tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh chiều 30-01-2016

  • Cập nhật : 30/01/2016

Kiểm soát tham nhũng để tăng GDP

Ngày 27-1, Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) công bố bảng xếp hạng Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2015, trong đó Việt Nam có chỉ số 31/100, xếp hạng thứ 112/168 quốc gia và vùng lãnh thổ.

tang truong kinh te se tot hon khi chong tham nhung co hieu qua. trong anh: hoat dong xuat nhap khau hang hoa qua cang bien cai cui (tp can tho) - anh: chi quoc

Tăng trưởng kinh tế sẽ tốt hơn khi chống tham nhũng có hiệu quả. Trong ảnh: hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng biển Cái Cui (TP Cần Thơ) - Ảnh: Chí Quốc

Như vậy, Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ về điểm số CPI trong bốn năm liên tiếp (từ năm 2012-2015, chỉ số CPI từ 0 là mức tham nhũng cao nhất và 100 là mức tham nhũng thấp nhất).

Tăng 1 điểm, 
tăng 0,4% GDP

Thực tế CPI không thay đổi chứng tỏ cuộc chiến chống tham nhũng ở nước ta chưa có chuyển biến tích cực, mức độ tham nhũng vẫn rất cao. Điều này đi liền với việc người dân Việt Nam thiếu tin tưởng vào hiệu quả của các nỗ lực phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.

Trong bản tham luận trình bày tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2015, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng tham nhũng và chi phí không chính thức đang trở thành những vấn đề nhức nhối, “ngáng chân” tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia và các tổ chức tài chính quốc tế, nếu chỉ số CPI tăng 1 điểm, điều này thể hiện rằng chính phủ, quốc gia đó đã ít tham nhũng hơn, tương đương với việc năng lực sản xuất của xã hội có thể tăng thêm khoảng 0,4% GDP. Rõ ràng tham nhũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống xã hội, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam.

Nếu tham nhũng ngày càng phát triển sẽ gây tâm lý bất ổn ở người dân và doanh nghiệp, tạo nên suy nghĩ trốn tránh nghĩa vụ đóng góp của mình cho xã hội, cho đất nước. Từ đó dẫn đến việc ngân quỹ nhà nước để tăng lương và xây dựng các chính sách chống tham nhũng cũng giảm theo, trở thành một vòng luẩn quẩn không có lối thoát.

Ngày 10-11-2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã biểu quyết và chính thức thông qua chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2016 với mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,7%. Chỉ số này được đưa ra dựa vào dự kiến tăng trưởng 6,5% GDP của báo cáo tăng trưởng năm 2015. Để có thêm 0,2% này, chúng ta phải huy động, sử dụng mọi nguồn lực để phục vụ cho tăng trưởng.

Có thể dự báo rằng nếu kiểm soát được tham nhũng ở mức độ nhất định, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ được cải thiện một cách cơ bản. Hiện nay, GDP của Việt Nam ước tính khoảng 200 tỉ USD, nếu chúng ta phấn đấu để tăng thêm 1 điểm trong bảng xếp hạng CPI, đồng nghĩa với việc nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng, thì mỗi năm kinh tế Việt Nam sẽ có thêm 0,4% GDP, tức là đất nước có thêm 0,8 tỉ USD/năm (khoảng 16.000 tỉ đồng).

Phá bỏ độc quyền, 
công khai thông tin

Để có những bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần tập trung giải quyết các nguyên nhân dẫn đến tham nhũng. Trước hết, cần phá bỏ tình trạng độc quyền trong quyền lực, quyền hạn và trong kinh doanh.

Độc quyền dẫn đến cơ chế xin - cho; cơ chế xin - cho là động lực dẫn đến hối lộ và tham nhũng. Lợi dụng độc quyền, một số người tự cho phép mình đồng nhất bản thân với định chế mà mình được giao nhiệm vụ đại diện, để rồi nhân danh lợi ích của chung mà ra những quyết định có lợi cho một bộ phận, một nhóm lợi ích để từ đó thu lợi cho bản thân.

Kế tiếp, cần luật hóa việc khai thác thông tin. Khi thông tin bị bưng bít nghĩa là chỉ một nhóm thiểu số người được biết và can thiệp vào các chính sách tín dụng, tài chính, ngân hàng, đầu tư các dự án, quá trình định giá cổ phần các doanh nghiệp..., đây là môi trường để tham nhũng càng có điều kiện sinh sôi, nảy nở. Khi ngân sách, kinh phí, thu chi không được công bố chi tiết cho dân chúng thì mua bao nhiêu, bán bao nhiêu, chi bao nhiêu, chẳng ai được biết.

Chính vì thế đã dẫn đến tình trạng hối lộ để biết thông tin. Chúng ta có cả một hệ thống các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhưng hoạt động của các cơ quan này chưa thật sự hiệu quả và cũng khó lòng hiệu quả khi tình trạng thiếu thông tin xác thực là phổ biến. Không rõ ràng về thông tin cũng ảnh hưởng đến việc đề bạt, cất nhắc cán bộ thiếu công khai, minh bạch, dễ dẫn đến tệ mua quan bán chức.

Bên cạnh đó, cần tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bổ sung thiết chế giám sát hoạt động thực thi quyền lực của cơ quan nhà nước, giúp tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng.


Đồng Nai đề nghị áp dụng cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp

Liên quan đến đề án khắc phục môi trường và chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1, UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Tài chính cho áp dụng cơ chế đặc thù vì nảy sinh nhiều vướng mắc trong chính sách di dời.

hien trang khu cong nghiep bien hoa 1, dong nai - anh: ha mi

Hiện trạng Khu công nghiệp Biên Hòa 1, Đồng Nai - Ảnh: HÀ MI

Theo giải thích của UBND tỉnh Đồng Nai là do đặc thù của dự án phải di dời toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp của cả khu công nghiệp, trong khi phần lớn doanh nghiệp đang còn hoạt động hoặc đã hoạt động ổn định.

Nếu Nhà nước không buộc di dời thì doanh nghiệp vẫn còn có thể sử dụng nhà xưởng, vật liệu kiến trúc, còn di dời mà bồi thường nhà, công trình xây dựng theo quy định hiện hành sẽ làm doanh nghiệp bị thiệt hại. Do đó, tỉnh Đồng Nai đề xuất cơ chế riêng về bồi thường, hỗ trợ doanh nghiệp để hoàn chỉnh đề án trình Thủ tướng.

Cụ thể, đối với doanh nghiệp di dời có thiệt hại về nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất sẽ được bồi thường bằng giá trị còn lại của máy móc thiết bị, nhà và công trình gắn liền với đất. Đối với máy móc thiết bị di dời sẽ được hỗ trợ toàn bộ chi phí tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt tại vị trí mới.

Tỉnh Đồng Nai còn đề nghị các bộ có chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ các doanh nghiệp di dời về chi phí di chuyển, ổn định sản xuất và chính sách trả lương cho người lao động ngừng việc, nghỉ việc...

Khu công nghiệp Biên Hòa 1 hoạt động gần 50 năm, gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm sông Đồng Nai, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp nước sạch cho TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương.

Tháng 2-2014, Thủ tướng đồng ý cho tỉnh Đồng Nai phê duyệt đề án chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị - dịch vụ - thương mại. Hiện tỉnh đã quy hoạch sử dụng đất tại vị trí đề án với diện tích gần 325ha.


Nhiều cơ quan 
của Khánh Hòa 
cải cách hành chính chưa tốt

Lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa cho biết việc chấm điểm, đánh giá để xếp hạng cải cách hành chính của từng đơn vị được thực hiện rất chặt chẽ. 

Theo kết quả xếp hạng cải cách hành chính năm 2015 vừa được UBND tỉnh Khánh Hòa công bố, trong 42 cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp toàn tỉnh được đánh giá thì có 12 đơn vị đạt loại tốt, 12 đơn vị xếp loại trung bình và một đơn vị xếp loại yếu.

Lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa cho biết việc chấm điểm, đánh giá để xếp hạng cải cách hành chính của từng đơn vị được thực hiện rất chặt chẽ.

Trong số mấy chục tiêu chí thuộc nhiều lĩnh vực được chấm điểm, đánh giá để xếp hạng thì kết quả xếp hạng về sự hài lòng của công dân đối với từng đơn vị, cơ quan hành chính nhà nước là một trong những tiêu chí quan trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả xếp hạng của mỗi cơ quan, đơn vị đó.

“Kết quả xếp hạng về sự hài lòng của công dân bao giờ cũng tỉ lệ thuận với xếp hạng về kết quả cải cách hành chính của từng cơ quan, đơn vị hành chính đã được đánh giá” - ông Nguyễn Trọng Thái, phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa, nói.


Táo tợn dùng búa cướp tiệm vàng ở Bình Dương

 Hai tên cướp đeo khẩu trang táo tợn vào một tiệm vàng tại Bình Dương rồi dùng búa uy hiếp chủ tiệm, đập vỡ cửa kính lấy đi nhiều dây chuyền và vòng đeo tay bằng vàng.

hien truong tiem vang bi cuop - anh: ba son

Hiện trường tiệm vàng bị cướp - ẢNH: BÁ SƠN

Ngày 28-1, Công an thị xã Tân Uyên, Bình Dương cho biết đã khám nghiệm hiện trường và đang truy lùng băng nhóm tạo tợn dùng búa gây ra vụ cướp tiệm vàng xảy ra cùng ngày trên địa bàn.Theo thông tin ban đầu, vụ cướp xảy ra vào khoảng 13g40 tại tiệm vàng Huỳnh Hoa 5, thuộc ấp 1, xã Hội Nghĩa, huyện Tân Uyên.

tu kieng dung vang bi dap be - anh: ba son

Tủ kiếng đựng vàng bị đập bể - ẢNH: BÁ SƠN

Theo trình báo của nạn nhân là ông Lâm Minh Diệu (51 tuổi, chủ tiệm vàng), qua kiểm đếm sơ bộ, số vàng bị mất gồm nhiều dây chuyền, vòng đeo tay… bằng vàng với số lượng tổng cộng hơn 10 lượng.

Làm việc với cơ quan công an, ông Diệu cho biết: vào thời điểm trên, khi ông đang trông tiệm vàng thì có hai thanh niên tới. Các thanh niên này đeo khẩu trang, bình thản bước vào tiệm giả như người mua vàng nhưng sau đó lại bất ngờ rút ra hai cây búa đập vỡ tủ kiếng rồi hốt vàng chạy ra ngoài.

Hai tên đồng bọn khác ngồi sẵn trên hai xe máy phía ngoài chờ. Khi nhóm trong tiệm cướp vàng ra thì cả bốn phóng xe chạy thoát. Vụ cướp vàng xảy ra chưa đầy một phút.

Ông Diệu kể khi ông dùng cây ném vào băng cướp thì nhóm này hô “Giết”. Con gái ông Diệu thấy vậy lo sợ băng cướp có hung khí nên khuyên ông Diệu không nên đuổi theo.

Tại hiện trường, băng cướp còn để rơi rải lại nhiều dây chuyền, vòng tay bằng vàng.

Công an thị xã Tân Uyên cho biết đang khoanh vùng đối tượng để truy bắt băng cướp táo tợn này. Người dân nào thấy các đối tượng khả nghi có thể điện tới số điện thoại  06503.656.254 để báo cho Công an thị xã Tân Uyên.


Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột thua kiện trường tiểu học

Ngày 29-1, TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm vụ hiệu trưởng Trường tiểu học dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) kiện quyết định hành chính của chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột.

truong tieu hoc dan lap nguyen binh khiem (tp buon ma thuot, dak lak). anh tu lieu.

Trường tiểu học dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Ảnh tư liệu.

Sau khi xem xét các chứng cứ liên quan và kết quả tranh tụng, HĐXX tuyên sửa án sơ thẩm và tuyên Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm thắng kiện.

HĐXX tuyên buộc chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột phải hủy quyết định thanh tra hoạt động tài chính của Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Ngoài ra, UBND TP Buôn Ma Thuột còn phải nộp 200.000 đồng tiền án phí phúc thẩm và trả 200.000 đồng án phí sơ thẩm lại cho hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Trước đó, như Tuổi Trẻ thông tin, tháng 9-2013, Trường tiểu học dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm lập tờ trình đề án chuyển đổi loại hình trường từ dân lập sang tư thục (được Thành đoàn TP Buôn Ma Thuột thành lập năm 1997).

Sau đó trường nhận quyết định thanh tra hoạt động tài chính nhà trường do chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột ký.

Cho rằng quyết định thanh tra của UBND thành phố là không đúng quy định, hiệu trưởng nhà trường đã phát đơn khởi kiện.

Ngày 29-9-2015, TAND TP Buôn Ma Thuột đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án này và kết luận Trường tiểu học dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức hoạt động dựa trên nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.

Trường không phải là cơ quan phụ thuộc của UBND TP Buôn Ma Thuột quản lý về bộ máy và ngân sách. Vậy nên việc UBND TP ra quyết định thanh tra toàn diện là không đúng với Luật thanh tra.

Quyết định là vậy nhưng TAND TP Buôn Ma Thuột lại bác đơn khởi kiện của hiệu trưởng Trường tiểu học dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm “vì việc thanh tra chưa tiến hành, chưa gây thiệt hại cho Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm”.

Do đó tòa không hủy quyết định thanh tra và buộc ông Nguyễn Đình Long - hiệu trưởng Trường tiểu học dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm nộp 200.000 đồng án phí sơ thẩm. Ông Long làm đơn kháng cáo bản án “không biết ai thắng, ai thua” này.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục