người làm công tác tổ chức xây dựng Đảng”.

Ông Chính cho rằng “nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong những năm tới rất nặng nề và đỏi hỏi trách nhiệm rất cao của toàn ngành tổ chức xây dựng Đảng đối với đất nước và nhân dân”.

PGS.TS Phạm Minh Chính sinh năm 1958, quê Thanh Hóa. Ông tốt nghiệp kỹ sư xây dựng tại Rumani, từng kinh qua nhiều chức vụ ở các lĩnh vực khác nhau như bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán VN ở Rumani, thứ trưởng Bộ Công an, bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh (từ 2011), phó trưởng Ban Tổ chức trung ương (tháng 4-2015), ủy viên Bộ Chính trị (2016).


Vẫn rút ngắn chu kỳ kiểm định ôtô kinh doanh 


Hiệp hội Taxi TP.HCM vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét giữ nguyên chu kỳ kiểm định ôtô con đến 9 chỗ ngồi kinh doanh vận tải hành khách có chu kỳ đầu 24 tháng và từ lần thứ 2 trở đi là 12 tháng. 

Theo ông Tạ Long Hỷ - chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, trong thông tư 70 của Bộ Giao thông vận tải áp dụng từ ngày 1-1-2016 đã rút ngắn chu kỳ kiểm định lần đầu còn 18 tháng và từ lần 2 còn 6 tháng.

Điều này có nghĩa doanh nghiệp sẽ tốn gấp đôi chi phí kiểm định/năm và tăng gấp đôi thời gian ngừng kinh doanh do đưa xe đi kiểm định, khiến việc giảm giá cước taxi rất khó.

Trong văn bản trả lời Hiệp hội Taxi TP.HCM, Cục Đăng kiểm VN cho biết việc rút ngắn chu kỳ kiểm định nhằm tăng cường kiểm soát phương tiện, nâng cao chất lượng đăng kiểm và do thực hiện khuyến nghị của Tổ chức Đăng kiểm ôtô quốc tế.

Hơn nữa, ôtô kinh doanh đến 9 chỗ ngồi có cường độ hoạt động liên tục bình quân 120.000-150.000 km/năm, trong khi xe không kinh doanh chỉ 12.000-20.000 km/năm.

Bên cạnh đó, một số nước như Singapore, Argentina, Bỉ, New Zealand áp dụng chu kỳ kiểm định lần đầu 1 năm và lần tiếp theo là 6 tháng.


Chọn địa điểm 
xây công viên phần mềm Quang Trung 2

UBND TP.HCM vừa giao Sở Quy hoạch - kiến trúc chủ trì khảo sát, xác định lại địa điểm và nhu cầu đất cần thiết cho dự án xây dựng công viên phần mềm Quang Trung 2, báo cáo kết quả cho UBND TP xem xét, quyết định trong tháng 2-2016.

Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn được giao chủ trì nghiên cứu và đề xuất các phương án đầu tư theo hình thức xã hội hóa, hợp tác công tư (PPP) để xây dựng công viên phần mềm Quang Trung 2.

Trước đó, cuối tháng 12-2015, Sở Thông tin - truyền thông TP đã trình UBND TP về các địa điểm được khảo sát để xây dựng công viên phần mềm Quang Trung 2.

Trong đó, nơi này đề xuất phương án ưu tiên là dành toàn bộ 197ha hoặc tối thiểu 2/3 đất thuộc khu đảo Long Phước (Q.9), hoặc phương án 2 là dành khoảng 50ha đất thuộc khu vực liền kề với khu đất dự kiến bố trí cho nhà đầu tư nước ngoài tại khu đô thị Tây Bắc - Củ Chi để triển khai dự án.


Ra quân đánh bắt đầu năm tại Hoàng Sa - Trường Sa

Sáng 15-2 (mồng 8 tết), tại lăng Đông Hải (thôn Đông, xã An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi), Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải làm lễ ra quân đánh bắt đầu năm mới tại ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa.

le ra quan danh bat dau nam cua ngu dan xa an hai - anh: van minh

Lễ ra quân đánh bắt đầu năm của ngư dân xã An Hải - Ảnh: Văn Mịnh

Lễ ra quân đánh bắt đầu năm mới là nghi lễ truyền thống có từ hàng trăm năm trước của ngư dân đảo Lý Sơn với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, tàu về tôm cá đầy khoang. 

Sau các nghi thức cúng tế, hồi trống lệnh vang lên trong tiếng hò reo của hàng trăm ngư dân, những con tàu đánh bắt xa bờ với đầy đủ ngư cụ giương cao cờ đỏ nối đuôi nhau tiến ra ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa.  

Lý Sơn hiện có 417 tàu cá, trong đó xã An Hải có trên 120 tàu cá có công suất lớn từ 90 CV trở lên khai thác hải sản tại ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa. Mùa biển năm 2015 vừa qua, ngư dân trong xã khai thác được trên 17.400 tấn hải sản các loại, với giá trị đạt trên 130 tỉ đồng, thu nhập một lao động nghề biển đạt 100 -150 triệu đồng/người/năm.

Mùa biển 2016 này, ngư dân trong xã quyết tâm khai thác được trên 17.600 tấn hải sản các loại, (chiếm gần 1/2 sản lượng khai thác của huyện).


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục