tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh chiều 23-11-2015

  • Cập nhật : 23/11/2015

Obama ủng hộ lập trường của Việt Nam ở Biển Đông

Tổng thống Mỹ trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề Biển Đông và thúc đẩy hợp tác song phương khi gặp bên lề hội nghị ASEAN tại Malaysia.
thu tuong nguyen tan dung, trai, gap tong thong my barack obama. anh:chinhphu.vn

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trái, gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh:Chinhphu.vn

Hai nhà lãnh đạo gặp chiều 21/11 bên lề hội nghị cấp cao ASEAN. Tổng thống Mỹ cho biết Washington ủng hộ lập trường của Việt Nam và cho rằng Việt Nam và các nước ASEAN cần có tiếng nói chung và tăng cường phối hợp giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các thoả thuận khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Mỹ đóng góp tích cực hơn nữa trong bảo đảm hòa bình ở Biển Đông, thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết. Quan điểm của Việt Nam là cần đàm phán đa phương giữa các nước có liên quan đến tranh chấp, các bên không quân sự hóa ở khu vực này. Việt Nam cũng nhắc lại việc ủng hộ việc thực thi đầy đủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) sau khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) tuyên bố có thẩm quyền xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Từ khi công bố đường lưỡi bò phi lý hồi 2009, Bắc Kinh gần đây đẩy mạnh việc cải tạo và xây dựng trái phép ở Trường Sa của Việt Nam. Nhiều nước đã lên tiếng chỉ trích hành động này, lo ngại Trung Quốc biến các đảo nhân tạo thành các căn cứ quân sự. Mỹ đã điều tàu đến tuần tra trong phạm vi 12 hải lý các đảo này, và tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện trong tương lai.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện với Mỹ một cách có hiệu quả. Ông cũng cảm ơn ông Obama nỗ lực cùng các nước kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tổng thống Mỹ cho hay hai nước cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để phê chuẩn và triển khai hiệu quả hiệp định này.


Kỳ vọng TP.HCM đi đầu cả nước về công nghệ sinh học

Ông Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội Các ngành sinh học VN đã phát biểu như trên tại Đại hội đại biểu Hội Sinh học TP.HCM, nhiệm kỳ 6 (2015 - 2020), diễn ra vào hôm qua 21.11.
Theo ông Hùng, Hội Sinh học cần tập trung giúp TP.HCM vươn lên, đi đầu cả nước về công nghệ sinh học (CNSH), với sự tham gia của các tập đoàn, công ty và hộ nông dân, bởi vai trò của CNSH rất lớn, không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn cả trong y học.
Trong nhiệm kỳ mới, Hội Sinh học TP.HCM đề ra phương hướng sẽ gắn bó chặt chẽ hơn nữa với hoạt động của các đơn vị như: Trung tâm CNSH TP, Khu nông nghiệp công nghệ cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM và các viện nghiên cứu, trường ĐH có liên quan đến lĩnh vực sinh học, CNSH.
Hội cũng khuyến khích và tạo điều kiện đưa các kết quả nghiên cứu của hội viên vào ứng dụng trong sản xuất và đời sống; hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc quảng bá, đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm sinh học, các quy trình công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Đồng thời, hội sẽ tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các dự án, chương trình kinh tế, xã hội có liên quan.
Đại hội đã bầu TS Dương Hoa Xô, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, kiêm Giám đốc Trung tâm CNSH TP làm Chủ tịch Hội Sinh học TP.HCM, nhiệm kỳ 6.

Gần 50.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại

Ngày 21.11, theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) từ đầu năm đến nay có gần 50.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại do ảnh hưởng của môi trường, thời tiết và các loại dịch bệnh (đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, đỏ thân...) trong tổng số trên 667.000 ha tôm thả nuôi.

Các tỉnh có diện tích tôm nuôi thiệt hại nhiều là Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... Mặc dù dịch bệnh trên tôm nuôi có chựng lại so với các năm trước nhưng tỷ lệ thiệt hại chiếm hơn 7,6% trên tổng diện tích tôm nuôi của cả nước. Theo cảnh báo của các địa phương, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ cả nước có khả năng bùng phát nếu không có giải pháp phòng bệnh hiệu quả.

Sắp tái khởi động dự án đường sắt sau vụ bê bối JTC

Dự án đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) phải tạm dừng triển khai từ tháng 4/2014 do ảnh hưởng từ việc nhà Tư vấn JTC (Nhật Bản) đưa hối lộ cho quan chức đường sắt tới đây sẽ được tái khởi động lại sau một thời gian dài “đắp chiếu”…

Được thiết kế kỹ thuật từ tháng 10/2009, tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội, tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi dài 15 km, được phê duyệt tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 19.459 tỷ đồng.

Trước khi xảy ra vụ JTC hối lộ 11 tỷ đồng cho các quan chức ngành đường sắt Việt Nam, dự án này đã giải ngân được 1.061 tỷ đồng, trong đó 691 tỷ đồng vốn ODA cho thiết kế kỹ thuật, 370 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng.

Quá trình thực hiện dự án, ngoài việc gặp rắc rối về vụ các quan chức ngành đường sắt nhận hối lộ của phía đơn vị tư vấn Nhật Bản JTC, việc xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 này của Hà Nội còn gặp một số vướng mắc về việc xây dựng cầu đường sắt bắc qua sông Hồng phục vụ việc chạy tàu từ Gia Lâm vào nội thành Hà Nội.

Theo thiết kế ban đầu, tuyến đường sắt này sẽ nâng cấp, sửa chữa cầu Long Biên hiện có để dùng cho tuyến đường sắt đô thị số 1 đi qua. Tuy nhiên, khi các phương án sửa chữa, nâng cấp cầu được đưa ra đã vấp phải sự phản đối của dư luận cho nên phương án sửa cầu không khả thi mà buộc phải xây dựng một cây cầu đường sắt khác bắc qua sông Hồng để phục vụ việc chạy tàu.

Đến đầu tháng 10 vừa qua, Bộ Giao thông đã kiến nghị Chính phủ phân kỳ giai đoạn 1 tập trung đầu tư khu tổ hợp Ngọc Hồi, ga Hà Nội, ga Giáp Bát với tổng mức đầu tư dự kiến 17.376 tỷ đồng. Giai đoạn 2 sẽ xây dựng tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - ga Hà Nội với tổng mức đầu tư hơn 28.800 tỷ đồng. Đoạn Hà Nội - Gia Lâm bao gồm cầu sông Hồng sẽ được phân kỳ giai đoạn tiếp theo.

Ngày 27/10 vừa qua, sau hai ngày xét xử, TAND TP Hà Nội đã công bố bản án với 6 bị cáo nguyên là cán bộ Ban quản lý các dự án Đường sắt VN về vụ nhận 11 tỉ đồng từ nhà thầu JTC Nhật Bản với mức án phạt từ 6-11 năm tù cho từng bị cáo.

Sau khi tòa án đưa ra xét sử vụ nhận hối lộ trên, tại cuộc họp mới đây về các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tái khởi động lại dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến số 1, đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi.

Theo ông Trường, các dự án khác đang trong giai đoạn nghiên cứu khả thi cũng sẽ được Bộ GTVT tích cực phối hợp với các nhà tài trợ để sớm hoàn thiện các thủ tục đầu tư. Các vướng mắc, khó khăn về nguồn vốn sẽ được Bộ GTVT báo cáo Chính phủ để có chỉ đạo thực hiện”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết thêm.

“Hiện nay Chính phủ Việt Nam đang đầu tư rất nhiều các dự án ĐSĐT tại hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh. Dó đó, cập nhật thường xuyên tình hình triển khai thực hiện các dự án ĐSĐT là rất quan trọng. Các tuyến ĐSĐT đều đi qua các khu dân cư đông đúc của thành phố, vì vậy khi thực hiện dư án, các chủ đầu tư phải có kế hoạch triển khai phù hợp, bảo đảm an toàn giao thông và không bị ùn tắc”, ông Trường nhấn mạnh.


Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia

Trong tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 10, cùng với việc thông qua hàng loạt dự luật, các nghị quyết, Quốc hội sẽ bầu Tổng thư ký Quốc hội và Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Theo chương trình, ngày 24/11 các đại biểu sẽ nghe tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc quyết định ngày bầu cử, thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Các Phó chủ tịch và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ được Quốc hội phê chuẩn sau khi có tờ trình của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

tuan lam viec cuoi cung, quoc hoi se quyet dinh ngay bau cu dai bieu quoc hoi khoa 14 va dai bieu hdnd cac cap nhiem ky 2016-2021. anh: giang huy.

Tuần làm việc cuối cùng, Quốc hội sẽ quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: Giang Huy.

Cùng ngày, Quốc hội cũng sẽ nghe và thảo luận về nhân sự dự kiến bầu vào chức danh Tổng thư ký Quốc hội. Theo Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, công việc của Tổng thư ký cũng giống như Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội hiện nay. Do hầu hết nước đã bỏ chức danh Chủ nhiệm và thay vào đó là Tổng thư ký nên việc Quốc hội bầu chức danh này là để cụ thể hóa Luật tổ chức Quốc hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cũng trong tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13, nhiều dự luật quan trọng sẽ được biểu quyết thông qua như: Bộ luật hình sự (sửa đổi); Tố tụng dân sự (sửa đổi); Tạm giữ, tạm giam; Trưng cầu ý dân; Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; Tổ chức cơ quan điều tra hình sự…

Quốc hội cũng sẽ tiếp tục thảo luận một số dự luật: Luật báo chí (sửa đổi); Luật về hội; Luật tiếp cận thông tin; Luật dược (sửa đổi).

Phiên bế mạc ngày 28/11 sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp đến cử tri và nhân dân cả nước.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục