tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh 29-10-2015

  • Cập nhật : 29/10/2015

Phó Thủ tướng: Phân bổ ngân sách gấp 4 lần cho xã khó khăn

 

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các bộ, ngành tìm cách phân bổ ngân sách Trung ương của năm 2016 gấp 4 lần hiện nay cho các xã khó khăn vùng biên giới, hải đảo, bãi ngang ven biển trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Sáng 27/10, Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo. Cùng tham dự có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát.

Cuộc họp đã thảo luận một số vấn đề như tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình đi liền với khen thưởng các tỉnh, huyện, xã có kết quả nổi bật trong xây dựng NTM; phân bổ nguồn lực thực hiện chương trình trong năm nay và năm 2016; sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí xã, huyện đạt chuẩn NTM.

Theo đó, các ý kiến bày tỏ nhất trí việc sửa đổi, bổ sung các chỉ tiêu, tiêu chí NTM để tránh sự lãng phí trong thực hiện nguồn lực thực hiện. Ví dụ không nhất thiết xã nào cũng phải có chợ hay có nhà sinh hoạt cộng đồng đúng quy chuẩn, xã vùng cao nào cũng phải có đường giao thông nội đồng khi mà diện tích đất canh tác manh mún, chia cắt...

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị việc sửa đổi tiêu chí, chỉ tiêu NTM sẽ thực hiện từ năm 2016 trở đi, nhưng trên nguyên tắc không hạ tiêu chuẩn NTM. Trong bộ tiêu chí quốc gia, cần có nhóm tiêu chí “cứng” (bắt buộc các địa phương phải thực hiện) và có nhóm tiêu chí “mềm” (địa phương được thực hiện linh hoạt). Đi liền với đó, các bộ, ngành ban hành hướng dẫn để các địa phương chủ động thực hiện.

Về nguồn lực thực hiện chương trình trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, NN&PTNT rà soát để bổ sung tăng thêm. Riêng trong năm 2016, Phó Thủ tướng đề nghị tập trung cho các xã nghèo vùng biên giới, hải đảo, bãi ngang ven biển gấp 4 lần hiện nay.

Đặc biệt, các bộ, ngành phải yêu cầu các địa phương không được huy động dân ở vùng này đóng góp tiền xây dựng NTM và ngược lại, phải có chính sách chi thêm vào thu nhập của người dân khi tham gia xây dựng các công trình nông thôn mới trên địa bàn.

Theo Bộ NN&PTNT, trong năm 2015 cần ưu tiên bố trí cho khoảng 3.184 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các xã nghèo. Mức hỗ trợ bình quân gấp khoảng 3 lần so với các xã không thuộc đối tượng ưu tiên với số tiền dự kiến là 2.229 tỉ đồng.

Ngoài ra, các bộ tiếp tục chỉ đạo các địa phương tích cực xử lý và không để nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM vì chạy theo thành tích.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý trong phân bổ ngân sách Trung ương xuống các địa phương, nơi nào cân đối được ngân sách thì Trung ương sẽ phân bổ ít đi, để tập trung cho các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn trong xây dựng NTM.

Cũng với các tỉnh ở miền núi, Phó Thủ tướng giao các bộ nghiên cứu việc xây dựng chỉ tiêu số lượng xã đạt chuẩn NTM vào năm 2020 tùy theo từng vùng, khu vực để tránh tình trạng “chỉ tiêu vượt quá khả năng thực hiện” của các tỉnh còn khó khăn này.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định, cả nước vẫn phải quyết tâm hướng tới mục tiêu 50% tổng số xã đạt chuẩn NTM trong 6 năm nữa.


Doanh nhân 30 tuổi làm quan chức Bộ Công thương

Xuất thân trong một gia đình và dòng họ kinh doanh vàng bạc nổi tiếng số 1 ở Hà Nội, ở tuổi 30, ông được bổ nhiệm làm Thư ký Bộ trưởng Bộ Công Thương cách đây gần 1 tháng.

Thậm chí, ông còn được giới thiệu là người phụ trách văn phòng bộ sau khi vị Chánh văn phòng ở đây chuyển công tác khác.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, sau khi ông Võ Thanh Hà, nguyên Chánh văn phòng Bộ Công Thương, nguyên thư ký Bộ trưởng Bộ Công Thương được điều động bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Rượu bia nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), ông Vũ Hùng Sơn, Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và thương mại của Bộ đã được bổ nhiệm giữ vị trí mới là thư ký Bộ trưởng.

Đồng thời, ông Sơn cũng được giao nhiệm vụ Phụ trách văn phòng Bộ Công Thương trong thời gian vị trí Chánh văn phòng Bộ còn trống. Tại nhiều sự kiện lớn của bộ này, ông Sơn cũng được giới thiệu chính thức là người phụ trách văn phòng Bộ Công thương.

Sinh năm 1984, năm nay 31 tuổi, ông Vũ Hùng Sơn là một hiện tượng tiêu biểu của xu thế trẻ hoá cán bộ trong đội ngũ công chức làm lãnh đạo hiện nay với con đường thăng tiến khá nhanh. Đặc biệt, ông cũng là một trường hợp nổi bật khi bước chân từ thương trường vào chính trường.

Ông Vũ Hồng Sơn là con ông Vũ Mạnh Hải. Nhà ông Hải cũng có một thương hiệu kinh doanh vàng bạc có tiếng là Bảo Tín Mạnh Hải.

Năm 2011-2012, ông Vũ Hùng Sơn là chủ một công ty chuyên nhập khẩu xe siêu sang nổi tiếng ở Hà Nội là Sơn Tùng Auto.

Sau đó, ông Sơn đã trở thành Phó Tổng biên tập Báo Đời sống và tiêu dùng. Đây là một tờ báo còn khá trẻ, ít được nhiều người biết đến, mới thành lập năm 2011 của Hiệp hội chè Việt Nam.

Đến tháng 6/2014, khi tròn 30 tuổi, ông Sơn giữ chức danh Phó Tổng biên tập Tạp chí Công Thương.

Tháng 2/2015, ông trở thành Giám đốc Trung tâm Thông tin và Công nghiệp của Bộ Công Thương nhờ trúng tuyển trong kỳ thi tuyển chức danh lãnh đạo của Bộ này. Chỉ 6 tháng sau, ông đã hiện là thư ký Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Như vậy, thời gian từ khi rời bỏ thương trường để bước chân vào chính trường của ông Sơn có bề dày chưa đến 5 năm. Với tuổi còn rất trẻ, nhiều ý kiến nhìn nhận, tương lai quan trường của ông Sơn có thể sẽ còn có nhiều cơ hội thăng tiến hơn nữa.


Hơn 10.000 vụ trộm điện được phát hiện, truy thu 60 tỷ đồng

Trong số những vụ ăn cắp điện xảy ra trên cả nước, Tổng công ty Điện lực miền Nam truy thu nhiều nhất; trên 1,6 triệu kWh với gần 18 tỷ đồng.

Theo thường trực Ban chỉ đạo giảm tổn thất điện năng EVN, 9 tháng qua, trong 5 tổng công ty điện lực trực thuộc, Tổng công ty Điện lực miền Trung phát hiện hơn 8.500 vụ trộm cắp điện, truy thu gần 1,4 triệu kWh với gần 14 tỷ đồng.

Tổng công ty điện lực miền Bắc có gần 3.000 vụ, truy thu trên 5 triệu kWh với gần 14 tỷ đồng. Tiếp đến là Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) 1.651 vụ, truy thu trên 1,6 triệu kWh với gần 18 tỷ đồng. Tổng công ty Điện lực TP HCM cũng có hơn 1.076 vụ, truy thu 3,3 triệu kWh với gần 9 tỷ đồng... Tổng cộng có gần 60 tỷ đồng được truy thu từ hành vi này.

Theo Tổng công ty Điện lực miền Nam, các thủ đoạn ăn cắp điện bị phát hiện gần đây gồm: câu trực tiếp trước công tơ không qua hệ thống đo đếm; can thiệp trực tiếp vào bên trong công tơ làm sai lệch hệ thống đo đếm... Bên cạnh đó, còn có các chiêu thức tinh vi như dùng các thiết bị bên ngoài đảo sơ đồ đấu dây, dùng máy tạo dòng, nam châm cực mạnh... để sản lượng điện năng qua hệ thống đo đếm không đủ.

"Hành vi sử dụng nam châm để ăn cắp điện rất khó bị phát hiện vì vật chứng vi phạm dễ phi tang, trong khi loại nam châm này đang bày bán tự do trên thị trường", đại diện công ty nói.

Cũng theo đơn vị này, nhờ áp dụng việc giám sát sử dụng điện thông qua hệ thống đo ghi từ xa trạm chuyên dùng đã giúp phát hiện cảnh báo các trường hợp bất thường. Đồng thời, tăng cường kiểm tra hiệu suất trạm công cộng có tổn thất cao; kiểm tra chỉ số tiêu thụ điện năng hàng tháng bất thường từ chương trình quản lý để phát hiện khách hàng nghi vấn...


Thủ tướng: Việt Nam luôn ưu tiên hợp tác với Liên Hợp Quốc

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm nay dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Liên Hợp Quốc tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Hà Nội, khẳng định Việt Nam luôn coi hợp tác với tổ chức này là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại.
thu tuong nguyen tan dung phat bieu tai le ky niem 70 nam ngay thanh lap lien hop quoc. anh: quy doan.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Liên Hợp Quốc. Ảnh: Quý Đoàn.

Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Liên Hợp Quốc, do Bộ Ngoại giao phối hợp với Văn phòng Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, tổ chức hôm nay tai Trung tâm Hội nghị Quốc tế Hà Nội.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam luôn coi hợp tác với Liên Hợp Quốc là ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Hai bên sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ trên các lĩnh vực hợp tác phát triển, gìn giữ hòa bình, giải quyết xung đột, bảo đảm an ninh, các vấn đề toàn cầu. Việt Nam sẵn sàng tham gia tích cực và đóng góp thiết thực, hiệu quả hơn nữa vào các hoạt động trên toàn cầu của Liên Hợp Quốc.

Thủ tướng đề nghị Liên Hợp Quốc cần đẩy nhanh tiến trình cải tổ, đáp ứng lợi ích của các nước thành viên, tăng cường chính sách, nguồn lực hỗ trợ giải quyết tình trạng bất bình đẳng xã hội, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy phát triển "kinh tế xanh", tạo cơ sở bền vững cho hòa bình, an ninh và phát triển.

Hội đồng Bảo an cũng cần sớm cải tổ theo hướng mở rộng thành viên và đổi mới phương pháp làm việc nhằm đối phó hiệu quả với những thách thức toàn cầu về hòa bình và an ninh quốc tế.

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, hoan nghênh sự tham gia tích cực và vai trò của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc trong gần 40 năm qua. Bà khẳng định Liên Hợp Quốc sẽ sát cánh cùng Việt Nam trong tương lai nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện, công bằng và bền vững.

Tại lễ kỷ niệm còn diễn ra triển lãm ảnh trưng bày hình ảnh về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc qua nhiều thời kỳ khác nhau, từ những ngày đầu viện trợ nhân đạo, phục hồi và tái thiết, cải cách toàn diện đến quá trình thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững.


Ông Phạm Vũ Hồng giữ chức chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang

Sáng 28-10, Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang đã tổ chức kỳ họp bất thường, bầu ông Phạm Vũ Hồng - phó bí thư tỉnh ủy, phó chủ tịch UBND tỉnh - giữ chức chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016.

ong pham vu hong - tan chu tichubnd tinh kien giang - anh: n.trieu

Ông Phạm Vũ Hồng - tân chủ tịchUBND tỉnh Kiên Giang - Ảnh: N.Triều

Ông Phạm Vũ Hồng sinh năm 1961 (quê quán xã Đông Thạnh B, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang), có trình độ kỹ sư thuỷ nông, cao cấp lý luận chính trị.

Ông Hồng từng là bí thư Thành ủy TP Rạch Giá, phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang và vừa được Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2015-2020 bầu giữ chức phó bí thư tỉnh ủy.

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Kiên Giang cũng đã miễn nhiệm chức vụ chủ tịch UBND tỉnh và cho thôi làm đại biểu HĐND tỉnh đối với ông Lê Văn Thi.

Trước khi làm chủ tịch UBND tỉnh, ông Thi là thiếu tướng, giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang. Sau khi được miễn nhiệm, ông Thi sẽ nhận công tác tại Ban nghiên cứu chuyên đề giúp việc bộ trưởng Bộ Công an.

Ngoài ra, kỳ họp cũng đã miễn nhiệm chức phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đối với ông Nguyễn Thanh Nghị (đã được bầu giữ chức bí thư tỉnh ủy) và ông Đặng Công Huẩn (đã được điều động giữ chức Phó tổng thanh tra chính phủ)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục