tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh tối 07-01-2016

  • Cập nhật : 07/01/2016

Gần 900 hộ dân tái định cư đối mặt với cái đói

nguoi dan ban huoi muong (xa tien phong) lo thieu doi vi gao ho tro sap het - anh: khanh hoan

Người dân bản Huồi Muộng (xã Tiền Phong) lo thiếu đói vì gạo hỗ trợ sắp hết - Ảnh: Khánh Hoan


Sau gần 4 năm chuyển đến nơi ở mới, 878 hộ dân tái định cư của H.Quế Phong (Nghệ An) có nguy cơ bị đói vì chưa được cấp đất sản xuất.
Những hộ dân này nằm trong số hơn 1.300 hộ dân phải rời bỏ nhà cửa, ruộng nương đến ở tại 13 điểm tái định cư thuộc các xã Đồng Văn, Thông Thụ, Tiền Phong để nhường đất cho thủy điện Hủa Na. Dù thủy điện đã khánh thành, phát điện từ cuối năm 2013 nhưng đến nay, phần lớn người dân vẫn phải “ngồi chơi xơi nước” vì không có đất sản xuất.
 
“Không biết lấy gì mà ăn”
Đứng tựa vào hàng rào, phía sau là những ngôi nhà sàn khá đẹp, bà Vi Thị Yến (bản Huồi Cụt, xã Tiền Phong) than thở: “Nhà đẹp, đường cũng đẹp nhưng về đây sống khổ hơn nơi cũ. Ở quê cũ nhà tui có nhiều ruộng, mỗi năm thu được hơn 2 tấn lúa, đất rừng thì trồng quế, cá thì dưới suối rất nhiều, tha hồ ăn chứ không phải khổ sở như về đây”.
Năm 2011, bà Yến cùng 136 hộ dân về bản này sinh sống, được chủ đầu tư hỗ trợ tiền dựng nhà, mỗi người mỗi tháng 30 kg gạo trong vòng 4 năm và hứa sẽ được chia mỗi người 200 m2 đất ruộng, 300 - 400 m2 đất vườn và 3 ha đất rừng. Thế nhưng, đến nay, gia đình bà chỉ mới được chia 3 ha đất rừng, còn đất vườn và đất ruộng chưa có tấc nào.
“Đất rừng họ chia nhưng không cắm mốc, không biết chỗ nào để trồng cây nên đang để không. Đất vườn và đất ruộng không có, cả nhà phải đi vào rừng hái măng. Hết mùa măng thì về ngồi không, chẳng biết làm gì”, bà Yến than thở.
Trưởng bản Huồi Cụt Hà Văn Phòng cho biết, đến nay, cả bản chưa được chia ruộng nước, như lời hứa ban đầu của UBND huyện và chủ đầu tư thủy điện. Đất rừng đã được chia từ năm 2013, mỗi hộ từ 1 - 3 ha. 
“Nhiều hộ ở đây cũng đang kêu bị thiếu đất rừng nhưng UBND huyện và chủ đầu tư vẫn chưa vào đo lại. Đất rừng khi chia, họ phun sơn lên cây để làm mốc nhưng sau đó dân chặt cây, mất dấu nên chưa nhà nào dám trồng cây vì sợ trồng lên đất người khác”, ông Phòng nói.
Theo thỏa thuận, chủ đầu tư thủy điện sẽ hỗ trợ cho người dân gạo ăn trong vòng 4 năm chia thành 16 lần. Đến nay, bản này đã được hỗ trợ 14 lần gạo. “Còn 6 tháng nữa là hết gạo hỗ trợ, nếu không có ruộng thì dân sẽ không biết lấy gì ăn”, ông Phòng lo lắng.
Tại bản Huồi Muộng (xã Tiền Phong), 118 hộ dân cũng đến tái định cư từ năm 2011. Nhìn những căn nhà sàn mới nằm dọc hai bên đường được rải nhựa hoặc đổ bê tông, tưởng rằng người dân nơi đây có cuộc sống ấm no. Thế nhưng, họ vẫn đứng ngồi không yên khi cái đói đang cận kề, trong khi đất sản xuất chưa có.
“Không có ruộng, không có rừng, nhà ta phải đi làm thuê, nhưng cũng không ai thuê”, anh Lô Văn Dung, bản Huồi Muộng than thở. Trưởng bản Huồi Muộng Lô Văn Thứ cho biết, một số hộ đã phải đóng cửa nhà, vào lại quê cũ để làm ăn, đánh cá vì nếu cứ ở nhà thì chết đói.
 
Có thể thất hứa với dân
Ông Trương Minh Cương, Phó chủ tịch UBND H.Quế Phong thừa nhận, việc cấp đất cho người dân tái định cư thủy điện Hủa Na là quá chậm do lỗi của chủ đầu tư. Theo ông Cương, đến nay mới chỉ cấp khoảng 40% diện tích đất sản xuất cho dân, trong đó, đất rừng và đất vườn mới có 5/13 điểm tái định cư được cấp đủ, đất ruộng có 6/13 điểm đã được cấp. 
“Có khả năng chính quyền và chủ đầu tư sẽ phải thất hứa với người dân ở 5 điểm tái định cư trên địa bàn vì chi phí khai hoang đất ruộng quá cao”, ông Cương nói.
Theo ông Cương, khi quy hoạch, đơn vị tư vấn đã không tính toán được sự thay đổi môi trường nên khi làm xong đường thì diện tích đất nông nghiệp dự kiến cấp cho người dân bị thiếu nước, hoang hóa. UBND huyện đang vận động người dân chuyển sang nhận nuôi 1 con bò thay cho nhận 200 m2 đất ruộng, nhưng dân không chịu vì sợ nhận bò, bò chết thì bị đói.
“UBND huyện đang làm thủ tục chuyển đổi và sẽ cấp đủ đất rừng cho dân. Riêng đất ruộng thì đang rất khó. Chúng tôi đang vận động dân để họ nhận bò về nuôi, nếu không sẽ phải chấp nhận phương án phục hồi đất hoang hóa thành đất ruộng để cấp cho người dân, dù dự kiến chi phí cải tạo đất sẽ rất lớn”, ông Cương nói. (Thanh Niên)

Thủ tướng yêu cầu xử nghiêm gian dối trong sản xuất, kinh doanh

Gỡ nút thắt cho nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo như trên. Thủ tướng chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng ghi nhận những thành công của ngành nông nghiệp giai đoạn 2011-2015, nhưng cũng khuyến cáo rằng tăng trưởng của ngành nông nghiệp đang có dấu hiệu chậm lại và năm 2015 chỉ đạt 2,41%, mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, cho thấy sự thiếu ổn định và bền vững.

Do đó, thời gian tới ngành nông nghiệp và các bộ ngành liên quan cần tích cực xem lại các khó khăn, vướng mắc trong phát triển nông nghiệp để tập trung tháo gỡ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành trước hội nhập quốc tế. “Bộ NN&PTNT và các bộ ngành liên quan cần phải rà soát các chính sách, thông tư, văn bản hướng dẫn chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp đang bị cản trở, vướng mắc ở khâu nào để kiến nghị sửa đổi kịp thời. Các bộ phải chủ động đề xuất thêm các chính sách để người dân và doanh nghiệp phát triển tốt hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Tại hội nghị trực tuyến tổng kết ngành năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016, kế hoạch 5 năm 2016-2021, được tổ chức ngày 5-1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo gỡ nút thắt cho nông nghiệp.

Trước các vấn đề nổi cộm của ngành nông nghiệp như chất lượng vật tư nông sản bị thả nổi, vệ sinh an toàn thực phẩm đáng báo động, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các đơn vị liên quan trong năm 2016 tập trung xử lý nghiêm các hành vi gian dối trong sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản xuất và kinh doanh thực phẩm.

Về lâu dài, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo chuỗi giá trị để liên kết lớn, nâng cao sản lượng và chất lượng hàng nông sản VN.

Trước đó, ông Cao Đức Phát, bộ trưởng Bộ NN&PTNT, báo cáo cho biết năm 2015 tốc độ tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp đạt 2,41%. So với năm 2014, sản lượng hầu hết các loại cây trồng tiếp tục tăng như lúa đạt 45,2 triệu tấn (tăng 241.000 tấn so với năm 2014), bắp tăng 78.000 tấn, khoai mì tăng 464.000 tấn, rau đậu thực phẩm tăng 276.600 tấn.

Thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản cả nước và xuất khẩu được mở rộng. Ước năm 2015 kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp đạt 30,14 tỉ USD, giảm 0,8% so với năm 2014 nhưng chủ yếu là do giá giảm.

Trước bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, giá nông sản vẫn ở mức thấp trong khi thiên tai, hạn hán diễn biến phức tạp, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho biết sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng và hiệu quả trong thời gian tới.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt các nghị định về hợp tác xã nông nghiệp, nghị định khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp; đề nghị các bộ ngành rà soát, đổi mới cơ chế chính sách thúc đẩy tái cơ cấu, hỗ trợ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

 


Quy trình bầu Bộ Chính trị như thế nào?

Theo quy định tại Điều 25, Quy chế bầu cử trong Đảng ban hành theo Quyết định số 244-QĐ/TW, ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương, việc bầu Bộ Chính trị được thực hiện như sau:

1- Phiên họp thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí Tổng Bí thư khóa trước (tái cử hoặc không tái cử) làm triệu tập viên khai mạc và chủ trì cho đến khi bầu xong Đoàn Chủ tịch hội nghị.

Trường hợp đồng chí Tổng Bí thư khóa trước không thể làm triệu tập viên thì Đoàn Chủ tịch Đại hội cử triệu tập viên.

2- Đoàn Chủ tịch Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương báo cáo về đề án và đề nghị số lượng Ủy viên Bộ Chính trị cần bầu.

3- Hội nghị thảo luận, biểu quyết về số lượng Ủy viên Bộ Chính trị.

4- Đoàn Chủ tịch báo cáo danh sách những đồng chí được Ban Chấp hành Trung ương khóa trước đề cử vào Bộ Chính trị.

5- Tiến hành ứng cử, đề cử.

6- Họp tổ để thảo luận.

7- Đoàn Chủ tịch tổng hợp danh sách những người tự ứng cử, được đề cử; đề xuất những trường hợp được rút và không được rút khỏi danh sách bầu cử, báo cáo hội nghị xem xét, quyết định.

Lấy phiếu xin ý kiến của hội nghị đối với những người ứng cử, được đề cử tại hội nghị (nếu cần).

8- Lập danh sách bầu cử, hội nghị biểu quyết thông qua số lượng và danh sách bầu cử Bộ Chính trị.

9- Bầu cử, kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử./.(Infonet)


Năng suất lao động: Vì sao Việt Nam luôn đứng cuối bảng?

Mới đây, một loạt bảng xếp hạng năng suất lao động khu vực châu Á và trên thế giới đã được công bố, năng suất lao động của Việt Nam luôn bị xếp cuối bảng.

Câu chuyện năng suất, chất lượng một lần nữa lại là vấn đề nóng trong buổi công bố 20 năm Giải thưởng chất lượng quốc gia vừa được Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức.

Giải thưởng chất lượng quốc gia là giải thưởng duy nhất đến thời điểm này được công nhận trong hệ thống quy phạm pháp luật của Việt Nam. Doanh nghiệp đoạt giải đồng nghĩa sẽ nhận bằng khen của Thủ Tướng Chính phủ.

Để đạt được giải thưởng, các doanh nghiệp phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ, bao gồm: Chiến lược, vai trò lãnh đạo, phát triển khách hàng và nguồn nhân lực. Bộ tiêu chí này đã được xây dựng cách đây đến 20 năm, thể hiện tầm nhìn cũng như kỳ vọng của Hội đồng Giải thưởng với các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng: “20 năm đã định hình nề nếp để doanh nghiệp hướng tới việc nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của mình, đáp ứng thị trường và đạt tiêu chí cạnh tranh trên thị trường quốc tế”.

Thế nhưng, không biết Bộ tiêu chuẩn quốc tế này quá khắt khe hay khả năng hội nhập của doanh nghiệp Việt còn thấp mà 20 năm qua, chỉ có gần 1.700 doanh nghiệp đạt được giải thưởng này. Con số là hàng nghìn nhưng lại quá nhỏ bé trên tổng số hàng trăm nghìn doanh nghiệp trên thị trường.

Ông Lê Duy Anh, Tổng Giám đốc Công ty Xuân Hòa Việt Nam đánh giá: “Lao động Việt Nam tính chuyên nghiệp chưa thể so sánh với các nước có nền công nghiệp phát triển. Người lao động nhiều khi có “văn hóa” xin nghỉ như rằm tháng Giêng hay nhà có đám cưới… đó cũng là những điều khó khăn cho doanh nghiệp”.

Để tăng năng suất lao động, ngoài việc tổ chức đào tạo, nhiều doanh nghiệp đã gắn trách nhiệm của từng người lao động với quyền lợi cụ thể.

Ông Trần Ngọc Quyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn gợi ý: “Đào tạo gắn liền với lương thưởng thì sẽ bắt buộc người lao động làm việc hết mình để lương cao hơn, doanh nghiệp cần thu hút người lao động liên tục nghĩ ra sáng kiến đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp”.

Ngoài doanh nghiệp, 70% lao động hiện nay của Việt Nam làm trong lĩnh vực nông nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, thiết bị lạc hậu. Chính vì vậy nâng cao năng suất lao động ở lĩnh vực này đang là mục tiêu hàng đầu của Bộ Khoa học và Công nghệ.


Công bố những người ngó lơ sai phạm tại 8B Lê Trực

Có ít nhất 5 cán bộ gồm lãnh đạo UBND phường Điện Biên, Đội trưởng, Đội phó Thanh tra Xây dựng quận Ba Đình, cán bộ Phòng Quản lý cấp phép Sở Xây dựng Hà Nội phải kiểm điểm trách nhiệm.

Nguồn tin cho biết các cán bộ trên đã có sai phạm trong việc để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng tại công trình 8B Lê Trực.

Đáng nói, ở nhiều giai đoạn xây dựng công trình 8B Lê Trực, Chủ tịch UBND phường Điện Biên, Đội trưởng, Đội phó và cán bộ Thanh tra Xây dựng quận Ba Đình nhiều lần “ngó lơ” trước công trình sai phạm, không ngăn chặn xử lý.

Sai phép chưa tháo dỡ, chủ tịch phường vẫn xác nhận

Thông tin cho biết trong giai đoạn từ tháng 3-2011 đến tháng 12-2012, khi chủ đầu tư công trình 8B Lê Trực thi công không có giấy phép xây dựng, vi phạm Luật Xây dựng nhưng các cơ quan nhà nước đã buông lỏng quản lý, không kiểm tra. Khi kiểm tra cũng không có biện pháp ngăn chặn.

Cụ thể, cơ quan thanh tra xác định trách nhiệm trong giai đoạn nêu trên thuộc về ông Trần Mạnh Quân - Chủ tịch UBND phường Điện Biên, ông Nguyễn Cương Quyết, Nguyễn Tiến Dũng - thanh tra viên Thanh tra xây dựng quận Ba Đình.

Chưa hết, trong giai đoạn từ tháng 3-2014 đến tháng 12-2014, cơ quan chức năng xác định có việc ông Trần Mạnh Quân - Chủ tịch UBND phường Điện Biên đã xác nhận vào thông báo khởi công xây dựng công trình của chủ đầu tư.

Từ đó, đã để chủ đầu tư tiếp tục xây dựng công trình, trong khi phần công trình đã xây dựng sai giấy phép chưa được chủ đầu tư phá dỡ.

Khi chủ đầu tư vẫn tiếp tục thi công công trình, chủ tịch UBND phường Điện Biên không ban hành quyết định đình chỉ thi công, không thực hiện các biện pháp ngăn chặn theo đề nghị của Đội Thanh tra xây dựng quận Ba Đình.

Còn Đội Thanh tra xây dựng Quận Ba Đình cũng không ban hành quyết định đình chỉ thi công, không thông báo cho UBND quận Ba Đình để xử lý theo quy định.

Thành phố Hà Nội xác định có việc từ tháng 3-2014 đến ngày 30-5-2014 các cơ quan quản lý nhà nước nêu trên đã buông lỏng quản lý, không có biện pháp ngăn chặn việc vi phạm tại công trình này.

Theo đó, trách nhiệm được xác định cũng thuộc về ông Trần Mạnh Quân - Chủ tịch UBND phường Điện Biên, ông Nguyễn Cương Quyết - Đội trưởng, ông Phạm Hùng Phương - Đội phó, ông Nguyễn Tiến Dũng - cán bộ Đội Thanh tra xây dựng quận Ba Đình.

Xây vượt tầng nhưng không xử lý

Tiếp nữa, trong giai đoạn thi công tầng 8 đến tầng 18, tức từ ngày 3-7-2014 đến tháng 10-2014, chủ đầu tư đơn vị tư vấn giám sát đã thi công không để khoảng lùi theo giấy phép, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước khi kiểm tra đã không phát hiện, ngăn chặn.

Cơ quan chức năng của Hà Nội xác định, trách nhiệm này thuộc về bốn ông: Trần Mạnh Quân, Nguyễn Cương Quyết, Phạm Hùng Phương và Nguyễn Tiến Dũng.

Thậm chí, trong giai đoạn thi công tầng 19 và tum, tức từ tháng 10-2014 đến tháng 12-2014, dù giấy phép cấp 18 tầng, cao 53m, nhưng thực tế có việc chủ đầu tư vẫn thi công tầng 19 và tum thang, tuy nhiên UBND phường Điện Biên không báo cáo UBND quận Ba Đình để có biện pháp xử lý.

Chưa hết, thực tế UBND phường Điện Biên không chấp hành yêu cầu của Thanh Tra Sở Xây dựng, không có báo cáo kiểm tra thực hiện về Thanh tra Sở để có biện pháp xử lý.

Hiện tại, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã chỉ đạo Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND quận Ba Đình kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức xử lý kỷ luật đối với tập thể, có nhân có sai phạm thuộc trách nhiệm quản lý, báo cáo đề xuất xử lý đối với cán bộ liên quan thuộc UBND TP quản lý.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục